Ðức Hồng y Tổng giám mục Colombo Sri Lanka

phê bình dự luật chống khủng bố

 

Ðức Hồng y Tổng giám mục Colombo Sri Lanka phê bình dự luật chống khủng bố.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Colombo (RVA News 07-04-2023) - Ðức Hồng y Malcolm Ranjith, Tổng giám mục Giáo phận Colombo, thủ đô Sri Lanka, phê bình dự luật chống khủng bố do chính phủ đề ra, vì luật này có thể bị nhà nước lợi dụng dễ dàng để buộc những người phê bình phải im lặng và đàn áp những vụ dân chúng phản đối.

Hôm 22 tháng Ba năm 2023, chính phủ Sri Lanka đã công bố dự luật dài 97 trang để thay thế luật phòng ngừa khủng bố hồi năm 1979. Luật này được thi hành để giúp chính phủ đương đầu với cuộc nội chiến dài 30 năm và chấm dứt hồi năm 2009. Nhưng sau đó, chính phủ Sri Lanka dùng luật này để loại bỏ những xáo trộn tại miền nam đất nước, khiến cho hàng ngàn người bị giết.

Ðức Hồng y Malcolm Ranjith, năm nay 75 tuổi, nguyên là Tổng thư ký Bộ Phụng tự và Kỷ luật bí tích, trước khi được bổ nhiệm làm Tổng giám mục Colombo. Hôm 04 tháng Tư năm 2023, Ðức Hồng y lên tiếng phê bình rằng dự luật mới hoàn toàn vi phạm công pháp quốc tế về các quyền con người, và ngài kêu gọi mọi người dân hãy chống lại dự luật vì "nó cắt bỏ tự do ngôn luận, buộc những người phê bình chính phủ phải im tiếng, và hăm dọa họ".

Dự luật mới trừng phạt những người vi phạm, bằng những hình phạt nghiêm khắc kể cả bằng án tử hình. Ðức Hồng y Ranjith nói: "Án tử hình đang bị bãi bỏ trên thế giới, thế mà chính phủ Sri Lanka lại đưa án này vào trong dự luật. Nếu Tổng thống muốn, với dự luật này ông có thể cấm một đảng phái chính trị. Dự luật này được đề ra để kiểm soát những vụ phản đối. Chính phủ đề ra dự luật trong khi không có bầu không khí khủng bố tại đất nước này. Nhưng có những vụ phản đối ở nhiều nơi trong nước chống lại các chính sách của chính phủ vì chúng không thích hợp để đương đầu với cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng của đất nước".

Ông Surini Attapaththu, một người đấu tranh cho nhân quyền, tham gia phong trào chống chính phủ Sri Lanka hồi năm 2022, nói rằng dự luật mới có thể bị chính quyền dùng để chống lại các nhóm thiểu số, những người bênh vực nhân quyền và những người phản đối. "Ðịnh nghĩa của dự luật về khủng bố rất mơ hồ, như vi phạm chủ quyền quốc gia. Những từ ngữ này gợi lại những vụ lạm dụng luật chống khủng bố trong quá khứ".

Cả Liên hiệp Âu châu, Mỹ, và tổ chức Ân xá quốc cũng đã từng yêu cầu chính phủ Sri Lanka đừng dùng luật chống khủng bố để đàn áp những người phản đối, đồng thời loại bỏ luật ngặt nghèo chống khủng bố đang được thi hành hiện nay".

(Ucanews 5-4-2023)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page