Tân Chủ tịch
Ủy ban Giám mục Liên hiệp Âu châu
Tân Chủ tịch Ủy ban Giám mục Liên hiệp Âu châu.
G.
Trần Ðức Anh, O.P.
Ðức cha Mariano Crociata, Giám mục Giáo phận Latina ở Ý, tân Chủ tịch Ủy ban Giám mục Liên hiệp Âu châu. |
Roma (RVA News 23-03-2023) - Ủy ban COMECE đang nhóm khóa họp mùa xuân tại Roma, từ ngày 22 đến ngày 24 tháng Ba năm 2023, và trong ngày đầu tiên các tham dự viên đã bầu vị Chủ tịch mới là Ðức cha Mariano Crociata, Giám mục Giáo phận Latina ở Ý.
Ðức cha Crociata năm nay 70 tuổi. Ngài kế nhiệm Ðức Hồng y Jean-Claude Hollerich, Dòng Tên, Tổng giám mục Giáo phận Luxemburg, vừa mãn nhiệm kỳ 5 năm. Ðức cha đã từng là đại biểu trong 5 năm qua của Hội đồng Giám mục Ý tại COMECE và đã từng làm Phó Chủ tịch ủy ban này. Trước đó, Ðức cha là Khoa trưởng Thần học viện tại thành phố Palermo, trên đảo Sicilia, trước khi được Ðức Thánh cha Biển Ðức XVI bổ nhiệm làm Giám mục giáo phận Noto, năm 2007. Ðức cha đã làm Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Ý từ năm 2008 đến 2013, là năm ngài được bổ nhiệm làm Giám mục giáo phận Latina, thuộc vùng Lazio.
Hôm 22 tháng Ba năm 2023, Ủy ban đã bầu bốn vị Phó Chủ tịch mới cho bốn miền địa lý của Liên hiệp Âu châu, cho đến năm 2028: gồm một vị người Pháp, một vị Bồ Ðào Nha, một vị người Lituani, và một vị cho vùng Bắc Âu.
Tuyên bố sau khi được bầu chọn, Ðức cha Crociata nói rằng: "Ðây là thời điểm quan trọng đối với Âu châu và Giáo hội. Hiệp nhất và liên đới là điều cần thiết hơn bao giờ hết. Chúng phải hướng chúng ta qua nhiều biến chuyển mà xã hội chúng ta đang phải đương đầu.
"Tôi đặc biệt nói đến sự cần thiết phải có một sự phục vụ đúng đắn và lâu bền, sau những hậu quả của đại dịch Covid-19, làm sao để không ai bị thụt lùi đằng sau, cũng như canh tân ơn gọi của Âu châu là trở thành một nguồn phát triển và một lời hứa hòa bình cho đại lục chúng ta và cho thế giới".
Sau khi bầu ban lãnh đạo Ủy ban COMECE, các thành viên đã gặp Ðức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, và trao đổi về những khía cạnh nhân đạo, địa lý chính trị và hệ lụy xã hội của chiến tranh ở Ucraina, cũng như về cách thức Giáo hội Công giáo có thể khuyến khích mọi người góp phần vào vai trò của Liên hiệp Âu châu, như một tác nhân xây dựng hòa bình thế giới.
(Comece.eu 22-3-2023)