Ðức Thánh cha cử hành thánh lễ tại Budapest

 

Ðức Thánh cha cử hành thánh lễ tại Budapest.

G. Trần Ðức Anh, O.P.


Ðức Thánh cha cử hành Thánh Lễ tại Quảng trường Kossuth Lajos, nơi trung tâm thủ đô Budapest.


Budapest (RVA News 30-04-2023) - Chúa nhật, ngày 30 tháng Tư năm 2023 là ngày chót trong ba ngày viếng thăm của Ðức Thánh cha Phanxicô tại Hungary: Ngài chỉ có hai hoạt động chính: Trước hết là thánh lễ trọng thể ban sáng Ðức Thánh cha cử hành tại Quảng trường Kossuth Lajos, nơi trung tâm thủ đô Budapest. Sau đó vào ban chiều Ðức Thánh cha đến Phân khoa Tin học và sinh học kỹ thuật thuộc Ðại học Công giáo Peter Pazmány, để gặp gỡ giới văn hóa.

Ðức Thánh cha cử hành thánh lễ tại Budapest

Lúc 8 giờ 40 phút sáng, Ðức Thánh cha rời Tòa Sứ thần Tòa Thánh để đến Quảng trường Lajos Kossuth, mang tên vị anh hùng quốc gia Hungary đã khởi xướng cuộc cách mạng năm 1848. Tại quảng trường chính này của quốc gia, có trụ sở quốc hội, biểu tượng thủ đô, và Viện bảo tàng nhân chủng học, Bộ canh nông và phát triển nông thôn.

Ðến quảng trường vào lúc 9 giờ, Ðức Thánh cha đã dành 15 phút đi xe mui trần tiến qua các lối đi để chào thăm các tín hữu, trước khi vào nhà mặc phẩm phục phụng vụ để bắt đầu thánh lễ lúc 9 giờ 30.

Hiện diện tại quảng trường, có cả Tổng thống, Thủ tướng, các giới chức chính quyền Hungary, và ngoại giao đoàn, cùng với các phái đoàn các Giáo hội Kitô và tôn giáo bạn, đặc biệt là cộng đồng Do thái. Trong số 50,000 tín hữu tham dự, cũng có những tín hữu đến từ các nước láng giềng.

Ðồng tế với Ðức Thánh cha, có tất cả các giám mục của 17 giáo phận toàn quốc Hungari, các hồng y và giám mục trong đoàn tùy tùng của Ðức Thánh cha, cùng với khoảng 500 linh mục.

Bài giảng của Ðức Thánh cha

Trong bài giảng thánh lễ, Ðức Thánh cha diễn giải bài Tin mừng của Chúa nhật thứ IV sau Phục sinh, nói về Chúa Giêsu là Mục Tử nhân lành đã đến "để chiên được sống và sống dồi dào" (Ga 10,10), Mục Tư hiến mạng sống mình vì đoàn chiên, Người đã đến tìm kiếm chúng ta trong khi chúng ta còn lạc mất.

Ðức Thánh cha đặc biệt dừng lại tại hai hành động của Chúa: Ngài gọi chúng ta và dẫn chúng ta ra ngoài.

Trước hết, Mục Tử "kêu gọi các chiên của mình" (v.3).

Ðức Thánh cha nói: "Ðầu lịch sử ơn cứu độ của chúng ta, có tiếng gọi của Thiên Chúa. Chúa muốn tập hợp chúng ta, Chúa ân cần quan tâm đối với mỗi người chúng ta, lòng thương xót dồi dào của Ngài muốn cứu vớt chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết để ban cho chúng ta sự sống dồi dào và niềm vui vô biên. Chúa Giêsu đã đến như Mục Tử nhân lành của nhân loại để kêu gọi và dẫn chúng ta về nhà. Vậy chúng ta, với lòng biết ơn, chúng ta có thể nhớ đến tình thương của Chúa đối với chúng ta, là những kẻ trước đây đã xa lạc Chúa", như thánh Phêrô đã viết trong thư thứ I: "Trước đây, anh chị em như con chiên lưu lạc, nhưng giờ đây anh chị em được dẫn trở về với người chăn dắt và giữ gìn linh hồn anh chị em" (1 Pr 2, 25). Và ngày nay, nơi mỗi hoàn cảnh của cuộc sống, trong những gì anh chị em mang trong tâm tư, trong những lạc hướng ngỡ ngàng, sợ hãi, trong cảm thức thất bại nhiều khi chúng ta gặp phải, trong 'nhà tù của buồn sầu' có thể giam hãm chúng ta, Chúa đều kêu gọi chúng ta. Chúa đến như Mục Tử nhân lành và kêu gọi đích danh chúng ta, để nói với chúng ta rằng chúng ta thật quí giá đối với Ngài. Chúa đến chăm sóc các vết thương và gánh lấy những yếu đuối của chúng ta, để tập hợp chúng ta trong sự hiệp nhất nơi chuồng chiên của Ngài và làm cho chúng ta trở nên những thân nhân trong gia đình của Chúa Cha và giữa chúng ta với nhau".

Áp dụng vào thực tại

Và Ðức Thánh cha nhắn nhủ rằng: "Anh chị em, trong khi ở đây sáng nay, chúng ta cảm thấy niềm vui được làm dân thánh của Thiên Chúa: tất cả chúng ta được khai sinh từ ơn gọi của Chúa; chính Chúa đã triệu tập chúng ta và vì thế chúng ta là dân của Ngài, là đoàn chiên, là Giáo Hội của Chúa... Tuy có những khác biệt giữa chúng ta, thuộc các cộng đoàn khác nhau, nhưng tình yêu bao la của Chúa tập họp tất cả chúng ta trong vòng tay của Ngài. Thật là đẹp vì được tập hợp với nhau: các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân; và thật là đẹp vì được chia sẻ niềm vui này với các phái đoàn đại kết Kitô, các vị lãnh đạo Cộng đoàn Do thái, các đại diện của các tổ chức dân sự và ngoại giao đoàn. Ðây là đặc tính Công giáo: tất cả chúng ta là các Kitô hữu được vị Mục Tử nhân lành gọi đích danh, chúng ta được kêu gọi đón nhận và thông truyền tình thương của Chúa, và làm cho chuồng chiên của Ngài bao gồm mọi người và không bao giờ loại trừ. Vì thế, tất cả chúng ta được kêu gọi vun trồng những tương quan thân hữu và cộng tác, không chia rẽ giữa chúng ta, không coi cộng đoàn của chúng ta như một môi trường dành riêng, mỗi người không lo bảo vệ không gian của mình, trái lại, cởi mở đối với tình thương yêu nhau".

Dẫn ra ngoài

Sang đến điểm thứ hai: Mục Tử dẫn chiên ra ngoài (Ga 10,3). Ðức Thánh cha nói: "Trước tiên, chúng ta được tụ tập trong gia đình của Thiên Chúa để họp thành Dân của Ngài, rồi chúng ta được sai đi trong thế giới để trở thành những người loan báo Tin mừng can đảm, không sợ hãi, trở thành những chứng nhân về tình thương của Ðấng đã sinh ra chúng ta.... Tất cả chúng ta hãy nhớ rằng: tất cả, không trừ một ai, chúng ta đều được kêu gọi ra khỏi môi trường tiện nghi, thoải mái của mình và có can đảm đi tới mọi khu ngoại ô, đang cần ánh sáng của Tin mừng (Xc EG 20).

Và Ðức Thánh cha nhắn nhủ rằng: "Anh chị em, "đi ra ngoài" có nghĩa là mỗi người chúng ta, trở thành một cánh cửa mở rộng, như Chúa Giêsu. Thật là đau buồn khi thấy những cánh cửa đóng kín: những cánh cửa đóng kín do sự ích kỷ của chúng ta đối với người đi cạnh chúng ta mỗi ngày; những cánh cửa đóng kín do thái độ cá nhân chủ nghĩa trong một xã hội có nguy cơ co rút lại trong cô độc; những cánh cửa khép kín do thái độ dửng dưng của chúng ta đối người đang đau khổ và nghèo đói; những cánh cửa khép kín đối với người nước ngoài, người khác biệt, người di dân và người nghèo. Và thậm chí, những cánh cửa khép kín của các cộng đoàn Giáo hội chúng ta: khép kín giữa chúng ta, khép kín đối với thế giới, đối với những người "không hợp lệ", người khao khát ơn tha thứ của Chúa. Xin anh chị em hãy vui lòng mở cửa! Chúng ta hãy cố gắng trở thành những cánh cửa mở như Chúa Giêsu, bằng lời nói, cử chỉ và hoạt động hằng ngày: một cánh cửa mở, không bao giờ đập vào mặt một ai, một cánh cửa cho mọi người được vào để cảm nghiệm vẻ đẹp của tình thương và ơn tha thứ của Chúa".

Áp dụng cụ thể

Và Ðức Thánh cha nói thêm: "Tôi lập lại điều này cho bản thân tôi, cho các anh em giám mục và linh mục, cho chúng ta là những mục tử. Vì như Chúa Giêsu đã nói: Mục tử không phải là một tên trộm cướp (Xc Ga 10,8); nghĩa là không lợi dụng vai trò của mình, không áp bức đoàn chiên được ủy thác cho mình, không "ăn trộm" không gian của các anh chị em giáo dân, không thi hành quyền bính một cách cứng nhắc. Chúng ta hãy khuyến khích nhau trở thành những cánh cửa luôn mở: những người tạo điều kiện dễ dàng cho ơn thánh Chúa, những chuyên gia về sự gần gũi, sẵn sàng hiến mạng sống như Chúa Giêsu Kitô dạy chúng ta. Ngài giang rộng đôi tay từ trên tòa thánh giá và chỉ cho chúng ta mỗi lần trên bàn thờ. Ngài là Bánh được bẻ ra cho chúng ta. Tôi cũng nói điều đó với các anh chị em giáo dân, các giáo lý viên, các nhân viên mục vụ, những người có trách nhiệm chính trị và xã hội, những người chỉ sống cuộc sống thường nhật, nhiều khi vất vả cơ cực: anh chị em hãy là những cánh cửa mở. Chúng ta hãy để Chúa của sự sống đi vào trong tâm hồn chúng ta. Lời Chúa an ủi và chữa lành, để rồi đi ra ngoài và chính chúng ta trở thành những cánh cửa mở trong xã hội. Cởi mở và bao gồm đối với nhau, để giúp đỡ Hungary tăng trưởng trong tình huynh đệ, là con đường hòa bình".

Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Ðàng

Cuối thánh lễ, Ðức Hồng y Peter Erdoẽ, Tổng giám mục giáo phận Esztergom-Budapest sở tại, đã đại diện mọi người chào mừng và cám ơn Ðức Thánh cha.

Và trước khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Ðàng, Ðức Thánh cha đã cám ơn Ðức Hồng y Erdoẽ vì những lời chào mừng và ngài cám ơn bà Tổng thống, Thủ tướng cũng như chính quyền hiện diện, cám ơn các giám mục, các linh mục, tu sĩ và toàn dân Hungary vì sự tiếp đón và lòng quý mến được biểu lộ trong những ngày này, cũng như cảm ơn những người xa gần đã đến đây.

Ðức Thánh cha đặc biệt nhắc đến các bệnh nhân và người cao tuổi, những người không thể đến dự, những người cảm thấy cô độc và người đã xa lìa niềm tin nơi Thiên Chúa và hy vọng trong cuộc sống.

Ðức Thánh cha cũng chào thăm các nhà ngoại giao và các anh chi thuộc các hệ phái Kitô và tôn giáo khác, rồi ngài mời gọi cầu nguyện với Ðức Mẹ, được tôn kính tại đây với tước hiệu"'Magna Domina Hungarorum", như Nữ Vương và là Bổn Mạng của mọi người Hungary.

Kinh nguyện

Ðức Thánh cha nói thêm qua lời nguyện:

"Từ thành phố lớn và từ đất nước cao quý này, con muốn đặt trong con tim của Mẹ niềm tin và tương lai của toàn đại lục Âu châu, đặc biệt là chính nghĩa hòa bình. Xin Ðức Thánh Trinh Nữ nhìn đến các dân tộc đang đau khổ nhiều hơn cả. Nhất là xin Mẹ nhìn đến nhân dân Ucraina láng giềng đau thương và dân tộc Nga, hai dân tộc đã được thánh hiến cho Mẹ. Mẹ là Nữ Vương Hòa bình, xin đổ vào tâm hồn con người và các vị lãnh đạo các dân nước ước muốn kiến tạo hòa bình, mang lại cho các thế hệ trẻ một tương lai hy vọng, chứ không phải chiến tranh, một tương lai đầy những chiếc nôi, chứ không phải các nấm mộ, một thế giới của các anh chị em, chứ không phải những bức tường".

"Lạy Mẹ Thánh của Thiên Chúa: chúng con nhìn đến Mẹ: sau khi Chúa Giêsu sống lại, Mẹ đã đồng hành trong những bước đầu tiên của cộng đoàn Kitô, xin Mẹ làm cho cộng đoàn Giáo hội được kiên trì và hòa hợp trong kinh nguyện (Cv 1,14). Qua đó, Mẹ liên kết các tín hữu với nhau, bảo tồn sự hiệp nhất với tấm gương ngoan ngoãn và phục vụ của Mẹ. Chúng con cầu xin Mẹ cho Giáo hội tại Âu châu, để Giáo hội tìm lại sức mạnh của kinh nguyện, lòng nhiệt thành làm chứng tá, và vẻ đẹp của sự loan báo. Chúng con phó thác cho Mẹ Giáo hội và đất nước Hungary này. Mẹ đã vui mừng vì Chúa Con sống lại, xin đổ đầy tâm hồn chúng con bằng niềm vui của Mẹ".

Thánh lễ kết thúc lúc quá 11 giờ sáng, Ðức Thánh cha sau đó trở về Tòa Sứ thần cách đó hơn 6 cây số để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page