Ðức Thánh cha gặp gỡ

giới đại học và văn hóa Hungary

 

Ðức Thánh cha gặp gỡ giới đại học và văn hóa Hungary.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Budapest (RVA News 30-04-2023) - Chiều Chúa nhật, ngày 30 tháng Tư năm 2023, Ðức Thánh cha Phanxicô đã giã từ Tòa Sứ thần Tòa Thánh tại Hungary cùng với các nhân viên và ân nhân đã giúp tổ chức cuộc viếng thăm, để tới Phân khoa Tin học và khoa Sinh học kỹ thuật, thuộc Ðại học Công giáo Peter Pazmány, cách đó hơn năm cây số rưỡi.

Ðây là phân khoa duy nhất tại Hungary và Âu châu vì liên kết việc nghiên cứu điện tử và tin học với khoa sinh học phân tử và thần kinh với y khoa. Chương trình nghiên cứu do khoảng 30 nhà nghiên cứu và giáo sư nổi tiếng quốc tế đề ra, dưới sự hướng dẫn của giáo sư Tamás Roska, thuộc Hàn lâm viện Hungary về khoa học, nhắm huấn luyện các kỹ sư tin học, nhấn mạnh về các khoa học liên quan đến cơ thể con người, đặc biệt là hệ thần kinh và miễn nhiễm, cũng như di truyền học. Các khoa học về sự sống, nhất là khoa thần kinh, giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển những hướng đi mới trong việc nghiên cứu tin học, khoa mà các giáo sư tại đây là những chuyên gia nổi tiếng quốc tế.

Năm 2023, phân khoa này kỷ niệm 25 năm thành lập. Ngày 01 tháng Bảy năm 1998, Ðức cha István Segély, theo đề nghị của Ðức Hồng y Peter Erdoẽ, bấy giờ là Viện trưởng Ðại học Công giáo Hungary, đã thành lập Phân khoa Tin học, làm nền tảng cho việc đào tạo cấp đại học nghiên cứu đa ngành. Việc huấn luyện cấp hậu tiến sĩ được du nhập hồi mùa thu năm 2000 và ban tiến sĩ kỹ sư và Tin học được thành lập năm 2001. Còn khóa học mới về sinh học kỹ thuật phân tử nhấn mạnh nhiều hơn đến việc dạy các khoa học sự sống, ngay từ việc giáo dục cơ bản, thì được du nhập hồi năm 2008.

Ðến đại học lúc 4 giờ chiều, Ðức Thánh cha đã được giáo sư Viện trưởng Ðại học và giáo sư khoa trưởng phân khoa đón tiếp, và hướng dẫn tiến lên bục cao, trước cử tọa đông đảo các giáo sư và sinh viên, tổng cộng khoảng hơn 200 người trong hội trường.

Sau lời chào mừng của linh mục Viện trưởng, và chứng từ của một giáo sư và một sinh viên, Ðức Thánh cha đã ngỏ lời với mọi người.

Diễn văn của Ðức Thánh cha

Thảm trạng kỹ thuật thống trị con người

Lên tiếng trong dịp này, Ðức Thánh cha nói đến tương quan giữa khoa học và văn hóa, đặc biệt là sự ảnh hưởng và ưu thế của kỹ thuật trên đời sống con người, như một số học giả đã cảnh giác, như linh mục thần học gia Romano Guardini, người Ðức đã cảnh giác cách đây 100 năm khi viết trong tác phẩm "Những lá thư từ Hồ Como. Kỹ thuật và con người" (Lettere dal Lago di Como. La tecnica e l'uomo), Brescia 2022, p.61). "Cha Guardini không coi rẻ kỹ thuật, nó giúp sống tốt đẹp hơn, giao tiếp và có nhiều lợi ích, nhưng cảnh giác về nguy cơ kỹ thuật điều khiển, nếu không nói là thống trị cuộc sống. Theo nghĩa đó, cha thấy một nguy cơ lớn: 'Con người mất tất cả những mối quan hệ nội tâm vốn mang lại cho con người cảm thức về mức độ và những hình thức diễn tả trong sự hòa hợp với thiên nhiên" và "trong khi nơi nội tâm, con người trở nên không còn đường nét, không mực thước đo lường, không hướng đi, thì bên ngoài nó lại tự ý thiết định những mục tiêu của mình và ép buộc các sức mạnh của thiên nhiên do con người thống trị, phải thi hành những mục tiêu ấy" (p.60). Và con người để lại cho hậu thế một câu hỏi đáng lo âu: "Cuộc sống sẽ ra sao nếu rốt cuộc nó kết thúc dưới cái ách ấy?" [...] Ðiều gì sẽ xảy ra [...] khi chúng ta đứng trước sự trổi vượt của những mệnh lệnh của kỹ thuật? Từ nay, đời sống bị đóng khung trong một hệ thống các máy móc [...]. Trong hệ thống như thế, cuộc sống còn có thể sinh động hay không?" (p.61).

Biến thái tiêu chuẩn hành động

Ðức Thánh cha nói thêm rằng: "Chúng ta hãy nghĩ đến sự thiếu những giới hạn, nghĩ đến tiêu chuẩn, theo đó "những gì người ta có thể làm, thì đó là điều hợp lý".

"Chúng ta hãy nghĩ đến ý muốn đặt để ở vị trí trung tâm tất cả mọi sự không phải là con người với những tương quan của nó, nhưng là con người chỉ nghĩ đến những nhu cầu của mình, ham hố kiếm lợi và muốn nắm bắt thực tại. Và chúng ta hãy nghĩ đến hậu quả của sự hao mòn các mối quan hệ cộng đồng, khiến cho sự cô đơn và sợ hãi, biến những những hoàn cảnh sống thành hoàn cảnh xã hội của con người. Bao nhiêu người bị cô lập, họ sử dụng rất nhiều các mạng xã hội, nhưng lại ít có đời sống xã hội, như một cái vòng lẩn quẩn. Họ chạy theo những an ủi của kỹ thuật để lấp đầy sự trống rỗng mà họ cảm thấy, miệt mài chạy đua, bị một thứ chủ thuyết tư bản rừng rú khuất phục. Họ cảm thấy những yếu đuối của mình như điều đau khổ nhất trong một xã hội, trong đó vận tốc bên ngoài đi song đối, cùng nhịp bước với sự mong manh giòn mỏng nội tâm".

Cảnh giác về sự đồng nhất hóa

Ðức Thánh cha cho biết ngài nói những điều đó không phải vì muốn tạo nên thái độ bi quan, nhưng suy tư về sự kiêu căng của sự hiện hữu và sở hữu". Ngài nhắc đến cuốn tiểu thuyết của Robert Benson, tựa đề "Ông chủ thế giới" (Il padrone del mondo, Verona 2014) cách đây hơn 100 năm, trong đó tác giả mô tả một tương lai bị kỹ thuật thống trị và trong đó, tất cả nhân danh sự tiến bộ, được đồng nhất với nhau: khắp nơi người ta cổ võ một thứ chủ thuyết "nhân đạo mới", xóa bỏ những khác biệt, loại bỏ cuộc sống của các dân tộc và bãi bỏ các tôn giáo, các ý thức hệ đối nghịch nhau để hội tụ trong một sự đồng nhất hóa, thực thi sự thực dân ý thức hệ; con người, khi tiếp xúc với các máy móc, ngày càng trở thành phẳng lỳ, trong khi cuộc sống chung trở nên buồn thảm và họa hiếm (p.45).

Vai trò của Văn hóa đại học

Ðức Thánh cha giải thích rằng ngài nói những điều trên đây để xác định vai trò của văn hóa và đại học. Ðại học là nơi tư tưởng nảy sinh, tăng trưởng và chín mùi, cởi mở và hòa hợp. Ðó là "một đền thờ", trong đó kiến thức được kêu gọi tự giải thoát mình khỏi những biên cương chật chội của sự sở hữu của cải và chiếm hữu, để trở thành văn hóa, nghĩa là vun trồng con người và những tương quan cơ bản: với siêu việt, với xã hội, với lịch sử và thiên nhiên".

Khiêm tốn nhận giới hạn

Ðức Thánh cha cho biết ngài đánh giá cao điều mà giáo sư Viện trưởng Ðại học Công giáo Hungary vừa nói trong bài phát biểu: "Trong mỗi khoa học gia chân chính, có một cái gì đó của người ký lục, của người tư tế, ngôn sứ và thần bí", và "với sự hỗ trợ của khoa học, chúng ta không phải chỉ muốn hiểu, nhưng còn muốn thi hành điều tốt, nghĩa là kiến tạo một nền văn minh nhân bản và liên đới, một nền văn hóa và một môi trường lâu bền. Chính nhờ lòng khiêm tốn mà chúng ta có thể không những leo lên núi của Chúa, nhưng leo cả núi cả khoa học nữa. Thực vậy: các nhà trí thức lớn thì khiêm tốn. Ðàng khác, mầu nhiệm sự sống được tỏ lộ cho những người biết đi vào trong những điều bé nhỏ".

Hai ý tưởng hướng dẫn

Ðức Thánh cha cũng đề cao vai trò của văn hóa, nó đồng hành với chúng ta, giúp nhận biết chính mình. Ngài nói: "Tôi nhớ đến lời sấm nổi tiếng của Delfi: 'Hãy biết chính mình". Ðó là một trong hai câu hướng dẫn tôi muốn để lại cho anh chị em trong phần kết luận bài này:

Biết mình

"Hãy biết chính mình" có nghĩa là gì? Nghĩa là biết nhìn nhận những giới hạn của mình, và nhờ đó có thể ngăn chặn sự tự phụ tự mãn của mình. Thái độ này mưu ích cho chúng ta, vì, trước tiên, chính khi nhìn nhận mình là những thụ tạo, chúng ta có thể trở thành những người sáng tạo, hòa mình vào thế giới thay vì thống trị nó. Và trong khi tư tưởng kỹ thuật theo đuổi một sự tiến bộ không nhìn nhận những giới hạn, con người thực tế cũng trở thành mong manh, giòn mỏng, và nhiều khi chính tại đó con người hiểu mình lệ thuộc Thiên Chúa và liên hệ với người khác cũng như với thiên nhiên. Vì thế, câu sấm của Delfi mời gọi nhìn nhận rằng khi khởi hành từ thái độ khiêm tốn với sự giới hạn, ta khám phá những tiềm năng tuyệt vời, đi xa hơn những tuyệt vời về kỹ thuật. Nói khác đi, biết mình đòi phải liên kết sự mong manh với sự cao cả của con người. Từ sự kinh ngạc vì sự đối nghịch này, nảy sinh văn hóa: không bao giờ mãn nguyện và luôn tìm kiếm, thao thức và có tinh thần cộng đồng, có kỷ luật trong sự tinh tế và cởi mở đối với tuyệt đối. Tôi cầu chúc anh chị em hăng say khám phá chân lý!

Sự thật giải thoát

Ðức Thánh cha nói: "Ý tưởng hướng dẫn thứ hai là câu nói của Chúa Giêsu: "Sự thật sẽ giải thoát chúng con" (Ga 8,32).

Ðức Thánh cha giải thích rằng: Hungary đã thấy những ý thức hệ nối tiếp nhau, và chúng tự áp đặt như chân lý, nhưng không mang lại tự do. Và cả ngày nay, nguy cơ ấy không biến mất: tôi nghĩ đến sự chuyển tiếp từ "comunismo đến consumismo": từ chế độ cộng sản tới chủ nghĩa duy tiêu thụ. Liên kết hai chủ thuyết này thực là một ý tưởng sai lầm về tự do: tự do của chế độ cộng sản là một thứ "tự do" bị cưỡng bách, bị giới hạn từ bên ngoài, do một người nào đó quyết định; còn tự do duy tiêu thụ là một "tự do tháo thứ", duy khoái lạc, phẳng lỳ, biến chúng ta thành nô lệ cho sự tiêu thụ và sự vật. Thật là dễ đi từ những giới hạn áp đặt cho tư duy, như trong chế độ cộng sản, để tiến tới sự suy nghĩ vô giới hạn, như trong chủ nghĩa duy tiêu thụ! Từ tự do bị cầm hãm đến tự do vô giới hạn. Trái lại, Chúa Giêsu cống hiến một lối thoát, khi Ngài nói rằng chân lý giải thoát con người khỏi những lệ thuộc và khép kín. Chìa khóa để tiến đến chân lý ấy là một nhận thức không bao giờ tách rời khỏi tình thương, có tương quan, khiêm tốn và cởi mở, có tính cộng đồng, can đảm và xây dựng. Ðó là điều các đại học được kêu gọi vun trồng và đức tin được kêu gọi nuôi dưỡng."

Cuộc gặp gỡ kết thúc với kinh Lạy Cha và Ðức Thánh cha ban phép lành cho mọi người.

Sau đó, Ðức Thánh cha ra phi trường quốc tế của thành Budapest và tại đây, Phó Thủ tướng cùng với Ðức Hồng y và Ðức cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hungary tiễn biệt ngài, trước khi máy bay cất cánh lúc 6 giờ chiều giờ địa phương để bay trở về Roma.

Trên chuyến bay dài hai tiếng đồng hồ, như thường lệ, Ðức Thánh cha đã mở cuộc họp báo với các ký giả cùng đi.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page