Phúc trình của Liên Hiệp Quốc
lên án nhà nước Nicaragua
Phúc trình của Liên Hiệp Quốc lên án nhà nước Nicaragua.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Genève (RVA News 07-03-2023) - Phúc trình của nhóm chuyên gia Liên Hiệp Quốc về nhân quyền liệt kê các tội chà đạp nhân quyền của nhà nước Nicaragua hiện nay, từ năm 2018 đến nay.
Phúc trình được hoàn tất sau những vụ nhà nước Nicaragua bắt giam và kết án các linh mục, kết án một giám mục mới đây. Phúc trình tố giác những vụ hành quyết mà không xét xử tại tòa án, bắt giam trái phép, tra tấn, đối xử vô nhân đạo và hạ nhục, tước bỏ quốc tịch một cách độc đoán, trục xuất ra nước ngoài, loại bỏ quyền tham gia đời sống công cộng, và quyền ở lại quê hương, kiểm duyệt tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, hiệp hội, tự do lương tâm và tôn giáo.
Tài liệu này cũng tố giác nhà nước Nicaragua sử dụng bạo lực làm chết người để bóp nghẹt những cuộc biểu tình của dân chúng; cảnh sát và các nhóm bán quân sự dùng đạn thật để bắn những người chống đối, làm cho 355 người chết, vụ tước bỏ quốc tịch Nicaragua của 316 người, gán cho họ tội phản quốc, trong đó có 222 người đối lập bị trục xuất khỏi nước, hôm 09 tháng Hai vừa qua. Tiếp đến có những cuộc bách hại nhất loạt chống Giáo hội Công giáo, với vụ kết án 15 năm tù Ðức cha Rolando Álvarez, Giám mục Giáo phận Matagalpa, trong khi chín linh mục bị kết án tù và sáu linh mục phải lưu vong sang Mỹ.
Phúc trình của toán chuyên gia nhân quyền thuộc Liên Hiệp Quốc nói rằng: Những vụ lạm dụng như thế không phải là một hiện tượng riêng rẽ, nhưng là kết quả của một sự cố tình loại bỏ các tổ chức dân chủ và phá hủy không gian dân sự và dân chủ tại Nicaragua.
Chủ tịch toán chuyên gia là ông Jan-Michael Simon, người Ðức. Khi trình bày phúc trình này tại Hội đồng Nhân quyền Liên HIệp Quốc ở Genève, Thụy Sĩ, ông nói rằng: "Guồng máy nhà nước Nicaragua, trong toàn bộ, đã bị biến thành một khí cụ bách hại dân chúng". Phúc trình trưng dẫn những bằng chứng và nhấn mạnh trách nhiệm của đôi vợ chồng Tổng thống Daniel Ortega, và cả các quan chức lãnh đạo trong cơ các cơ cấu chính phủ cũng như các cá nhân can dự vào những tội ác và những vi phạm nhân quyền.
Ông Simon nói: "Rất tiếc là tất cả các yếu tố nhận thấy tại Nicaragua, người ta có thể thấy được trong các phiên tòa ở Nuremberg [xét xử các tội phạm Ðức Quốc xã]". Có thể ví chúng với tình trạng cuộc đàn áp trong thập niên 1930 ở Âu châu.
Hiện thời không có phản ứng nào từ phía nhà cầm quyền ở Nicaragua. Họ không trả lời 12 yêu cầu chính thức về các thông tin và không cho phái bộ của Liên Hiệp Quốc được vào Nicaragua. Cuộc điều tra dựa trên các tài liệu và hơn 300 cuộc phỏng vấn các cựu quan chức chính quyền, các nạn nhân và các giới lãnh đạo xã hội dân sự lưu vong được tham khảo. Tổng cộng có ít nhất 3,144 tổ chức dân sự bị nhà nước Nicaragua đóng cửa từ tháng Mười Hai năm 2018 và thực tế là tất cả các phương tiện truyền thông độc lập.
(Avvenire 3-3-2023)