Hãy loan báo sự gần gũi và dịu dàng của Chúa

 

Tiếp kiến chung của Ðức Thánh cha: Hãy loan báo sự gần gũi và dịu dàng của Chúa.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 16-02-2023) - Lúc 9 giờ sáng, thứ Tư, ngày 15 tháng Hai năm 2023, Ðức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến chung khoảng 6,000 tín hữu hành hương, tại Ðại thính đường Phaolô VI ở nội thành Vatican.

Như thường lệ, sau lời chào phụng vụ, mọi người đã nghe công bố Tin mừng bằng tám thứ tiếng khác nhau:

Bài Tin mừng theo thánh Matthêu (10,7-10.16):

[Chúa Giêsu nói với các môn đệ:] "Dọc đường, các con hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần. Các con hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong cùi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Các con đã được nhưng không thì cũng phải cho nhưng không. Ðừng kiếm vàng bạc hay tiền giắt lưng. Ði đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi dép hay cầm gậy. Này, Thầy sai các con đi như chiên vào giữa bầy sói. Vậy các con hãy khôn ngoan như rắn, và đơn sơ như bồ câu".

Bài giáo lý

Kế đến, Ðức Thánh cha tiếp tục loạt bài giáo lý về "sự hăng say loan báo Tin mừng: lòng nhiệt thành tông đồ của tín hữu". Bài thứ tư này có tựa đề: "Việc tông đồ đầu tiên".

Mở đầu bài huấn dụ, Ðức Thánh cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

"Chúng ta tiếp tục loạt bài giáo lý về sự hăng say loan báo Tin mừng, lòng nhiệt thành tông đồ. Sau khi nhìn Chúa Giêsu như mẫu gương và là thầy dạy loan báo, hôm nay chúng ta tiến sang các môn đệ đầu tiên. Tin mừng nói rằng Chúa Giêsu "thiết lập nhóm 12 - mà Ngài gọi là các tông đồ -, để họ ở với Ngài và sai họ đi rao giảng" (Mc 4,14). Có một khía cạnh dường như mâu thuẫn: Chúa gọi họ để họ ở với Ngài và để họ đi rao giảng. Như thể có nghĩa là: hoặc làm điều này hoặc làm điều khác, hoặc ở hoặc đi. Nhưng không phải vậy: đối với Chúa Giêsu, không có việc đi mà không ở, và không có việc ở mà không đi. Chúng ta hãy tìm cách hiểu xem điều đó có nghĩa là gì.

Trước tiên, "không có việc đi mà không ở lại": trước khi sai các môn đệ đi thi hành sứ mạng, - Tin mừng cho biết - Chúa Giêsu "gọi họ đến với Ngài" (Xc Mt 10,1). Việc loan báo nảy sinh từ cuộc gặp gỡ với Chúa; mọi hoạt động Kitô giáo, nhất là sứ vụ, bắt đầu từ đó. Thực vậy, làm chứng về Chúa có nghĩa là chiếu tỏa Ngài, nhưng nếu ta không nhận ánh sáng của Chúa, thì chúng ta sẽ tắt lịm; nếu chúng ta không lui tới với Chúa, chúng ta sẽ mang bản thân mình thay vì mang Chúa, và tất cả sẽ vô ích. Vì thế, chỉ có ai ở với Chúa thì mới có thể mang Tin mừng của Chúa Giêsu. Cũng vậy, không có "việc ở mà không ra đi". Thực vậy, theo Chúa Giêsu không phải là một điều thân mật: nếu không có loan báo, không phục vụ, không sứ mạng thì tương quan với Chúa không tăng trưởng. Chúng ta ghi nhận rằng trong Tin mừng, Chúa sai các môn đệ trước khi hoàn tất việc huấn luyện họ: ít lâu sau khi kêu gọi họ, Chúa sai họ đi! Ðiều này có nghĩa là kinh nghiệm về sứ mạng truyền giáo phải là thành phần của việc huấn luyện. Vây chúng ta hãy nhớ hai giai đoạn cấu thành đối với mỗi môn đệ, đó là: ở và đi.

Sau khi kêu gọi các môn đệ đến với Ngài và trước khi sai họ đi, Chúa Giêsu nói với họ một bài, được coi như "bài giảng thừa sai". Ðoạn này trong chương 10 của Tin mừng theo thánh Matthêu và giống như "hiến chương" về việc loan báo. Từ diễn văn đó, mà tôi khuyên anh chị em hãy đọc, tôi rút ra ba khía cạnh: tại sao loan báo, loan báo điều gì và loan báo thế nào.

Ba khía cạnh của việc loan báo

Tại sao loan báo? Ðộng lực hệ tại năm lời của Chúa Giêsu, chúng ta nên nhớ: "Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không" (v.8). Việc loan báo không khởi hành từ chúng ta, nhưng từ vẻ đẹp của những gì chúng ta đã lãnh nhận nhưng không, không phải vì công trạng của chúng ta: gặp gỡ Chúa Giêsu, nhận biết Ngài, khám phá mình được yêu thương và cứu độ. Ðó là một hồng ân lớn lao đến độ chúng ta không thể giữ riêng cho mình, nhưng cảm thấy cần phổ biến; nhưng theo cùng thể thức, nhưng không. Nói khác đi, chúng ta có một món quà, vì thế chúng ta được kêu gọi trở nên món quà: trong chúng ta có niềm vui được làm con Thiên Chúa, cần phải chia sẻ với các anh chị em chưa biết Chúa! Ðó là lý do tại sao loan báo.

Vậy chúng ta loan báo điều gì? Chúa Giêsu nói: "Các con hãy rao giảng, nói rằng nước trời đang đến gần" (v.7). Ðó là điều cần phải nói, trước mọi sự: Thiên Chúa đang ở gần. Chúng ta, khi rao giảng, thường mời gọi dân chúng làm cái gì đó, đó là điều tốt; nhưng chúng ta đừng quên rằng sứ điệp chủ yếu là: Thiên Chúa ở gần chúng ta. Thực vậy, thật là dễ khuyên bảo yêu mến Chúa trước khi để cho mình được Chúa yêu thương. Ðón nhận tình thương của Thiên Chúa thì khó hơn vì chúng ta luôn muốn ở trung tâm, nắm vai chính, chúng ta dễ có xu hướng hoạt động hơn là để cho mình được nhào nặn, nói hơn là lắng nghe. Nhưng, nếu đặt chỗ đứng đầu tiên là điều mà chúng ta làm, thì chúng ta là những người nắm vai chính. Trái lại, việc loan báo phải dành chỗ đứng thứ nhất cho Thiên Chúa, và để những người khác có cơ hội đón nhận Chúa, nhận thấy Chúa đang ở gần.

Ðiểm thứ ba: loan báo thế nào? Ðó là khía cạnh được Chúa Giêsu nói nhiều nhất; đây là điều thật ý nghĩa: Chúa nói với chúng ta về cách thức, lối sống là điều thiết yếu trong việc làm chứng ta. Chúng ta hãy nghe Chúa muốn chúng ta như thế nào: "Thầy sai các con như chiên giữa đàn sói" (v.16). Chúa không yêu cầu chúng ta phải biết cách đối phó với sói, nghĩa là có khả năng biện luận, đối đáp và tự vệ. Chúng ta thường nghĩ thế này: chúng ta trở nên quan trọng, đông đảo, có uy tín và thế giới sẽ lắng nghe và kính trọng chúng ta. Không phải vậy, Chúa sai chúng ta như chiên, chiên con. Chúa yêu cầu chúng ta như thế, những người hiền lành và vô tội, sẵn sàng hy sinh; đó thực là điều mà chiên con tượng trưng: hiền lành, đơn sơ, tận tụy. Và Chúa, người mục tử, sẽ nhận ra các chiên của Ngài và bảo vệ chúng khỏi sói. Trái lại, những con chiên đội lốt sói sẽ bị vạch trần và bị xâu xé. Một Giáo phụ đã viết: "Bao lâu chúng ta còn là chiên con, chúng ta sẽ chiến thắng, và cho dù chúng ta bị đàn sói đông đảo bao vây, chúng ta sẽ lướt thắng được chúng. Nhưng nếu chúng ta trở thành sói, chúng ta sẽ bị đánh bại, vì chúng ta thiếu sự trợ giúp của người chăn chiên. Mục tử không chăn sói, nhưng chăn chiên" (Thánh Gioan Kim Khẩu, Bài giảng 33 về Tin Mừng thánh Matthêu).

Cách thức loan báo

Vẫn về vấn đề loan báo thế nào, điều gây chú ý là Chúa Giêsu, thay vì dạy phải mang cái gì theo trong sứ vụ, Ngài lại nói điều không nên mang theo: "Các con đừng mang vàng bạc, tiền bạc trong thắt lưng, cũng như trong bị, đừng mang hai áo, đừng mang dép và gậy" (vv. 9-10). Chúa nói đừng cậy dựa vào những chắc chắn về vật chất, đi vào thế gian mà không có tinh thần thế tục. Và cách thức loan báo là: tỏ Chúa Giêsu hơn là nói về Chúa Giêsu. Và sau cùng, là đi cùng nhau: Chúa sai tất cả các môn đệ, nhưng không ai đi một mình. Giáo hội tông đồ hoàn toàn là thừa sai và trong sứ vụ tìm lại sự hiệp nhất. Vì vậy, hãy ra đi hiền từ và tốt lành như chiên con, không có tinh thần thế tục, và cùng nhau. Ðó chính là chìa khóa của việc loan báo.

"Chúng ta hãy đón nhận những lời mời gọi của Chúa Giêsu: Ước gì những lời của Ngài là điểm tham chiếu của chúng ta.

Chào thăm và kêu gọi

Sau bài huấn giáo của Ðức Thánh cha, buổi tiếp kiến được nối tiếp với phần tóm tắt bài giáo lý và những lời chào thăm của ngài gửi đến các nhóm hành hương bằng các thứ tiếng: Pháp, Anh, Ðức, Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha và Ba Lan.

Khi chào các tín hữu bằng tiếng Ý, Ðức Thánh cha đặc biệt nhắc đến các cha Dòng Dấu Thánh Chúa và các tiểu muội của Chúa đang cử hành Tổng tu nghị. Ngài khuyến khích họ trở thành những thừa sai hiệp nhất ở các nơi, đặt cuộc sống, và việc tông đồ trên Lời Chúa.

Ngài cùng chào thăm các phó tế thuộc Tổng giáo phận Milano ở miền Bắc Ý, sắp thụ phong linh mục trong vài tháng tới đây. Ðức Thánh cha cầu mong cuộc viếng thăm của các thầy ở Roma canh tân lòng hăng say đáp lại tiếng gọi của Chúa.

Sau cùng, Ðức Thánh cha nói: "Như thường lệ, tôi nghĩ đến các bạn trẻ, bệnh nhân và người cao niên cũng như các đôi tân hôn. Theo gương thánh Cirillo và Metodio chúng ta đã mừng lễ hôm 14 tháng Hai vừa qua, tôi mời gọi anh chị em làm chứng hằng ngày về Tin mừng, phổ biến quanh anh chị em hương thơm bác ái của Chúa Giêsu, Ðấng thu hút các tâm hồn làm điều thiện.

Và chúng ta đừng quên nhân dân Ucraina yêu quý đang chịu đau thương, cầu nguyện để những đau khổ tàn ác họ đang chịu sớm chấm dứt.

Buổi tiếp kiến chung kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Ðức Thánh cha.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page