Ngoại trưởng Tòa Thánh giải thích
lập trường của Ðức Thánh cha về Ucraina
Ngoại trưởng Tòa Thánh giải thích lập trường của Ðức Thánh cha về Ucraina.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (RVA News 23-02-2023) - Ðức Tổng giám mục Ngoại trưởng Tòa Thánh, Paul Gallagher nhấn mạnh vai trò của ngành ngoại giao Tòa Thánh trong việc chấm dứt cuộc chiến tranh tàn ác tại Ucraina.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho Ðài Vatican, hôm 23 tháng Hai năm 2023, nhân kỷ niệm một năm bắt đầu chiến tranh tại Ucraina, Ðức Tổng giám mục Gallagher cho biết Tòa Thánh hy vọng có những cuộc thương thuyết để đạt tới hòa bình. Ngài nói: "Ngoại giao Tòa Thánh trước tiên được những sáng kiến của Ðức Thánh cha hướng dẫn và thúc đẩy, trong các kinh nguyện cũng như các diễn văn của ngài, trong những buổi tiếp kiến chung, cũng như những buổi đọc kinh Truyền tin mỗi trưa Chúa nhật. Ngài luôn kêu gọi hòa bình cho Ucraina và chúng tôi hướng theo ngài, luôn nghĩ đến những tàn ác của chiến tranh và tìm cách hành động: luôn bày tỏ sự sẵn sàng đối với các tác nhân trong cuộc chiến về sự sẵn sàng giúp thương thuyết để chấm dứt chiến tranh kinh khủng ngày. Tôi tin rằng đó là vai trò của chúng tôi. Cả khi điều đó là khó khăn đối với Ucraina và nhiều người khác, nói về đối thoại và hòa bình, hòa giải, nhưng đó là điều mà Giáo hội, Tòa Thánh, và Ðức Thánh cha có thể và phải làm. Ðiều cơ bản là luôn giữ cho giấc mơ hòa bình được hiện diện. Chúng tôi hiểu rằng trong thời điểm đau khổ này, đối với nhiều người thật khó nghĩ đến hòa bình, nhưng vẫn phải có người nào đó nghĩ đến hòa bình, vì cuối cùng, cuộc chiến này cũng phải kết thúc, và chúng tôi hy vọng nó sẽ sớm kết thúc".
Trả lời câu hỏi: đứng trước cuộc xâm lăng của Nga, Ðức Tổng giám mục có nghĩ: bao nhiêu nhân dân Ucraina có thể chiến đấu cho nền hòa bình mà Ðức Giáo hoàng không ngừng kêu gọi?, Ðức Tổng giám mục Gallagher đáp:
"Tôi không nghi ngờ về việc mọi người Ucraina đều mơ ước hòa bình, đó là điều rất bình thường. Khi những người cha người mẹ nhìn con cái của họ, họ hy vọng chúng có thể tăng trưởng trong hòa bình. Họ phải bảo tồn giấc mơ đó, mặc dù những đau khổ, khó khăn, mặc dù những tương quan rõ ràng nhiên là đau thương với Nga và người Nga hiện nay. Nhưng bạn cũng phải nghĩ đến tương lai với một niềm lạc quan. Có lẽ bạn nghe đến những năm tự do, những năm hòa bình mà Ucraina đã được hưởng sau khi độc lập, và cố gắng bắt đầu nghĩ ngay từ bây giờ tới việc tái thiết đất nước này. Có rất nhiều điều phải được tái thiết và hòa giải tại Ucraina.
(Vatican News 23-2-2023)