Cổ thành Antiokia hoang tàn

 

Cổ thành Antiokia hoang tàn.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Antiokia (RVA News 23-03-2023) - Cổ thành Antiokia, con tim của Kitô giáo Thổ Nhĩ Kỳ, nay trở thành một nơi hoang tàn, một "thành phố bóng ma", theo chứng từ của Ðức cha Martin Kmeteck, người Slovenia, thuộc Dòng Phanxicô, Tổng giám mục Giáo phận Izmir bên Thổ Nhĩ Kỳ, người đã đến viếng thăm tại chỗ.

Thành Antiokia, nơi mà "lần đầu tiên các môn đệ [của Chúa Giêsu] được gọi là Kitô hữu" (Cv 11.26) được thành lập khoảng năm 300 trước Chúa Kitô, và là nơi thánh Phaolô tông đồ rao giảng nhiều lần, từ năm 47 đến 55. Nơi thánh Phêrô và Phaolô giảng ngày nay là một hang đá, theo truyền thống, các tín hữu tụ họp tại đó để cử hành thánh lễ. Về sau, Antiokia trở thành một trong bốn Tòa Thượng phụ đầu tiên, cùng với Constantinople, Alessandria và Roma. Trong thời đế quốc La Mã, thành này phồn thịnh cho đến thế kỷ thứ V và dân số lên tới nửa triệu người.

Ngày nay, Antiokia là thành Antakya ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, giáp giới với Syria và có khoảng 34,000 dân cư, trong đó chỉ có gần 5,000 tín hữu Kitô và khoảng 20,000 người Hồi giáo.

Trong trận động đất dữ dội sáng ngày 06 tháng Hai năm 2023, làm cho hơn 55,000 người chết tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, khu cổ thành Antiokia bị tàn phá, nhiều dinh thự bị san bằng.

Mới đây, Tổ chức trợ giúp các Giáo hội đau khổ đã mời Ðức Tổng giám mục Kmetech trình bày chứng từ về sự dấn thân của các tín hữu Công giáo rất thiểu số tại Thổ Nhĩ Kỳ, sức sinh động của Giáo hội tại đây, nhân dịp Ðức Tổng giám mục viếng thăm Thụy Sĩ, từ ngày 18 đến ngày 26 tháng Ba năm 2023, tại các giáo xứ vùng Thụy Sĩ-Ðức và miền Ticino nói tiếng Ý.

Hôm sau ngày xảy ra động đất, Ðức Tổng giám mục Kmeteck ở Izmir, cách Antiokia 1,100 cây số, đã mau lẹ đến gặp ông tỉnh trưởng địa phương để xin phép cứu trợ các nạn nhân, vì tại Thổ Nhĩ Kỳ cần có phép nhà nước để hoạt động, phù hợp với cơ quan nhà nước đặc trách quản lý những tai nạn và tình trạng khẩn cấp. Sau khi được phép, Ðức Tổng giám mục đã xúc tiến ngay việc tổ chức các đoàn xe cứu trợ giúp các nạn nhân, với sự hỗ trợ của các cơ quan bác ái Công giáo, đặc biệt là Caritas Slovenia.

Ðức Tổng giám mục Kmeteck cho biết các tín hữu Công giáo Latinh ở Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có khoảng 15,000 tín hữu, nhưng Giáo hội không muốn các tín hữu Kitô rời bỏ những vùng bị nạn, nhất là thành Antiokia, Iskenderun, và những làng Kitô gần vùng Samandad. Tại những vùng này, các tín hữu Kitô phần lớn là những người Armeni và Chính thống Arập, thuộc Tòa Thượng phụ Antiokia. Tại thành này, động đất đã phá hủy các nhà thờ Chính thống, Tin lành và Công giáo, và cả các đền thờ Hồi giáo. Hội đường Do thái cũng bị thiệt hại nặng. Có hai tu sĩ Dòng Capuchino tại Antiokia cũng như một linh mục Chính thống, nhưng họ đã rời thành này.

Ðức Tổng giám mục Kmeteck nhắc lại rằng trong lịch sử Kitô giáo, Antiokia là trung tâm thứ hai sau Jerusalem. Theo ngài, những tương quan trên bình diện chính thức tại thành Izmir là tốt đẹp. Ngày 04 tháng Hai vừa qua, là Ngày Huynh đệ, các tín hữu tập họp và bàn về đề tài: "Tất cả mọi người là anh chị em với nhau", đó cũng là tựa đề Thông điệp Fratelli tutti của Ðức Thánh cha Phanxicô. Tham dự cuộc gặp gỡ, có đại diện chính quyền, và các cộng đồng Hồi giáo, Do thái, Hồi giáo, Tin lành, Anh giáo, Chính thống và Công giáo. Cuộc gặp gỡ kết thúc với nghi thức "trồng cây hòa bình".

(Cath.ch 22-3-2023)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page