Ðức Thánh cha cầu mong Hội nghị G-7

nỗ lực đạt tới an ninh toàn diện

 

Ðức Thánh cha cầu mong Hội nghị G-7 nỗ lực đạt tới an ninh toàn diện.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 20-05-2023) - Ðức Thánh cha Phanxicô cầu mong Hội nghị Thượng đỉnh của bảy cường quốc kinh tế, gọi là G-7, nhóm họp tại Hiroshima Nhật Bản, quan tâm đạt tới một nền an ninh toàn diện và loại trừ võ khí hạt nhân.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây, trong thư gửi đến Ðức cha Alexis-Mitsuru Shirahama, Giám mục Giáo phận Hiroshima, được phòng báo chí Tòa Thánh phổ biến, hôm 20 tháng Năm năm 2023.

Trong thư, Ðức Thánh cha nhắc lại cuộc viếng thăm của ngài hồi năm 2019 và cầu nguyện trong thinh lặng trước đài tưởng niệm hòa bình tại Hiroshima. Ngài tái khẳng định xác tín của Tòa Thánh, rằng "việc sử dụng năng lượng hạt nhân vào những mục tiêu chiến tranh, ngày nay hơn bao giờ hết, là một tội ác không những chống lại con người và nhân phẩm, nhưng còn chống lại mọi khả thể tương lai trong căn nhà chung của chúng ta (Dv 24-11-2019).

"Hiện nay, những người nam nữ trách nhiệm đang lo âu nhìn đến tương lai ấy, đặc biệt theo sau kinh nghiệm của chúng ta về đại dịch hoàn cầu và sự tiếp tục các cuộc xung đột võ trang tại nhiều miền, trong đó có cuộc chiến tranh tàn phá đang xảy ra trên đất Ucraina. Những biến cố gần đây càng cho thấy rõ chỉ khi nào cùng nhau, trong tình huynh đệ và liên đới, gia đình nhân loại chúng ta mới có thể tìm cách săn sóc các vết thương và kiến tạo một thế giới công bằng và hòa bình".

Ðức Thánh cha cũng nhận xét rằng hiện nay việc tìm kiếm hòa bình có liên hệ chặt chẽ với nhu cầu an ninh. "An ninh này phải có tính cách toàn diện, có khả năng bao gồm những vấn đề như được lương thực và nước, tôn trọng môi trường, trợ giúp y tế, các nguồn năng lượng và phân phối công bằng các tài nguyên thế giới."

Ðức Thánh cha viết thêm rằng: "Hiroshima, như "biểu tượng ký ức", mạnh mẽ nêu rõ sự không thích hợp của các võ khí hạt nhân để đáp lại hữu hiệu những đe dọa lớn ngày nay đối với hòa bình và bảo đảm an ninh quốc gia và quốc tế. Chỉ cần cứu xét ảnh hưởng thảm họa của việc sử dụng võ khí hạt nhân về mặt con người và môi trường, cũng như sự phung phí các tài nguyên nhân sự và kinh tế vào việc sản xuất các võ khí ấy. Chúng ta cũng không được coi nhẹ những hậu quả trường kỳ của bầu không khí sợ hãi và nghi ngờ do việc sử hữu các võ khí hạt nhân. Nó cản trở sự gia tăng bầu không khí tín nhiệm và đối thoại với nhau. Trong bối cảnh ấy, các võ khí hạt nhân và các võ khí tàn sát tập thể khác là một yếu tố gia tăng rủi ro nguy hiểm, nó chỉ mang lại một ảo tưởng hòa bình".

(Rei 20-5-2023)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page