Trong những ngày thánh này,

chúng ta hãy đến gần Ðấng chịu đóng đinh

 

Tiếp kiến chung của Ðức Thánh cha: Trong những ngày thánh này, chúng ta hãy đến gần Ðấng chịu đóng đinh.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 05-04-2023) - Sáng thứ Tư, ngày 05 tháng Tư năm 2023, đã có gần 10,000 tín hữu hành hương đến tham dự buổi Tiếp kiến chung hằng tuần của Ðức Thánh cha Phanxicô tại Quảng trường thánh Phêrô. Trời có nhiều mây và gió lạnh nên số tín hữu đến tham dự ít hơn tuần trước.

Ðức Thánh cha tiến lên lễ đài để bắt đầu buổi tiếp kiến, với phần lắng nghe Lời Chúa, qua bài đọc ngắn trích từ thư thứ I của thánh Phêrô (1 Pr 2,21-24):

"Chúa Kitô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người. Người không hề phạm tội; chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối. Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe; nhưng một bề phó thác cho Ðấng xét xử công bình. Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống một cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành".

Bài giáo lý

Trong bài huấn dụ tiếp đó, nhân dịp Tuần thánh, Ðức Thánh cha tạm gác lại loạt bài giáo lý về "sự hăng say loan báo Tin mừng: lòng nhiệt thành tông đồ của tín hữu", để trình bày về đề tài "Thập giá, nguồn hy vọng".

Ðức Thánh cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tình trạng đen tối

"Chúa nhật tuần trước, phụng vụ đã cho chúng ta nghe bài Thương khó của Chúa. Trình thuật kết thúc với câu: "Họ niêm phong tảng đá" (Mt 27,66). Tất cả dường như chấm dứt. Ðối với các môn đệ, đó là kết thúc hy vọng. Thầy đã bị đóng đinh, bị giết một cách dữ dằn và nhục nhã nhất, bị treo trên khổ giá ô nhục, ngoài thành: một sự thất bại công khai, kết thúc xấu xa nhất. Giờ đây, sự chán chường đè nặng trên các môn đệ hồi đó không phải là điều xa lạ đối với chúng ta ngày nay. Cả nơi chúng ta cũng có tư tưởng u tối và những tâm tình bất mãn: tại sao có bao nhiêu người dửng dưng đối với Thiên Chúa? Tại sao có bao nhiêu điều ác trên thế giới? Tại sao những chênh lệch tiếp tục gia tăng và hòa bình vốn được mong ước, không đến? Và trong tâm hồn mỗi người, bao nhiêu là chờ mong bị biến tan, bao nhiêu thất vọng! Và cảm tưởng thời quá khứ đã qua là thời kỳ tốt đẹp hơn và trên thế giới, cả trong Giáo hội, sự việc không được như xưa. Tóm lại, cả ngày nay, hy vọng dường như bị niêm phong dưới tảng đá mất tín thác.

Thập giá, nơi bắt đầu lại

Trong tâm trí các môn đệ, họ yên trí một hình ảnh: thập giá. Ðó là nơi tập trung mọi sự. Nhưng chính tại đó, ít lâu sau họ đã khám phá một sự bắt đầu mới chính nơi thập giá. Anh chị em, hy vọng nơi Thiên Chúa nảy mầm như thế, sinh ra và tái sinh nơi những hố đen của những mong đợi không được đáp ứng của chúng ta; và trái lại, niềm hy vọng ấy không bao giờ làm ta thất vọng. Chúng ta hãy nghĩ đến chính thập giá: từ một dụng cụ kinh khủng để hành hình Thiên Chúa đã tạo nên dấu chỉ lớn nhất về tình thương. Cây gỗ chết chóc đã trở thành cây sự sống, nhắc nhớ chúng ta rằng những khởi đầu của Thiên Chúa thường bắt đầu từ những chấm dứt của chúng ta: Chúa muốn tạo nên những việc kỳ diệu như thế. Vậy ngày hôm nay, chúng ta hãy nhìn cây khổ giá để nảy sinh nơi chúng ta hy vọng: để được chữa lành khỏi sầu muộn mà chúng ta vướng mắc, khởi sự cay đắng, qua đó chúng ta làm ô nhiễm Giáo hội và thế giới. Chúng ta hãy nhìn Ðấng chịu đóng đinh. Và chúng ta thấy gì? Chúng ta thấy Chúa Giêsu bị trần trụi và bị thương tích.

Hai khía cạnh

Tước bỏ mặt nạ giả dối bề ngoài

Vậy chúng ta hãy lĩnh hội hy vọng nơi hai khía cạnh ấy, hy vọng dường như tàn lụi, nhưng đang nảy sinh, "sau khi đã đóng đinh Ngài, họ bốc thăm chia áo của Ngài" (v. 35). Thiên Chúa bị lột áo: Ngài có mọi sự nhưng để cho mình bị thiếu mọi sự. Nhưng sự hạ nhục ấy là con đường cứu chuộc. Thiên Chúa thắng trên những vẻ bề ngoài của chúng ta. Thực vậy, chúng ta khó để mình bị vạch trần, khó nhìn nhận sự thật; chúng ta thường mặc cái vẻ bề ngoài mà chúng ta tìm kiếm và tò mò, đeo những mặt nạ để che đậy và tỏ ra tốt đẹp hơn thực trạng của chúng ta. Chúng ta nghĩ rằng điều quan trọng là phô trương, để người ta nói tốt về chúng ta. Và chúng ta trang điểm bề ngoài, những điều thừa thãi; nhưng như thế chúng ta không được an bình. Chúa Giêsu chịu tước bỏ tất cả mọi sự, nhắc nhớ chúng ta rằng hy vọng nảy sinh với sự nhìn nhận thực trạng của chúng ta, bỏ rơi thái độ nước đôi, giải thoát chúng ta khỏi sự sống chung hòa bình với sự giả dối của chúng ta. Ðiều giúp ích là: trở về với trọng tâm, với điều thiết yếu, với một cuộc sống đơn sơ, loại bỏ bao nhiêu điều vô ích, những thứ hy vọng giả. Ngày hôm nay, khi mà mọi sự đều phức tạp và ta có nguy cơ đánh mất hướng đi, chúng ta cần sự đơn sơ, cần tái khám phá giá trị của sự điều độ, từ bỏ, thanh tẩy khỏi những gì là ô nhiễm con tim và làm cho ta buồn sầu. Mỗi người chúng ta có thể nghĩ đến một điều vô ích cần loại bỏ để đổi mới. Ðó là một việc tập luyện tốt!

Nhìn lên Ðấng chịu đóng đinh

Chúng ta hãy hướng nhìn lần thứ hai lên Ðấng chịu đóng đinh và nhìn Chúa Giêsu bị thương tích. Thập giá cho thấy các đinh nhọn đâm thâu qua tay chân Chúa, cạnh sườn bị đâm thấu qua. Nhưng thêm vào những vết thương của thân thể, còn có những vết thương của tâm hồn. Chúa Giêsu cô độc: bị phản bội, bị những người của Ngài giao nộp và chối bỏ, bị nhà cầm quyền tôn giáo và dân sự kết án, thậm chí cảm thấy bị Thiên Chúa bỏ rơi (Xc v. 46). Ngoài ra, trên thập giá có bản án: "Người này là Giêsu: Vua người Do thái" (v.37). Ðó là một sự giễu cợt: Ngài là người đã trốn chạy khi người ta tìm cách tôn Ngài là vua (Xc Ga 6,15), nay bị kết án vì được tôn là vua; tuy không phạm tội ác nào, nhưng bị đặt giữa hai kẻ bất lương và bị người ta thích tha Barabba, kẻ hung bạo, hơn là chính Ngài (Xc Mt 27,15-21). Tóm lại, Chúa Giêsu bị thương tích trong thân xác và linh hồn. Ngài có thể giúp đỡ chúng ta hy vọng bằng cách nào?

Chúa giúp đỡ chúng ta

Anh chị em, cả chúng ta cũng bị thương: ai mà chẳng bị thương trong cuộc sống? Ai không mang những vết tích của những chọn lựa quá khứ, bị hiểu lầm, những khổ đau còn lại trong mình và khó vượt thắng? và cả những thiệt hại đã phải chịu, những lời đay nghiến, những phán đoán bất bao dung? Thiên Chúa không giấu khỏi cái nhìn của chúng ta những vết thương đã đâm thâu qua thân xác và tâm hồn của Ngài. Ngài tỏ chúng cho chúng ta để thấy rằng dịp Phục sinh có thể mở ra một lối đi mới: biến những vết thương của mình thành những lỗ ánh sáng. Như Chúa Giêsu trên thập giá không đay nghiến, than trách, nhưng yêu thương. Yêu thương và tha thứ người làm Ngài bị thương (Xc Lc 23,24). Như thế biến ác thành thiện, biến đau khổ thành tình thương.

Biến cải các vết thương

Vậy điểm quan trọng không phải là bị thương tích nhiều hay ít trong cuộc sống, nhưng là làm gì với những vết thương ấy. Tôi có thể để chúng làm nhiễm độc trong sự oán hận và buồn sầu hay tôi có thể kết hiệp chúng với những vết thương của Chúa Giêsu, để những vết thương của tôi trở nên rạng ngời. Ðúng vậy, những vết thương của chúng ta có thể trở thành nguồn mạch hy vọng khi chúng ta lau khô nước mắt của những người khác, thay vì than khóc cho chính mình; thay vì nuôi dưỡng oán hận vì những gì ta bị tước đoạt, chúng ta chăm sóc những người bị thiếu thốn; khi thay vì chúng ta lẩm bẩm kêu trách, chúng ta cúi mình trên người đang đau khổ; khi mà thay vì khao khát tình thương cho bản thân, chúng ta giải khát cho những người đang cần chúng ta. Vì chỉ khi chúng ta ngưng nghĩ đến chính mình, thì ta mới tìm lại được bản thân. Và khi làm như thế, như Kinh thánh dạy, vết thương của chúng sớm được lành lặn (IS 58,8) và hy vọng nở hoa.

Và Ðức Thánh cha kết luận rằng: "Trong những ngày thánh này, chúng ta đến gần Ðấng chịu đóng đinh. Chúng ta hãy đặt mình trước Chúa, cởi bỏ, để nhận chân về bản thân, loại bỏ những gì thừa thãi. Chúng ta hãy nhìn Chúa bị thương tích, và đặt những vết thương của chúng ta trong những vết thương của Chúa. Hãy để Chúa Giêsu tái sinh niềm hy vọng trong chúng ta.

Chào thăm và kêu gọi

Sau bài huấn giáo của Ðức Thánh cha, buổi tiếp kiến được nối tiếp với phần tóm tắt bài giáo lý và những lời chào thăm và cầu chúc Tuần thánh cũng như Lễ Phục sinh của ngài gửi đến các nhóm hành hương bằng tám thứ tiếng khác nhau.

Khi chào bằng tiếng Anh, Ðức Thánh cha đặc biệt nhắc đến các nhóm hành hương đến từ Hòa Lan, New Zealand, Philippines, Singapore, Canada và Hoa Kỳ. Ngài cầu chúc mọi người rằng: Tuần thánh này giúp chúng ta cử hành lễ Phục sinh của Chúa với tâm hồn được thanh tẩy và đổi mới nhờ ơn của Chúa Thánh Linh.

"Sau cùng, bằng tiếng Ý, Ðức Thánh cha nói: "Trong Tuần thánh khổ nạn này của Chúa Kitô, chúng ta tưởng niệm cái chết bất công của Ngài, tôi đặc biệt nghĩ đến tất cả các nạn nhân của tội ác chiến tranh, và trong khi mời gọi cầu nguyện cho họ, chúng ta dâng lời khẩn nguyện lên Thiên Chúa, để tâm hồn mọi người được hoán cải. Và nhìn lên Ðức Mẹ Maria, trước thập giá tôi nghĩ đến các bà mẹ của các binh sĩ Ucraina và Nga ngã gục trong chiến tranh. Họ là mẹ của những người con bị giết chết."

Sau cùng, Ðức Thánh cha nói: "như thường lệ, tôi nghĩ đến các bạn trẻ, các bệnh nhân và người cao niên cũng như các đôi tân hôn. Trong bầu không khí tinh thần nồng nhiệt của Tuần thánh, tôi mời gọi mỗi người hãy chiêm ngắm mầu nhiệm khổ nạn, sự chết và sống lại của Chúa để kín múc từ đó sức mạnh biểu lộ trong đời sống những đòi hỏi của Tin mừng.

Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Ðức Thánh cha.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page