Như thánh Phaolô, được Chúa Kitô biến đổi

và trở nên "thụ tạo mới"

 

Tiếp kiến chung của Ðức Thánh cha: Như thánh Phaolô, được Chúa Kitô biến đổi và trở nên "thụ tạo mới".

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 29-03-2023) - Sáng thứ Tư, ngày 29 tháng Ba năm 2023, đã có gần 20,000 tín hữu hành hương đến tham dự buổi tiếp kiến chung hằng tuần của Ðức Thánh cha, tại Quảng trường thánh Phêrô.

Sau khi dùng xe mui trần tiến qua các lối đi để chào thăm mọi người, Ðức Thánh cha đã tiến lên lễ đài để bắt đầu buổi tiếp kiến, với phần lắng nghe Lời Chúa, qua bài đọc ngắn trích từ thư thánh Phaolô gửi tín hữu Galat (Gl 1,22-24):

"Anh em, tôi không được các Giáo đoàn tại miền Galilea đích thân biết là tôi ở trong Chúa Kitô; họ chỉ nghe nói: "Người trước kia bách hại chúng ta, nay đang đi loan báo đức tín mà trước kia ông ta muốn phá hủy". Và họ tôn vinh Thiên Chúa vì tôi".

Bài giáo lý

Trong bài huấn dụ tiếp đó, Ðức Thánh cha tiếp tục loạt bài giáo lý về "sự hăng say loan báo Tin mừng: lòng nhiệt thành tông đồ của tín hữu". Bài thứ chín này có tựa đề: "Các chứng nhân: Thánh Phaolô".

Mở đầu, Ðức Thánh cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Lòng nhiệt thành của thánh Phaolô

Trong hành trình giáo lý về lòng nhiệt thành tông đồ, hôm nay chúng ta bắt đầu xem một số nhân vật, qua những cách thức và thời điểm khác nhau, đã làm chứng một cách gương mẫu về thế nào là lòng nhiệt thành đối với Tin mừng. Và chứng nhân đầu tiên dĩ nhiên là thánh Phaolô tông đồ. Tôi muốn dành hai bài để nói về thánh nhân.

Lịch sử thánh Phaolô thành Tarso là tiêu biểu về đề tài này. Trong chương đầu tiên của thư gửi các tín hữu Galát, cũng như trong trình thuật của Tông đồ Công vụ, chúng ta có thể nhận thấy lòng nhiệt thành của thánh nhân đối với Tin mừng, sau khi thánh nhân trở lại, và thay thế lòng nhiệt thành trước đây của ngài đối với Do thái giáo. Saulo, tên đầu tiên của Phaolô - từng là người nhiệt thành, nhưng Chúa Kitô hoán cải lòng nhiệt thành ấy: từ Luật trở về với Tin mừng. Ðà hăng say của thánh nhân trước đây muốn phá hủy Giáo hội, trái lại lòng nhiệt thành sau đó xây dựng Hội thánh. Chúng ta có thể tự hỏi: điều gì đã xảy ra? Ðiều gì đã thay đổi nơi thánh Phaolô? Theo nghĩa nào lòng nhiệt thành, đà hăng say đối với vinh quang Thiên Chúa đã được biến đổi?

Thánh Phaolô được biến đổi nhờ gặp gỡ Chúa

Thánh Tômasô Aquinô dạy rằng lòng hăng say, về phương diện luân lý, không tốt cũng chẳng xấu: nếu sử dụng nó theo nhân đức thì nó tốt về luân lý, nếu thi hành theo tội lỗi, thì nó xấu (Xc Quaestio "De veritate" 24,7). Trong trường hợp thánh Phaolô, điều làm ngài thay đổi không phải chỉ là một ý tưởng hoặc một xác tín: chính cuộc gặp gỡ với Chúa Phục sinh đã biến đổi con người của thánh nhân. Nhân tính của thánh Phaolô, lòng hăng say của ngài đối với Thiên Chúa và vinh quang của Chúa không bị tiêu diệt, nhưng được biến đổi, 'được hoán cải' do Chúa Thánh Linh. Cũng thế đối với mọi khía cạnh trong cuộc sống của Phaolô. Ðó cũng là điều xảy ra trong phép Thánh Thể: bánh và rượu vẫn còn nguyên, nhưng trở thành Mình và Máu Chúa Kitô. Lòng nhiệt thành của Phaolô vẫn giữ nguyên, nhưng trở nên lòng nhiệt thành vì Chúa Kitô. Chúa dùng thánh nhân với nhân tính của chúng ta, với những khả năng và đặc tính của chúng ta, nhưng điều thay đổi tất cả không phải là một ý tưởng, nhưng là một cuộc sống đích thực và là của bản thân, như chính thánh Phaolô đã nói: "Nếu ai ở trong Chúa Kitô, thì là một thụ tạo mới; những điều cũ đã qua, và nay nảy sinh những điều mới" (2 Cr 5,17).

Vì thế, lòng hăng say đối với Tin mừng không phải là một vấn đề hiểu biết hoặc học hành, chúng có thể giúp ích nhưng không sinh ra lòng hăng say ấy; đúng hơn nó có nghĩa là trải qua chính kinh nghiệm "ngã xuống và trỗi dậy" mà Saulo/Phaolô đã sống qua và là nguồn sống sự biến dạng đà tiến tông đồ. Thực vậy, như thánh Ignaxio Loyola đã nói: "không phải sự biết nhiều làm linh hồn thỏa mãn, nhưng những điều thay đổi bạn từ bên trong. (Linh Thao, Annonationi, 2,4).

Như Ðức Trinh Nữ Maria, sau khi được sứ thần truyền tin, đã hăng hái ra đi giúp bà chị họ Elizabeth, thánh Phaolô cũng đã mang đến cho dân ngoại ơn Chúa Kitô mà thánh nhân đã nhận được trước đó trên đường Damasco và đã thay đổi của sống của mình. Vì thế, căn cội đà tiến Tin mừng chính là tình yêu Thiên Chúa, không phải quyết tâm cá nhân hoặc một đặc tính bản thân, như chính thánh Phaolô đã nói: "Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi"; và ngài nói thêm: "Chúa đã chết cho tất cả mọi người, để những người sống không còn sống cho chính mình nữa, nhưng cho Ðấng đã chết và sống lại vì họ" (2 Cr 5,14-15).

Ðức Thánh cha nói thêm rằng: "Chúng ta có thể suy tư thêm về sự thay đổi đã xảy ra nơi thánh Phaolô, từ người bách hại trở thành tông đồ của Chúa Kitô. Chúng ta thấy nơi thánh nhân có một thứ nghịch lý: thực vậy, bao lâu Phaolô còn coi mình là người công chính trước mặt Thiên Chúa vì cảm thấy mình được phép bách hại, bắt bớ và thậm chí giết người, như trong trường hợp Stêphanô; nhưng khi được Chúa Phục sinh soi sáng, thánh nhân khám phá thấy mình "là kẻ phạm thượng và là người hung bạo" (Xc 1 Tm 1,13), khi ấy Phaolô bắt đầu thực sự có khả năng yêu thương.

Rất tiếc là có một thứ "nhiệt thành" xấu xa, có thể đi tới độ biện minh cho bạo lực và giết người, nhiều khi nhân danh cả Thiên Chúa. Trái lại, lòng nhiệt thành vì Tin mừng của Chúa Kitô nảy sinh từ sự nhận biết mình, có thể nói là "đã được Chúa thương xót", nghĩa là mình là kẻ có tội được tha thứ, và điều này kích hoạt trong chúng ta sức mạnh của Tin mừng".

Chào thăm và kêu gọi

Sau bài huấn giáo của Ðức Thánh cha, buổi tiếp kiến được nối tiếp với phần tóm tắt bài giáo lý và những lời chào thăm của ngài gửi đến các nhóm hành hương, bằng tám thứ tiếng khác nhau.

Bắt đầu bằng tiếng Pháp, Ðức Thánh cha đặc biệt chào thăm các học sinh của nhiều trường học, như trường Thánh Giá thánh Marcello, thánh Giuse, thánh Ða Minh và trường Beauséjour, đồng thời nhắn nhủ các tín hữu hãy xin Chúa ban ơn được chiếu tỏa niềm vui Tin mừng của Chúa qua đời sống chúng ta để làm cho xã hội trở nên nhân bản và huynh đệ hơn.

Khi chào các tín hữu nói tiếng Anh, Ðức Thánh cha đặc biệt nhắc đến các tín hữu hành hương đến từ Anh quốc, Ailen, Ðan Mạch, Indonesia, Philippines, Canada và Mỹ. Ngài cũng chào phái đoàn Học viện Quốc phòng của khối Nato cũng như nhiều nhóm sinh viên và học sinh.

Bằng tiếng Ba Lan, Ðức Thánh cha nói rằng "trong vài ngày nữa, chúng ta sẽ nghe trình thuật cảm động về cuộc Thương Khó của Chúa Kitô. Ước gì trình thuật này khơi lên trong tâm hồn chúng ta tâm tình thống hối và cởi mở đối với tình thương của Chúa Kitô, Ðấng đã yêu thương chúng ta đến cùng. Khi từ bỏ con người cũ, mang Chúa Kitô với lòng nhiệt thành, được đổi mới cho những người sống cạnh anh chị em. Ðặc biệt anh chị em hãy tiếp tục nâng đỡ các anh chị em người Ucraina đang đau khổ vì chiến tranh.

"Sau cùng, bằng tiếng Ý, Ðức Thánh cha chào thăm các giám mục và linh mục đang mừng kỷ niệm 50 năm thụ phong linh mục, đơn vị mục vụ ở Gioia Sannitica, và bao nhiêu học sinh hiện diện làm cho buổi tiếp kiến này sinh động.

Ðức Thánh cha nói thêm rằng: "như thường lệ, tôi nghĩ đến các bạn trẻ, bệnh nhân và người cao niên cũng như các đôi tân hôn. Trong Mùa chay này, tôi cầu chúc mỗi người trong anh chị em tái khám phá và vui mừng làm chứng về hồng ân đức tin Kitô.

Chúng ta hãy kiên trì cầu nguyện và gần gũi với Ucraina đau thương.

Buổi tiếp kiến kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Ðức Thánh cha.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page