Hội nghị cấp đại lục của Giáo hội Á châu,
chuẩn bị Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới lần thứ 16
Hội nghị cấp đại lục của Giáo hội Á châu, chuẩn bị Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới lần thứ 16.
Mary
Trần Vy
Hội nghị cấp đại lục của Giáo hội Á châu chuẩn bị Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới lần thứ 16. |
Bangkok (VTW News 23-02-2023) - Hội nghị cấp đại lục Á Châu chuẩn bị cho Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới lần thứ 16 đã được Liên Hội đồng Giám mục Á Châu tổ chức từ ngày 24 tháng Hai đến ngày 26 tháng Hai năm 2023 tại Trung tâm Huấn luyện Mục vụ Baan Phu Waan thuộc Tổng giáo phận Bangkok, Thái Lan. Các Giám mục Châu Á, Ðại diện của 17 Hội đồng Giám mục và 2 Thánh Hội đồng Giám mục, đến từ 29 quốc gia thuộc Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu (FABC). Các thành phần tham dự gồm có 6 Hồng y, 5 Tổng Giám mục, 18 Giám mục, 28 Linh mục, 4 Nữ tu và 19 Giáo dân.
Châu Á là lục địa lớn nhất và đông dân nhất với nền văn hóa, ngôn ngữ, chủng tộc và tôn giáo đa dạng. Mặc dù các Kitô hữu vẫn là thiểu số ở hầu hết các vùng của Châu Á, nhưng nền văn hóa độc đáo và sức sống đầy màu sắc của các vùng khác nhau của Châu Á đã mang lại niềm vui cho Giáo hội. Trong khi xã hội Á Châu đa dạng với những niềm tin, giá trị và văn hóa khác biệt nhau, thì tính liên kết của các dân tộc Á Châu và tình liên đới có cùng chung với một mục đích hợp tác phục vụ và yêu thương nhau đã thu hút mọi người ở Châu Á cùng xích lại gần nhau. Các giá trị quan trọng hiện nay của người châu Á là: thiết lập mối quan hệ giữa con người với Thiên Chúa, giữa bản thân với hàng xóm, giữa xã hội địa phương với thế giới hoàn vũ, điều này cũng mang lại sự thống nhất của gia đình nhân loại và sự thống nhất của người dân châu Á.
Hành trình Thượng Hội đồng được xem như thời gian ân sủng và chữa lành cho Giáo hội. Hình ảnh "Giáo hội như căn lều" cho thấy Giáo hội "là một nơi ẩn náu có thể mở rộng cho tất cả mọi người trên tinh thần hòa nhập. Nó cũng bày tỏ rằng Thiên Chúa có thể dựng "căn lều" của Người ở bất cứ nơi nào có Thánh Thần của Thiên Chúa thổi đến, kể cả những nơi đang xảy ra bạo lực, bất ổn và đau khổ. Quan trọng nhất, trong căn lều này, có chỗ cho tất cả mọi người; không ai bị loại trừ, vì đó là ngôi nhà của mọi người."
Hình ảnh này cũng nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Giêsu, khi nhập thể, đã ở giữa chúng ta. Vì vậy, qua Ðức Kitô, giáo hội là nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa và gặp gỡ nhau. Giáo hội của Ðức Kitô, giờ đây được xem như một ngôi nhà chung, cũng đánh thức một ý thức có ý nghĩa hơn về tầm quan trọng của việc cùng nhau bước đi trong sự hiệp thông giữa các nhóm khác nhau, đồng thời thúc đẩy sự phát triển năng động của Giáo hội.
Một kế hoạch và một tài liệu làm việc đã được soạn thảo để giúp các đại biểu sát cánh bên nhau, phân định, thảo luận và suy tư qua lời cầu nguyện. Trong ba ngày của Hội nghị, các đại biểu sẽ chia sẻ những trải nghiệm vui buồn của họ, những trải nghiệm của những công việc phục vụ, với những đau buồn khó khăn và với lời kêu gọi của họ để dấn thân vào những con đường mới. Họ cũng sẽ tập trung vào một số điểm quan trọng đang được thực hành ở Châu Á: tình bằng hữu thiết thực, việc ra quyết định, ơn gọi linh mục, giới trẻ, người nghèo, xung đột tôn giáo và chủ nghĩa độc đoán.
Thánh lễ Khai mạc, cầu xin Chúa Thánh Thần, sẽ được Ðức Tổng Giám mục Tarcisio Isao Kikuchi, Tổng Giám mục Tokyo, và là Tổng Thư ký của Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu (FABC) chủ sự vào sáng thứ Sáu 24 tháng Hai năm 2023.
Sau thánh lễ khai mạc là phần giới thiệu những thành phần tham dự và thông báo các chủ đề để chuẩn bị cho các buổi họp mặt. Cuối cùng, một bản thảo "Tài liệu cuối cùng" sẽ được thảo luận, chia sẻ, trao đổi và được đúc kết bởi tất cả những người tham gia.