Tìm Chúa Phục Sinh trong cộng đoàn

 

Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Ðàng với Ðức Thánh cha: Tìm Chúa Phục Sinh trong cộng đoàn.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 16-04-2023) - Trưa Chúa nhật, ngày 16 tháng Tư năm 2023, hàng ngàn tín hữu đã tới Quảng trường thánh Phêrô để dự buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Ðàng với Ðức Thánh cha Phanxicô, nhân ngày lễ kính Lòng Chúa Thương Xót. Nhân dịp này, Ðức Thánh cha chúc mừng các tín hữu Chính thống, nhân lễ Phục sinh họ cử hành theo niên lịch Giuliano. Ðức Thánh cha kêu gọi hòa bình cho nước Sudan đang có đụng độ trong cuộc đảo chánh. Ðặc biệt, Ðức Thánh cha tố giác những lời cáo buộc xúc phạm và vô căn cứ chống lại Ðức Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong những ngày qua, trên các cơ quan truyền thông ở Ý.

Huấn dụ của Ðức Thánh cha

Trong bài suy niệm ngắn trước khi đọc kinh, Ðức Thánh cha đã quảng diễn bài Tin mừng ngày lễ thuật lại cuộc hiện ra của Chúa Phục Sinh với các môn đệ, đặc biệt với tông đồ Tôma.

Ðức Thánh cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay, Chúa nhật kính Lòng Chúa Thương Xót. Tin mừng kể lại cho chúng ta hai cuộc hiện ra của Chúa Giêsu Phục Sinh với các môn đệ, đặc biệt với thánh Tôma, "vị tông đồ cứng lòng tin" (Xc Ga 20,24-29).

Thực ra, Tôma không phải là người duy nhất cảm thấy khó tin, đúng hơn thánh nhân phần nào đại diện cho chúng ta. Quả vậy, tin không phải là điều luôn dễ dàng, thánh nhân đã chịu một lần thất vọng lớn. Tôma đã theo Chúa Giêsu trong nhiều năm, gặp nguy hiểm và chịu đựng những cơ cực, nhưng Thầy đã bị treo trên thập giá như một tên đại hình và không ai giải thoát cho Người, không ai làm gì cả! Ngài đã chết và tất cả đều sợ hãi. Làm sao tín nhiệm nữa?

Nhưng Tôma tỏ ra đã có can đảm: trong khi những người khác khép kín trong Nhà Tiệc Ly, thì ông đi ra ngoài, với nguy cơ có người nhận ra ông, tố giác và bắt giữ ông. Thậm chí chúng ta có thể nghĩ rằng, với lòng can đảm, Tôma đáng gặp Chúa Phục Sinh hơn những người khác. Trái lại, chính vì đi xa, khi Chúa Giêsu hiện ra lần đầu tiên với các môn đệ vào chiều ngày Lễ Vượt Qua, Tôma không có mặt và bị mất cơ hội. Làm sao có thể phục hồi cơ may đó? Chỉ khi trở lại với những người khác, trở lại trong gia đình, đã làm cho Tôma kinh hãi và buồn. Khi Tôma làm như thế, khi ông trở lại, thì những người khác kể lại Chúa Giêsu đã đến, nhưng ông không tin; ông muốn thấy những vết thương của Chúa. Và Chúa Giêsu làm hài lòng ông: tám ngày sau, Chúa lại hiện ra giữa các môn đệ của Ngài và tỏ cho họ thấy những vết thương, những bằng chứng về tình thương của Ngài, những kênh lòng thương xót của Ngài luôn mở rộng.

Tìm Chúa trong cộng đoàn

Ðức Thánh cha nói: "Chúng ta hãy suy tư về những sự kiện ấy. Ðể tin, Tôma muốn một dấu chỉ đặc biệt: động chạm đến các vết thương. Chúa Giêsu tỏ các vết thương cho ông, nhưng một cách bình thường, trước mặt tất cả mọi người, trong cộng đoàn. Như thể Ngài nói với ông: nếu con muốn gặp Thầy, thì đừng tìm kiếm nơi xa xăm, nhưng hãy ở lại trong cộng đoàn, với những người khác; đừng đi xa, hãy cầu nguyện với họ, bẻ bánh với họ. Và tại đó con có thể gặp Thầy, tại đó Thầy sẽ chỉ cho con, những vết thương đã ghi dấu ấn trên thân thể Thầy: những dấu chỉ Tình Thương chiến thắng oán thù, dấu chỉ Tha Thứ giải tỏa thù hận, dấu chỉ Sự Sống đánh bại cái chết. Tại đó, trong cộng đoàn, con sẽ khám phá khuôn mặt của Thầy, trong khi con chia sẻ với các anh em những lúc nghi ngờ và sợ hãi, gắn bó hơn nữa với họ.

Áp dụng vào cuộc sống các tín hữu

"Anh chị em thân mến, lời mời gọi của Chúa gởi tới Tôma cũng có giá trị đối với chúng ta ngày nay. Phần chúng ta, chúng ta tìm kiếm Chúa Phục Sinh ở đâu? Phải chăng trong một biến cố đặc biệt nào đó, một cuộc biểu dương tôn giáo ngoạn mục và rực rỡ nào đó, có một không hai trong những cảm xúc và cảm giác của chúng ta? Hay là trong cộng đoàn, trong Giáo hội, chấp nhận thách đố ở lại với cộng đoàn, dù cộng đoàn không hoàn hảo? Mặc dù có tất cả những giới hạn và sa ngã, cũng là những giới hạn và sa ngã của chúng ta, Giáo hội Mẹ chúng ta là Thân Mình của Chúa Kitô; và chính tại đó, trong Thân Mình của Chúa Kitô, có in đậm bây giờ và mãi mãi nhưng dấu chỉ cao cả nhất của tình Chúa yêu thương. Nhưng chúng ta hãy tự hỏi xem, nhân danh tình thương ấy, nhân danh các vết thương của Chúa Giêsu, chúng ta có sẵn sàng mở rộng vòng tay cho người bị thương tổn trong cuộc sống, không loại trừ một ai khỏi lòng thương xót của Chúa, nhưng đón nhận tất cả mọi người; đón nhận mỗi người như người anh em, chị em.

Và Ðức Thánh cha kết luận: "Xin Ðức Maria, là Mẹ Xót Thương, giúp chúng con yêu mến Giáo hội và làm cho Giáo hội trở thành nhà đón tiếp cho tất cả mọi người."

Chào thăm và kêu gọi

Sau khi đọc kinh và ban phép lành cho mọi người, Ðức Thánh cha gửi lời chúc mừng lễ Phục sinh đến các tín hữu Kitô nghi lễ Ðông phương, các tín hữu Chính thống ở khắp nơi, nhân dịp lễ Phục sinh họ cử hành vào Chúa nhật, 16 tháng Tư này, theo niên lịch Giuliano. Ðặc biệt, Ðức Thánh cha nhắc đến các tín hữu tại Nga và Ukraina.

Ðức Thánh cha cũng kêu gọi các phe đang đụng độ nhau ở Khartoum, thủ đô Sudan bên Phi châu, hãy ngưng chiến, đối thoại với nhau để tìm giải pháp. Cuộc đụng độ đã làm cho ít nhất là 56 người chết. Ðức Thánh cha nói: "Tôi lo âu theo dõi những biến cố đang xảy ra ở Sudan. Tôi gần gũi nhân dân Sudan, vốn đã chịu nhiều thử thách, và tôi mời gọi cầu nguyện để võ khí được hạ xuống và đối thoại được trổi vượt, để cùng nhau tái tiến bước trên con đường hòa bình và hòa hợp".

Ðặc biệt, Ðức Thánh cha tố giác những lời cáo buộc xúc phạm và vô căn cứ chống Ðức Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Trong những ngày qua, ông Pietro Orlandi, anh ruột của cô Manuela Orlandi, bị mất tích cách đây 40 năm. Cả hai là con của một nhân viên Vatican. Trong những thập niên qua, nhà chức trách Vatican và Ý đã điều tra nhưng không có kết quả. Mới đây, Quốc hội Ý cũng như Ðức Thánh cha cho mở lại các cuộc điều tra. Trong bối cảnh này, Pietro Orlandi đã tuyên bố trên một đài truyền hình Ý là "Ðức Gioan Phaolô II có thói quen cùng với hai Ðức ông Ba Lan, vào ban tối, đi ra ngoài Vatican, chắc chắn là không phải để làm phép nhà", ngụ ý là các vị làm điều xấu xa. Công tố viên của Vatican đã gọi bà luật sư của ông Pietro Orlandi đến để hỏi tên và nguồn mạch những lời tố giác như vậy, nhưng bà ta viện cớ là bí mật nghề nghiệp và không trả lời. Ðức Hồng y Dziwisz, cựu bí thư của Ðức Thánh cha Gioan Phaolô II cũng như các cơ quan truyền thông Vatican đã phản ứng mạnh mẽ, lên án sự cáo buộc vô căn cứ như vậy.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page