Ðại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc

tố giác bách hại Kitô hữu

 

Ðại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc tố giác bách hại Kitô hữu.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Genève (RVA News 22-03-2023) - Ðại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở Genève, Thụy Sĩ, Ðức Tổng giám mục Fortunatus Nwachukwu tố giác rằng "trong những năm gần đây có sự gia tăng bạo lực và các biện pháp đàn áp. Các tín hữu thường không được quyền biểu lộ và thực hành tín ngưỡng của họ, khi điều này không đe dọa an ninh công cộng hoặc vi phạm các quyền của người khác".

Ðức Tổng giám mục Nwachukwu người Nigeria bày tỏ lập trường trên đây, hôm 21 tháng Ba năm 2023, tại Khóa họp thứ 52 của Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở Genève. Ngài mới được Ðức Thánh cha chỉ định làm Tổng thư ký Bộ Loan báo Tin mừng và sẽ về Vatican nhận nhiệm sở trong thời gian tới đây.

Trong bài tham luận, Ðức Tổng giám mục cũng nói rằng: "Ngày nay, cứ bảy người dân thì có một tín hữu Kitô bị bách hại". Ngài trưng dẫn lời Ðức Thánh cha Phanxicô: "Hòa bình cũng đòi phải nhìn nhận phổ quát quyền tự do tôn giáo. Thật là điều đáng lo âu vì có những người bị bách hại chỉ vì họ công khai tuyên xưng niềm tin của họ, và tại nhiều nước tự do tôn giáo bị giới hạn. Khoảng một phần ba dân số thế giới sống trong những hoàn cảnh như thế".

Ðức Tổng giám mục Nwachukwu tố giác sự gia tăng các biện pháp đàn áp các nhóm tôn giáo thiểu số từ phía một số chính quyền quốc gia. Ngoài ra, có những vụ xúc phạm và phá hoại các nơi thờ phượng, các địa điểm tôn giáo, cũng như các cuộc tấn công các vị lãnh đạo tôn giáo. Những vụ đó ngày càng trở nên thường xuyên".

Theo vị đại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở Genève, một điều gây lo âu không kém, đó là "tại một nước, dưới chiêu bài bao dung và bao gồm mọi người, sự kỳ thị được thực hiện một cách tinh vi và xảo quyệt hơn. Ngày càng có những quốc gia áp đặt những hình thức kiểm duyệt khác nhau, thu hẹp khả thể biểu lộ xác tín của tín hữu, hoặc công khai hoặc về mặt chính trị, viện cớ là để ngăn chặn việc làm tổn thương sự nhạy cảm của người khác". Làm như thế là "đánh mất những cơ hội đối thoại lành mạnh và cả những lời phát biểu công khai. Khi không gian ấy bị thu hẹp, thì cũng giảm bớt quyền căn bản về tự do tôn giáo của chúng ta, kể cả tự do tư tưởng và tự do lương tâm, vốn là một tiền đề không thể thiếu được để đạt tới hòa bình và xây dựng một xã hội công bằng".

(Vatican News 21-3-2023)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page