Tất cả chúng ta

đều được kêu gọi làm tông đồ

 

Tiếp kiến chung của Ðức Thánh cha: Tất cả chúng ta đều được kêu gọi làm tông đồ.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 15-03-2023) - Lúc gần 9 giờ sáng thứ Tư, ngày 15 tháng Ba năm 2023, Ðức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến chung khoảng 20,000 tín hữu hành hương, tại Quảng trường thánh Phêrô, dưới bầu trời nắng xuân đẹp nhưng có gió khá mạnh. Ðức Thánh cha dành hơn 10 phút đi xe mui trần, tiến qua các lối đi ở quảng trường để chào thăm các tín hữu. Có 5 em bé cùng ngồi trên xe với ngài.

Lên tới lễ đài ở thềm đền thờ, như thường lệ, Ðức Thánh cha làm dấu Thánh giá và chào mọi người theo nghi thức phụng vụ, trước khi bắt đầu phần tôn vinh Lời Chúa, với bài đọc trích từ Tin mừng theo thánh Luca, đoạn 10 (1-2), do tám giáo dân tuyên đọc bằng các ngôn ngữ khác nhau:

"Chúa chỉ định 72 người khác và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Ngài sẽ đến. Ngài bảo các ông: "Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy các con hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về".

Bài giáo lý

Sang đến phần huấn dụ, Ðức Thánh cha tiếp tục loạt bài giáo lý về "sự hăng say loan báo Tin mừng: lòng nhiệt thành tông đồ của tín hữu". Bài thứ bảy này có tựa đề: "Công đồng chung Vatican II. Trở thành tông đồ trong một Giáo hội tông truyền".

Ðức Thánh cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tông đồ là gì?

"Chúng ta tiếp tục loạt bài giáo lý về lòng hăng say loan báo Tin mừng, và nơi trường Công đồng chung Vatican II, chúng ta tìm cách hiểu rõ hơn ý nghĩa việc làm "tông đồ" ngày nay. Từ "Tông đồ", Apostolo, gợi lại cho chúng ta nhóm Mười Hai môn đệ được Chúa Giêsu chọn. Nhiều khi chúng ta gọi một vị thánh nào đó là "tông đồ", hoặc tổng quát hơn là các giám mục. Nhưng chúng ta có ý thức rằng làm tông đồ có liên hệ tới mỗi Kitô hữu, và vì thế cũng có liên hệ tới mỗi người chúng ta hay không? Thực vậy, chúng ta được kêu gọi "trở thành tông đồ trong một Giáo hội" mà trong kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng là "tông truyền".

Vậy, là tông đồ có nghĩa là gì? Có nghĩa là "được sai đi thi hành một sứ mạng". Biến cố Chúa Kitô Phục sinh sai các tông đồ của Ngài ra đi khắp thế giới, thông ban cho họ quyền mà chính Ngài đã nhận được từ Chúa Cha và ban Thần Khí của Ngài cho họ, đó là một kiểu mẫu và là nền tảng. Chúng ta đọc trong Tin mừng theo thánh Gioan: "Chúa Giêsu lại nói với họ: "Bình an cho các con! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói rồi, Ngài thổi hơi vào họ và nói: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần" (20, 21-22).

Ơn gọi

Một khía cạnh cơ bản khác trong việc làm tông đồ là ơn gọi, nghĩa là được kêu gọi. Ngay từ đầu đã như thế, khi Chúa Giêsu "kêu gọi những người Ngài muốn và họ đến với Ngài" (Mc 3,13). Ngài lập họ thành nhóm, ban cho họ tước hiệu "Tông đồ", để họ ở với Ngài và để sai họ đi thi hành sứ mạng (Xc Mc 3,14, Mt 10,1-42). Thánh Phaolô, trong các thư, đã tự giới thiệu thế này: "Phaolô, được gọi là tông đồ" (1 Cr 1,1) và "Phaolô, tôi tớ của Chúa Giêsu Kitô, tông đồ do ơn gọi, được chọn để loan báo Tin mừng của Thiên Chúa" (Rm 1,1). Và thánh nhân nhấn mạnh sự kiện "là tông đồ không phải do loài người, và cũng chẳng nhờ loài người, nhưng do Chúa Giêsu Kitô và Thiên Chúa Cha, Ðấng đã cho Người sống lại từ cõi chết" (Gl 1,1); Thiên Chúa đã gọi thánh nhân ngay từ lòng mẹ để loan báo Tin mừng giữa dân ngoại (Xc Gl 1,15-16).

Kinh nghiệm của nhóm Mười Hai và chứng tá của thánh Phaolô cũng đặt câu hỏi cho chúng ta ngày nay; mời gọi chúng ta kiểm chứng thái độ của chúng ta, những chọn lựa, quyết định của chúng ta trên căn bản những điểm cố định: tất cả tùy thuộc một ơn gọi nhưng không của Thiên Chúa; Thiên Chúa chọn chúng ta để làm cả những công tác nhiều khi có vẻ vượt quá khả năng của chúng ta hoặc không tương ứng với những mong đợi của chúng ta; ơn gọi đã nhận lãnh nhưng không, như một hồng ân cần được đáp lại một cách nhưng không.

Ơn gọi tông đồ

Công đồng dạy: "Ơn gọi Kitô hữu [...] tự bản chất cũng là ơn gọi tông đồ" (AA 2). Ðây là một ơn gọi chung, "cũng như phẩm giá chung của các phần tử được tái sinh trong Chúa Kitô, có cùng ơn được làm dưỡng tử, cùng ơn gọi trở nên trọn lành; chỉ có một ơn cứu độ duy nhất, một niềm hy vọng duy nhất và một đức ái không phân sẻ" (LG 32).

Ðó là một ơn gọi liên quan đến những người đã chịu thánh chức cũng như những người thánh hiến, hoặc mỗi tín hữu giáo dân, nam hay nữ. Và đó là một ơn gọi ban khả năng thi hành một cách tích cực và với óc sáng tạo nghĩa vụ tông đồ của mình, giữa lòng một Giáo hội, trong đó "có sự khác biệt về thừa tác vụ nhưng một sứ mạng duy nhất. Các tông đồ và những người kế nhiệm nhận được từ Chúa Kitô sứ vụ giảng dạy, cai quản và thánh hóa nhân danh Chúa và với quyền bính của Chúa. Nhưng cả giáo dân, vì tham gia vào sứ vụ tư tế, ngôn sứ và vương quyền của Chúa Kitô, giữa lòng sứ mạng của toàn thể Dân Chúa, họ cũng có nghĩa vụ riêng trong Giáo hội và thế giới" (AA 2).

Sự cộng tác giữa giáo dân và hàng giáo phẩm

Trong khuôn khổ này, Công đồng hiểu thế nào về sự cộng tác của giáo dân với hàng giáo phẩm? Phải chăng đây là một sự thích ứng hoàn toàn có tính cách chiến thuật với những tình trạng cấp thiết đang nảy sinh? Không phải như vậy, có một cái gì hơn nữa, vượt lên trên những hoàn cảnh lúc này và giữ nguyên giá trị đối với cả chúng ta. Sắc lệnh "Ad Gentes", Ðến với muôn dân, khẳng định rằng: "Giáo hội không thể được coi là thực sự được thiết lập, không sống trọn vẹn, không phải là dấu chỉ hoàn hảo về sự hiện diện của Chúa Kitô giữa loài người, nếu không có sự cộng tác và hỗ trợ của một hàng giáo dân chân chính với hàng giáo phẩm" (n.21).

Trong khuôn khổ của một sứ mạng duy nhất, sự khác biệt về các đoàn sủng và thừa tác vụ không được tạo nên những lớp người được đặc ân; và nó cũng không thể là cái cớ để đi tới những hình thức bất bình đẳng, là những điều không thể có chỗ đứng trong Chúa Kitô và trong Giáo hội. Sở dĩ như vậy, vì "mặc dù vài người, do ý của Chúa, chính Chúa Kitô được đặt làm thầy dạy, làm người ban phát các mầu nhiệm và các mục tử cho tha nhân, nhưng giữa tất cả mọi người đều có một sự bình đẳng về phẩm giá và hoạt động chung cho mọi tín hữu, trong việc xây dựng thân mình của Chúa Kitô" (LG 32).

Phẩm giá bình đẳng

Như thế, vấn đề bình đẳng về phẩm giá đòi chúng ta phải nghĩ lại bao nhiêu khía cạnh trong các tương quan của chúng ta, là những điều có tính quyết định đối với việc loan báo Tin mừng. Ví dụ, chúng ta có ý thức về điều này là qua những lời nói, chúng ta có thể làm thương tổn phẩm giá con người, và như thế làm hỏng những tương quan hay không? Trong khi chúng ta tìm cách đối thoại với thế giới, chúng ta có biết đối thoại giữa chúng ta là những tín hữu hay không? Cách nói của chúng ta có minh bạch, chân thành và tích cực hay không, hay nó mờ ảo, mơ hồ và tiêu cực? Có ý chí đối thoại trực tiếp, diện đối diện hay không, hay là chúng ta gửi những sứ điệp qua trung gian người khác? Chúng ta có biết lắng nghe để hiểu những lý do của người khác, hay chúng ta áp đặt, dù với những lời nhẹ nhàng?

Và Ðức Thánh cha kết luận rằng: "Anh chị em, chúng ta đừng sợ tự đặt cho mình những câu hỏi ấy. Chúng có thể giúp chúng ta kiểm chứng cách thức chúng ta đang sống ơn gọi đã nhận lãnh khi chịu phép rửa, cách thức làm tông đồ của chúng ta trong một Giáo hội tông truyền.

Chào thăm và kêu gọi

Sau bài huấn giáo của Ðức Thánh cha, buổi tiếp kiến được nối tiếp với phần tóm tắt bài giáo lý và những lời chào thăm của ngài gửi đến các nhóm hành hương bằng các thứ tiếng khác nhau.

Ðặc biệt với các tín hữu nói tiếng Pháp, Ðức Thánh cha mời gọi họ hãy cầu nguyện trong Mùa chay này cho tất cả các tín hữu Kitô, để trong tinh thần cộng tác, dựa trên đối thoại và tôn trọng phẩm giá mỗi người, họ có thể mang lại hy vọng cho thế giới ngày nay.

Khi chào các tín hữu Ba Lan, Ðức Thánh cha nhắc nhở họ về giáo huấn của Công đồng chung Vatican II, về ơn gọi của mỗi tín hữu đã chịu phép rửa làm tông đồ. Ðiều này đòi một sự cộng tác thực sự giữa hàng giáo phẩm và giáo dân, vì trong Giáo hội có nhiều thừa tác vụ khác nhau, nhưng cùng một sứ mạng. Ðức Thánh cha nói: "Tôi mời gọi anh chị em hãy suy nghĩ lại về tương quan này và dấn thân cùng nhau cho việc tái truyền giảng Tin mừng tại đất nước anh chị em.

"Sau cùng, bằng tiếng Ý, Ðức Thánh cha nói: "như thường lệ, tôi nghĩ đến các bạn trẻ, bệnh nhân và người già cũng như các đôi tân hôn. Tôi nhắn nhủ tất cả mọi người hãy quyết tâm tiếp tục hành trình Mùa chay, tín thác nơi sự bảo vệ liên lỷ của Mẹ Maria rất thánh. Chúng ta hãy phó thác cho Mẹ là Ðấng an ủi kẻ lo âu và là Nữ Vương Hòa Bình, và phó thác cho Mẹ cả dân tộc Ucraina đau thương."

Buổi tiếp kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành của Ðức Thánh cha.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page