Chúa hứa ban nước hằng sống

làm nảy sinh trong chúng ta sự sống đời đời

 

Kinh Truyền tin với Ðức Thánh cha: Chúa hứa ban nước hằng sống làm nảy sinh trong chúng ta sự sống đời đời.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 12-03-2023) - Trưa Chúa nhật, ngày 12 tháng Ba năm 2023, đã có khoảng 10,000 tín hữu và du khách hành hương đến Quảng trường thánh Phêrô để tham dự buổi đọc kinh Truyền tin với Ðức Thánh cha Phanxicô, dưới bầu trời nắng đẹp của mùa xuân.

Huấn dụ của Ðức Thánh cha

Trước khi đọc kinh, Ðức Thánh cha giải thích bài Tin mừng Chúa nhật thứ III Mùa chay năm A (Xc Ga 4,5-42), về cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với người phụ nữ xứ Samaria bên bờ giếng Giacóp và Chúa xin bà cho uống nước.

Ðức Thánh cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúa nhật này, bài Tin mừng trình bày cho chúng ta một trong những cuộc gặp gỡ đẹp và thu hút nhất của Chúa Giêsu, đó là cuộc gặp gỡ của Ngài với người đàn bà xứ Samaria (Xc Ga 4,5-42). Chúa Giêsu và các môn đệ dừng lại gần một giếng ở Samaria. Một phụ nữ đến và Chúa Giêsu nói: "Hãy cho tôi uống" (v.8). Tôi muốn dừng lại tại câu nói này: "Hãy cho tôi uống".

Chúa xin nước uống giải khát

Cảnh tượng cho chúng ta thấy Chúa Giêsu khát và mệt. Ngài được người phụ nữ Samaria thấy ở bên giếng trong giờ nóng nhất, ban trưa, và như một người hành khất, Ngài xin được uống. Ðó là hình ảnh sự hạ mình của Thiên Chúa: trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa trở nên một người trong chúng ta; Ngài cũng khát, chịu nóng cháy như chúng ta. Chiêm ngắm cảnh tượng này, mỗi người chúng ta có thể nói: Chúa, là Thầy, "Ðấng đang nói xin tôi cho uống. Vì thế, Ngài cũng khát như tôi. Ngài có cái khát của tôi. Lạy Chúa, Chúa thực sự gần con! Chúa gắn bó với cái nghèo của con... Chúa nâng con từ dưới, từ sâu thẳm hơn chính con, nơi không ai đến cùng con" (P. Mazzolari, La Samaritana, Bologna 2022, 55-56). Thực vậy, cái khát của Chúa Giêsu, không chỉ là cái khát thể lý, nhưng còn biểu lộ những nóng cháy sâu đậm nhất trong cuộc đời chúng ta: nhất là cái khát tình thương của chúng ta. Và cái khát ấy sẽ xuất hiện trong lúc tột đỉnh của cuộc khổ nạn, trên thập giá; tại đó, trước khi chết, Chúa Giêsu sẽ nói: "Ta khát" (Ga 19,28).

Chúa ban nước hằng sống

Nhưng Chúa xin uống cũng là Ðấng cho uống: khi gặp người đàn bà xứ Samaria, Ngài nói với bà về nước hằng sống của Thánh Linh, và từ thập giá, máu và nước chảy ra từ cạnh sườn bị đâm thâu qua của Ngài (Ga 19,34). Chúa Giêsu khát tình yêu, giải khát cho chúng ta bằng tình yêu. Và Ngài làm cho chúng ta như với người phụ nữ xứ Samaria: Chúa đến gặp chúng ta trong cuộc sống hằng ngày, chia sẻ cái khát của chúng ta, hứa ban nước hằng sống làm nảy sinh trong chúng ta sự sống đời đời (Xc Ga 4,14).

Lời kêu gọi

"Hãy cho tôi uống". Có một khía cạnh thứ hai. Những lời này không phải chỉ là lời xin của Chúa Giêsu với người đàn bà Samaria, nhưng là một lời kêu gọi - nhiều khi âm thầm - mỗi ngày được gửi đến chúng ta và yêu cầu chúng ta chăm sóc cái khát của những người khác. Câu "Hãy cho tôi uống" nói với chúng ta rằng bao nhiêu người - trong gia đình, nơi làm việc, tại những nơi chúng ta lui tới, - đang khát sự gần gũi, quan tâm, lắng nghe; người đang khát Lời Chúa và đang cần tìm thấy trong Giáo hội một ốc đảo để giải khát cũng nói với chúng ta điều đó. "Hãy cho tôi uống" là lời kêu gọi của xã hội chúng ta, nơi mà sự vội vã, chạy theo tiêu thụ và dửng dưng sinh ra sự khô cằn và trống rỗng nội tâm. Và chúng ta đừng quên điều này, câu "Hãy cho tôi uống" là tiếng kêu của bao nhiêu anh chị em đang thiếu nước để sống, trong khi chúng ta tiếp tục làm ô nhiễm và làm xấu xí căn nhà chung của chúng ta, và căn nhà ấy cũng kiệt quệ và nóng cháy, "đang khát".

Áp dụng cụ thể

Ðứng trước những thách đố đó, bài Tin mừng hôm nay cống hiến cho mỗi người chúng ta nước hằng sống có thể làm cho chúng ta có thể trở thành nguồn bồi bổ cho những người khác. Vậy, như người phụ nữ Samaria, đã bỏ vò nước tại giếng và chạy đi kêu gọi dân làng (Xc v.28), cả chúng ta đừng chỉ nghĩ đến việc giải khát cho mình, nhưng với niềm vui được gặp Chúa, chúng ta có thể giải khát cho những người khác; chúng ta có thể hiểu cái khát của họ và chia sẻ tình thương mà Chúa đã ban cho chúng ta. Vậy, ngày hôm nay, chúng ta có thể tự hỏi: Tôi có khát Thiên Chúa, Ðấng làm cho tôi ý thức rằng tôi cần cần tình thương của Chúa như nước để sống hay không? Và rồi: tôi có quan tâm đến cái khát của những người khác hay không?

Xin Ðức Mẹ chuyển cầu cho chúng ta và nâng đỡ chúng ta trong hành trình này.

Chào thăm và kêu gọi

Sau khi đọc kinh và ban phép lành cho mọi người, Ðức Thánh cha thông báo rằng chiều ngày 17 và 18 tháng Ba năm 2023 sẽ có sáng kiến "24 giờ cho Chúa", giống như năm 2022, nhưng lần này được cử hành tại Nhà thờ Ðức Mẹ Ân Phúc, ở khu vực Trionfale gần Vatican. Chiều ngày 17 tháng Ba năm 2023 ngài sẽ đến giáo xứ này lúc 4 giờ 30 để cử hành nghi thức thống hối và hòa giải, với phần ban bí tích này.

Sau cùng, Ðức Thánh cha cũng nhắc đến kỷ niệm đầu tiên nghi thức thánh hiến thế giới, đặc biệt là nước Nga và Ucraina cho Khiết Tâm Ðức Mẹ, để cầu xin ơn hòa bình.

Lúc 5 giờ chiều ngày 25 tháng Ba năm 2022, lễ Truyền tin cho Ðức Mẹ, Ðức Thánh cha đã chủ sự buổi cử hành thống hối tại Ðền thờ thánh Phêrô cho nhiều hối nhân, với phần xưng tội riêng và lãnh ơn xá giải. Ðặc biệt, ngài cũng đọc kinh thánh hiến nước Nga và Ucraina cho Khiết Tâm Ðức Mẹ. Tham dự nghi thức này cũng có 32 hồng y, hơn 10 giám mục, đông đảo các linh mục, tu sĩ và 2,000 giáo dân.

Ðức Thánh cha mời gọi các tín hữu tiếp tục cầu nguyện cho dân chúng tại Ucraina đang tiếp tục chịu đau khổ vì chiến tranh. Ngài nói: "Ước gì lòng tín thác của chúng ta không bị suy giảm, niềm hy vọng không bị lung lay! Chúa luôn lắng nghe những lời khẩn cầu mà dân Ngài dâng lên nhờ lời chuyển cầu của Ðức Mẹ. Chúng ta hãy tiếp tục hiệp nhau trong đức tin và trong tình liên đới với các anh chị em chúng ta đang đau khổ vì chiến tranh. Nhất là đừng quên nhân dân Ucraina đau thương!"

Sau cùng, Ðức Thánh cha chúc mọi người một Chúa nhật an lành, đồng thời xin họ đừng quên cầu nguyện cho ngài.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page