Bài nói chuyện của Ðức Phanxicô
với các Giám Mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh
Bài nói chuyện của Ðức Phanxicô với các Giám Mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh Hung gia lợi.
Vu Van An
Budapest (VietCatholic News 28-04-2023) - Vào buổi chiều ngày 28 tháng tư năm 2023, Ðức Phanxicô đã tới Nhà thờ đồng chính tòa Thánh Stêphanô (Budapest) để gặp gỡ các Giám Mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và chủng sinh Hung gia lợi.
Nói chuyện thân tình với các vị, ngài tập chú vào tính trung tâm của việc Chúa Giêsu sống lại, Ðấng "quả thật là tương lai của chúng ta".
Sau đây là bản dịch Việt ngữ toàn văn bài nói chuyện của Ðức Thánh Cha dựa vào bản tiếng Ý do Tòa Thánh cung cấp:
Anh em Giám mục thân mến,
Các linh mục và phó tế, những người tận hiến và các chủng sinh thân mến,
Anh chị em mục vụ thân mến,
Disértessek cho Jezus Krisztus! [Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô!]
Tôi rất vui được trở lại đây sau khi chia sẻ với anh chị em Ðại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52. Ðó là một thời gian ân sủng tuyệt vời và tôi chắc chắn rằng hoa trái thiêng liêng của nó đang ở với anh chị em. Tôi cảm ơn Ðức Tổng Giám Mục Veres vì lời chào mừng mà ngài đã ngỏ với tôi và vì đã chấp nhận ước muốn của người Công Giáo Hung gia lợi với những lời sau đây: "Trong thế giới đang thay đổi này, chúng con muốn làm chứng rằng Chúa Kitô là tương lai của chúng con". Chúa Kitô. Không phải "tương lai là Chúa Kitô", không: Chúa Kitô là tương lai của chúng ta. Ðừng thay đổi điều gì cả. Ðây là một trong những nhu cầu quan trọng nhất đối với chúng ta: giải thích các thay đổi và biến đổi của thời đại chúng ta, bắng cách cố gắng đương đầu tốt hơn với những thách thức mục vụ. Với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô. Không có gì ngoài Chúa, không có gì xa cách Chúa.
Nhưng điều này có thể thực hiện được bằng cách coi Ðức Kitô là tương lai của chúng ta: Người là "Anpha và Ômêga, là Ðấng hiện có, đã có và sẽ đến, là Ðấng toàn năng" (Kh 1:8), là khởi đầu và là cùng đích, là nền tảng và mục tiêu cuối cùng của lịch sử loài người. Bằng cách chiêm ngưỡng vinh quang của Người trong Mùa Phục Sinh này, của Ðấng "đầu tiên và cuối cùng" (Kh 1:17), chúng ta có thể nhìn vào những cơn bão đôi khi tấn công thế giới của chúng ta, những thay đổi nhanh chóng và liên tục trong xã hội và đồng thời cuộc khủng hoảng đức tin ở phương Tây với một cái nhìn không cam chịu và không đánh mất tính trung tâm của Lễ Phục Sinh: Chúa Kitô phục sinh, trung tâm của lịch sử, là tương lai. Cuộc sống của chúng ta, mặc dù được đánh dấu bằng sự mong manh, được đặt vững chắc trong tay của Người. Nếu chúng ta quên điều này, cả chúng ta nữa, các mục tử và giáo dân, sẽ tìm kiếm các phương tiện và công cụ của con người để tự bảo vệ mình khỏi thế giới, tự giam mình trong các ốc đảo tôn giáo thoải mái và yên bình của chúng ta; hoặc ngược lại, chúng ta sẽ thích nghi với những chiều gió thay đổi của thế gian và lúc đó, Kitô giáo của chúng ta sẽ mất đi sức sống và chúng ta sẽ không còn là muối đất nữa. Hãy trở về với Chúa Kitô, Ðấng là tương lai, để không rơi vào những chiều gió thay đổi của tính thế gian, vốn là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra cho Giáo hội: một Giáo hội trần tục.
Do đó, đây là hai cách giải thích - tôi muốn nói là hai cơn cám dỗ - mà chúng ta phải luôn đề phòng trong tư cách Giáo hội: một cách đọc thảm khốc về lịch sử hiện tại, vốn nuôi dưỡng chủ nghĩa thất bại của những người lặp đi lặp lại rằng tất cả đã mất, rằng không có hơn một lần, rằng chúng ta không biết mình sẽ kết thúc ở đâu. Thật tốt khi cha Sándor bày tỏ lòng biết ơn đối với Thiên Chúa, Ðấng đã "giải thoát ngài khỏi chủ nghĩa thất bại"! Và ngài đã làm gì với cuộc đời mình, một nhà thờ chính tòa vĩ đại? Không, một nhà thờ cứu trợ nhỏ, ở thôn quê. Nhưng ngài đã làm được, ngài không để mình bị khuất phục. Cảm ơn ông bạn! Và sau đó là nguy cơ khác, tức đọc thời đại mình một cách ngây thơ, dựa nhiều hơn vào sự tiện lợi của chủ nghĩa duy phong tục tập quán và khiến chúng ta tin rằng cuối cùng mọi sự đều ổn thỏa, thế giới giờ đây đã thay đổi nên chúng ta phải thích nghi - mà không có sự biện phân; thật tệ. Ở đây, chống lại chủ nghĩa thất bại thảm hại và chủ nghĩa duy phong tục tập quán thế gian, Tin Mừng cho chúng ta một cái nhìn mới, ban cho chúng ta ơn biện phân để bước vào thời đại của chúng ta với thái độ chào đón, nhưng cũng với tinh thần tiên tri. Vì vậy, với sự chào đón cởi mở theo tinh thần tiên tri. Tôi không thích sử dụng tính từ "tiên tri", nó được sử dụng quá nhiều. Danh từ: lời tiên tri. Chúng ta đang trải qua một cuộc khủng hoảng danh từ và chúng ta đang rất, rất thường xuyên chuyển sang tính từ. Không: lời tiên tri. Tinh thần, thái độ đón tiếp, cởi mở và với lời tiên tri trong trái tim.
Về phương diện này, tôi muốn dừng lại một cách ngắn gọn tại một hình ảnh đẹp được Chúa Giêsu sử dụng: đó là hình ảnh cây vả (x. Mc 13:28-29). Người cung cấp nó cho chúng ta trong khung cảnh Ðền thờ Giêrusalem. Với những người ngưỡng mộ những viên đá đẹp của nó và do đó sống theo kiểu duy phong tục tập quán thế tục, đặt sự an toàn trong không gian linh thiêng và sự hùng vĩ trang trọng của nó, Chúa Giêsu nói rằng không có gì trên trái đất này nên được tuyệt đối hóa, vì mọi sự đều bấp bênh và không hòn đá nào nằm yên trên hòn đá nào - trong những ngày này chúng ta đọc sách Khải Huyền trong Kinh Thần vụ, nơi nó cho chúng ta thấy rằng sẽ không có hòn đá nào nằm yên trên hòn đá nào - nhưng đồng thời, Chúa không muốn dẫn đến sự nản lòng hay sợ hãi. Và đó là lý do tại sao Người nói thêm: khi mọi sự qua đi, khi các đền thờ của con người sụp đổ, khi những điều khủng khiếp xảy ra và khi có những cuộc bách hại dữ dội, thì "họ sẽ thấy Con Người ngự đến trên đám mây với quyền năng và vinh quang cao cả" (c. 26). Và chính ở đây, Người mời chúng ta nhìn vào cây vả: "Hãy học dụ ngôn cây vả: khi cành trở nên mềm dịu và lá mọc ra, anh em biết mùa hè đang đến gần. Anh em cũng vậy: khi anh em thấy những điều ấy xảy ra, anh em hãy biết rằng Người đã gần đến, Người đã ở ngoài cửa" (c. 28-29). Do đó, chúng ta được mời gọi chào đón thời kỳ mà chúng ta đang sống như một cây sai quả, với những thay đổi và thách thức của nó, bởi vì chính nhờ tất cả những điều này - Tin Mừng nói - mà Chúa đến gần. Và trong khi chờ đợi, chúng ta được mời gọi để vun trồng mùa này vốn là mùa của chúng ta, đọc nó, gieo Tin Mừng ở đó, cắt tỉa những cành khô sự dữ, đơm hoa kết trái. Chúng ta được kêu gọi chào đón một cách tiên tri.
Chào đón bằng lời tiên tri: đây là vấn đề học cách nhận ra những dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa trong thực tại, ngay cả khi nó không xuất hiện một cách được đánh dấu minh nhiên bằng tinh thần Kitô giáo và đến gặp chúng ta với đặc điểm chất vấn hay tra hỏi. Và, đồng thời, đây là vấn đề giải thích mọi sự dưới ánh sáng của Tin Mừng chứ không theo thế gian - hãy cẩn thận! - nhưng như các tiền hô và nhân chứng của lời tiên tri Kitô giáo. Hãy coi chừng tiến trình tính thế gian. Rơi vào tính thế gian có lẽ là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với một cộng đồng Kitô hữu. Chúng ta thấy rằng ngay cả ở đất nước này, nơi mà truyền thống đức tin vẫn còn bám rễ sâu xa, người ta đang giúp phổ biến tính thế tục và tất cả những gì đi kèm với nó, thường có nguy cơ đe dọa sự toàn vẹn và vẻ đẹp của gia đình, phơi bày những người trẻ trước những khuôn mẫu của cuộc sống được đánh dấu bởi chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa khoái lạc, để phân cực cuộc tranh luận về các đánh cuộc và thách thức mới. Và sau đó, sự cám dỗ có thể là trở nên cứng ngắc, rút lui và tiếp nhận thái độ "bị đánh bại". Nhưng những thực tại này có thể là cơ hội cho các Kitô hữu chúng ta, vì chúng kích thích đức tin và việc đào sâu một số chủ đề, chúng mời gọi chúng ta tự hỏi làm thế nào để những thách thức này có thể đi vào cuộc đối thoại với Tin Mừng, để tìm kiếm những phương cách, công cụ và ngôn ngữ mới. Theo nghĩa này, Ðức Bênêđictô XVI khẳng định rằng các giai đoạn tục hóa khác nhau giúp ích cho Giáo hội vì "chúng góp phần một cách thiết yếu vào việc thanh tẩy và canh tân nội tâm của Giáo hội. Thực thế, các cuộc tục hóa [...] đều có nghĩa là các cuộc giải phóng sâu xa Giáo hội khỏi các hình thức của tính thế gian" (Gặp gỡ những người Công Giáo dấn thân cho Giáo hội và cho xã hội, Freiburg im Breisgau, 25 tháng 9, 2011). Trước bất cứ hình thức thế tục hóa nào, đều có một thách thức và một lời mời gọi thanh tẩy Giáo hội khỏi mọi loại tính thế tục. Chúng ta hãy trở lại với điều này vốn là điều tồi tệ nhất: rơi vào thế gian là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với chúng ta. Ðó là một thứ ngoại giáo ngọt ngào, đó là một ngoại giáo không lấy đi sự bình yên của anh chị em, tại sao? Tại sao nó lại tốt? Không, bởi vì anh chị em bị gây mê.
Việc dấn thân đối thoại với các tình huống ngày nay đòi hỏi cộng đồng Kitô hữu phải hiện diện và làm chứng, biết cách lắng nghe những vấn đề và thách thức mà không sợ hãi hay cứng ngắc. Và điều đó không hề dễ dàng trong hoàn cảnh hiện nay, bởi khó khăn cũng không thiếu ngay ở bên trong. Ðặc biệt, tôi muốn nêu bật tình trạng làm việc quá sức của các linh mục. Thực thế, một mặt, nhu cầu của đời sống giáo xứ và mục vụ rất nhiều, nhưng mặt khác, ơn gọi đang giảm dần và linh mục thì ít, thường tuổi cao và có một số dấu hiệu mệt mỏi. Ðây là một tình trạng chung đối với nhiều thực tại Âu Châu, mà đối với nó, điều quan trọng là tất cả mọi người - mục tử và giáo dân - cảm thấy đồng trách nhiệm: đặc biệt trong lời cầu nguyện, bởi vì câu trả lời đến từ Chúa chứ không phải từ thế gian, từ nhà tạm chứ không phải từ máy tính. Và rồi trong niềm đam mê đối với mục vụ ơn gọi, bằng cách tìm ra các phương tiện mang đến cho những người trẻ lòng nhiệt thành niềm đam mê theo Chúa Giêsu cả trong một cuộc thánh hiến đặc biệt.
Ðiều mà Sơ Krisztina nói với chúng ta thật tuyệt vời... Nhưng đó là một ơn gọi khó khăn! Bởi vì để trở thành một tu sĩ Ða Minh, đầu tiên sơ được một linh mục dòng Phanxicô giúp đỡ, sau đó là các tu sĩ Dòng Tên giúp đỡ các linh thao... và cuối cùng sơ trở thành một tu sĩ Ða Minh. Tốt! Sơ đã có một chuyến đi tuyệt vời! Những gì sơ nói với chúng ta về việc "tranh luận với Chúa Giêsu" về lý do tại sao Người gọi sơ-sơ muốn Người gọi các chị em chứ không phải sơ-thật hay; điều cần thiết là những người lắng nghe và giúp đỡ để thảo luận tốt với Chúa! Và, nói chung, cần phải tham gia vào một suy tư giáo hội - đồng nghị, thực hiện chung với nhau - để cập nhật đời sống mục vụ, mà không hài lòng với việc lặp lại quá khứ và không sợ cấu hình lại giáo xứ lãnh thổ, nhưng bằng cách dành ưu tiên cho việc truyền giảng Tin Mừng và bắt đầu cộng tác tích cực giữa các linh mục, giáo lý viên, nhân viên mục vụ, giáo viên. Anh chị đã đi trên con đường này rồi: đừng dừng lại. Hãy tìm những cách khả thi để cộng tác một cách vui vẻ vào chính nghĩa Tin Mừng và làm cho nhau cùng thăng tiến, mỗi người có đặc sủng riêng của mình, coi mục vụ như một lời loan báo, một lời loan báo giáo lý sơ truyền, nghĩa là, điều đánh động lương tâm. Theo nghĩa này, những gì Dorina nói với chúng ta về sự cần thiết phải đi tới người khác qua thuật chuyện, truyền thông, tiếp xúc cuộc sống hàng ngày quả thật đẹp. Và ở đây, tôi dừng lại một chút để nhấn mạnh công việc tốt đẹp của các giáo lý viên, thừa tác vụ xưa cũ này. Có những nơi trên thế giới - chẳng hạn như Châu Phi - nơi mà các giáo lý viên theo đuổi việc rao giảng Tin Mừng. Giáo lý viên là trụ cột của Giáo hội! Cảm ơn mọi điều anh chị em đã làm cho tôi. Và tôi cảm ơn các phó tế và các giáo lý viên, những người có vai trò quyết định trong việc truyền đạt đức tin cho các thế hệ trẻ, và tất cả những giáo viên và nhà đào tạo đang quảng đại tham gia vào lĩnh vực giáo dục: xin cảm ơn, cảm ơn rất nhiều!
Vì vậy, cho phép tôi nói với anh chị em rằng việc chăm sóc mục vụ tốt là điều có thể thực hiện được nếu chúng ta có thể sống tình yêu mà Chúa đã truyền cho chúng ta này và đó là quà tặng của Thần Khí Người. Nếu chúng ta trở nên xa cách hoặc chia rẽ, nếu chúng ta trở nên cứng ngắc trong các lập trường và trong các nhóm, thì chúng ta không sinh hoa kết trái; chúng ta hãy nghĩ về bản thân, các ý tưởng và các nền thần học của chúng ta. Thật buồn khi người ta chia rẽ thay vì chơi như một đội, anh chị em lại tham gia vào trò chơi của kẻ thù: chính ma quỷ là kẻ chia rẽ, và nó làm điều này như một nghệ sĩ, đó là nghề chuyên môn của hắn. Và chúng ta thấy các giám mục không liên lạc với nhau, các linh mục căng thẳng với giám mục, những người lớn tuổi xung đột với những người trẻ nhất, giáo phận với các tu sĩ, các linh mục với giáo dân, người Latinh với người Hy Lạp; có sự phân cực về các vấn đề liên quan đến đời sống của Giáo hội, cũng như về các khía cạnh chính trị và xã hội, ẩn núp trong các lập trường ý thức hệ. Anh chị em đừng để ý thức hệ xen vào! Ðời sống đức tin, hành động đức tin không thể bị giản lược vào ý thức hệ: điều này thuộc về ma quỷ. Không, xin làm ơn: công việc mục vụ đầu tiên là làm chứng cho sự hiệp thông, bởi vì Thiên Chúa là sự hiệp thông và hiện diện ở nơi nào có tình bác ái huynh đệ. Chúng ta hãy vượt qua những chia rẽ của con người để cùng nhau làm việc trong vườn nho của Chúa! Chúng ta hãy đắm mình trong tinh thần Tin Mừng, chúng ta hãy cắm rễ trong kinh nguyện, nhất là trong việc tôn thờ và lắng nghe Lời Chúa, chúng ta hãy vun trồng việc đào tạo thường xuyên, tình huynh đệ, sự gần gũi và quan tâm đến người khác. Một kho tàng lớn đã được trao vào tay chúng ta, chúng ta đừng lãng phí nó bằng cách theo đuổi những thực tại thứ yếu trong tương quan vớiTin Mừng!
Và ở đây tôi mạn phép nói với anh chị em: hãy coi chừng chuyện ngồi lê đôi mách, chuyện ngồi lê đôi mách giữa các giám mục, giữa các linh mục, các nữ tu, giữa giáo dân# Chuyện ngồi lê đôi mách sẽ hủy hoại. Có vẻ như đây là một điều tuyệt vời, trò chuyện, ăn kẹo, thật tuyệt khi nói về người khác. Thường là như vậy. Anh chị em hãy cẩn thận, bởi vì đây là con đường dẫn đến sự hủy diệt. Nếu một người sống đời thánh hiến hay một giáo dân sống nghiêm túc không bao giờ nói xấu người khác, thì người đó là một vị thánh, một vị thánh. Hãy đi theo con đường này: không nói chuyện phiếm. "Nhưng thưa cha, khó lắm, vì đôi khi chúng ta trơn trượt: người này bình luận, người khác...". Có một phương thuốc tốt cho việc nói nhảm: chẳng hạn như cầu nguyện; nhưng có một biện pháp tốt khác: giữ miệng lưỡi của anh chị em. Anh chị em biết chứ? Anh chị em giữ miệng lưỡi và không nói chuyện phiếm. Ðồng ý chứ?
Và tôi muốn nói một điều khác với các linh mục, đó là hãy mang đến cho Dân thánh của Chúa khuôn mặt của Chúa Cha và tạo ra một tinh thần gia đình: chúng ta hãy cố gắng đừng cứng ngắc, nhưng hãy có những cái nhìn và cách tiếp cận đầy thương xót và cảm thương. Về khía cạnh này, tôi muốn nhấn mạnh một điều: Ðâu là phong cách của Thiên Chúa? Phong cách đầu tiên của Thiên Chúa là thái độ gần gũi. Chính Người đã nói điều đó trong Ðệ nhị luật: "Hãy nói cho Ta biết, dân tộc nào có các vị thần của họ ở gần họ như các ngươi có Ta ở gần các ngươi?". Thiên Chúa, thái độ của Thiên Chúa là sự gần gũi, với lòng cảm thương và dịu dàng. Gần gũi, cảm thương và dịu dàng: đây là phong cách của Thiên Chúa, chúng ta hãy theo phong cách này. Tôi có gần gũi với mọi người không, tôi có giúp đỡ mọi người không, tôi có cảm thương hay lên án mọi người không? Tôi có ngọt ngào, ngọt ngào không? Ðể có điều này, không được cứng ngắc, nhưng gần gũi, cảm thương và dịu dàng. Về khía cạnh này, tôi đã có ấn tượng trước những lời lẽ của Cha József, người đã nhắc nhở tôi về sự cống hiến và mục vụ của anh trai ngài, Chân phước János Brenner, người đã bị giết một cách dã man khi mới 26 tuổi. Biết bao nhiêu chứng nhân và người tuyên xưng đức tin mà dân tộc này từng có trong các chế độ toàn trị của thế kỷ trước! Anh chị em đã phải chịu đựng rất nhiều! Chân phước János đã trải qua quá nhiều đau đớn trên da thịt của chính ngài và thật dễ dàng để ngài ôm mối hận, rút lui, cứng ngắc. Thay vào đó, ngài là một người chăn chiên tốt lành. Ðiều này được đòi hỏi nơi tất cả chúng ta, đặc biệt là các linh mục: một cái nhìn thương xót, một trái tim nhân ái, luôn tha thứ, luôn tha thứ, giúp bắt đầu lại, đón nhận chứ không phán xét và không xua đuổi, khuyến khích và làm lành, không chỉ trích, phục vụ và không ngồi lê đôi mách.
Thái độ này đào tạo chúng ta biết chào đón, một sự chào đón mang tính tiên tri: nghĩa là thông truyền niềm an ủi của Chúa trong những hoàn cảnh đau khổ và nghèo khó của thế giới bằng cách gần gũi với các Kitô hữu bị bách hại, những người di cư tìm kiếm sự hiếu khách, những người thuộc các sắc tộc khác, với bất cứ ai có nhu cầu. Theo nghĩa này, anh chị em có những tấm gương thánh thiện tuyệt vời, như Thánh Martino. Cử chỉ chia sẻ tấm áo choàng với người nghèo của ngài không chỉ là một công việc bác ái: đó là hình ảnh để Giáo hội hướng tới, đó là điều mà Giáo hội Hung gia lợi có thể mang đến như một lời tiên tri cho trái tim châu Âu: lòng thương xót, sự gần gũi. Nhưng tôi vẫn muốn nhớ đến Thánh Stêphanô, người có thánh tích ở đây bên cạnh tôi: ngài, người đầu tiên phó thác quốc gia cho Mẹ Thiên Chúa, người là một nhà truyền giáo dũng cảm và là người sáng lập các tu viện và đan viện, tôi cũng biết ngài lắng nghe và nói chuyện với mọi người và quan tâm đến người nghèo: ngài đã giảm thuế cho họ và cải trang đi ăn xin để không bị nhận ra. Ðó là Giáo hội mà chúng ta phải mơ ước: một Giáo hội có khả năng lắng nghe lẫn nhau, đối thoại, quan tâm đến những người yếu đuối nhất; một Giáo hội chào đón tất cả mọi người, một Giáo hội can đảm mang đến cho mỗi người lời tiên tri của Tin Mừng.
Anh chị em thân mến, Chúa Kitô là tương lai của chúng ta, bởi vì chính Người hướng dẫn lịch sử, Người là Chúa của lịch sử. Các vị tuyên xưng đức tin của anh chị em đã xác tín chắc chắn điều này: nhiều giám mục, linh mục, nam nữ tu sĩ đã tử đạo trong cuộc bách hại của những người vô thần; họ làm chứng cho đức tin sắt đá của người Hung gia lợi. Và không nói ngoa chút nào, tôi tin chắc rằng: anh chị em có một đức tin sắt đá, và chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vì điều đó. Tôi muốn nhắc lại Ðức Hồng Y Mindszenty, người đã tin vào sức mạnh của lời cầu nguyện, đến nỗi đến tận nay, gần như một câu nói phổ biến, nó vẫn được lặp lại ở đây: "Nếu có một triệu người Hung gia lợi cầu nguyện, tôi 'sẽ không sợ' tương lai'. Anh chị em hãy là những người chào đón, hãy là những người chào đón, hãy là chứng nhân cho lời tiên tri của Tin Mừng, nhưng trên hết hãy là những người nam nữ cầu nguyện, bởi vì lịch sử và tương lai tùy thuộc vào điều đó. Cảm ơn vì niềm tin và lòng trung thành của các anh chị em, vì tất cả điều tốt lành mà anh chị em là và làm. Và tôi không thể quên chứng tá dũng cảm và kiên nhẫn của các nữ tu Hung gia lợi thuộc Dòng Tên, những người mà tôi đã gặp ở Á Căn Ðình sau khi họ rời Hung gia lợi vì bị đàn áp tôn giáo. Họ là những phụ nữ của chứng nhân, họ rất tốt lành! Với chứng từ của họ, họ đã làm cho tôi bao điều tốt lành. Tôi cầu nguyện cho anh chị em, để noi gương các chứng nhân đức tin vĩ đại của anh chị em, anh chị em sẽ không bao giờ bị sự mệt mỏi nội tâm chi phối, vốn dẫn chúng ta đến sự tầm thường, và cầu mong anh chị em tiến lên với niềm vui. Và tôi xin anh chị em tiếp tục cầu nguyện cho tôi.