Chúng ta hãy cầu xin ơn được ngạc nhiên

trước những hồng ân của Chúa

trong mọi hoàn cảnh sống

 

Kinh Truyền tin với Ðức Thánh cha: Chúng ta hãy cầu xin ơn được ngạc nhiên trước những hồng ân của Chúa trong mọi hoàn cảnh sống.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 19-03-2023) - Trưa Chúa nhật, ngày 19 tháng Ba năm 2023, đã có gần 10,000 tín hữu đến Quảng trường thánh Phêrô để tham dự buổi đọc kinh Truyền tin với Ðức Thánh cha Phanxicô. Ngài chia buồn và kêu gọi mọi người cầu nguyện cho các nạn nhân bị động đất tại Ecuador.

Huấn dụ của Ðức Thánh cha

Trong bài huấn dụ trước khi đọc kinh, Ðức Thánh cha đã giải thích bài Tin mừng Chúa nhật thứ IV Mùa chay năm A (Xc Ga 9,1-41), về phép lạ Chúa chữa người mù bẩm sinh.

Ðức Thánh cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay, bài Tin mừng cho chúng ta thấy Chúa Giêsu chữa lành một người mù bẩm sinh để ông được nhìn thấy (Xc Ga 9,1-41). Nhưng phép lạ này được nhiều người và nhiều nhóm đón nhận khác nhau. Chúng ta hãy xem chi tiết hơn.

Các phản ứng khác nhau

Trước tiên có các môn đệ Chúa Giêsu. Ðứng trước người mù bẩm sinh, họ tự hỏi xem đó là lỗi của cha mẹ hay của đương sự (Xc v.2). Họ tìm một kẻ có lỗi; tìm một kẻ có lỗi là điều dễ, thay vì đặt những câu hỏi khó khăn hơn, ví dụ: sự hiện diện của người mù này có ý nghĩa gì đối với chúng ta, người ấy yêu cầu chúng ta điều gì?

Sau khi người mù được lành, những phản ứng gia tăng. Trước tiên là phản ứng của những người láng giềng, là những người ngờ vực: "Người này vẫn luôn là người mù: anh ta không thể là người nhìn thấy được, không thể là anh ta!" (Xc.vv.8-9). Rồi có phản ứng của những luật sĩ và những người biệt phái, họ đưa ra vấn nạn: "Người này được chữa lành trong ngày Sabat, trái với lề luật". Ðối với họ, đó là điều không thể chấp nhận được, tốt hơn nên để họ nguyên như trước (Xc v.16). Sau cùng là cha mẹ của người được chữa lành. Họ sợ hãi, sợ giáo quyền và không dám lên tiếng (Xc vv.18-21). Trong tất cả các phản ứng ấy, có biểu lộ những con tim khép kín trước dấu lạ của Chúa Giêsu, vì những lý do khác nhau: vì họ tìm kiếm một kẻ có lỗi, vì họ không biết ngạc nhiên, vì không muốn thay đổi, vì bị sợ hãi ngăn chặn.

Phản ứng của người mù

Người duy nhất phản ứng đúng là người mù: vui sướng vì được thấy, anh ta làm chứng về điều đã xảy ra cho anh một cách rất đơn sơ: "Trước đây, tôi mù và bây giờ tôi thấy" (V. 25). Trước đây, anh ta buộc lòng phải xin ăn và bị những thành kiến của dân chúng: "Tội nghiệp và bị mù từ lúc sinh ra, phải chịu đau khổ, phải đền bù vì những tội của mình và của tiền nhân". Giờ đây, được giải thoát trong thân xác và tinh thần, anh ta làm chứng về Chúa Giêsu: anh không bịa đặt gì và không giấu giếm gì. Anh không sợ điều mà những người khác sẽ nói: cái vị cay đắng vì bị gạt ra ngoài lề anh đã phải chịu cả đời, đã cảm thấy sự dửng dưng và coi rẻ của những người qua đường, của người coi anh ta như đồ bỏ của xã hội, cùng lắm là hữu ích để người ta làm phúc bố thí. Giờ đây, được lành, anh không còn sợ những thái độ khinh rẻ nữa, vì Chúa Giêsu đã ban cho anh phẩm giá trọn vẹn: vào ngày Sabat, trước mặt mọi người, Ngài đã giải thoát anh và ban cho anh được sáng mắt mà không đòi hỏi anh điều gì, dù là một lời cám ơn, và anh làm chứng về điều đó.

Thái độ của chúng ta

Ðức Thánh cha nói: Anh chị em, với tất cả những nhân vật ấy bài Tin mừng hôm nay cũng đặt chúng ta giữa diễn trường, để chúng ta tự hỏi: đâu là lập trường của chúng ta, chúng ta nói gì đây? Và nhất là, chúng ta làm gì hôm nay? Như người mù, chúng ta có biết nhìn điều tốt lành và biết ơn vì những hồng ân chúng ta đang nhận lãnh hay không? Chúng ta có làm chứng về Chúa Giêsu hay là chúng ta gieo rắc những lời phê bình và ngờ vực? Chúng ta có tự do đứng trước những thành kiến hoặc chúng ta hiệp với những người loan truyền những điều tiêu cực và nói xấu? Chúng ta có hạnh phúc mà nói rằng Chúa Giêsu yêu thương và cứu độ chúng ta, hay như cha mẹ người mù bẩm sinh, chúng ta để cho mình bị trói buộc vì sợ điều mà người ta nghĩ? Và làm sao chúng ta đón nhận những khó khăn và đau khổ của người khác? Chúng ta đón nhận chúng như những sự nguyền rủa hay như cơ hội để trở nên gần gũi với họ trong tình yêu thương?

Và Ðức Thánh cha kết luận rằng: "Chúng ta hãy cầu xin ơn được ngạc nhiên mỗi ngày vì những hồng ân của Chúa và coi những hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống, cả những hoàn cảnh khó khăn nhất cần chấp nhận như những cơ hội để làm điều thiện, như Chúa Giêsu đã làm cho người mù. Xin Mẹ Maria giúp đỡ chúng ta trong vấn đề này, cùng với thánh Giuse người công chính và trung thành."

Chào thăm và kêu gọi

Sau khi đọc kinh và ban phép lành cho mọi người, Ðức Thánh cha nhắc đến vụ động đất đã xảy ra hôm thứ Bảy vừa qua tại một số vùng ở nước Ecuador. Ðức Thánh cha xin mọi người hãy gần gũi và liên đới dân chúng tại nước này.

Ðức Thánh cha không quên gửi lời chúc mừng những người cha, vì ngày 19 tháng Ba là ngày người cha, và cũng là lễ kính thánh Giuse, bổn mạng của nhiều người.

Tiếp đó, Ðức Thánh cha mời gọi mọi người cầu nguyện cho nhân dân Ucraina đang tiếp tục chịu đau khổ. Ðức Thánh cha cùng mọi người đọc kinh Lạy Cha theo các ý chỉ đó.

Sau cùng, Ðức Thánh cha chúc mọi người một Chúa nhật an lành, đồng thời xin họ đừng quên cầu nguyện cho ngài.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page