Ðức Thánh cha gặp gỡ người nghèo

và người tị nạn tại Hungary

 

Ðức Thánh cha gặp gỡ người nghèo và người tị nạn tại Hungary.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Budapest (RVA News 29-04-2023) - Sau một giờ dành cho Trung tâm các trẻ em mù và khuyết tật, Ðức Thánh cha Phanxicô đã tới nhà thờ thánh nữ Elisabeth Hungary ở Quảng trường Hoa Hồng, cách đó 10 cây số. Ðây vốn là một khu lịch sử của người Do thái ở Budapest, nhưng số tín hữu Công giáo ngày càng gia tăng tại đây, tạo nên nhu cầu có một thánh đường và một giáo xứ.

Trong thời Thế chiến thứ hai, nhà thờ bị hư hại nặng nhưng được tái thiết sau đó.

Ðến nơi vào lúc 10 giờ 15, Ðức Thánh cha đã được ông Chủ tịch tổ chức Caritas Hungary và cha sở đón tiếp, rồi cùng tiến vào bên trong thánh đường giữa tiếng hát của ca đoàn, và tiếng vỗ tay của hơn 500 người.

Buổi gặp gỡ diễn ra với phần trình bày chứng từ của ông Chủ tịch Caritas Hungary, một gia đình được Giáo hội Công giáo Ðông phương giúp đỡ, kể lại sự oán hận đối với kẻ đã làm hại gia đình ông bà, cho đến khi bà ấy được ơn hoán cải và tìm được an bình; một gia đình tị nạn từ Ucraina kể lại cuộc trốn chạy từ quê hương vì chiến tranh và cám ơn Ðức Thánh cha vì đã liên tục kêu gọi hòa bình và cầu nguyện cho Ucraina. Sau cùng là chứng từ của một phó tế vĩnh viễn và phu nhân.

Huấn từ của Ðức Thánh cha

Trong bài huấn từ nhân dịp này, Ðức Thánh cha đề cập đến tầm quan trọng của lòng bác ái đối những người nghèo và túng thiếu, vì đây là trọng tâm của Tin mừng: "Chúa Giêsu đã đến để mang Tin mừng cho người nghèo" (Lc 4,18). Họ chỉ có chúng ta một thách đố hăng say, để đức tin mà chúng ta tuyên xưng không trở thành tù nhân của một thứ phụng tự xa cách cuộc sống và đừng trở thành con mồi của một thứ ích kỷ tinh thần, nghĩa là một thứ linh đạo mà ta kiến tạo theo mức độ sự yên hàn nội tâm và sự mãn nguyện của ta".

Ðức Thánh cha cũng nhắc lại rằng: "Tiếng nói bác ái, là tiếng nói của thánh nữ Elisabeth, vị mà nhân dân Hungary này rất kính mến. Thánh nữ vốn là một công chúa, lớn lên trong cuộc sống dư giả ở triều đình, trong một môi trường sang trọng và đầy đặc ân, nhưng Elisabeth đã bị đánh động và biến đổi nhờ cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô và chẳng bao lâu, thánh nữ cảm thấy một sự từ bỏ giàu sang và phù vân của trần thế, ước muốn gột bỏ bản thân và chăm sóc những người túng thiếu. Và thế là, không những thánh nữ dành của cải nhưng cả cuộc sống của mình để giúp đỡ những người rốt cùng, những người phong cùi, các bệnh nhân mà thánh nữ đích thân chăm sóc và vác trên vai. Ðó chính là ngôn ngữ của bác ái".

Và sau khi nhắc đến chứng từ của bà Brigitta kể lại cảnh khốn cùng của mình đã được Giáo hội Công giáo Ðông phương giúp đỡ, Ðức Thánh cha nhận xét rằng: "Chúng ta cần một Giáo hội nói thông thạo ngôn ngữ bác ái, một tiếng nói phổ quát mà tất cả mọi người đều có thể nghe và hiểu, cả những người ở xa Giáo hội và không tin. Về điểm này, tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với Giáo hội Hungary vì đã dấn thân nhiệt tình trong bác ái, một sự dấn thân sâu rộng: Anh chị em đã kiến tạo một mạng liên kết bao nhiêu nhân viên mục vụ, bao nhiêu người thiện nguyện, Caritas giáo xứ và giáo phận, và cả những nhóm cầu nguyện, các cộng đồng tín hữu, các tổ chức thuộc các Kitô hữu thuộc các hệ phái khác nhưng liên kết với nhau trong sự hiệp thông đại kết nảy sinh từ lòng bác ái. Và tôi cám ơn anh chị em vì đã đón tiếp, không những với lòng quảng đại, nhưng cả lòng hăng say đối với bao nhiêu người tị nạn đến từ Ucraina".

Ðức Thánh cha nhận xét rằng: "Rất tiếc là còn bao nhiêu người ở đây, không có gia cư: nhiều anh chị em chúng ta ở trong tình trạng mong manh và đơn độc với những vấn đề khác nhau về thể lý và tâm lý, bị hủy hoại vì ma túy, người mới ra khỏi tù hoặc bị bỏ rơi vì tuổi già - bị một thứ bệnh nặng về nghèo vật chất, văn hóa và tinh thần, và họ không có một mái nhà để ở".

Và Ðức Thánh cha kết luận rằng: "Anh chị em, tôi khích lệ anh chị em hãy luôn nói bằng ngôn ngữ bác ái. Trong tiểu sử thánh Elisabeth, có kể rằng một lần Chúa đã biến bánh mà thánh nữ mang cho người nghèo thành hoa hồng. Cũng vậy, đối với anh chị em: khi anh chị em dấn thân mang bánh cho người nghèo, Chúa làm nở hoa cuộc sống của anh chị em với tình thương mà anh chị em trao tặng, biến thành niềm vui và được hương thơm. Tôi cầu chúc anh chị em luôn mang hương thơm bác ái vào trong Giáo hội và quốc gia của anh chị em".

Sau bài huấn dụ của Ðức Thánh cha, mọi người đã cùng đọc kinh Lạy Cha và ngài ban phép lành kết thúc.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page