Những "giấc mơ" đã nên trọn

với chuyến tông du Congo và Nam Sudan

 

Tiếp kiến chung của Ðức Thánh cha: Những "giấc mơ" đã nên trọn với chuyến tông du Congo và Nam Sudan.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 08-02-2023) - Lúc 9 giờ sáng thứ Tư, ngày 08 tháng Hai năm 2023, Ðức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến chung khoảng hơn 6,000 tín hữu hành hương, tại Ðại thính đường Phaolô VI ở nội thành Vatican. Trong khi chờ đợi, ban kèn tây Fiano Romano đã trình diễn một số bản nhạc.

Sau khi Ðức Thánh cha làm dấu thánh giá và chào phụng vụ, mọi người đã nghe tám độc viên lần lượt đọc bằng tám ngôn ngữ, một đoạn Tin mừng theo thánh Matthêu về bài giảng trên núi:

"Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "Phúc cho ai có tinh thần thanh bần, vì nước trời là của họ... Phúc cho những người xây dựng hòa bình vì họ sẽ được gọi là con cái Thiên Chúa [...]. Các con là muối đất [...]. Các con là ánh sáng thế gian; một thành xây núi không thể che giấu được [...] Cũng vậy sự sáng của các con cũng phải chiếu tỏa rạng ngời trước mặt người đời, để họ thấy những việc lành của các con mà chúc tụng Cha các con ở trên trời".

Bài giáo lý

Trong bài huấn giáo tiếp đó, Ðức Thánh cha gác lại loạt bài về sự hăng say loan báo Tin mừng để thuật lại chuyến tông du ngài mới thực hiện tại hai nước Phi châu, từ chiều 31 tháng Giêng đến ngày 05 tháng Hai vừa qua.

Ðức Thánh cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tuần trước, tôi đã viếng thăm hai quốc gia Phi châu là Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan. Tôi cảm tạ Chúa vì đã ban cho tôi được thực hiện chuyến đi này mà từ lâu tôi vẫn mong ước. Hai "ước mơ" là viếng thăm nhân dân congo, gìn giữ một đất nước rộng lớn, buồng phổi xanh của Phi châu và đứng thứ hai trên thế giới cùng với miền Amazonia. Ðó là phần đất giàu tài nguyên nhưng đẫm máu, vì một cuộc chiến tranh không bao giờ chấm dứt, do luôn luôn có kẻ nuôi dưỡng ngọn lửa. Và tiếp đến là viếng thăm nhân dân Nam Sudan, trong cuộc hành hương hòa bình cùng với Ðức Tổng giám mục Justin Welby của Giáo phận Canterbury và vị Tổng Ðiều hợp Giáo hội Ecosse, Iain Greenshields: Chúng tôi đã cùng đi để làm chứng rằng có thể và phải cộng tác trong sự khác biệt, đặc biệt nếu ta cùng chia sẻ niềm tin nơi Chúa Kitô.

Viếng thăm tại Congo Dân chủ

"Ba ngày đầu tiên, tôi đã ở Kinshasa, thủ đô Cộng hòa Dân chủ Congo. Tôi tái bày tỏ lòng biết ơn đối với Tổng thống và các vị khác trong chính quyền nước này vì sự đón tiếp dành cho tôi. Ngay sau khi đến, tại Phủ Tổng thống, tôi đã có thể gửi sứ điệp cho cả nước: Congo giống như viên kim cương, tự bản chất, và do các tài nguyên, nhất là do dân chúng; nhưng viên kim cương này đã trở thành cớ tranh giành, bạo lực, và điều nghịch lý là chính vì thế nó làm cho dân chúng trở nên nghèo. Ðó là một năng động ta cũng thấy ở các miền khác tại Phi châu, và điều này nói chung cũng áp dụng cho đại lục Phi châu: đại lục bị biến thành thuộc địa, bị bóc lột, cướp bóc. Ðứng trước tất cả những điều đó, tôi đã nói hai từ: thứ nhất tiêu cực, đó là "đủ rồi!", hãy ngưng bóc lột Phi châu! Từ thứ hai tích cực, đó là "cùng nhau", cùng nhau trong phẩm giá và tôn trọng nhau, cùng nhau nhân danh Chúa Kitô là niềm hy vọng của chúng ta.

Và nhân danh Chúa Kitô, chúng tôi đã tụ họp nhau trong đại lễ cử hành Thánh Thể, biến cố tột định, vui tươi, hoan lạc, trong đó Chúa Kitô Phục Sinh đã lập lại với dân tộc bị thử thách rất nhiều: "Bình an cho các con!" (Gv 20,19). Và từ đó, như từ một nguồn mạch, có thể tái khởi hành một con đường: con đường tha thứ, hiệp thông và sứ mạng.

Vẫn tại Kinshasa, đã diễn ra nhiều cuộc gặp gỡ. Trước tiên là cuộc gặp gỡ với các nạn nhân bạo lực ở miền đông Congo, miền mà từ nhiều năm nay bị xâu xé vì chiến tranh giữa các nhóm võ trang do những lợi lộc và kinh tế lèo lái. Dân chúng sống trong sợ hãi và bất an, bị hy sinh trên bàn thờ của những áp phe bất hợp pháp. Tôi đã lắng nghe những chứng từ gây sốc của một số nạn nhân, đặc biệt là các phụ nữ, họ đã đặt dưới chân Thánh giá các võ khí và các dụng cụ chết chóc khác. Cùng với họ, tôi đã "phủ nhận" bạo lực và thái độ cam chịu, và ủng hộ hòa giải và hy vọng.

Rồi tôi đã gặp các đại diện của các tổ chức bác ái hiện diện tại nước này, để cám ơn và khích lệ họ. Công việc của họ với người nghèo và cho người nghèo không gây tiếng ồn, nhưng ngày qua ngày làm tăng trưởng công ích. Vì thế, tôi đã nhấn mạnh rằng các sáng kiến bác ái phải luôn có tính chất thăng tiến, nghĩa là không phải chỉ giúp đỡ, nhưng còn phải hỗ trợ sự phát triển con người và các cộng đoàn.

Một lúc phấn khởi là cuộc gặp gỡ giới trẻ và các giáo lý viên. Cuộc gặp gỡ ấy giống như dìm mình trong hiện tại được phóng về tương lai. Ðó là điều chắc chắn về phương diện con người, nhưng càng như thế theo nghĩa tinh thần: chúng ta hãy nghĩ đến sức mạnh đổi mới mà thế hệ trẻ các tín hữu Kitô có thể mang lại. Họ được huấn luyện và linh hoạt theo tinh thần niềm vui của Tin mừng! Tôi đã chỉ cho họ 5 con đường là: cầu nguyện, cộng đoàn, lương thiện, tha thứ và phục vụ. Xin Chúa lắng nghe tiếng kêu của họ, khẩn cầu hòa bình và công lý.

Tại nhà thờ Chính tòa Kinshasa, tôi đã gặp các linh mục, phó tế, tu sĩ nam nữ và các chủng sinh. Họ đông đảo và trẻ trung, vì ơn gọi dồi dào. Tôi đã nhắn nhủ họ hãy trở thành những người phục vụ dân như những chứng nhân tình thương của Chúa Kitô, vượt thắng 3 cám dỗ: tầm thường về đàng thiêng liêng, tiện nghi thoải mái trần trục và hời hợt. Sau cùng, với các giám mục Congo, tôi đã chia sẻ niềm vui và những vất vả của việc mục vụ. Tôi đã mời gọi họ hãy để cho mình được an ủi nhờ sự gần gũi với Thiên Chúa và trở thành những ngôn sứ cho dân, với sức mạnh của Lời Chúa, trở thành những dấu chỉ lòng cảm thương, sự gần gũi và dịu dàng của Chúa.

Viếng thăm Nam Sudan

Ðức Thánh cha kể tiếp: "Phần thứ hai của cuộc viếng thăm diễn ra tại Juba, thủ đô Nam Sudan, quốc gia được khai sinh năm 2011. Cuộc viếng thăm này có một sắc thái rất đặc biệt, được biểu lộ qua khẩu hiệu lấy lại lời Chúa Giêsu: "Thầy cầu nguyện để tất cả chúng được nên một" (Xc Ga 17,21). Thực vậy, đây là một cuộc hành hương đại kết hòa bình, được thực hiện với thủ lãnh của hai Giáo hội, vốn hiện diện trong lịch sử tại lãnh thổ này: Liên hiệp Anh giáo và Giáo hội Ecosse. Ðó là điểm tới của một hành trình bắt đầu cách đây vài năm, chúng tôi đã họp nhau ở Roma năm 2019, với các nhà cầm quyền Nam Sudan, để cam kết vượt thắng xung đột và xây dựng hòa bình. Rất tiếc là tiến trình hòa giải không tiến bước và quốc gia sơ sinh Nam Sudan là nạn nhân của lô-gích cũ kỹ quyền lực và cạnh tranh, tạo nên chiến tranh, bạo lực, những người tị nạn và tản cư nội địa. Vì thế, khi ngỏ lời với chính quyền nước này, tôi đã mời gọi họ hãy lật sang trang mới, thi hành Hiệp định hòa bình và lộ trình, quyết liệt từ bỏ tham nhũng và việc buôn bán võ khí, và ủng hộ sự gặp gỡ và đối thoại. Chỉ như thế mới có thể có phát triển, dân chúng có thể làm việc trong hòa bình, người bệnh được chữa trị, các trẻ em được đến trường.

Ðại kết

"Ðặc tính đại kết của cuộc viếng thăm Nam Sudan được biểu lộ đặc biệt trong lúc cầu nguyện, được cử hành cùng với các anh chị em Anh giáo và Giáo hội Ecosse. Cùng nhau chúng tôi đã lắng nghe Lời Chúa, cùng nhau chúng tôi đã dâng những kinh nguyện ngợi khen, khẩn xin và chuyển cầu. Trong một thực tại xung đột cao độ như tại Nam Sudan, dấu chỉ này là quan trọng, nhưng không phải là điều hiển nhiên, vì rất tiếc là có kẻ lạm dụng danh Thiên Chúa để biện minh bạo lực và đàn áp. Vì thế, điều rất quan trọng là làm chứng rằng tôn giáo là tình huynh đệ, là hòa bình, là hiệp thông; Thiên Chúa là Cha, Người luôn luôn và chỉ muốn sự sống và điều thiện hảo cho các con cái của Người.

Nam Sudan là một nước có khoảng 11 triệu dân, trong đó vì các cuộc xung đột võ trang, hai triệu người tản cư nội địa và cùng số lượng đó tị nạn sang các nước láng giềng. Vì vậy, tôi đã muốn gặp một nhóm đông những người di tản nội địa, lắng nghe họ và giúp họ cảm thấy sự gần gũi của Giáo hội. Thực vậy, các Giáo hội và các tổ chức Kitô đi hàng đầu trong việc gần gũi những người nghèo, từ nhiều năm đang sống trong các trại tản cư. Ðặc biệt, tôi đã ngỏ lời với các phụ nữ, họ là sức mạnh có thể biến đổi đất nước; và tôi đã khích lệ tất cả hãy là những hạt giống Nam Sudan mới, không bạo lực, được hòa giải và bình định.

Trong cuộc gặp gỡ với các vị mục tử và người thánh hiến của Giáo hội địa phương, chúng tôi đã nhìn lên Môsê như mẫu gương về sự ngoan ngoãn đối với Thiên Chúa và kiên trì trong sự chuyển cầu. Như Môsê, được Thánh Linh uốn nắn, chúng ta có thể trở nên cảm thương và hiền lành, không dính bén lợi lộc và cũng có khả năng chiến đấu cùng Thiên Chúa để mưu ích cho dân được ủy thác cho chúng ta.

Và trong thánh lễ, sinh hoạt cuối cùng trong cuộc viếng thăm tại Nam Sudan và toàn thể cuộc viếng thăm, tôi đã làm vang vọng Tin mừng bằng cách khích lệ các Kitô hữu hãy trở thành "muối và ánh sáng" tại đất nước đang chịu sầu muộn dường ấy. Thiên Chúa đặt hy vọng của Ngài không phải nơi những người hùng mạnh, lớn lao, nhưng nơi những người bé nhỏ và khiêm hạ. Kinh thánh dạy điều đó từ đầu đến cuối. Khi Chúa Giêsu giảng dạy cho các môn đệ ở miền Galilea, Ngài có trước mặt những ai? Thưa, đó là những dân thường, những người thuyền chài. Thế mà Chúa nói với họ: "Anh chị em là muối đất [...]. Anh chị em là ánh sáng thế gian" (Mt 5,13.14). Và Chúa cũng tiếp tục nói điều đó ngày nay cho những ai tín thác nơi Ngài. Ðó là mầu nhiệm hy vọng của Thiên Chúa, Chúa thấy một cây to lớn tại nơi có một hạt giống bé nhỏ. Chúng ta hãy cầu nguyện để tại Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan, và trên toàn Phi châu, nảy mầm những hạt giống của quốc gia tình thương, công lý và hòa bình của Chúa".

Chào thăm và kêu gọi

Sau bài huấn giáo của Ðức Thánh cha, buổi tiếp kiến được nối tiếp với phần tóm tắt bài giáo lý và những lời chào thăm của ngài gửi đến các nhóm hành hương.

Khi chào các tín hữu nói tiếng Pháp, Ðức Thánh cha đặc biệt nhắc đến những người trẻ từ Pháp, Bỉ và các tín hữu hành hương từ Cameroon bên Phi châu. Ngài mời gọi họ cầu nguyện để Cộng hòa Congo và Nam Sudan có thể cởi mở đón nhận những con đường mới: tha thứ và hiệp thông, và để những hạt giống yêu thương, công lý và hòa bình nảy nở trên toàn Phi châu.

Với các tín hữu Ba Lan, Ðức Thánh cha nhắc nhở rằng thứ Bảy, ngày 11 tháng Hai năm 2023, lễ Ðức Mẹ Lộ Ðức, sẽ cử hành Ngày Thế giới các Bệnh nhân, khi nói: "Chúng ta hãy nhớ cầu nguyện cho cho những người thân yêu của chúng ta đang bị bệnh được bảo bọc bằng tình yêu thương và để họ được săn sóc y tế và về mặt tinh thần thích hợp. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho các nhân viên y tế và tất cả những người săn sóc các bệnh nhân".

Bằng tiếng Ý, Ðức Thánh cha đặc biệt chào thăm phái đoàn Ngọn Ðuốc Biển Ðức, hiệp hội các y tá, và ca đoàn Fiano Romano. Sau cùng, Ðức Thánh cha nhắc đến những người trẻ, các bệnh nhân, người cao niên và các đôi tân hôn. Ngài nói: "Chúng ta đang ở trong tuần 9 ngày chuẩn bị mừng lễ Ðức Mẹ Lộ Ðức, 11 tháng Hai sắp tới. Tôi cầu xin Ðức Mẹ Vô Nhiễm bảo vệ anh chị em, xin Mẹ gìn giữ anh chị em luôn có một tâm hồn vui tươi và nâng đỡ anh chị em trên đường đời".

Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Ðức Thánh cha.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page