Lòng yêu mến của cha Matteo Ricci
đối với dân tộc Trung Hoa
là nguồn cảm hứng lâu bền...
Tiếp kiến chung của Ðức Thánh cha: Lòng yêu mến của cha Matteo Ricci đối với dân tộc Trung Hoa là nguồn cảm hứng lâu bền...
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (RVA News 01-06-2023) - Sáng thứ Tư, ngày 31 tháng Năm năm 2023, gần 20,000 tín hữu hành hương từ các nơi đã đến tham dự buổi tiếp kiến chung hằng tuần của Ðức Thánh cha Phanxicô, lúc gần 9 giờ.
Như thường lệ, sau lời chào phụng vụ mở đầu của Ðức Thánh cha, mọi người nghe đọc một đoạn Sách thánh bằng tám thứ tiếng. Ðó là một đoạn trích từ thư thứ nhất của thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Côrintô (9,19-20.22.23), đoạn thứ 9:
"Tuy là người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người. Với người Do thái, tôi đã trở nên Do thái, để chinh phục người Do thái... Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục người yếu; Tôi đã trở nên mọi sự cho mọi người để cứu một số người bằng mọi cách. Vì Tin mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin mừng".
Bài giáo lý
Trong bài huấn dụ tiếp đó, Ðức Thánh cha tiếp tục loạt bài giáo lý về "sự hăng say loan báo Tin mừng: lòng nhiệt thành tông đồ của tín hữu". Bài thứ mười lăm này mang tựa đề: "Các chứng nhân: Ðấng đáng kính Matteo Ricci". Ngài có tên tiếng Hoa là "Lợi Mã Ðậu", sống vào thế kỷ XVI và XVII, đang được Giáo hội cứu xét án phong chân phước. Ngày 17 tháng Mười Hai năm 2022, Bộ Phong thánh đã công bố sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của cha, sau khi được Ðức Thánh cha chấp thuận.
Mở đầu bài huấn dụ, Ðức Thánh cha nói:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm nay tôi muốn giới thiệu một mẫu gương lớn khác về lòng nhiệt thành tông đồ, đó là cha Matteo Ricci.
Thân thế
Cha nguyên quán tại Macerata, miền Marche, [Trung Ý]. Sau khi học tại trường của các cha dòng Tên và gia nhập dòng này ở Roma, Matteo phấn khởi vì những bản tường trình của các thừa sai. Như nhiều người trẻ khác, cha đã xin được gửi đi truyền giáo tại Viễn Ðông. Sau những cố gắng của cha Phanxicô Xaviê, đã có 25 tu sĩ dòng Tên khác cũng tìm cách vào Trung Quốc, nhưng không thành công. Tuy nhiên, cha Ricci và một bạn cùng dòng đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, nghiên cứu ngôn ngữ và các phong tục của người Hoa, và sau cùng đã thành công trong việc định cư ở miền nam nước này. Cha đã mất 18 năm trời, qua bốn giai đoạn, tại các thành phố khác nhau, mới tới được Bắc Kinh. Với lòng kiên trì và nhẫn nại, với niềm tin không lay chuyển, cha Matteo Ricci đã có thể vượt qua những khó khăn và nguy hiểm, nghi kỵ và chống đối.
Ðối thoại, thân hữu và hội nhập
Cha đã luôn theo con đường đối thoại và thân hữu với tất cả mọi người cha gặp, và điều này đã mở ra cho cha nhiều cánh cửa để loan báo đức tin Kitô. Tác phẩm đầu tiên của cha bằng tiếng Hoa chính là cuốn về tình bằng hữu, và đã có tiếng vang lớn. Ðể hội nhập vào nền văn hóa và đời sống Trung Hoa trong giai đoạn đầu, cha mặc y phục như các tăng sĩ Phật giáo, rồi cha hiểu con đường tốt hơn chính là chấp nhận lối sống và y phục của các văn nhân. Cha học hỏi sâu rộng về các tác phẩm cổ điển, để có thể trình bày Kitô giáo trong cuộc đối thoại tích cực với triết lý Khổng giáo của họ và những phong tục tập quán của xã hội Trung Hoa. Theo thể thức tương tự, trong những thế kỷ đầu tiên của Giáo hội, các Giáo phụ cũng đã biết "hội nhập đức tin Kitô vào văn hóa" trong cuộc đối thoại với văn hóa Hy Lạp.
Chuẩn bị về mặt khoa học
Sự chuẩn bị rất tốt của cha Ricci về mặt khoa học đã khơi dậy sự chú ý và ngưỡng mộ từ giới trí thức, bắt đầu từ bản đồ thế giới nổi tiếng của cha, bản đồ toàn thế giới được biết đến hồi đó, với những đại lục khác nhau, lần đầu tiên tỏ cho người Hoa một thực tại bên ngoài Trung Quốc, rộng lớn hơn nhiều so với những gì họ nghĩ. Và cả những kiến thức toán học và thiên văn học của cha Ricci và các thừa sai môn đệ của cha cũng góp phần vào cuộc gặp gỡ phong phú giữa văn hóa và khoa học Tây phương với Ðông phương, bấy giờ đang trải qua một trong những thời kỳ hạnh phúc nhất, dưới dấu hiệu đối thoại và thân hữu. Thực vậy, công trình của cha Matteo Ricci sẽ không bao giờ có thể hiện thực, nếu không có sự cộng tác của các bạn thân người Hoa của cha, như tiến sĩ Phaolô Từ Quang Khải (Xu Guangqi), và tiến sĩ Leone Lý Chi Tảo (Li Zhizao).
Ðộng lực sâu xa
Tuy nhiên, tiếng tăm của cha Ricci như một nhà khoa học không được làm lu mờ động lực sâu xa nhất trong tất cả những cố gắng của cha, đó là loan báo Tin mừng. Uy tín cha đạt được nhờ cuộc đối thoại khoa học mang lại cho cha thế giá để trình bày chân lý đức tin và luân lý Kitô, mà cha nói về một cách sâu xa trong những tác phẩm chính của cha bằng tiếng Hoa, như cuốn "Ý nghĩa đích thực của Chúa Trời". Ngoài đạo lý, còn có chứng tá cuộc sống tôn giáo, nhân đức và cầu nguyện, lòng bác ái, khiêm tốn và sự hoàn toàn không màng tới những vinh dự và giàu sang, khiến cho nhiều môn đệ và bạn hữu người Hoa của cha đã đón nhận đức tin Công giáo.
Trong những ngày cuối đời, với những người thân cận nhất, khi họ hỏi cha cảm thấy thế nào, cha Ricci trả lời rằng "cha đang nghĩ tới lúc vui mừng hân hoan nhất mà cha cảm thấy trong lòng, nghĩ mình đang đến gần con đường hưởng Thiên Chúa, hay nghĩ mình buồn sầu vì phải bỏ lại các bạn trong toàn giáo điểm truyền giáo mà cha rất yếu mến, và nghĩ đến việc phục vụ mà cha còn có thể làm cho Thiên Chúa chúng ta trong sứ mạng này" (S. De URSIS, tường trình về cha M. Ricci, Văn khố sử học Roma S.I). Ðó cũng là thái độ của thánh Phaolô tông đồ (Xc Phl q1,22-24) tổng hợp tình yêu Thiên Chúa và lòng nhiệt thành truyền giáo.
Cha Matteo Ricci qua đời tại Bắc Kinh năm 1610, lúc 57 tuổi, kiệt lực vì những vất vả truyền giáo, đặc biệt vì luôn sẵn sàng đón tiếp các khách viếng thăm. Họ tìm kiếm cha trong mọi lúc để được hưởng sự khôn ngoan và những lời khuyên của cha. Cha là người ngoại quốc đầu tiên mà Hoàng Ðế cho phép được an táng trên đất Trung Hoa.
Và Ðức Thánh cha kết luận rằng: "Trong viễn tượng Công đồng chung Vatican II, tinh thần và phương pháp truyền giáo của cha Matteo Ricci là một mẫu gương sống động và thời sự. Lòng yêu mến của cha đối với dân tộc Trung Hoa, được thể hiện cụ thể trong tình bạn, được người Hoa thân tình đáp lại, vẫn còn là nguồn cảm hứng lâu bền không những cho mọi tương quan giữa Giáo hội Công giáo và Trung Quốc, nhưng còn giữa văn hóa Tây phương và văn hóa Trung Hoa, để những người nam nữ thuộc mọi nước có thể sống như anh chị em với nhau."
Chào thăm và kêu gọi
Sau bài huấn giáo của Ðức Thánh cha, buổi tiếp kiến được nối tiếp với phần tóm tắt bài giáo lý và những lời chào thăm của ngài.
Khi chào các tín hữu nói tiếng Pháp, Ðức Thánh cha đặc biệt nhắc đến các tín hữu hành hương từ Gabon bên Phi châu, từ Dijon bên Pháp và từ đảo La Réunion, cũng như các học sinh các trường thánh Giuse và Thánh Giá ở Neuilly. Ngài nói: "Chúa sai chúng ta đi loan báo Tin mừng thương xót của Thiên Chúa cho tất cả mọi người. Chúng ta hãy cầu xin ơn dùng cuộc đời chúng ta, noi gương cha Matteo Ricci, để làm chứng tá đức tin đáng tin cậy qua tình huynh đệ và tình bạn với tất cả mọi người".
Với các tín hữu nói tiếng Anh, Ðức Thánh cha nhắc đến các nhóm đến từ Anh, đảo Malta, Nigeria bên Phi châu, Indonesia, Malaysia và Mỹ và đặc biệt chào đông đảo các nhóm sinh viên đại học. Ðức Thánh cha cầu xin Chúa Giêsu Kitô ban niềm vui và an bình trên họ và toàn thể thân quyến của họ.
Khi chào các tín hữu Ba Lan, Ðức Thánh cha nói: "Trong khi tôi cầu xin các hồng ân của Chúa Thánh Linh được ban xuống cho mỗi người trong anh chị em, tôi phó thác anh chị em cho sự bảo trợ của Ðức Mẹ Nữ Vương Ba Lan, và chân thành chúc lành cho anh chị em. Tôi cũng nghĩ đến những người trẻ tụ tập tại các cánh đồng Lednica, thứ Bảy đầu tháng Sáu này, tham dự cuộc gặp gỡ giới trẻ có chủ đề là: "Hãy bước theo Chiên Con". Ước gì sự suy tư về mầu nhiệm Thánh Thể giúp mọi người tái chọn lựa Chúa Kitô, đón nhận Chúa trong tâm hồn.
Bằng tiếng Ý, Ðức Thánh cha chào thăm cách riêng các nữ tu Dòng Phan Sinh thánh Clara Thánh Thể, đang cử hành Tổng Tu nghị, trường Trung học Công giáo Vipava bên Slovenia. Ngài cũng chào các chủng sinh thuộc Giáo hoàng Chủng viện miền Puglia, các bạn trẻ thuộc hiệp hội "Những chim én hòa bình", chuyên dấn thân góp phần làm giảm bớt những xung đột võ trang trên thế giới, ở thành Arezzo, được Ðức cha Andrea Migliavacca hướng dẫn. Ðức Thánh cha cám ơn những người đến từ Ucraina và Nga, cũng như từ các nước khác đang có chiến tranh, đã quyết định không trở thành kẻ thù của nhau, nhưng sống như anh chị em với nhau. "Ước gì gương của anh chị em có thể khơi lên những quyết tâm hòa bình nơi mọi người, cả những người đang có trách nhiệm chính trị."
Sau cùng, như thường lệ, Ðức Thánh cha nói: "Tôi nghĩ đến các bạn trẻ, bệnh nhân và người cao tuổi cũng như các đôi tân hôn. Hôm nay là ngày cuối tháng Năm, Giáo hội cử hành lễ Ðức Mẹ thăm viếng bà chị họ Elisabeth. Người ta gọi Mẹ Maria là người có phúc vì đã tin nơi Lời Chúa (Xc Lc 1,45). Anh chị em hãy nhìn lên Mẹ và khẩn cầu Mẹ ơn đức tin ngày càng can đảm. Chúng ta hãy phó thác cho sự chuyển cầu của Ðức Mẹ những người đang bị thử thách vì chiến tranh, đặc biệt là Ucraina đau thương, đang chịu khổ đau rất nhiều".
Buổi tiếp kiến kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Ðức Thánh cha.