Ðời sống đức tin của chúng ta

là một câu chuyện tình với Thiên Chúa

 

Kinh Truyền tin với Ðức Thánh cha: Ðời sống đức tin của chúng ta là một câu chuyện tình với Thiên Chúa.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 12-02-2023) - Trưa Chúa nhật, ngày 12 tháng Hai năm 2023, Ðức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự kinh Truyền tin với hơn 25,000 tín hữu hành hương, tại Quảng trường thánh Phêrô. Ngài tái kêu gọi liên đới với các nạn nhân bị động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, và bày tỏ lo âu về tình hình tại Nicaragua, đặc biệt là Ðức cha Rolando Alvarez mới bị nhà nước kết án bất công hơn 26 năm tù, và nhiều người khác.

Huấn dụ của Ðức Thánh cha

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Ðức Thánh cha giải thích bài Tin mừng Chúa nhật thứ VI thường niên và nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong bài Tin mừng phụng vụ hôm nay, Chúa Giêsu nói: "Anh em đừng nghĩ Thầy đến để bãi bỏ Lề Luật hoặc các ngôn sứ; Thầy không đến để bãi bỏ, nhưng để làm cho hoàn hảo" (Mt 5,17). "Làm cho hoàn hảo": đó là một câu chủ yếu để hiểu Chúa Giêsu và sứ điệp của Ngài. Ðiều này có nghĩa là gì? Ðể giải thích từ ấy, Chúa bắt đầu kể ra điều gì không hoàn hảo. Kinh thánh nói rằng "đừng giết người", nhưng điều này đối với Chúa Giêsu không đủ, nếu người ta làm thương tổn anh chị em mình bằng lời nói; Kinh thánh nói "đừng ngoại tình", nhưng điều này không đủ nếu người ta sống một tình yêu nhơ bẩn, nước đôi và giả dối; Kinh thánh dạy rằng "đừng thề gian", nhưng long trọng tuyên thệ không đủ nếu sau đó người ta hành động giả hình (Xc Mt 5,21-37). Làm như thế thì không có sự hoàn hảo.

Ví dụ cụ thể

"Ðể nêu ví dụ cụ thể, Chúa Giêsu tập trung vào "nghi thức dâng lễ vật". Ðức Thánh cha nói: "Khi dâng lễ vật lên Thiên Chúa, chúng ta đáp lại những hồng ân nhưng không của Chúa; đó là một nghi thức rất quan trọng, đến độ cấm không được ngưng nghi thức đó, nếu không có lý do hệ trọng. Nhưng Chúa Giêsu quả quyết rằng ta phải ngưng nghi thức ấy nếu có người anh chị em có điều gì nghịch với chúng ta, để đi làm hòa với họ trước đã (Xc vv.23-24): chỉ như thế nghi thức mới được hoàn thành. Sứ điệp thật là rõ ràng: Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước, nhưng không, khi đi bước đầu hướng về chúng ta, dù chúng ta không đứng đáng; và thế chúng ta không thể cử hành tình thương của Chúa mà không đi bước đầu để hòa giải với những người làm thương tổn chúng ta. Nhờ đó mới có sự hoàn hảo trước mắt Thiên Chúa, chẳng vậy, việc tuân giữ luật bề ngoài, hoàn toàn theo nghi thức, là điều vô ích. Nói khác đi, Chúa Giêsu làm cho chúng ta hiểu rằng những quy luật tôn giáo là hữu ích, tốt lành, nhưng chúng chỉ là bước đầu: để làm cho chúng hoàn hảo, cần đi xa hơn văn bản và sống ý nghĩa của nó. Các giới răn mà Chúa ban cho chúng ta không được khép kín trong các tủ sắt ngột ngạt của sự tuân giữ luật hình thức, nếu chúng không chỉ sống đạo một cách hời hợt và xa cách, phụng sự một "ông chúa chủ nhân", thay vì là con cái của Thiên Chúa là Cha.

Áp dụng ngày nay

Ðức Thánh cha nói thêm rằng: "Anh chị em thân mến, vấn đề này không phải chỉ có vào thời Chúa Giêsu, nhưng cả ngày nay nữa. Ví dụ, nhiều khi chúng ta nghe nói: "Thưa cha, con không giết người, không trộm cắp, không làm hại ai", như thể nói: "Con không có lỗi gì cả". Ðó là sự tuân giữ luật theo hình thức, hài lòng với điều tối thiểu không thể thiếu, trong khi Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy làm tối đa hết sức. Chúng ta hãy nhớ rằng: Thiên Chúa không lý luận tính toán và các bảng điểm; Chúa yêu thương chúng ta như một người tình; không phải ở mức độ tối thiểu, nhưng tối đa! Chúa không nói: "Ta yêu thương con đến một mức độ nào đó". Không phải vậy, tình yêu chân thực không bao giờ giới hạn đến một mức độ nào đó, không bao giờ cảm thấy là đủ rồi; tình yêu đi xa hơn, không thể chịu sự thiếu sót. Chúa tỏ điều đó cho chúng ta khi hiến mạng sống cho chúng ta trên thập giá và tha thứ cho những kẻ giết Ngài (Xc Lc 23,34). Và Chúa ủy thác cho chúng ta giới răn mà Ngài coi là quan trọng nhất: đó là chúng ta yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng ta (Xc Ga 15,12). Ðó là tình yêu mang lại sự viên mãn cho Lề Luật, cho đức tin, cho cuộc sống

Tự vấn lương tâm

"Như thế, chúng ta có thể tự hỏi: tôi sống đức tin thế nào? Phải chăng đó là một vấn đề tính toán, vụ hình thức, hay là một chuyện tình với Thiên Chúa? Tôi chỉ hài lòng vì không làm điều ác, làm cho "bộ mặt" chúng ta không có gì đáng trách, hoặc tôi cố gắng tăng trưởng trong tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân? Và mỗi khi tôi kiểm điểm bản thân về giới răn cao trọng mà Chúa Giêsu yêu cầu tôi, tôi có tự hỏi xem mình có yêu tha nhân như Chúa yêu thương tôi hay không? Vì có thể chúng ta khăng khăng xét đoán người khác và chúng ta quên tỏ ra có lòng thương xót như Chúa đã thương xót chúng ta."

Rồi Ðức Thánh cha kết luận: Xin Mẹ Maria, Mẹ đã tuân giữ hoàn hảo Lời Chúa, giúp chúng ta mang lại sự viên mãn cho đức tin và đức ái của chúng ta.

Chào thăm và kêu gọi

Sau khi đọc kinh và ban phép lành cho mọi người, Ðức Thánh cha xin các tín hữu cầu nguyện cho nhân dân Syria và Thổ Nhĩ Kỳ bị động đất nặng nề tàn phá, đồng thời ngài kêu gọi nâng đỡ cụ thể cho các dân tộc ấy.

Ðức Thánh cha tái bày tỏ đau buồn vì nhân dân Ucraina tiếp tục chịu đau khổ vì chiến tranh và kêu gọi cầu nguyện, liên đới với dân chúng.

Ðức Thánh cha nói: "Tôi đau buồn vì những tin tức đến từ Nicaragua và tôi không thể không lo âu nhắc nhớ Ðức cha Rolando Alvarez mà tôi rất quý mến, bị kết án 26 năm tù và cả những người khác bị lưu đày sang Mỹ. Tôi cầu nguyện cho họ đang đau khổ tại đất nước quí yêu này. Tôi xin tất cả anh chị em cầu nguyện. Ngoài ra, chúng ta cũng hãy cầu xin Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Ðức Mẹ Maria Vô Nhiễm, mở lòng những nhà lãnh đạo chính trị và tất cả mọi công dân để chân thành tìm kiếm hòa bình, nảy sinh từ chân lý, công lý, tự do và tình thương và đạt được hòa bình qua sự kiên nhẫn đối thoại. Chúng ta cùng nhau cầu xin Ðức Mẹ."

Sau cùng, Ðức Thánh cha chúc mọi người ngày Chúa nhật an lành, đồng thời xin họ đừng quên cầu nguyện cho ngài.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page