Ðức Thánh cha gặp gỡ

các nạn nhân bạo lực miền Ðông Congo

 

Ðức Thánh cha gặp gỡ các nạn nhân bạo lực miền Ðông Congo.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Kinshasa (RVA news 02-02-2023) - Chiều ngày 01 tháng Hai năm 2023, là ngày thứ hai trong cuộc viếng thăm của Ðức Thánh cha Phanxicô tại Congo Dân chủ. Ðức Thánh cha đã gặp gỡ một số nạn nhân bạo lực ở miền Ðông nước này tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở thủ đô Kinshasa.

Lẽ ra, cuộc gặp gỡ này diễn ra tại thành phố Goma, cách thủ đô Kinshasa 1,500 cây số về hướng Ðông, như trong chương trình viếng thăm nguyên thủy hồi tháng Bảy năm 2022, nhưng vì tình trạng an ninh và vì thời điểm trong mùa này, nên chặng dừng của Ðức Thánh cha tại Goma bị hủy bỏ trong chương trình lần này.

Bạo lực ở miền Ðông Congo

Thực vậy, từ ba thập niên qua, miền Ðông Congo Dân chủ sống trong tình trạng bạo lực, với sự can dự của 120 nhóm võ trang ở tỉnh bắc và nam Kivu, cùng với tỉnh Ituri. Trong số các lực lượng đó, có Lực lượng liên minh dân chủ (Allied Democratic Forces, Adf), một phong trào Hồi giáo gốc Uganda, hoạt động đặc biệt tại vùng Beni-Butembo, và Phong trào M23 được Rwanda láng giềng ủng hộ. Nhóm này chiếm được một vùng rộng bằng nước Bỉ, bao quanh và đe dọa Goma, thủ phủ của tỉnh Bắc Kivu.

Tình trạng xung đột này là vì những căng thẳng bộ tộc, tranh giành quyền bính chính trị và kinh tế, liên quan đến nguồn lợi khoáng sản rất lớn.

Hội đồng Giám mục Congo cũng như các giáo phận liên hệ, từ lâu vẫn lên tiếng lưu ý dư luận về những thảm cảnh chiến tranh và bạo lực tại vùng này. Cả Ðức Thánh cha Phanxicô cũng đã nhiều lần kêu gọi cầu nguyện cho đất nước này. Ví dụ, ngày 15 tháng Tám năm 2016, ngài đã lên án các cuộc thảm sát tại thành phố Beni làm cho 42 người chết; ngày 23 tháng Mười Hai năm 2017, Ðức Thánh cha đã chủ sự buổi cầu nguyện tại Ðền thờ thánh Phêrô cho hòa bình tại Nam Sudan và Cộng hòa Dân chủ Congo; ngày 06 tháng Hai năm 2022, ngài đã lên án các cuộc thảm sát do các dân quân Codeco ở tỉnh Ituri".

Tổng thống Félix Tshisekedi đã đặt hai tỉnh Bắc Kivu và Ituri trong tình trạng khẩn trương, từ ngày 06 tháng Năm năm 2021 để quân đội có thể đương đầu với các lực lượng tiêu cực. Ngoài ra, quân đội Congo và Uganda cũng liên kết với nhau để truy nã các phiến quân Hồi giáo ADF trong tỉnh Beni và Urumu.

Tình trạng bất an đã làm gia tăng số thường dân bị thiệt mạng và gần 400,000 người phải di tản, theo con số của Liên Hợp Quốc, không kể con số 5 triệu 600 ngàn người tản cư tại nước này.

Chứng từ

Cuộc gặp gỡ diễn ra lúc 4 giờ 30 chiều, tại phòng khách của Tòa Sứ thần. Chương trình mở đầu với bài thánh ca, và một băng Video được chiếu lên về thảm trạng của dân miền đông Congo. Tiếp đến, một số nạn nhân thuộc các vùng khác nhau ở miền Ðông: Butembo, Beni, Goma, Bunia, Bukavu, trình bày chứng từ về con đường khổ giá họ đã chịu. Ba em trai của một gia đình kể lại cảnh những người thân trong gia đình bị giết. Một phụ nữ trẻ thuật lại tình trạng bị hiếp và có hai đứa con không bao giờ được biết ai là cha của chúng.

Một linh mục bị cụt một bàn tay trong cuộc tấn công của nhóm phiến quân khi họ tấn công làng, giáo xứ, và trại tản cư.

Sau cùng, ba phụ nữ thuộc vùng Bukavu, kể lại những cuộc tàn sát của các nhóm võ trang; còn các phụ nữ bị bắt làm nô lệ tình dục cho những phiến quân. Họ phải ăn những đồ dành cho súc vật, họ không được mặc quần áo, để ngăn cản họ trốn chạy.

Huấn từ của Ðức Thánh cha

Lên tiếng sau khi nghe các chứng từ, Ðức Thánh cha cám ơn các nạn nhân đã trình bày chứng từ và nói rằng: "Ðứng trước bạo lực vô nhân đạo mà anh chị em đã chứng kiến tận mắt, và cảm thấy trên thân thể mình, người ta bị sốc lớn và không nói lên lời; chỉ có thể khóc trong thinh lặng. Bunia, Beni-Butembo, Goma, Masisi, Ruthshuru, Bukavu, Uvira, những nơi mà các cơ quan truyền thông quốc tế hầu như không bao giờ nhắc tới: tại đây và những nơi khác, các anh chị em chúng ta trong cùng một nhân loại, bị giữ làm con tin, do sự độc đoán của kẻ mạnh hơn, kẻ nắm trong tay võ khí tối tân hơn, những võ khí tiếp tục luân chuyển. Con tim của tôi hôm nay ở miền Ðông đất nước bao lao này, đất nước này sẽ không được hòa bình bao lâu hòa bình không đi tới miền Ðông nước này.

Hỡi những người dân miền Ðông quý mến, tôi muốn nói: "tôi gần gũi anh chị em, nước mắt của anh chị em cũng là nước mắt của tôi, đau khổ của anh chị em cũng là đau khổ của tôi" ...

Lên án bạo lực tàn ác

"Nhân danh Chúa, và cùng với các nạn nhân cũng như những người dấn thân cho hòa bình, công lý và tình huynh đệ, tôi lên án bạo lực võ trang, các cuộc tàn sát, những vụ hãm hiếp, tàn phá và chiếm đóng các làng, sự cướp bóc các cánh đồng và súc vật tiếp tục xảy ra tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Và tôi cũng lên án sự bóc lột đẫm máu và bất hợp pháp tài nguyên phong phú của đất nước này, cũng như những toan tính phân chia thành mảnh để có thể quản trị. Thật là điều làm phẫn nộ khi biết rằng tình trạng bất an, bạo lực và chiến tranh giáng xuống trên bao nhiêu người dân, không những do các lực lượng nước ngoài tạo nên và nuôi dưỡng một cách ô nhục, nhưng cả từ nội địa nước này, để thủ lợi và lợi thế."

Ðức Thánh cha cầu xin Thiên Chúa thương xót và an ủi các nạn nhân và những người đau khổ, hoán cải con tim của những kẻ làm những điều tàn ác dữ dằn, gây ô nhục cho toàn nhân loại! Xin Chúa mở mắt những người nhắm mắt và quay sang hướng khác trước những tội ác kinh tởm này".

Ðức Thánh cha cũng nhận định rằng: "Ðây là những cuộc xung đột bó buộc hàng triệu người phải bỏ gia cư, tạo nên những vụ vi phạm nhân quyền trầm trọng, làm băng hoại hệ thống xã hội kinh tế, tạo nên những vết thương khó hàn gắn. Ðó là những cuộc xung đột phe phái, có những năng động chủng tộc, lãnh thổ và phe nhóm; những vụ xung đột có liên hệ tới đất đai, vắng bóng chính quyền hoặc vì chính quyền suy yếu, sự oán ghét xen lẫn sự phạm thượng với bạo lực, nhân danh một thứ thần giả tạo. Nhưng nhất là đó là cuộc chiến do lòng ham hố vô độ các tài nguyên thiên nhiên và tiền bạc, nó nuôi dưỡng nền kinh tế võ trang, một thứ kinh tế nói phải có sự bất an và tham ô. Thật là gương mù và giả hình: người dân bị hãm hiếp và giết hại, trong khi những doanh nghiệp tạo nên bạo lực và chết chóc tiếp tục phồn thịnh!

"Tôi tha thiết kêu gọi tất cả mọi người, mọi tổ chức, trong và ngoài nước, đang giật dây chiến tranh tại Cộng hòa Dân chủ Congo, đang cướp bóc, hành hạ và khuynh đảo đất nước này: quý vị làm giàu bằng cách bóc lột bất hợp pháp các tài nguyên của Congo, và hy sinh tàn ác các nạn nhân vô tội. Hãy lắng nghe tiếng kêu do máu của họ (Xc St 4,10), hãy lắng nghe tiếng Chúa đang kêu gọi quý vị hoán cải và tiếng lương tâm của quý vị: hãy làm im tiếng súng, chấm dứt chiến tranh. Ðủ rồi! Hãy ngưng làm giàu trên xương máu những người yếu thế, ngưng làm giàu với các tài nguyên và tiền bạc bẩn thỉu vì đẫm máu!

Nhắn nhủ

Trong dịp này, Ðức Thánh cha nhắn nhủ các nạn nhân và mọi người:

Hãy quyết liệt không chấp nhận bạo lực, oán ghét; nhổ bỏ bạo lực tận gốc rễ của nó, là lòng tham lam, và nhất là sự oán hận. Hãy can đảm giải giáp con tim của mình. "Tôi xin tất cả mọi người điều đó nhân danh Chúa Giêsu, Ðấng đã tha thứ cho những kẻ đóng đinh chân tay Ngài vào thập giá... Ðiều này không có nghĩa là chấp nhận sự phạm pháp mà không bị trừng phạt, hoặc chiều theo sự tàn ác, nhưng tháo gỡ nọc độc khỏi con tim, giải giáp tâm hồn, loại bỏ oán ghét, giải tỏa tham lam, xóa bỏ tâm tình oán hận.

Tiếp đến là "đừng có thái độ cam chịu. Hòa bình đòi phải chiến đấu chống sự nản chí, thất vọng, thiếu tin tưởng, để rồi nghi kỵ mọi người, sống biệt lập và xa cách, thay vì giơ tay và đồng hành với nhau. Nhân danh Thiên Chúa, tôi tái kêu gọi những người sống tại Cộng hòa Dân chủ Congo đừng buông xuôi hai tay, nhưng dấn thân xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Một tương lai hòa bình không phải từ trời rơi xuống, nhưng có thể xảy đến, nếu ta loại bỏ khỏi con tim thái độ cam chịu vận mệnh và sợ hãi không dám dấn thân với những người khác.

Sau cùng, Ðức Thánh cha mời gọi mọi người:

Ủng hộ hòa bình và hòa giải, dấn thân tha thứ cho nhau và loại bỏ chiến tranh và xung đột

Hãy sống trong hy vọng: "Nếu chúng ta có thể coi hòa giải như một cây, thì hy vọng chính là nước làm cho nó tươi nở. Niềm hy vọng này có nguồn mạch và một danh xưng là Chúa Giêsu: với Chúa, sự ác không còn tiếng nói cuối cùng. Với Chúa, mọi nấm mộ có thể biến thành một chiếc nôi, mọi đồi Canvê có thể trở thành Vườn phục sinh. Với Chúa Giêsu, hy vọng nảy sinh và tái sinh đối với người đã chịu sự ác và thậm chí cả người đã phạm sự ác. Anh chị em ở miền Ðông Congo, niềm hy vọng này là cho anh chị em, anh chị em có quyền được như vậy. Niềm hy vọng đó có thể đạt được bằng cách gieo vãi nó mỗi ngày trong kiên nhẫn".

Sau khi Ðức Thánh cha kết thúc bài huấn dụ, các nạn nhân đã cam kết sống trong tinh thần tha thứ và hy vọng, trước khi ngài ban phép lành cho mọi người hiện diện.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page