Ðức Thánh cha gặp gỡ các giám mục,
linh mục, tu sĩ và chủng sinh Nam Sudan
Ðức Thánh cha gặp gỡ các giám mục, linh mục, tu sĩ và chủng sinh Nam Sudan.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Juba (RVA News 04-02-2023) - Ðức Thánh cha Phanxicô mời gọi các giáo sĩ và tu sĩ Nam Sudan, "ngoan ngoãn" đối với sự hướng dẫn của Chúa và tận tụy phục vụ dân Chúa.
Ðức Thánh cha đưa ra lời nhắn nhủ trên đây, trong cuộc gặp gỡ lúc 9 giờ sáng, thứ Bảy ngày 04 tháng Hai năm 2023, ngày thứ hai trong chuyến viếng thăm của ngài tại Nam Sudan. Nơi gặp gỡ là Nhà thờ chính tòa thánh Têrêsa ở Juba, thủ đô Nam Sudan, chỉ cách Tòa Sứ thần Tòa Thánh 2 cây số. Thánh đường này được kiến thiết cách đây 70 năm (1952).
Hiện diện trong buổi gặp gỡ, có tất cả 10 giám mục thuộc 7 giáo phận ở Nam Sudan, cùng với Ðức Hồng y Tổng giám mục Khartoum và 2 giám mục khác thuộc nước Sudan, vì các vị họp thành một Hội đồng Giám mục duy nhất. Ngoài ra, có hàng trăm linh mục, nữ tu và chủng sinh.
Huấn dụ của Ðức Thánh cha
Sau lời chào mừng của Ðức cha Chủ tịch Yunan Tombe Trille, Giám mục giáo phận El Obeid, Ðức Thánh cha đã ngỏ lời với mọi người. Ngài nhắc lại tấm gương của ông Môsê, người đã hướng dẫn dân Chúa qua sa mạc, để trả lời cho câu hỏi: đâu là "ý nghĩa của sứ vụ làm thừa tác viên của Thiên Chúa trong một lịch sử đầy chiến tranh, oán ghét, bạo lực, nghèo đói? Làm thế nào thi hành sứ vụ tại lãnh thổ này, dọc theo hai bờ sông thấm nhiễm bao nhiêu máu người vô tội, trong khi khuôn mặt những người được ủy thác cho chúng ta đầy những giọt lệ đau thương?"
Ðức Thánh cha đề nghị hai thái độ của ông Môsê: ngoan ngoãn và chuyển cầu.
Trước tiên là sự ngoan ngoãn
Trước tiên là sự ngoan ngoãn của ông Môsê đối với sáng kiến của Thiên Chúa.
Ông Môsê khám phá căn tính Do thái của mình và xúc động vì đau khổ, tủi nhục của những người anh em mình, và một ngày kia ông đã quyết định tự thi hành công lý và giết chết người Ai Cập đang ức hiếp một người Do thái. Nhưng sau đó, ông Môsê phải trốn chạy và ẩn náu nhiều năm trong sa mạc... "Lỗi lầm của ông Môsê ở đây là nghĩ mình là trung tâm, chỉ cậy dựa vào sức riêng của mình. Nhưng như vậy là ông là tù nhân cho những phương pháp tệ nhất của con người, bạo lực đáp trả bạo lực."
Ðức Thánh cha nhận xét rằng: "nhiều khi chúng ta cũng bị cám dỗ như thế, nghĩ mình là trung tâm, và chỉ cậy dựa tài năng của mình, hoặc như Giáo hội, nghĩ rằng mình có thể tìm ra câu trả lời cho những đau khổ và nhu cầu của dân, qua những phương thế con người, như tiền bạc, sự xảo quyệt, quyền hành." Trái lại, hoạt động của chúng ta đến từ Thiên Chúa: "Ngài là Chúa và chúng ta được kêu gọi trở thành những dụng cụ ngoan ngoãn trong tay Chúa."
Ông Môsê học được điều đó khi một ngày kia Chúa đưa ra sáng kiến và đến gặp gỡ ông, hiện ra với ông "trong bụi gai cháy đỏ" (Xh 3,2). Ông Môsê để cho mình bị thu hút, nhường chỗ cho kinh ngạc, đặt mình trong thái độ ngoan ngoãn, để cho mình được soi sáng nhờ ngọn lửa đó.
Ðức Thánh cha nói: "Sự ngoan ngoãn cần có cho sứ vụ của chúng ta là: đến gần Thiên Chúa trong sự kinh ngạc và khiêm tốn, để cho mình được Chúa thu hút và hướng dẫn; Vị thế tối thượng không phải là của chúng ta nhưng thuộc về Thiên Chúa, tín thác vào Lời Chúa trước khi dùng những lời nói của chúng ta".
Thái độ thứ hai là sự chuyển cầu
Ông Môsê đã cảm nghiệm về một vị Thiên Chúa cảm thương, không lãnh đạm trước tiếng kêu của dân Ngài và đi xuống để giải phóng họ, nghĩa là đặt mình giữa dân, trong lịch sử của dân, để đưa họ đến gần Chúa. Chuyển cầu không chỉ có nghĩa là cầu nguyện cho một người nào, nhưng theo nguyên ngữ có nghĩa là "thực hiện một bước ở giữa", đặt mình trong một hoàn cảnh, đặt mình giữa dân để trở thành nhịp cầu nối kết họ với Chúa. Các mục tử được kêu gọi phát triển nghệ thuật bước đi giữa những đau khổ và nước mắt của dân, giữa sự đói khát Thiên Chúa của các anh chị em.
Ðức Thánh cha nói: "Nghĩa vụ đầu tiên của chúng ta không phải là một Giáo hội có tổ chức hoàn hảo, nhưng là một Giáo hội, nhân danh Chúa Kitô, ở giữa cuộc sống đau khổ của dân, dấn thân với họ. Không bao giờ chúng ta phải thi hành sứ vụ, theo đuổi danh tiếng, uy tín tôn giáo và xã hội, trái lại, đồng hành giữa dân, học cách lắng nghe và đối thoại, cộng tác giữa các thừa tác viên với nhau và với giáo dân".
Ðức Thánh cha cũng nhắc nhở mọi người hãy luôn tôn trọng đặc tính tuyệt vời của đời tu, chiến thắng cám dỗ cá nhân chủ nghĩa, lợi lộc phe phái. Ngài nói: "Thật là buồn khi các mục tử không có khả năng hiệp thông, không cộng tác được với nhau, và thậm chí làm ngơ không biết nhau. Chúng ta hãy vun trồng sự tôn trọng nhau, gần gũi, cộng tác cụ thể. Nếu điều đó không xảy ra giữa chúng ta, thì làm sao chúng ta có thể rao giảng cho người khác được?"
Trong bài huấn dụ, Ðức Thánh cha cũng nhắc nhở các giáo sĩ và tu sĩ Nam Sudan hãy lên tiếng chống lại những bất công và lạm quyền đè bẹp dân chúng, lợi dụng bạo lực để thủ lợi. Ngài nói: "Nếu chúng ta muốn là những mục tử chuyển cầu, chúng ta không thể dửng dưng lãnh đạm trước đau khổ do bất công và bạo lực tạo nên, vì nơi nào một người nam nữ bị thương tổn trong các quyền căn bản của họ, thì Tin mừng của Chúa Kitô bị thương tổn."
Ðức Thánh cha nhắc đến hình ảnh ông Môsê giơ hai tay trên biển (Xh 14,21), đó là dấu hiệu Chúa sắp hành động. Tiếp đến, ông giơ hai bia đá lề luật cho dân. "Ðể giải thoát khỏi sự ác, lời ngôn sứ mà thôi chưa đủ, còn cần giơ hai tay cho anh chị em, nâng đỡ họ trong hành trình."
Ngoài ra, ông Môsê cũng giơ hai tay lên trời. Khi dân sa ngã phạm tội, đúc bò vàng để thờ lạy, ông Môsê lại lên núi, cầu nguyện, như một cuộc chiến đấu thực sự với Thiên Chúa, xin Chúa đừng bỏ rơi Israel, tha thứ tội lỗi cho họ. Môsê nói: "Chẳng vậy, xin xóa tên con khỏi sách mà Chúa đã viết!" (Xh 32,31-32). Ông đã đứng về phía dân, và con giơ tay bênh vực dân. Ông không nghĩ đến việc cứu thoát một mình, không bán dân vì tư lợi, nhưng chuyển cầu, chiến đấu với Thiên Chúa; ông giơ cao hai tay cầu nguyện, trong khi các anh em của ông chiến đấu ở thung lũng (Xh 17,8-16)".
Sau bài huấn dụ, Ðức Thánh cha ban phép lành cho mọi người, trước khi chụp hình chung với các giám mục và bắt tay chào một số đại diện linh mục, nữ tu và các chủng sinh. Rồi Ðức Thánh cha trở về Tòa Sứ thần để gặp gỡ các tu sĩ Dòng Tên.