Các vị tử đạo chứng tỏ cho chúng ta rằng

mỗi Kitô hữu được kêu gọi

làm chứng tá bằng cuộc sống

 

Tiếp kiến chung của Ðức Thánh cha: Các vị tử đạo chứng tỏ cho chúng ta rằng mỗi Kitô hữu được kêu gọi làm chứng tá bằng cuộc sống.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 19-04-2023) - Sáng thứ Tư, ngày 19 tháng Tư năm 2023, gần 40,000 tín hữu đã tham dự cuộc gặp gỡ với Ðức Thánh cha Phanxicô tại Quảng trường thánh Phêrô.

Như thường lệ, mở đầu buổi tiếp kiến là phần lắng nghe Lời Chúa với một đoạn ngắn trích từ Tin mừng theo thánh Matthêu đoạn 10 (16-18):

[Chúa Giêsu nói với 12 môn đệ]: "Này, Thầy sai các con đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy các con phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu. Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp các con cho các hội đường của họ. Và các con sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết".

Bài giáo lý

Trong bài huấn dụ tiếp đó, Ðức Thánh cha tiếp tục loạt bài giáo lý về "sự hăng say loan báo Tin mừng: lòng nhiệt thành tông đồ của tín hữu", Bài thứ mười một này có tựa đề: "Các chứng nhân: các vị tử đạo"

Ðức Thánh cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Sau khi tìm hiểu chứng từ của thánh Phaolô, vị "vô địch" về lòng nhiệt thành tông đồ, hôm nay chúng ta hướng nhìn, không phải về một nhân vật riêng rẽ, nhưng là hàng ngũ các vị tử đạo, những người nam nữ thuộc mọi lứa tuổi, ngôn ngữ và dân tộc đã hiến mạng vì Chúa Kitô. Sau thế hệ các tông đồ, chính họ là những "chứng nhân" nổi bật về Tin mừng. Vị đầu tiên là thầy Phó tế Stêphanô, bị ném đá ở ngoài thành Jerusalem. Từ "tử đạo", martirio, xuất phát từ tiếng Hy Lạp "Martyria", có nghĩa là sự làm chứng. Nhưng chẳng bao lâu trong Giáo hội, từ martirio được dùng để chị người đã làm chứng cho đến độ đổ máu đào.

Nhưng không nên coi các vị tử đạo như những "anh hùng" đã hành động một cách cá nhân riêng rẽ, như những bông hoa nở trong sa mạc, trái lại, như những hoa trái chín mùi tuyệt hảo trong vườn nho của Chúa là Giáo hội. Ðặc biệt, các Kitô hữu, khi siêng năng tham dự thánh lễ, họ được Chúa Thánh Linh hướng dẫn đặt cuộc sống trên căn bản mầu nhiệm tình yêu: nghĩa là trên sự kiện Chúa Giêsu đã hiến mạng sống vì họ, và vì thế cả họ cũng có thể và phải hiến mạng sống vì Chúa và anh chị em. Thánh Augustinô thường nhấn mạnh năng động biết ơn và sự đáp trả hồng ân nhưng không. Ví dụ, điều mà thánh nhân giảng nhân dịp lễ thánh Laurensô: "Thánh Laurensô là phó tế của Giáo hội Roma. Tại đây, ngài là thừa tác viên của máu Chúa Kitô và cũng tại đây, vì danh Chúa Kitô, ngài đã đổ máu. Thánh Gioan tông đồ trình bày rõ ràng mầu nhiệm Tiệc Ly của Chúa, khi nói: "Chúa Chúa Kitô đã hiến mạng sống vì chúng ta, nên cả chúng ta cũng phải hiến mạng vì anh chị em" (1 Ga 3,16). Anh chị em, thánh Laurensô đã hiểu tất cả những điều đó. Ngài đã hiểu và thực hành. Và đã thực sự đáp trả điều mà ngài đã nhận lãnh tại bàn thánh. Ngài yêu mến Chúa Kitô trong cuộc sống, noi gương Chúa trong cái chết" (Disc. 304, 14; PL 38. 1395-1397). Qua đó, thánh Augustinô đã giải thích năng động thiêng liêng linh hoạt các vị tử đạo.

Ðức Thánh cha nói thêm rằng: Anh chị em thân mến, hôm nay chúng ta tưởng niệm tất cả các vị tử đạo đã đồng hành với cuộc sống của Giáo hội. Như tôi đã nói nhiều lần, ngày nay các vị đông đảo hơn so với những thế kỷ đầu tiên. Công đồng chung Vatican II nhắc nhớ chúng ta rằng: "Cuộc tử đạo, - nhờ đó môn đệ trở nên giống Thầy mình, tự nguyện đón nhận cái chết vì phần rỗi thế giới, và qua đó người môn đệ trở nên giống Chúa trong việc đổ máu, - được Giáo hội coi như một hồng ân trổi vượt và là bằng chứng tột đỉnh về tình yêu" (LG 42). Các vị tử đạo, noi gương Chúa Giêsu, và với ơn thánh của Chúa, khiến cho bạo lực của người từ chối việc loan báo, trở thành cơ hội tột đỉnh của tình yêu, đến độ tha thứ cho chính những kẻ hành hình mình.

Mặc dù chỉ có một ít người được yêu cầu tử đạo, "nhưng tất cả phải sẵn sàng tuyên xưng Chúa Kitô trước mặt người đời và theo Chúa trên con đường khổ giá trong các cuộc bách hại, vốn là điều không bao giờ thiếu đối với Giáo hội" (ibid. 42). Qua cách thức đó, các vị tử đạo chứng tỏ cho chúng ta rằng mỗi Kitô hữu được kêu gọi làm chứng tá bằng cuộc sống, cho dù không đến độ đổ máu, biến bản thân thành một món quà dâng lên Chúa và cho anh chị em, noi gương Chúa Giêsu.

Và Ðức Thánh cha kết luận rằng: "Tôi muốn kết thúc với lời nhắc lại chứng tá Kitô hiện diện trong mọi góc trời. Ví dụ, tôi nghĩ đến Yemen, một phần đất từ nhiều năm nay bị thương tổn vì một cuộc chiến tranh kinh khủng, bị quên lãng, đã làm cho bao nhiêu người chết và vẫn còn làm cho dân chúng đau khổ, đặc biệt là các trẻ em. Chính tại phần đất ấy đã có những chứng tá đức tin rạng ngời, như của các nữ tu thừa sai bác ái. Ngày nay các chị vẫn còn hiện diện tại Yemen, giúp đỡ những người già, bệnh tật và những người khuyết tật. Các chị đón nhận tất cả mọi người, thuộc bất kỳ tôn giáo nào, vì lòng bác ái và tình huynh đệ không có biên giới. Tháng Bảy năm 1998, nữ tu Aletta, Zelia, và Michael, khi trở về nhà sau thánh lễ, đã bị một kẻ cuồng tín giết chết. Gần đây hơn, ít lâu sau khi bắt đầu cuộc chiến hiện nay, hồi tháng Ba năm 2016, nữ tu Anselm, nữ tu Marguerite, nữ tu Reginette và nữ tu Judith đã bị giết cùng với vài giáo dân giúp đỡ các chị trong trong công tác bác ái nơi những người rốt cùng. Trong số những giáo dân bị giết, ngoài các tín hữu Kitô, cũng có các tín hữu Hồi giáo làm việc với các nữ tu. Chúng ta cảm động khi thấy chứng tá bằng máu có thể liên kết những người thuộc các tín ngưỡng khác nhau. Không bao giờ được giết người nhân danh Thiên Chúa, vì đối với Chúa, tất cả đều là anh chị em. Nhưng cùng nhau ta có thể hiến mạng sống vì tha nhân.

"Vì thế, chúng ta hãy cầu xin, để chúng ta đừng mệt mỏi trong việc làm chứng cho Tin mừng cả trong thời kỳ sầu muộn. Tất cả các thánh nam nữ đều là những hạt giống hòa bình và hòa giải giữa các dân tộc để tiến tới một thế giới nhân bản và huynh đệ hơn, trong khi chờ đợi Nước Trời hiển dương sung mãn, khi Thiên Chúa sẽ là tất cả trong mọi người (Xc 1 Cr 15,28).

Chào thăm và kêu gọi

Sau bài huấn giáo của Ðức Thánh cha, buổi tiếp kiến được nối tiếp với phần tóm tắt bài giáo lý và những lời chào thăm của ngài.

Bằng tiếng Pháp, Ðức Thánh cha đặc biệt nhắc đến nhiều nhóm tín hữu đến từ các giáo xứ, các cộng đoàn tuyên úy và sinh viên đến từ Thụy Sĩ, Bỉ và Pháp, đồng thời ngài cầu chúc họ được phúc lành của Chúa cũng như xin Chúa ban cho họ sức mạnh để làm chứng nhân.

Khi chào bằng tiếng Anh, Ðức Thánh cha đặc biệt nhắc đến các nhóm đến từ Hòa Lan, Ấn Ðộ, Australia, Mỹ, và nói thêm rằng: "Trong niềm vui của Chúa Kitô Phục sinh, tôi khẩn cầu lòng thương xót của Chúa là Cha chúng ta đổ xuống trên anh chị em và gia đình".

Với các tín hữu Ba Lan, Ðức Thánh cha nói: Hôm nay chúng ta đã nói về các vị tử đạo, trong số này có cả thánh Adalberto bổn mạng của Ba Lan, trong vài ngày nữa là lễ trọng kính thánh nhân. Ước gì cuộc tử đạo của ngài, vốn là chứng tá cho Giáo hội tại Ba Lan, mang lại cho anh chị em lòng can đảm đức tin do Chúa ban".

Khi chào bằng tiếng Ý, Ðức Thánh cha nhắc đến tên của một số giáo xứ của các tín hữu hành hương hiện diện, cũng như các binh sĩ thuộc trường hạ sĩ quan hải quân ở cảng Taranto nam Ý, các sinh viên Học viện Gioan Phaolô II ở Matatera.

Sau cùng, Ðức Thánh cha nói: "Như thường lệ, tôi nghĩ đến các bạn trẻ, bệnh nhân và người cao tuổi cũng như các đôi tân hôn. Tôi cầu chúc mọi người khi rời Kinh thành Muôn thuở này trở về môi trường sống của mình, anh chị em mang chứng tá về một sự dấn thân đức tin được canh tân và hoạt động, góp phần làm cho ánh sáng của Chúa Kitô phục sinh được chiếu tỏa rạng ngời trong trần thế.

"Sau hết, chúng ta hãy kiên trì trong sự gần gũi và cầu nguyện cho Ucraina yêu quý đau thương tiếp tục phải chịu những đau khổ kinh khủng".

Buổi tiếp kiến chung kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Ðức Thánh cha.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page