Bản tường trình của Giáo Hội Công Giáo Ðài Loan
trong khóa họp cấp Ðại Lục Á Châu
chuẩn bị cho Thượng Hội Ðồng Giám Mục
Bản tường trình của Giáo Hội Công Giáo Ðài Loan trong khóa họp cấp Ðại Lục Á Châu chuẩn bị cho Khóa Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục lần thứ 16.
Mary Trần Vy
Taipei (VTW News 1-03-2023) - Trong khóa họp cấp Ðại Lục Á Châu từ ngày 24 đến 26 tháng Hai năm 2023 tại Bangkok, Thái Lan, chuẩn bị cho Khóa Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục lần thứ 16 vào tháng 10 năm 2023, Giáo Hội Công Giáo Ðài Loan đã có bài tường trình về tình hình Giáo Hội Công Giáo Ðài Loan. Nội dung bài tường trình được tóm lược như sau:
Dẫn nhập
Vào tháng 10 năm 2022, Ðại Hội mừng 50 năm của Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu (FABC 50) được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan, và ngay sau đó Tài liệu làm việc cho Giai đoạn Châu Lục (The Working Document for the Continental Stage - DCS) đã được công bố. Ðến cuối tháng 12 năm 2022, bản dịch tiếng Trung Hoa của tài liệu DCS cũng được công bố. Sau đó, một cuộc họp trực tuyến giữa các giám mục và một nhóm nhỏ các thành viên đã được tổ chức vào ngày 4 tháng Giêng năm 2023. Tuy có một số giám mục và một vài nhóm thành viên không thể tham dự vì một số lý do nào đó, và hơn nữa hầu hết các thành viên không thể phản ánh đầy đủ về tài liệu làm việc trong một khoảng thời gian rất hạn chế, do đó không có ý kiến cụ thể nào được đưa ra trong cuộc thảo luận đầu tiên của Nhóm Liên Lạc (Contact Team). Tuy nhiên, một số giám mục và các thành viên của Nhóm Liên Lạc cũng đã chia sẻ những kết quả với những nhận thức sâu sắc của họ. Vì vậy, chúng tôi tin rằng Chúa Thánh Thần sẽ lấp đầy những điểm mà chúng tôi còn thiếu sót, và chúng tôi cũng thừa nhận những hạn chế của chúng tôi trong bản tường trình này.
Ðài Loan là một nơi kết tụ nhiều nền văn hóa đa dạng và cũng là nơi có nhiều cơ hội để nghiên cứu các nền khoa học tiên tiến của thế giới. Nói đúng ra, Ðài Loan là nơi giao lưu những nét phong phú của các nền văn hóa Á Âu và có nhiều tiếp nhận về khoa học kỹ thuật tiên tiến của Âu Mỹ. Giáo hội Công giáo ở Ðài Loan được thành lập và được phát triển hơn 60 năm qua bởi các nhà truyền giáo ngoại quốc đến từ Châu Âu (Ý, Tây Ban Nha,...) và một số giáo sĩ đến từ Trung Quốc đại lục. Nhìn từ khía cạnh này, Giáo hội Công Giáo tại Ðài Loan có thể nói được là đã có một quá khứ rất thành công, nhờ vào sự đóng góp tích cực của các nhà truyền giáo ngoại quốc trong nhiều năm qua. Ngày nay, Giáo hội Công Giáo ở Ðài Loan thấy mình đang ở giữa ngã tư đường của một thế giới đa diện và không còn ảnh hưởng mạnh như trước đây trong các lĩnh vực như:
1. Gia đình: Do những thay đổi trong cấu trúc gia đình, các thành viên trong đại gia đình - ông bà, cha mẹ, và con cái cháu chắt - ít gắn kết với nhau hơn.
2. Giáo dục: Thiếu giáo dục về các nguyên tắc nhân văn và giá trị đạo đức trong trường học. Thanh thiếu niên được tiếp cận trực tiếp với Internet và những thông tin giải trí nhạy cảm. Do đó, họ ít có khuynh hướng đi sâu về nghiên cứu học hỏi và mở mang trí tuệ, gây ra sự gián đoạn trong việc truyền đạt kiến thức và văn hóa và làm cho lãnh vực giáo dục ngày càng rộng lớn hơn.
3. Kinh tế: Các gia đình có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế sống trong hoàn cảnh khó khăn vì họ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như hoàn cảnh gia đình, trình độ học vấn thấp, tỷ lệ sinh giảm, dân số người già gia tăng, v.v..., tất cả những điều này tạo thành một vòng luẩn quẩn.
4. Xã hội: Thiếu sự hiểu biết và đối thoại lẫn nhau giữa các nhóm dân tộc (dân địa phương, dân ngoại tỉnh, người thổ dân, dân di cư...) và nhiều tầng lớp lao động khác nhau (công nhân viên văn phòng, công nhân lao động vất vã).
5. Kiến thức: khoa học và nghiên cứu phát triển nhanh chóng, truyền thông xã hội, công nghệ IT và AI rất phổ biến.
Các chương trình mục vụ và truyền giáo mà Giáo hội đang cố gắng thực hiện không thể bắt kịp với xã hội đang thay đổi nhanh chóng. Trong hoàn cảnh khó khăn này, tiến trình đồng nghị mang lại hy vọng và cơ hội cho Giáo hội.
Những hồi đáp của Giáo Hội Công Giáo Ðài Loan
1. "Sau khi đọc Tài Liệu Làm Việc cấp châu lục (DCS) và sau khi đã cầu nguyện, những cảm nghiệm nào mạnh mẽ nhất với những kinh nghiệm sống và thực tế của Giáo hội ở lục địa của bạn? Những trải nghiệm nào là mới, hoặc gợi sáng cho bạn?" (#106)
Tiến trình Công nghị - Hướng tới một Giáo hội Hiệp hành Truyền giáo
"Những ai cảm thấy như đang ở trong ngôi nhà của Giáo hội thì cảm thấy thiếu vắng những người chưa có được cảm nghiệm như vậy." (#29). Các giám mục thường được đòi hỏi cần phải dành nhiều thời gian hơn để nói chuyện với các linh mục và giáo dân, để tìm hiểu họ và hiểu biết họ nhiều hơn. Tại Ðài Loan, một giám mục thường phải gánh vác rất nhiều công việc hành chính và phải phụ trách nhiều cơ sở giáo dục và rất nhiều các tổ chức công tác xã hội từ thiện trong giáo phận của mình. Các ngài quá bận rộn và bởi vậy có quá ít thời gian cho người khác.
Kể từ khi chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục, dân Chúa đã nhiệt tình tham gia và họ ý thức rằng Giáo hội không chỉ thuộc về các giám mục và linh mục, mà còn thuộc về mọi giáo dân đã được rửa tội. Nhiệm vụ của mỗi người trong số họ là tham gia và hiểu rõ hơn tình hình thực tế của Giáo hội, nhìn dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần.
"Lắng nghe và đối thoại là cách tiếp cận những hồng ân mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta qua sự đa dạng về nhiều mặt của một Giáo hội duy nhất: các đặc sủng, ơn gọi, tài năng, kỹ năng, ngôn ngữ và văn hóa, truyền thống tâm linh và thần học, các nền văn hóa khác nhau, các hình thức cử hành thánh lễ và nghi thức tạ ơn." (#102).
Tại Ðài Loan, mỗi giáo phận đang dần dần cho thấy những dấu hiệu của một tính đồng nghị, đang tiến triển, nhờ những nỗ lực đã đạt được trong hai năm qua. Tuy nhiên, vẫn còn một số linh mục lớn tuổi hoặc một ít linh mục trẻ vẫn còn có tính độc đoán làm việc một mình, cản trở những giáo dân có thiện chí canh tân cộng đoàn giáo xứ. Sự thúc đẩy mạnh mẽ của việc đổi mới đến từ các giám mục vì họ đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ tính đồng nghị và việc thực hiện nó trong các giáo xứ. Nhưng thật khó để thay đổi những thói quen lâu đời trong một thời gian ngắn. Ðể thực hiện và cụ thể hóa tính đồng nghị, chúng ta cần sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và sự lãnh đạo của các giám mục và linh mục quản xứ, bằng cách lắng nghe và học hỏi từ những người đang đồng hành với chúng ta trên con đường đồng nghị.
Từ hội nghị đến Ðối thoại tâm linh
Hội đồng Giám mục Trung Phi chia sẻ rằng "Một số Kitô hữu cảm thấy bị tổn thương và xa rời Giáo hội đã quay trở lại trong giai đoạn tham vấn này" (ibid.). Nhiều người nhấn mạnh rằng Giáo hội nên tiếp tục tổ chức các cuộc họp tư vấn kiểu này và để mọi người bày tỏ ý kiến của mình, từ đó tiếp cận được với các nhóm khác nhau ở vùng ngoại vi. Vì điều này có thể cải thiện mối quan hệ thân thiện giữa các thành viên của Giáo hội và các nhóm xã hội khác và tạo ra một bầu không khí góp phần vào việc giao tiếp sâu sắc...
Giáo hội ở Ðài Loan đã đi trên con đường đồng nghị, đi theo hướng "đối thoại tâm linh". Tuy nhiên, do một số thói quen xấu lâu đời, vẫn còn có nhiều chỗ cần phải cải thiện ở điểm này. May mắn thay, một số Giáo hội đặc biệt đã thành công trong việc vượt qua chúng và tạo ra hoa trái từ cuộc đối thoại tâm linh.
Những rào cản dai dẳng về mặt cấu trúc, cởi mở và lắng nghe lẫn nhau (#33)
Lắng nghe đòi hỏi phải bỏ đi những định kiến, cởi mở, chấp nhận và không phán xét . Kiên nhẫn lắng nghe là một thử thách trong cuộc sống bận rộn của xã hội hiện đại. Không sẵn sàng lắng nghe người khác dẫn đến chủ nghĩa giáo quyền độc đoán. Chủ nghĩa cá nhân của hàng giáo sĩ có xu hướng trở thành trở ngại cho giáo dân. Trong báo cáo toàn diện của Hội đồng Giám mục Ba Lan (#33), có đề cập rằng việc không lắng nghe người khác dẫn đến hiểu lầm, loại trừ, cuối cùng dẫn đến tư duy khép kín, đơn giản hóa quá mức, ngờ vực, tạo ra sợ hãi và chia rẽ. Không lắng nghe thì không thể giải quyết các vấn đề của tín hữu, và không thể tập trung vào những thách thức mà họ đang gặp phải. Người ta có thể bị mắc kẹt trong một loại chủ nghĩa đạo đức vô nghĩa.
Giáo dân cho rằng việc giáo sĩ không chú ý lắng nghe là do họ sợ công việc mục vụ của họ, và cũng như vậy, giáo dân có cảm giác rằng các giám mục không có thời gian để nói chuyện và lắng nghe họ. Thế giới ngày nay với tất cả những thách thức của nó không thể chỉ một mình hàng giáo phẩm đối mặt và giải quyết. Thay vào đó, các giáo sĩ cần các chuyên gia giáo dân và các chuyên môn, để giúp họ trong công việc mục vụ.
Ở Ðài Loan, các giáo sĩ cũng gặp vấn đề tương tự trong việc lắng nghe. Nói một cách nhân bản, giáo dân nên tỏ ra thông cảm hơn với các giáo sĩ vì sự cô đơn của họ. Hàng giáo sĩ cũng cần giáo dân lắng nghe họ, nâng đỡ và đồng hành với họ, cũng như học hỏi kinh nghiệm sống của giáo dân, để làm phong phú thêm kinh nghiệm mục vụ của họ. Cả hai cần phải lắng nghe nhau, phải có sự hỗ trợ lẫn nhau, "đồng hành " với tư cách là những chi thể của cùng một cơ thể.
Những quan ngại của giáo hội trước những khủng hoảng
DCS đề cập rằng nhiều Giáo hội địa phương bày tỏ mối quan ngại về tác động của việc thiếu lòng tin và sự tín nhiệm do các cuộc khủng hoảng lạm dụng. Các Giám mục Hungary chia sẻ rằng "việc loan báo Tin Mừng đang bị thách thức bởi tình trạng tục hóa ngày càng gia tăng, chủ nghĩa cá nhân và sự thờ ơ đối với các hình thức thể chế tôn giáo". Hội đồng Giám mục Nam Phi cũng bị "tác động bởi các xu hướng quốc tế của thế tục hóa, cá nhân chủ nghĩa và thuyết tương đối. Các vấn đề như giáo huấn của Giáo hội về phá thai, tránh thai, phong chức linh mục cho phụ nữ, chức giáo sĩ cho những người đã kết hôn, linh mục độc thân, ly hôn và tái hôn, vấn đề cho Rước lễ, đồng tính luyến ái, LGBTQIA + những vấn đề này đã được nêu ra trên khắp các Giáo phận, cả nông thôn và thành thị. Tất nhiên cũng có những quan điểm khác nhau về những vấn đề này và không thể đưa ra một lập trường chung dứt khoát về bất kỳ vấn đề nào trong số này". (#51)
Giáo hội ở Ðài Loan đang đối mặt với những vấn đề tương tự, đặc biệt là cuộc cách mạng tính dục đã tác động mạnh mẽ đến xã hội Ðài Loan và Giáo hội nói chung. Tổng giáo phận Ðài Bắc đã thành lập một Ủy ban Ðạo đức Luân lý chuyên giải quyết vô số vấn đề mới và cố gắng tìm ra các giải pháp thích hợp.
2. "Sau khi đọc Tài liệu làm việc cấp châu lục (DCS) và sau khi đã cầu nguyện, những căng thẳng hoặc bất đồng nào là đặc biệt quan trọng? Những thắc mắc hoặc vấn đề gì cần được giải quyết và xem xét trong các bước tiếp theo của quy trình?"
Một vài đoạn của Tài liệu làm việc cấp châu lục (DCS) nhắc nhở chúng ta về chiến tranh và tác động của nó (#21), bạo lực (##46, 52) và những áp bức rất phổ biến ở Châu Á. Ðài Loan cũng nhận thức rõ những mối đe dọa như vậy và đặt câu hỏi Giáo hội Công giáo có thể làm gì để thúc đẩy công lý và hòa bình trên toàn thế giới, đặc biệt là trước sự bành trướng của các chế độ chính trị độc tài?
Câu hỏi làm thế nào để chuyển đổi cấu trúc của tổ chức giáo hội (##33, 64 ff.) đặc biệt quan trọng đối với châu Á nơi nền văn hóa phổ biến có một số khuynh hướng độc đoán.
Cần có thời gian để thay đổi suy nghĩ của mọi người, để thay đổi cấu trúc. Não trạng của Giáo hội trong thiên niên kỷ thứ ba phải được thay đổi. Không phải lúc nào các giám mục, linh mục và giáo dân cũng hiểu rõ tính đồng nghị là gì. Cho nên cần trao đổi, lắng nghe, thảo luận, phân biện, thực hiện dần dần, từng bước một.
Giáo hội không được quên con cái của mình. Các linh mục chủ chăn không phải chỉ dựa vào các cuộc họp hành chính để giải quyết các vấn đề mục vụ và truyền giáo. Họ phải đến thăm gia đình giáo dân của họ, để hiểu hoàn cảnh của giáo dân. Các mục tử nên cầu nguyện nhiều hơn với đoàn chiên của mình bằng các cuộc hành hương và các buổi thờ phượng, như Chầu Thánh Thể, khẩn khoản nài xin ơn Chúa để khôi phục lại mối tương quan tin tưởng giữa hàng giáo phẩm và tín hữu như thời Giáo hội sơ khai.
"Trong nhiều trường hợp, các báo cáo kêu gọi đặc biệt chú ý đến tình hình của người dân bản địa. Tâm linh, trí tuệ và văn hóa của họ có nhiều điều để dạy". (#56). Một số lượng lớn người bản địa ở Ðài Loan là người Công giáo. Vì người bản xứ cần là sự tôn trọng, đồng hành, đào tạo chuyên môn và hòa nhập với xã hội, thay vì yêu cầu họ tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động và thảo luận. Chúng ta cần cùng với họ đọc lại lịch sử, để rút ra những cảm hứng từ những hoàn cảnh mà hành động của Giáo hội đã phục vụ cho sự phát triển con người toàn diện của họ, và để xin sự tha thứ cho những lúc mà ngược lại, nó đã đồng lõa với sự áp bức của họ.
Nhiều báo cáo đánh giá cao lòng trung thành của các linh mục ở Ðài Loan và bày tỏ sự quan tâm của các linh mục này đến nhu cầu của họ; những báo cáo này thường cho thấy rằng các linh mục nên có một sự huấn luyện tốt hơn, nhiều người đồng hành hơn và ít ở một mình hơn (#59). Từ phản ảnh đối với Ðại hội Truyền giáo tại Ðài Loan năm 2019 và nhiều phản ảnh khác từ các giáo xứ, người ta thấy tầm quan trọng của việc đào tạo giáo sĩ và nội dung của các bài giảng của họ. Việc đào tạo linh mục không chỉ là truyền đạt kiến thức mà còn giúp các linh mục khám phá và phát triển các kỹ năng mục vụ theo đặc sủng cá nhân của họ.
Ở Ðài Loan và các nơi khác ở Châu Á, việc chăm sóc mục vụ cho các gia đình Kitô giáo khác (#49), việc cộng tác với các tín đồ của các tôn giáo khác (#45), những đối thoại tôn giáo và giao lưu văn hóa (#53) là vô cùng quan trọng. Hy vọng rằng Thượng Hội Ðồng có thể giúp đỡ phần nào về vấn đề này.
Giáo hội cần xét lại cách "thả lưới" (x. Ga 21:6). Trong một thế giới truyền thông nhanh chóng, Giáo hội cần cởi mở với thế giới để học hỏi, lắng nghe và phân biệt tiếng nói của Chúa Thánh Thần và xác định đâu là những ưu tiên thực sự của mình. Việc đào tạo giáo dân cần phải thường xuyên và chặt chẽ, thay vì diễn ra rời rạc hoặc thỉnh thoảng. Giáo viên của các trường Công giáo cần được đào tạo và chia sẻ và cộng tác.
3. "Nhìn vào những gì nổi bật từ hai câu hỏi trên, đâu là những ưu tiên, chủ đề định kỳ và lời kêu gọi hành động có thể được chia sẻ với các Giáo hội địa phương khác trên khắp thế giới và được thảo luận trong Phiên họp đầu tiên của Thượng Hội đồng vào tháng 10 năm 2023?"
Cần phải nuôi dưỡng tính đồng nghị trong Giáo hội. Cấu trúc một mình là không đủ. Cần có những nỗ lực liên tục để hỗ trợ rộng rãi việc cụ thể hóa tính đồng nghị ở mọi cấp độ của đời sống Kitô hữu, bằng "một sự đào tạo toàn diện bao gồm các chiều kích cá nhân, thiêng liêng, thần học, xã hội và thực tiễn." (#82). Phải đảm bảo rằng những người được kêu gọi đảm nhận vai trò lãnh đạo, đặc biệt là các linh mục, phải được đào tạo thành tính đồng nghị. "Mặc dù lâu dài, việc đào tạo của chủng viện cần phải hướng đến việc chuẩn bị cho các giáo sĩ có một đời sống của một linh mục và tránh việc đào tạo họ chỉ để hợp tác trong công việc mục vụ. Việc đào tạo và huấn luyện về cách làm việc cùng nhau, lắng nghe nhau và cùng nhau tham gia vào sứ mệnh là điều cần thiết trong việc đào tạo linh mục." (#83)
Chủ nghĩa "giáo sĩ trị" luôn là một mối quan tâm tiềm ẩn của Giáo hội liên quan đến hình ảnh của Giáo hội. Việc đào tạo trong các chủng viện luôn luôn quan trọng đối với Giáo hội. Ðây cũng là chủ đề được giáo dân quan tâm và mong được cải thiện. Trong quá khứ, việc đào tạo chủng sinh tập trung vào việc trở nên "giống Chúa Kitô", trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, trở thành "Chúa Kitô thứ hai", v.v. Hình ảnh duy tâm về bản thân này có thể có hiệu quả ở một mức độ nào đó, nhưng cũng có thể tạo ra vấn đề, nghĩa là làm lu mờ ý nghĩa của việc chính mình là môn đệ và tôi tớ trung thành của Chúa Kitô.
Với tư cách là một tổ chức, việc phục vụ của Giáo hội không chỉ giới hạn ở việc thực hiện các bí tích. Nó cũng bao gồm công việc lãnh đạo hành chính và điều hành các cộng đoàn và các hiệp hội. Ðiều này có nghĩa là Giáo hội phải cộng tác với các chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau, để phục vụ tốt và mở mang Nước Chúa.
Linh mục phải là gương sáng cho giáo dân và là mẫu mực cho thời đại mới. Các chương trình giảng dạy và nội dung của việc đào tạo linh mục cần phải được xem xét lại, để đáp ứng các nhu cầu mục vụ thực tế của các Giáo hội địa phương và xã hội.
Chính khi linh mục và giáo dân đã tạo dựng được một nền tảng tốt đẹp cho đời sống thiêng liêng của mình, thì cơ cấu nội tại của Giáo hội sẽ thành hình và được củng cố, trở thành một Giáo hội luôn tiến về phía trước. Mỗi lần sau một hội nghị hoặc một khóa huấn luyện về tính đồng nghị hoặc bất kỳ chủ đề nào khác, nên tạo cơ hội và thời gian để chia sẻ. Tốc độ của các cuộc họp mặt và các hoạt động của giáo hội phải chậm lại để đảm bảo chất lượng và hiệu quả của các buổi họp nhóm, trong khi những người tham gia phải có cơ hội đặt câu hỏi và học hỏi trực tiếp từ các diễn giả, giống như các môn đồ học hỏi từ Chúa Giêsu trong đời sống thực tiễn.
Sự tiếp xúc giữa Giáo hội và giới trẻ càng đòi hỏi những giáo sĩ gương mẫu, có ý thức truyền giáo để dẫn dắt họ. Nhận thấy rằng nhiều người trẻ đang rời bỏ Giáo hội, bởi vậy điều quan trọng là phải thiết lập và kích hoạt lại các kênh truyền thông hiện có cho mục vụ giới trẻ một cách sáng tạo.
Trong 'Tài liệu đúc kết' của Ðại Hội mừng kỷ niệm 50 năm thành lập Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu ( FABC 50) có nội dung rất hay về cách làm sao để cho nhiều người biết cộng tác với nhau trong việc làm mục vụ tông đồ, trong đó nhấn mạnh đến việc cùng nhau phục vụ như một nhóm cùng làm việc.
Kết luận
Chỉ có Chúa mới biết thế giới sẽ trở nên như thế nào và Giáo hội sẽ ra sao sau khi Thượng Hội đồng Giám mục (2023~2024) diễn ra. Nhưng chúng ta biết chắc rằng thế giới sẽ tiếp tục thay đổi và cho dù thế giới có thay đổi như thế nào đi chăng nữa thì thế giới vẫn luôn cần đến Ðức Giêsu Ky-tô, là Chúa và là Thiên Chúa của chúng ta, Ðấng Cứu Rỗi của toàn thể nhân loại, Ðấng duy nhất là "Ðường, Sự Thật và Sự Sống" (Ga 14:6). Và với tư cách là dân Chúa tại Ðài Loan, chúng tôi tin chắc rằng con đường đồng nghị hiện tại là con đường đúng đắn để kết nối chúng ta không chỉ với thế giới đang thay đổi nhanh chóng mà chúng ta đang sống trong đó, mà còn với Chúa Thánh Thần, Ðấng Phù Trợ, Ðấng sẽ nhắc nhở chúng ta về những gì Chúa Giêsu đã nói và đã dạy, và sẽ đưa chúng ta tất cả đến với sự thật (x. Ga 14:13). Do đó, chúng tôi dám hy vọng rằng phản ứng của chúng tôi đối với Tài Liệu Làm Việc cấp Châu Lục (DCS) sẽ là một đóng góp khiêm tốn cho tiến trình công nghị ở cấp độ Ðại Lục Á Châu, đặc biệt là trong bối cảnh của châu Á hiện nay, và cuối cùng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các Liên Hội đồng Giám mục khác ở các châu lục khác mà chúng tôi có rất nhiều điều để học hỏi và chúng tôi cũng có một cái gì đó để chia sẻ.
Ðài Bắc, ngày 10 tháng 1 năm 2023
(chuyển dịch từ Bản dịch tiếng Anh do Cha Otfried Chan, Tổng thư ký Hội Ðồng Giám Mục Ðài Loan CRBC, biên soạn)