Thư chung của Các Giám Mục Scandinavia

về tính dục con người

 

Thư chung của Các Giám Mục Scandinavia về tính dục con người.

Vu Van An

(VietCatholic News 01-04-2023) - Sandro Magister, trên trang mạng Settimo Cielo ấn bản tiếng Anh, ngày 26 tháng 3 năm 2023, phổ biến lá thư của các Giám Mục Scandinavia viết về Tính dục con người .

Theo ông, cuộc xung đột ủng hộ và chống lại việc ban phép lành cho các cặp đồng tính đang mang lại cho công luận một hình ảnh về Giáo hội hoàn toàn được vạch ra theo hình ảnh xung đột không kém của xã hội thế tục.

Ta có các giám mục Ðức và Bỉ phê chuẩn và thực hành điều đó. Ta có một số Hồng Y, như Gerhard Muller, ngài cũng là người Ðức, vì lý do này đã coi họ là kẻ dị giáo và muốn họ bị xét xử theo giáo luật. Có một Hồng Y khác, Jean-Claude Hollerich, một người Lục Xâm Bảo và là một tu sĩ Dòng Tên, thay vào đó, đang thúc đẩy một "sự thay đổi mô hình" thậm chí còn tổng quát hơn trong lý thuyết thực hành và học thuyết của Giáo hội về các vấn đề tính dục. Có Tòa thánh cấm việc ban phép lành cho các cặp đồng tính, và lệnh cấm này có sự "nhất trí" bằng văn bản của Ðức Giáo Hoàng. Nhưng lại có Ðức Phanxicô, người ngay sau khi nhất trí như thế đã rút lại, đề cao Hollerich lên vị trí hàng đầu của thượng hội đồng thế giới đang diễn ra, và cảm ơn vị này vì công việc tuyệt vời vị này đang làm, nhưng cũng nói rằng ngài không hài lòng với thượng hội đồng Ðức vì cả nó cũng được "lãnh đạo bởi một tầng lớp ưu tú" thay vì bởi những người tốt lành. Và dù sao, ngài để cho các giám mục cải tiến muốn làm gì thì làm, như một người trong số họ, Johan Bonny, người Bỉ, đã hào hứng kể lại với các đồng nghiệp của mình tại thượng hội đồng Ðức: rằng chính Ðức Giáo Hoàng, lúc gặp gỡ các giám mục của Bỉ trong chuyến viếng thăm "ad limina" của họ, đã khuyến khích họ tiếp tục với việc ban phúc lành của họ.

Sự kiện là tiếng ồn ào lộn xộn của trận chiến này đang nhấn chìm những lý do nhân học và kinh thánh chân thực và sâu sắc ủng hộ quan điểm Kitô giáo về tính dục. Ðến độ những người cố gắng giải thích những lý do này một cách có năng quyền và điềm tĩnh dường như đang nói điều gì đó chưa từng được nghe thấy, phi thường, cuối cùng mới mẻ và mang tính mặc khải, cho dù người ta có đồng ý với điều đó hay không.

Ðây là một chút cảm giác người ta có được khi đọc "Thư mục vụ về tính dục con người" mà các giám mục Scandinavia phổ biến giữa các tín hữu hôm nay, vào Chúa nhật thứ năm Mùa Chay này.

Bức thư bắt đầu với hình ảnh cầu vồng trong Kinh thánh sau trận hồng thủy, nhưng không đồng ý với nghệ thuật diễn ta bằng biểu tượng được ý thức hệ "phái tính" rút ra từ đó. Bức thư nói rằng cơ thể phân biệt giới tính, thậm chí cả cơ thể sống lại, là một dấu hiệu mạnh mẽ về bản sắc con người đến mức nó không thể bị giản lược thành một cấu trúc chủ quan có thể thay đổi. Nếu cần phải chọn một con đường được đánh dấu bởi những mâu thuẫn và vết thương, bao gồm cả việc tạm thời "lưu đày" khỏi các bí tích, thì đây là điều nên làm, điều quan trọng là phải biết đích đến. Sứ mệnh của Giáo hội là nhấn mạnh điều này và cung cấp sự đồng hành trên hành trình đạt được điều đó. Ngay diễn ngôn thuần túy thế tục về tính dục cũng có thể và phải được làm phong phú thêm, vì lợi ích của tất cả mọi người.

Bức thư mục vụ bất thường này được ký bởi các giám mục của Scandinavia, nghĩa là của Thụy Ðiển, Na Uy, Ðan Mạch, Iceland, Phần Lan, bao gồm cả một Hồng Y. Các ngài đứng đầu các cộng đồng Công Giáo với số lượng ít ỏi. Nhưng chất lượng cao của những đóng góp của các ngài là một yếu tố gây ngạc nhiên, như tại cuộc họp gần đây ở Praha quy tụ các phái đoàn của tất cả các giám mục của Châu Âu.

Ở đó, các giám mục Scandinavia chắc chắn không ở trong sự lôi kéo của các đồng nghiệp liều lĩnh của họ từ Ðức hoặc Bỉ. Và lá phiếu của họ cũng có ý nghĩa quyết định trong việc bổ nhiệm chủ tịch mới sau đó của Ủy ban các Hội đồng Giám mục của Liên minh Châu Âu, nơi mà thay thế cho Hollerich, cuộc bầu cử đã bầu Mariano Crociata ôn hòa hơn nhiều.

Sau đây là bản dịch Việt ngữ toàn văn bức thư, dựa vào bản tiếng Anh của Sandro Magister:

* * *

Hội đồng Giám Mục Scandinavia

Thư Mục Tử Về Tính Dục Con Người

Chúa Nhật thứ Năm Mùa Chay 2023

Anh chị em thân mến,

Bốn mươi ngày Mùa Chay nhắc lại bốn mươi ngày Chúa Kitô ăn chay trong hoang địa. Nhưng đó không phải là tất cả. Trong lịch sử cứu độ, thời gian bốn mươi ngày đánh dấu các giai đoạn trong công trình cứu chuộc của Thiên Chúa, vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Lần can thiệp đầu tiên như vậy diễn ra vào thời Nôê. Sau khi chứng kiến sự hủy diệt mà con người gây ra (Sáng thế 6:5), Chúa đã khiến trái đất phải chịu phép rửa thanh tẩy. "Mưa rơi xuống mặt đất bốn mươi ngày bốn mươi đêm" (Sáng thế 7:12). Kết quả là một khởi đầu mới.

Khi Nôê và người thân của ông quay trở lại một thế giới được tẩy sạch, Thiên Chúa đã lập giao ước đầu tiên với mọi xác phàm. Người hứa rằng trận lụt sẽ không bao giờ hủy diệt trái đất nữa. Ðối với nhân loại, Người yêu cầu công lý: tôn kính Thiên Chúa, xây dựng hòa bình, sinh hoa trái. Chúng ta được mời gọi để sống hạnh phúc trên trái đất, để tìm thấy niềm vui trong nhau. Tiềm năng của chúng ta thật tuyệt vời miễn là chúng ta nhớ mình là ai: "vì Thiên Chúa đã dựng nên con người theo hình ảnh của Người" (Sáng thế 9:6). Chúng ta được mời gọi để hiện thực hóa hình ảnh này bằng những lựa chọn trong cuộc sống mà chúng ta thực hiện. Ðể phê chuẩn giao ước của mình, Thiên Chúa đã đặt một dấu hiệu trên trời: "Ta đặt cầu vồng của Ta trên mây, đó sẽ là dấu hiệu của giao ước giữa Ta và trái đất. Khi cầu vồng ở trên mây, Ta sẽ nhìn nó và nhớ đến giao ước vĩnh cửu giữa Thiên Chúa và mọi tạo vật sống thuộc mọi xác phàm trên trái đất" (Sáng thế 9:13,16).

Dấu hiệu giao ước này, tức cầu vồng, được khẳng định trong thời đại chúng ta là biểu tượng của một phong trào vừa mang tính chính trị vừa mang tính văn hóa. Chúng ta nhận ra tất cả những gì cao quý trong khát vọng của phong trào này. Trong chừng mực những điều này nói lên phẩm giá của tất cả con người và niềm khao khát được nhìn thấy của họ, chúng ta chia sẻ chúng. Giáo hội lên án sự kỳ thị bất công dưới bất cứ hình thức nào, kể cả trên cơ sở phái tính hoặc xu hướng. Tuy nhiên, chúng ta tuyên bố bất đồng quan điểm khi phong trào này đưa ra quan điểm về bản chất con người tách rời khỏi sự toàn vẹn gồm thân xác của con người, như thể phái tính thể lý là việc ngẫu nhiên. Và chúng ta phản đối khi áp đặt quan điểm như vậy lên trẻ em như thể đó không phải là một giả thuyết táo bạo mà là một sự thật đã được chứng minh, áp đặt lên trẻ vị thành niên như một gánh nặng về quyền tự quyết mà chúng chưa sẵn sàng. Thật kỳ lạ: xã hội có ý thức mạnh mẽ về thân xác của chúng ta trên thực tế lại xem nhẹ thân xác, từ chối coi nó như một giá trị bản sắc quan trọng, cho rằng cái tôi duy nhất có hiệu quả là cái tôi được tạo ra bởi sự tự nhận thức chủ quan, khi chúng ta xây dựng bản thân theo hình ảnh riêng của mình.

Khi chúng ta tuyên xưng rằng Thiên Chúa dựng nên chúng ta theo hình ảnh của Người, thì hình ảnh đó không chỉ ám chỉ linh hồn. Nó cũng nằm trong thân xác một cách mầu nhiệm. Ðối với Kitô hữu chúng ta, thân xác nội tại đối với nhân vị. Chúng ta tin vào sự sống lại của thân xác. Ðương nhiên, "tất cả chúng ta sẽ được thay đổi" (1 Côrintô 15:51). Chúng ta chưa thể tưởng tượng được thân xác của chúng ta sẽ như thế nào trong cõi vĩnh hằng. Nhưng chúng ta tin vào thẩm quyền của Kinh thánh, dựa trên truyền thống, rằng sự hợp nhất của tâm trí, linh hồn và thân xác được tạo ra để tồn tại mãi mãi. Trong cõi vĩnh hằng, chúng ta sẽ được công nhận là chính mình bây giờ, nhưng những xung đột vẫn ngăn cản sự bộc lộ hài hòa của con người thật của chúng ta sẽ được giải quyết.

"Nhờ ân sủng của Thiên Chúa, tôi là chính tôi" (1 Côrintô 15:10). Thánh Phaolô đã phải chiến đấu với chính mình để đưa ra lời tuyên bố này trong đức tin. Chúng ta cũng phải thường xuyên làm như vậy. Chúng ta nhận thức được tất cả những gì chúng ta không phải là; chúng ta tập chú vào những hồng phúc mà chúng ta không nhận được, vào tình cảm hoặc sự khẳng định còn thiếu trong cuộc sống của chúng ta. Những điều này làm chúng ta buồn. Chúng ta muốn bù đắp cho chúng. Ðôi khi điều này hợp lý. Thường thì nó vô ích. Hành trình tự chấp nhận bản thân (phải) đi qua sự cam kết với những gì có thật. Thực tại cuộc sống của chúng ta bao trùm những mâu thuẫn và vết thương của chúng ta. Kinh thánh và cuộc đời của các thánh cho thấy: vết thương của chúng ta, nhờ ân sủng, có thể trở thành nguồn chữa lành cho chính chúng ta và cho người khác.

Hình ảnh Thiên Chúa trong bản chất con người biểu lộ trong tính bổ sung nam và nữ. Người nam và người nữ được tạo dựng cho nhau: điều răn sinh hoa trái tùy thuộc vào tính hỗ tương này, được thánh hóa trong sự kết hợp vợ chồng. Trong Kinh Thánh, hôn nhân của người đàn ông và người vợ trở thành hình ảnh Thiên Chúa hiệp thông với nhân loại, để được hoàn thiện trong tiệc cưới Chiên Con vào cuối lịch sử (Khải huyền 19:6). Ðiều này không có nghĩa là sự kết hợp như vậy, đối với chúng ta, là điều dễ dàng hoặc không đau đớn. Ðối với một số người, nó dường như là một lựa chọn bất khả. Nói một cách mật thiết hơn, sự tích hợp trong chúng ta các đặc điểm nam tính và nữ tính có thể là điều khó khăn. Giáo hội công nhận điều này. Giáo Hội muốn ôm lấy và an ủi tất cả những ai gặp khó khăn.

Với tư cách là giám mục của anh chị em, chúng tôi nhấn mạnh điều này: chúng tôi ở đây vì mọi người, để đồng hành với tất cả mọi người. Khao khát tình yêu và tìm kiếm sự toàn vẹn tính dục chạm đến con người một cách mật thiết. Trong lĩnh vực này, chúng ta dễ bị tổn thương. Sự kiên nhẫn được kêu gọi trên con đường hướng tới sự toàn vẹn và niềm vui trong mỗi bước tiến về phía trước. Thí dụ, một bước nhảy vọt vĩ đại và thình lình được thực hiện trong tiến trình từ chung chạ đến chung thủy, bất kể mối quan hệ chung thủy có hoàn toàn tương ứng với trật tự khách quan của một cuộc hôn nhân được ban phép bí tích hay không. Mọi sự tìm kiếm tính toàn vẹn đều đáng trân trọng, đáng được khuyến khích. Sự tăng trưởng trong trí tuệ và đức hạnh có tính hữu cơ. Nó xảy ra dần dần. Ðồng thời, để hữu hiệu, việc lớn mạnh phải tiến tới một mục tiêu. Sứ mệnh và nhiệm vụ của chúng tôi trong tư cách giám mục là chỉ ra con đường hòa bình, mang lại sự sống theo các lệnh truyền của Chúa Kitô, hẹp ở lúc đầu nhưng ngày càng rộng hơn khi chúng ta tiến tới. Chúng tôi sẽ làm anh chị em thất vọng nếu chúng tôi cung cấp ít hơn; chúng tôi không được thụ phong để rao giảng những quan niệm nhỏ nhặt của riêng mình.

Trong mối hiệp thông đầy hiếu khách của Giáo hội, có chỗ cho tất cả mọi người. Theo một bản văn cổ xưa, Giáo hội là "lòng thương xót của Thiên Chúa đổ xuống nhân loại" (từ bản văn kiểu giải thích bằng tiếng Syria thế kỷ thứ tư "Hang động kho báu"). Lòng thương xót này không loại trừ một ai. Nhưng nó đặt ra một lý tưởng cao đẹp. Lý tưởng này được nêu rõ trong các điều răn, giúp chúng ta thoát khỏi những quan niệm quá hẹp hòi về bản thân. Chúng ta được kêu gọi trở thành những người nam nữ mới. Trong tất cả chúng ta đều có những yếu tố hỗn loạn cần được sắp xếp. Rước lễ bí tích giả thiết trước đó phải sống một cách nhất quán với các điều khoản của giao ước được đóng dấu trong Máu Chúa Kitô. Có thể xảy ra trường hợp khiến một người Công Giáo không thể lãnh nhận các bí tích trong một thời gian. Nhưng, người đó không ngừng là tín hữu của Giáo hội. Kinh nghiệm lưu đày nội tâm được chấp nhận trong đức tin có thể dẫn đến cảm thức thuộc về một cách sâu sắc hơn. Những người lưu vong thường diễn tả cách đó trong sách thánh. Mỗi người chúng ta đều có một hành trình xuất hành để thực hiện, nhưng chúng ta không bước đi một mình.

Cả trong các thời điểm thử thách cũng vậy, dấu hiệu giao ước đầu tiên của Thiên Chúa bao quanh chúng ta. Nó kêu gọi chúng ta tìm kiếm ý nghĩa cuộc hiện sinh của mình, không phải trong những mảnh của ánh sáng cầu vồng, mà trong nguồn thần thiêng của quang phổ trọn vẹn, lộng lẫy, vốn thuộc về Thiên Chúa và kêu gọi chúng ta trở nên giống như Thiên Chúa. Như môn đệ của Chúa Kitô, như Hình ảnh của Thiên Chúa (Côlôsê 1:15), chúng ta không thể giản lược dấu hiệu cầu vồng thành kém hơn giao ước ban sự sống giữa Ðấng Tạo Hóa và tạo vật. Thiên Chúa đã ban cho chúng ta "những lời hứa lớn lao và quý báu, để nhờ đó [chúng ta] được thông phần bản chất thần linh" (2 Phêrô 1:4). Hình ảnh Thiên Chúa in sâu vào con người chúng ta kêu gọi chúng ta nên thánh trong Chúa Kitô. Bất cứ lời giải thích nào về ham muốn của con người đặt tiêu chuẩn thấp hơn mức này đều không thỏa đáng theo quan điểm Kitô giáo.

Bây giờ, các khái niệm về thế nào là một hữu thể nhân bản, và do đó, một hữu thể mang tính tính dục đang thay đổi liên tục. Những gì được coi là đương nhiên hôm nay có thể bị bác bỏ vào ngày mai. Bất cứ ai đặt cuộc nhiều vào các lý thuyết chóng qua đều có nguy cơ bị tổn thương nặng nề. Chúng ta cần nguồn gốc sâu xa. Vì vậy, chúng ta hãy cố gắng áp dụng các nguyên tắc căn bản của nhân học Kitô giáo trong khi vươn tay ra, trong tình bạn, trong sự tôn trọng, với những người cảm thấy xa lạ với chúng. Chúng ta có bổn phận phải giải trình về điều chúng ta tin và lý do tại sao chúng ta tin điều đó là đúng với Chúa, với bản thân và thế giới của chúng ta.

Nhiều người bối rối trước giáo huấn truyền thống của Kitô giáo về tính dục. Với những người như vậy, chúng tôi cung cấp một lời khuyên thân thiện. Thứ nhất: hãy cố gắng làm quen với lời kêu gọi và lời hứa của Chúa Kitô, để biết Người nhiều hơn qua Kinh thánh và trong lời cầu nguyện, qua phụng vụ và nghiên cứu giáo huấn đầy đủ của Giáo hội, chứ không phải chỉ là những đoạn trích đây đó. Tham gia vào đời sống của Giáo hội. Chân trời của những câu hỏi mà anh chị em đặt ra sẽ được mở rộng theo cách này, cũng như tâm trí và trái tim của anh chị em. Thứ hai, hãy xem xét những hạn chế của một diễn ngôn thuần túy thế tục về tính dục. Nó cần phải được làm giàu. Chúng ta cần những thuật ngữ thích hợp để nói về những điều quan trọng này. Chúng ta sẽ có một đóng góp quý báu nếu chúng ta khôi phục lại bản chất bí tích của tính dục trong kế hoạch của Thiên Chúa, vẻ đẹp của đức khiết tịnh Kitô giáo và niềm vui của tình bạn, điều cho phép chúng ta thấy rằng sự thân mật tuyệt vời, tự do cũng có thể được tìm thấy trong các mối liên hệ phi tính dục.

Mục đích giáo huấn của Giáo hội không phải là cắt giảm tình yêu mà là kích hoạt nó. Ở cuối phần lời mở đầu, Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo năm 1992 của chúng ta lặp lại một đoạn trong Sách Giáo lý Rôma năm 1566: "Hẳn nhiên đường lối tuyệt hảo hơn, mà Thánh Tông Ðồ đã dạy, đó là hướng tất cả nội dung của đạo lý và giáo huấn tới đức mến, là điều không bao giờ mất được. Vì vậy, khi trình bày một điều hoặc phải tin, hoặc phải hy vọng hoặc phải làm, thì luôn luôn phải làm nổi bật tình yêu của Chúa chúng ta trong điều đó, để ai ai cũng hiểu rằng mọi hành vi nhân đức trọn hảo Kitô Giáo không có nguồn gốc nào khác ngoài tình yêu và không có mục đích nào khác ngoài tình yêu." (Sách Giáo lý Hội thánh Công Giáo, số 25; x. Giáo lý Rôma, Lời tựa 10; x. 1 Cr 13:8).

Bởi tình yêu này, thế giới đã được tạo ra, bản chất của chúng ta đã hình thành. Tình yêu này được thể hiện qua gương sáng, sự giảng dạy, cuộc khổ nạn cứu độ và cái chết của Chúa Kitô. Ðiều đó được minh chứng trong sự phục sinh vinh quang của Người, mà chúng ta sẽ hân hoan mừng lễ trong 50 ngày Lễ Phục Sinh. Xin cho cộng đồng Công Giáo của chúng ta, rất nhiều mặt và nhiều màu sắc, làm chứng cho tình yêu này trong sự thật.

Czeslaw Kozon, Kobenhav, Praeses

Ðức Hồng Y Anders Arborelius, Stockholm

Peter Burcher, Ereykjavik

Bernt Eidsvig, OsloBerislav Grgic, Tromso

Marco Pasinato, Helsinki

David Tencer, Reykjavík

Erik Varden, Trondheim

 

(Nguồn: http://magister.blogautore.espresso.repubblica.it/2023/03/26/the-biblical-rainbow-and-the-lgbt-one-a-must-read-letter-from-the-bishops-of - Scandinavia/)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page