Ðức Thánh cha tiếp kiến

Ủy ban Tòa Thánh về Kinh thánh

 

Ðức Thánh cha tiếp kiến Ủy ban Tòa Thánh về Kinh thánh.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 21-04-2023) - Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 20 tháng Tư năm 2023, dành cho Ủy ban Tòa Thánh về Kinh thánh, Ðức Thánh cha Phanxicô đề cao giáo huấn của Kinh thánh về ý nghĩa và giá trị của đau khổ: "Trong Chúa Kitô, cả đau khổ được biến thành tình thương".

Ủy ban Tòa Thánh về Kinh thánh gồm khoảng 30 chuyên gia thuộc các nước, có nhiệm vụ hỗ trợ Bộ Giáo lý đức tin trong công tác khai triển và bảo vệ đức tin. Ðức Hồng y Luis Ladaria, Tổng trưởng Bộ này cũng là Chủ tịch của Ủy ban, hiện diện trong buổi tiếp kiến cùng với các thành viên.

Trong diễn văn trao tay cho các tham dự viên, Ðức Thánh cha nhắc đến đề tài được Ủy ban Kinh thánh bàn đến trong tuần lễ nhóm họp, là "Bệnh tật và đau khổ trong Kinh thánh". "Ðây là một đề tài liên hệ tới tất cả mọi người, người có tín ngưỡng cũng như người không có. Thực vậy, bản tính con người bị thương tổn vì tội lỗi, mang trong mình thực tại của sự giới hạn, mong manh và sự chết như được ghi khắc trong đó".

Trào lưu tư tưởng hiện đại coi bệnh tật và giới hạn như một sự mất mát, một điều vô giá trị, một sự phiền toái cần kháng cự lại và tiêu diệt bằng mọi giá. Người ta không muốn đặt câu hỏi về ý nghĩa của đau khổ, có lẽ vì sợ những hệ lụy luân lý và cuộc sống. Tuy nhiên, không ai có thể tránh né sự tìm kiếm lý do tại sao đau khổ" (Gioan Phaolo I, Salvifici doloris, 9).

Trong bối cảnh đó, Ðức Thánh cha nhắc đến giáo huấn của Kinh thánh Cựu ước và Tân ước về đau khổ, đặc biệt phần lớn hoạt động của Chúa Giêsu có liên hệ tới đau khổ, chữa lành những người đau khổ, bệnh tật; tình thương của Chúa đối với những người yếu nhược đi tới độ đồng hóa với họ, và tột đỉnh của sự đồng hóa này diễn ra trong cuộc khổ nạn và thập giá.

Ðức Thánh cha nhận xét rằng: "Con người Kinh thánh cảm thấy được mời gọi đương đầu với thân phận chung về sự đau khổ, như một nơi gặp gỡ với sự gần gũi và cảm thương của Thiên Chúa là Cha nhân lành, với lòng thương xót vô biên, đã nâng đỡ các thụ tạo của Ngài bị thương tích, chữa lành, nâng dậy và cứu vớt họ".

"Ðối với Kitô hữu, cả bệnh tật cũng là một hồng ân cao cả về sự hiệp thông, qua đó Thiên Chúa làm cho họ được tham phần vào sự thiện sung mãn của Ngài, qua kinh nghiệm về sự yếu đuối của Ngài".

Sau cùng, Ðức Thánh cha nhắc đến khía cạnh chót của kinh nghiệm bệnh tật, là nó dạy chúng ta "sống tình liên đới theo tinh thần nhân bản và Kitô, theo cách thức của Thiên Chúa là gần gũi, cảm thương và dịu dàng. Dụ ngôn về người Samaritano nhân lành nhắc nhớ chúng ta hãy cúi mình trên đau khổ của người khác. Ðối với con người, đó không phải là một sự chọn lựa tùy ý, nhưng đúng hơn đó là một điều kiện không thể từ bỏ, để được thành đạt viên mãn như con người, cũng như để xây dựng một xã hội bao gồm, và thực sự hướng về công ích". (Fratelli tutti, 67-68).

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page