Ðức Thánh cha gặp gỡ giới trẻ

và các giáo lý viên Congo

 

Ðức Thánh cha gặp gỡ giới trẻ và các giáo lý viên Congo.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Kinshasa (RVA News 02-02-2023) - Trong cuộc gặp gỡ giới trẻ đến từ nhiều nơi ở Congo, Ðức Thánh cha Phanxicô đưa ra những đề nghị giúp họ góp phần xây dựng tương lai cho bản thân, Giáo hội, xã hội và đất nước. Ngài đặc biệt nhắn nhủ các bạn trẻ can đảm chống lại nạn hối lộ đang làm thương tổn nặng nề cho đất nước Congo, duy trì chiến tranh, và tình trạng quốc gia này bị bóc lột.

Sáng thứ Năm, ngày 02 tháng Hai năm 2023, sau khi dâng thánh lễ riêng tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở thủ đô Kinshasa, Ðức Thánh cha đã đến Sân vận động "Các vị Tử đạo Lễ Hiện Xuống" để gặp gỡ giới trẻ và các giáo lý viên, cách đó gần ba cây số.

Thao trường này được kiến thiết xong cách đây 30 năm (1993), sau 5 năm xây cất. Sân mang tên bốn nhà chính trị Congo bị kết án tử hình và hành quyết tại khu vực nay là Sân vận động này, vì bị cáo là âm mưu chống nhà độc tài Mobutu.

Sân có 80,000 chỗ và được sử dụng vào các cuộc gặp gỡ quốc tế về thể thao và văn hóa, nhưng phần lớn được dùng cho các trận đấu bóng đá và các cuộc thi đấu thể thao. Cũng như nhiều dinh thự ở Congo, Sân Vận động này được kiến thiết với sự đầu tư của Trung Quốc.

Ðến thao trường lúc quá 9 giờ, Ðức Thánh cha dùng xe Papamobile đi vòng quanh để chào thăm mọi người, giữa tiếng reo hò vui mừng của họ. Thao trường đông chật các ghế ngồi. Trên lễ đài với Ðức Thánh cha, có đông đảo các giám mục, cùng với các nhóm vũ điệu.

Cuộc gặp gỡ bắt đầu lúc 9 giờ 15 phút, với năm lời chào mừng và giới thiệu của Ðức cha Chủ tịch Ủy ban Giám mục Congo Dân chủ về giáo dân. Ngài nhắc đến các vấn đề của giới trẻ và hoạt động quan trọng của các giáo lý viên tại nước này. Tiếp đó là chứng từ của một bạn trẻ, rồi một giáo lý viên, xen kẽ có một màn vũ truyền thống của Congo.

Diễn văn của Ðức Thánh cha

Trong bài huấn dụ nhân dịp này, Ðức Thánh cha mời gọi các bạn trẻ và các giáo lý viên hãy ý thức về phẩm giá và tiềm năng Chúa ban cho mỗi người. Ngài gợi ý họ hãy nhìn vào đôi bàn tay của mình và nói: "Thiên Chúa đã đặt vào đôi tay các bạn hồng ân sự sống, tương lai của xã hội và đất nước bao la này. Phải chăng đôi bàn tay các bạn có vẻ bé nhỏ và yếu đuối, trống rỗng, không thích hợp với những nghĩa vụ to lớn? Các bạn hãy tự hỏi: đôi bàn tay tôi dùng vào việc gì? Xây dựng hay phá hủy, trao ban hoặc thu tích, yêu thương hoặc oán ghét? Các bạn để ý xem: các bạn có thể nắm tay lại và nó trở thành một quả đấm; hoặc bạn có thể mở tay ra, và để sẵn sàng phục vụ Thiên Chúa và tha nhân. Ðó là chọn lựa cơ bản.

Năm nhân tố xây dựng tương lai

Cũng dựa vào hình ảnh bàn tay, Ðức Thánh cha đề nghị với các bạn trẻ và các giáo lý viên năm nhân tố cho tương lai, như năm ngón tay:

Kinh nguyện

1. "Trước tiên là ngón cái, ngón gần con tim nhất, tương ương với kinh nguyện, làm cho cuộc sống được sinh động. Kinh nguyện có vẻ là điều trừu tượng, xa lạ đối với các vấn đề cụ thể. Nhưng thực ra kinh nguyện là nhân tố đầu tiên, cơ bản, vì một mình chúng ta không thể làm nổi. Chúng ta không toàn năng. Cũng giống như một cây bị bứng rễ, cho dù nó to lớn, vững chắc, thì cũng sẽ không đứng vững. Vì thế, chúng ta cần ăn rễ trong kinh nguyện, trong sự lắng nghe Lời Chúa giúp chúng ta tăng trưởng mỗi ngày trong chiều sâu, để mang lại hoa trái và biến ô nhiễm mà chúng ta thở hít thành dưỡng khi sinh tử. Ðể làm như thế, mỗi cây cần có một yếu tố đơn giản và thiết yếu, đó là nước. Kinh nguyện là "nước của linh hồn".

Ðức Thánh cha giải thích thêm rằng cần một kinh nguyện sinh động. "Các bạn đừng ngỏ lời với Chúa Giêsu như một vị xa cách đáng sợ, nhưng như một người bạn rất thân thiết đã hiến mạng sống vì bạn. Hãy thổ lộ, phó thác cho Chúa mọi cơ cực, thập giá, sợ hãi và vất vả của bạn".

Cộng đoàn

2. Sang đến ngón tay thứ hai, ngón trỏ. "Với ngón này chúng ta chỉ cho những người khác cái gì đó. Những người khác, là cộng đoàn. Ðây là nhân tố thứ hai. Các bạn thân mến, các bạn đừng để cho tuổi trẻ của mình bị hư hỏng vì cô đơn và khép kín. Hãy luôn cùng nhau suy nghĩ và các bạn sẽ hạnh phúc vì cộng đoàn là con đường để cảm thấy hài lòng về bản thân, để trung thành với ơn gọi của mình. Trái lại, những chọn lựa cá nhân chủ nghĩa, thoạt đầu có vẻ hấp dẫn, nhưng rồi chúng chỉ để lại sự trống rỗng trong tâm hồn. Hãy nghĩ đến ma túy: nó che giấu bạn khỏi những người khác, khỏi đời sống đích thực, để cảm thấy mình toàn năng, nhưng sau cùng bạn thiếu mọi sự. Hãy nghĩ đến sự nghiện ngập thuyết huyền bí và phù thủy, chúng khép kín bạn trong sợ hãi, báo thù và giận dữ. Các bạn đừng để mình bị thu hút vì những thiên đàng ích kỷ, được xây dựng trên những vẻ bề ngoài, thu nhập dễ dàng hoặc dựa trên thứ tôn giáo sai trái".

Ðức Thánh cha cũng cảnh giác giới trẻ Congo đừng loại trừ những người không cùng bộ tộc, cùng miền. Thái độ loại trừ như thế làm cho các bạn tin nơi những thành kiến, biện minh oán ghét, bạo lực, và sau cùng ở giữa chiến tranh. "Hãy nhìn thấy nơi mỗi người như người thân cận của mình, chăm sóc người khác, và đừng lơ là đối với người đau khổ."

Ðức Thánh cha cũng nhận xét rằng: "Thật là buồn khi thấy những người trẻ dành hàng giờ trước điện thoại: sau khi họ soi gương, và bạn nhìn vào khuôn mặt của họ, bạn thấy họ không mỉm cười, cái nhìn trở nên mệt mỏi và chán chường. Không có gì và không ai có thể thay thế sức mạnh của sự cùng nhau, ánh sáng của đôi mắt, niềm vui của sự chia sẻ!"

"Các bạn hãy cảm thấy mình là một Giáo hội duy nhất, một dân tộc duy nhất. Hãy cảm thấy thiện ích của bạn tùy thuộc thiện ích của người khác, và thiện ích ấy được gia tăng khi cùng nhau. Hãy cảm thấy bạn được người anh chị em gìn giữ, người chấp nhận bạn như bạn có và muốn chăm sóc bạn. Hãy cảm thấy mình có trách nhiệm đối với những người khác..."

Sống lương thiện

3. Sang đến ngón tay giữa, cao hơn các ngón tay khác, Ðức Thánh cha nói: "Ðó là nhân tố cơ bản cho một tương lai xứng đáng với những mong đợi của các bạn. Ðó là sự lương thiện. Là Kitô hữu có nghĩa là làm chứng cho Chúa Kitô. Cách thứ nhất để làm điều này là sống ngay chính, như Chúa muốn. Ðiều này có nghĩa là đừng để mình bị mắc vào những cạm bẫy tham nhũng, hư hỏng. Kitô hữu chỉ có thể sống lương thiện, chẳng vậy sẽ phản bội căn tính của mình. Không lương thiện, chúng ta không phải là môn đệ và là chứng nhân của Chúa Giêsu."

Ðức Thánh cha đặt câu hỏi: "Làm sao đánh bại thứ ung thư tham nhũng, dường như lan rộng và không bao giờ ngừng lại?" và ngài trả lời bằng câu nói của thánh Phaolô: "Ðứng để bạn bị sự ác chiến thắng, nhưng hãy chiến thắng sự ác bằng điều thiện" (Rm 12,21): đừng để mình bị lèo lái do những cá nhân hoặc nhóm người tìm cách dùng các bạn để duy trì đất nước các bạn trong cái vòng bạo lực và bất ổn, để có thể tiếp tục kiểm soát nước này mà chẳng cần để ý tới ai. "Hãy chiến thắng sự ác bằng điều thiện: các bạn hãy trở thành những người biến đổi xã hội, biến ác thành thiện, biến oán ghét thành tình thương, chiến tranh thành hòa bình. Nếu bạn muốn, thì đó là điều có thể, vì mỗi người trong các bạn có một kho tàng mà không ai có thế lấy cắp. Ðó là những chọn lựa của các bạn. Ðúng vậy, bạn là những chọn lựa mà bạn thực hiện và luôn có thể chọn điều công chính để làm".

Tha thứ

4. Sang đến ngón đeo nhẫn. Ðây là ngón tay yếu nhất. Nó nhắc nhớ chúng ta về những mục tiêu lớn của cuộc sống, trước tiên là tình yêu, những mục tiêu đó tiến qua sự giòn mỏng, yếu đuối, vất vả và khó khăn. Chúng cần được kiên nhẫn đương đầu, với lòng tín thác, không chất lên mình những vấn đề vô ích, ví dụ như biến các giá trị tượng trưng của của hồi môn thành một giá trị hầu như là buôn bán. Và giữa những yếu đuối của chúng ta, trong những khủng hoảng, chính sự tha thứ là sức mạnh làm cho chúng ta tiến bước. Vì tha thứ có nghĩa là biết bắt đầu lại. Tha thứ không có nghĩa là quên quá khứ, nhưng có nghĩa là không cam chịu để cho nó tái diễn. Ðó là thay đổi dòng lịch sử. Là đứng dậy sau khi bị ngã.

"Ðể kiến tạo tương lai mới, chúng ta cần trao ban và nhận lãnh tha thứ. Ðây là điều Kitô hữu làm, đó là không phải chỉ yêu thương những người thương mình, nhưng còn biết chặn lại cái vòng trả thù cá nhân và bộ tộc bằng sự tha thứ. Như chân phước Isidoro Bakanja, một người anh của các bạn, bị tra tấn lâu dài, vì đã không từ bỏ làm chứng về lòng đạo đức của mình và đã đề nghị Kitô giáo cho những người trẻ khác. Anh không bao giờ chiều theo những tâm tình oán ghét và khi hiến mạng sống, anh tha thứ cho kẻ giết mình."

Phục vụ

5. Sang đến ngón tay cuối cùng, ngón út, bé nhỏ nhất. Có lẽ bạn nói: những điều đó chẳng bao nhiêu, và điều thiện mà tôi có thể làm chỉ là một giọt nước trong biển. Nhưng chính sự bé nhỏ, trở nên bé nhỏ lôi kéo Thiên Chúa. Có một lời chủ yếu theo nghĩa này, đó là việc phục vụ. Ai phục vụ thì trở nên bé nhỏ. Như hạt giống bé nhỏ, dường như mất hút trong đất, trái lại nó sinh hoa trái. Theo Chúa Giêsu, phục vụ là một quyền bính biến đổi thế giới.

"Câu hỏi liên quan đến ngón tay út là: Tôi có thể làm gì cho những người khác? Làm sao tôi có thể phục vụ Giáo hội, cộng đoàn của tôi, đất nước tôi? Anh Olivier đại diện các giáo lý viên vừa nói tại một số vùng hẻo lánh, các giáo lý viên hằng ngày phục vụ các cộng đoàn đức tin và trong Giáo hội, điều này là công việc của tất cả mọi người. Thật là đẹp khi phục vụ tha nhân, chăm sóc, làm một cái gì đó nhưng không, như Thiên Chúa đang làm cho chúng ta. Các giáo lý viên quý mến, tôi cám ơn anh chị em, anh chị em quan trọng sinh tử đối với bao nhiêu cộng đoàn. Giống như nước, anh chị em hãy làm cho các cộng đoàn tăng trưởng với sự trong sáng của kinh nguyện và việc phục vụ của anh chị em; Anh chị em đừng sợ động viên, đầu tư trong sự thiện, trong việc loan báo Tin mừng, chuẩn bị một cách hăng say, đề ra những dự án lâu dài. Ðừng sợ lên tiếng, vì không những tương lai, nhưng cả ngày hôm nay ở trong tay anh chị em: hãy ở trung tâm hiện tại!

Kết luận

Ðức Thánh cha nói: "Anh chị em thân mến, tôi đã để lại cho anh chị em năm lời khuyên để nhận ra những ưu tiên giữa bao nhiêu tiếng nói muốn thuyết phục đang được phổ biến. Trong cuộc sống, giống như trong lưu thông đường phố, thường sự xáo trộn, tạo nên những tắc nghẽn vô ích, làm uổng phí thời gian và năng lực, và nuôi dưỡng tức bực. Trái lại, thật là tốt khi mang lại cho cuộc sống những điểm chắc chắn, những hướng đi vững bền, để khởi sự một tương lai khác, theo xu thời theo chiều gió."

"Hãy cùng nhau ra khỏi thái độ bi quan làm tê liệt. Cộng hòa Dân chủ Congo đang chờ đợi bàn tay của các bạn vì tương lai ở trong tay các bạn. Ðất nước anh chị em tái trở thành một vườn huynh đệ, nhờ anh chị em, trở thành một con tim hòa bình và tự do của Phi châu!"

Cuộc gặp gỡ kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Ðức Thánh cha. Các bạn trẻ còn tặng quà cho Ðức Thánh cha, trước khi ngài rời Sân vận động lúc 10 giờ 30 để trở về Tòa Sứ thần Tòa Thánh.

Tại đây, sau bữa trưa, Ðức Thánh cha còn tiếp Thủ tướng Congo, ông Jean-Michel Lukonde Kyenge. Ông năm nay 46 tuổi (1977). Sau khi tốt nghiệp kỹ sư, ông dấn thân ngay trong chính trị và trở thành một trong những đại biểu quốc hội trẻ nhất của đảng "Tương lai Congo". Ông từng làm Bộ trưởng Bộ thể thao, rồi trở thành Tổng giám đốc công ty khoáng sản quốc gia, Gécamines, một trong những công ty lớn nhất Phi châu. Hồi tháng Hai năm ngoái, ông được Tổng thống Tshisekédi bổ nhiệm làm Thủ tướng.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page