Các đan sĩ là con tim sống động

của việc loan báo Tin mừng

 

Tiếp kiến chung của Ðức Thánh cha: Các đan sĩ là con tim sống động của việc loan báo Tin mừng.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 26-04-2023) - Sáng thứ Tư, ngày 26 tháng Tư năm 2023, gần 40,000 tín hữu đã tham dự cuộc gặp gỡ với Ðức Thánh cha Phanxicô tại Quảng trường thánh Phêrô, dưới trời nắng. Ngài vẫn giữ thói quen đi xe mui trần tiến qua các lối đi để chào thăm các tín hữu trước khi bắt đầu buổi tiếp kiến.

Như thường lệ, buổi tiếp kiến mở đầu với phần lắng nghe Lời Chúa: mọi người nghe một đoạn ngắn, trích từ sách Ngôn sứ Isaia đoạn 53 (11-12):

"Người công chính, tôi trung của Ta sẽ làm cho muôn người trở nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ. Vì thế, Ta sẽ ban cho nó muôn người làm gia sản [...] bởi vì nó đã hiến thân chịu chết, đã bị liệt vào hàng tội nhân"; nhưng thực ra nó đã mang lấy tội muôn người và can thiệp cho những kẻ tội lỗi".

Bài giáo lý

Trong bài huấn dụ tiếp đó, Ðức Thánh cha tiếp tục loạt bài giáo lý về "sự hăng say loan báo Tin mừng: lòng nhiệt thành tông đồ của tín hữu", Bài thứ mười hai này có tựa đề: "Các chứng nhân: đời sống đan tu và sức mạnh của sự chuyển cầu. Gregorio Narek".

Mở đầu bài huấn dụ, Ðức Thánh cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúng ta tiếp tục loạt bài giáo lý liên quan đến các chứng nhân về lòng nhiệt thành tông đồ. Chúng ta đã bắt đầu từ thánh Phaolô và tuần vừa qua chúng ta đã bàn đến các vị tử đạo, loan báo Chúa Giêsu bằng cuộc sống, đến độ dâng hiến mạng sống cho Chúa và Tin mừng. Nhưng có một chứng tá lớn khác trong lịch sử đức tin: chứng tá của các đan sĩ nam nữ, những anh chị em, đã từ bỏ bản thân và thế gian để noi theo gương Chúa Giêsu trên con đường thanh bần, khiết tịnh và vâng phục và để chuyển cầu cho tất cả mọi người.

Tầm quan trọng của đời đan tu

Chính cuộc sống của các vị đã nói lên ý nghĩa, nhưng chúng ta có thể tự hỏi: làm sao những người sống trong đan viện có thể giúp đỡ việc loan báo Tin mừng? Phải chăng tốt hơn, họ nên dùng năng lực của mình vào sứ mạng truyền giáo? Trong thực tế, các đan sĩ là con tim sống động của việc loan báo: kinh nguyện của họ là dưỡng khí cho toàn thể các chi thể của Thân Mình Chúa Kitô, là sức mạnh vô hình nâng đỡ công cuộc truyền giáo. Không phải tình cờ mà vị bổn mạng của các xứ truyền giáo là một nữ đan sĩ, thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu. Chúng ta hãy nghe cách thức thánh nữ khám phá ơn gọi của mình:

"Tôi đã hiểu rằng Giáo hội có một con tim, một con tim nồng cháy tình yêu. Tôi hiểu rằng chỉ có tình yêu mới thúc đẩy các chi thể của Giáo hội đi tới hành động và nếu tình yêu ấy tắt lịm, thì các tông đồ sẽ không còn loan báo Tin mừng nữa, các vị tử đạo sẽ không đổ máu đào của mình nữa. Tôi đã hiểu và biết rằng tình yêu tự nó bao gồm tất cả mọi ơn gọi [...]. Vì thế, với tất cả sự vui mừng và ngất trí trong tâm hồn, tôi thốt lên: Ôi, lạy Chúa Giêsu, tình yêu của con, sau cùng con đã tìm được ơn gọi của con. Ơn gọi của con là tình yêu. [...] Trong con tim của Giáo hội, là mẹ của con, con sẽ là tình yêu" (Thủ bản tự thuật 'B', 8-9-1896).

Thánh Gregorio Narek

Tình yêu này đối với tất cả mọi người linh hoạt toàn thể cuộc sống của các đan sĩ được biểu lộ trong kinh nguyện chuyển cầu của các vị. Về điểm này, tôi muốn đề nghị với anh chị em một mẫu gương là thánh Gregorio Narek, Tiến sĩ Hội thánh. Ngài là một đan sĩ người Armeni, đã sống vào khoảng năm 1000, để lại cho chúng ta một cuộc sách kinh, trong đó có tràn đầy niềm tin của dân tộc Armeni, dân tộc đầu tiên đã đón nhận Kitô giáo; một dân tộc, gắn chặt với thập giá của Chúa Kitô, đã chịu đau khổ qua dòng lịch sử. Thánh Gregorio đã trải qua trong đan viện Narek hầu như cả đời. Tại đó, ngài học dò xét sự sâu thẳm của tâm hồn con người, và liên kết thơ văn và kinh nguyện, đã đánh dấu tột đỉnh văn chương cũng như linh đạo Armeni.

Chia sẻ vận mệnh của người đời

Khía cạnh gây ấn tượng mạnh nhất nơi thánh nhân chính là tình liên đới đại đồng mà ngài diễn giải. Ngài chia sẻ vận mạnh của mọi người và dành cuộc sống để chuyển cầu cho họ. Thánh nhân viết: "Tôi mang trong mình toàn thể trái đất, tôi là đại diện của toàn thế giới để dâng kinh nguyện của họ". Ngài tự định nghĩa là "người dâng kinh nguyện của toàn thế giới" (Sách Ai Ca, 28). Ngài sống kết hiệp với tất cả và khẩn cầu lòng thương xót cho mọi người" (Xc ibid. 32), đi từ những lầm than của con người mà thánh nhân không thấy nơi những người khác, nhưng trước tiên thấy nơi chính mình. Ngài nói: "Tôi tự nguyện vác lấy tất cả những tội lỗi, từ tội lỗi của người cha đầu tiên đến những người cuối cùng trong dòng dõi và tôi coi mình là người chịu trách nhiệm" (ibid.,72). Ngài khóc, ngoài tội của mình, nhưng cả những tội của tất cả mọi người. Cầu nguyện trong nước mắt nảy sinh từ một tâm hồn cảm thương. Như thế, ý thức và tham gia vào nhu cầu cứu độ tất cả mọi người, chúng ta đồng hóa đặc biệt với những người rốt cùng, những người yếu đuối và tội lỗi để chuyển cầu cho họ (Xc ibid.31.47). Chúng ta gánh lấy tội của tất cả mọi người để khẩn xin ơn tha thứ và chữa lành, trong tư cách là người anh em của tất cả mọi người. Chúng ta làm như vậy đối với cả những kẻ thù, cầu nguyện thế này: "[Lạy Chúa], xin nhớ đến những người, trong dòng dõi nhân loại, là kẻ thù của chúng con, nhưng vì thiện ích của họ, xin Chúa ban ơn tha thứ và thương xót họ" (ibid., 83).

Trình bày lên Chúa những đau khổ và nhu cầu

Ngoài ra, đối với thánh Gregorio Narek, cầu xin mà thôi thì chưa đủ, điều quan trọng là xin cách nào. Thánh nhân liệt kê tỉ mỉ những lo âu, nhu cầu, tội lỗi: để lòng Chúa thương xót xóa bỏ những điều ấy, ngài trình bày chi tiết những lầm than của con người. Và thánh nhân tranh đấu với Chúa, thưa với Chúa rằng: "Ðối với Chúa, đánh tan những lầm than ấy thật là dễ dàng, điều mà cánh tay phải run rẩy của con không vẽ được! Vì thế, con mô tả chúng không bỏ sót điều gì, để Chúa là Ðấng Phúc Lành, quảng đại xóa bỏ những lầm than ấy" (ibid. 28). Qua đó vị thánh đan sĩ dạy chúng ta không phải chuyển cầu một cách vội vã, nhưng trình bày cho Chúa những tình cảnh, những câu chuyện, lo âu, các vấn đề. Thánh nhân dạy chúng ta sốt sắng trong việc lôi kéo lòng thương xót trên thế giới, mời gọi chúng ta cầu nguyện cho người không cầu nguyện và không biết Thiên Chúa.

Tại sao cần chuyển cầu?

Nhưng chúng ta có thể tự hỏi: tại sao lại cần làm như thế, vì Thiên Chúa không lo liệu nếu chúng ta không cầu nguyện sao? Ở đây, chúng ta đụng chạm đến một mầu nhiệm lớn. Vì Thiên Chúa luôn tôn trọng tự do của chúng ta; và như thế, để thi hành chương trình cứu độ của Chúa, Ngài cần có một người nào đó, tự do, khẩn cầu và dâng lễ cho cả những người khác, mang đến cho Ngài những người ở xa, để Ngài có thể tác động trong tâm hồn họ, trong cuộc sống của họ. Thánh Gregorio Narek cảm thấy điều đó một cách mạnh mẽ và ngài không cầu nguyện một mình, nhưng chìm đắm trong một lời khẩn cầu cộng đoàn, hiệp thông với các thiên thần và các thánh (Xc ibid.m 81-82), với mỗi người sinh thì và túng quẫn (Xc ibid., 85.50) là những người đầu tiên cần lời cầu nguyện của người khác (Xc ibid., 73). Thánh nhân thưa với Chúa: "Xin đón nhận con cùng với họ, như những người đang rất cần tình thương bao la của Chúa đối với con người" (ibid., 33). Cả chúng ta cũng hãy cảm thấy đang cần Thiên Chúa như mọi người và là những người chuyển cầu cho mọi người nơi Thiên Chúa.

Chào thăm và kêu gọi

Sau bài huấn giáo của Ðức Thánh cha, buổi tiếp kiến được nối tiếp với phần tóm tắt bài giáo lý và những lời chào thăm của ngài.

Bằng tiếng Pháp, sau khi nhắc đến tên của một số cộng đoàn hiện diện, ngài nhắn nhủ mọi người rằng: "Trong mùa Phục sinh này, chúng ta hãy cầu xin ơn có một tâm hồn cảm thương từ đó nảy sinh một kinh nguyện chuyển cầu trở thành tình liên đới và nâng đỡ những người đang chịu đau khổ".

Khi chào các tín hữu Ba Lan, Ðức Thánh cha nhắc nhở rằng "trong vài ngày nữa, tại Ðền thánh quốc gia kính thánh Giuse ở thành phố Kalisz, anh chị em sẽ cử hành ngày tử đạo của hàng giáo sĩ Ba Lan trong thời Thế chiến thứ II. Tôi cầu mong chứng tá của các vị tử đạo Ba Lan khích lệ các linh mục, những người thánh hiến, các tín hữu giáo dân, đặc biệt những người trẻ, can đảm và quảng đại phục vụ Thiên Chúa và anh chị em mình".

Khi chào bằng tiếng Anh, Ðức Thánh cha nhắc đến các tín ưu đến từ Anh quốc, Ðan Mạch, Malta, Kenya, Kuwait, Úc, Indonesia, Việt Nam, Philippines và Hoa Kỳ. Ðồng thời, ngài nói thêm rằng: "Trong niềm vui của Chúa Kitô Phục Sinh, tôi khẩn cầu trên anh chị em và gia đình tình yêu thương xót của Thiên Chúa là Cha chúng ta".

Trong số các tín hữu Việt Nam được nhắc tới, có 13 người đến từ Úc, và 40 người khác đến từ Việt Nam, trong đoàn có 4 linh mục.

Sau khi chào thăm nhiều phái đoàn từ Ý, Ðức Thánh cha nói: "Như thường lệ, tôi nghĩ đến các bạn trẻ, bệnh nhân và người cao tuổi cũng như các đôi tân hôn. "Lấy hứng từ cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu Kitô với hai môn đệ trên đường Emmaus, anh chị em hãy biết gặp gỡ Chúa Giêsu trong kinh nguyện và trong suy tư, và tâm hồn của anh chị em, như các môn đệ Emmaus, cũng sẽ nồng cháy vì những ước muốn, lòng hăng say phấn khởi và những điều chắc chắn mà Thầy Chí Thánh biết gợi lên."

"Sau hết, chúng ta hãy kiên trì trong sự gần gũi và cầu nguyện cho Ucraina yêu quý và đau thương tiếp tục phải chịu những đau khổ".

Buổi tiếp kiến chung kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Ðức Thánh cha.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page