Nghèo khó trong tinh thần
đòi hỏi chúng ta vượt thắng văn hóa gạt bỏ
Kinh Truyền tin với Ðức Thánh cha: Nghèo khó trong tinh thần đòi hỏi chúng ta vượt thắng văn hóa gạt bỏ.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (RVA News 29-01-2023) - Trưa Chúa nhật 29 tháng Giêng năm 2023, Ðức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự kinh Truyền tin với hơn 7.000 tín hữu tại Quảng trường thánh Phêrô dưới bầu trời nắng đẹp. Ðặc biệt có hàng trăm trẻ em tham gia đoàn lữ hành hòa bình của Giáo phận Roma. Ðức Thánh cha kêu gọi hòa bình cho Thánh địa với những xung đột gia tăng giữa người Palestine và Israel, Hòa bình cho Ucraina, cho Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan, hai quốc gia ngài sắp lên đường viếng thăm.
Huấn dụ của Ðức Thánh cha
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Ðức Thánh cha giải thích bài Tin mừng Chúa nhật thứ IV thường niên và nói:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Phụng vụ hôm nay công bố các Mối Phúc theo Tin mừng thánh Matthêu (Xc Mt 5,1-12). Mối Phúc đầu tiên và cơ bản là: "Phúc cho những ai có tinh thần thanh bần, vì Nước Trời là của họ" (v.3).
Tinh thần thanh bần là gì?
Ai là những người có "tinh thần thanh bần"? Họ là những người biết mình không đủ cho bản thân, không tự mãn, và sống như "những người hành khất Thiên Chúa": Họ cảm thấy cần Chúa và nhìn nhận rằng thiện ích đến từ Chúa, như hồng ân, như ân sủng. Ai có tinh thần thanh bần thì quý chuộng điều mình nhận được; vì thế, họ muốn rằng "không một hồng ân nào bị phí phạm". Hôm nay tôi muốn dừng lại nơi khía cạnh tiêu biểu này của những người có tinh thần thanh bần, đó là không phí phạm. Chúa Giêsu tỏ cho chúng ta tầm quan trọng của sự không phí phạm, ví dụ sau khi hóa bánh và cá ra nhiều, Ngài yêu cầu các môn đệ thu thập các lương thực còn thừa để không gì bị phí phạm (Xc Ga 6,12). Không phí phạm giúp chúng ta đánh giá cao giá trị của bản thân, của con người và sự vật. Nhưng rất tiếc đó là một nguyên tắc thường ít được để ý, nhất là trong những xã hội sung túc, trong đó trổi vượt thứ văn hóa phí phạm và gạt bỏ. Tôi muốn đề nghị với anh chị em ba thách đố chống lại não trạng phí phạm.
Chống não trạng phí phạm
Thách đố thứ nhất: không phí phạm hồng ân là chính chúng ta. Mỗi người chúng ta là một thiện ích, bất luận có những tài năng nào. Mỗi người nam nữ đều phong phú, không những vì tài năng, nhưng vì phẩm giá, được Thiên Chúa yêu thương, có giá trị và quí báu. Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta có phúc không phải vì điều chúng ta có, nhưng vì thực tại của chúng ta. Vì thế cái nghèo đích thực là khi một người để cho mình mất đi và phí phạm chính bản thân. Chúng ta hãy chiến đấu, nhờ ơn Chúa, chống lại cám dỗ coi mình là không thích hợp, sai lầm, và than khóc về điều đó.
Thách đố thứ hai: đừng phí phạm các hồng ân chúng ta có. Xảy ra là trên thế giới mỗi năm người ta phí phạm khoảng một phần ba số lương thực được sản xuất. Và điều này xảy ra trong lúc bao nhiêu người chết đói! Các tài nguyên thiên nhiên không thể sử dụng như vậy; những thiện ích cần được bảo tồn và chia sẻ, làm sao để không ai bị thiếu điều cần thiết. Chúng ta đừng phí phạm điều chúng ta có, nhưng phổ biến một nền sinh thái về công lý và bác ái!
Sau cùng, thách đố thứ ba: đừng phí phạm con người. Thứ văn hóa gạt bỏ chủ trương rằng: 'tôi dùng bạn bao lâu tôi còn cần bạn; khi tôi không cần bạn nữa thì bạn trở thành chướng ngại và tôi quẳng bạn đi'. Người ta đối xử như vậy đặc biệt đối với những người yếu thế nhất: các trẻ em chưa sinh ra, những người già, người túng thiếu và những người bị thiệt thòi. Nhưng không thể vứt bỏ con người, không bao giờ! Mỗi người là một hồng ân thánh thiêng và có một không hai, ở mỗi lứa tuổi và thuộc mọi hoàn cảnh. Chúng ta hãy luôn luôn tôn trọng và thăng tiến sự sống!
Xét mình
Ðức Thánh cha nói tiếp: "Anh chị em, chúng ta hãy tự hỏi: Trước tiên, tôi sống tinh thần thanh bần thế nào? Tôi có biết dành chỗ cho Thiên Chúa? Tôi có tin rằng Chúa là thiện ích của tôi, là sự phong phú đích thực và cao cả của tôi hay không? Tôi có tin rằng Chúa yêu thương tôi hay tôi phung phí bản thân trong sầu muộn, quên rằng mình là một hồng ân hay không? Và tôi có chú ý không phí phạm, tôi có tinh thần trách nhiệm trong việc sử dụng của cải, thiện ích hay không? Tôi có sẵn sàng chia sẻ chúng với những người khác hay không? Sau cùng, tôi có coi những người mong manh yếu đuối như những món quà quý giá, mà Thiên Chúa yêu cầu tôi gìn giữ hay không? Tôi có nhớ đến những người nghèo, người thiếu thốn những điều cần thiết hay không?
Và Ðức Thánh cha kết luận rằng:
Xin Mẹ Maria, là người nữ của các Mối Phúc, giúp chúng ta làm chứng về niềm vui, theo đó cuộc sống là một hồng ân và vẻ đẹp của việc trao tặng chính bản thân của chúng ta.
Chào thăm và kêu gọi
Sau khi đọc kinh và ban phép lành cho mọi người, Ðức Thánh cha nói đến những tin buồn từ Thánh địa: hàng chục người Palestine và Israel bị giết trong những cuộc tấn công lẫn nhau trong những ngày qua: người Palestine bị Israel giết trong cuộc tấn công tại thành Jenin hồi đầu năm nay, và một số người Israel bị giết và bị thương trong vụ khủng bố vừa qua, gần Hội đường Do thái ở Ðông Jerusalem. Ðức Thánh cha kêu gọi hai chính phủ tái đối thoại và tìm kiếm sự đồng thuận. Ngài cũng nhắc đến nhiều người sống trong tình trạng bấp bênh nơi các trại tị nạn ở bang Kachin, bên Myanmar gần Thái Lan, và lưu ý về thực tại đau thương của họ cũng như kêu gọi trợ giúp những người dân ấy.
Ðức Thánh cha chào thăm Ðoàn lữ hành hòa bình do Phong trào Công giáo Tiến hành Roma tổ chức, với sự tham dự của các em bé cho đến 14 tuổi. Trước đó lúc 10 giờ, các em tụ tập tại Vườn Lâu Ðài Thiên Thần, bên bờ sông Tevere, cách Vatican khoảng 500 mét. Các em bắt đầu với phần cầu nguyện do Ðức Hồng y Angelo de Donatis, Giám quản Roma, chủ sự. Rồi các em tiến về Quảng trường thánh Phêrô để tham dự buổi đọc kinh Truyền tin với Ðức Thánh cha. Sau buổi đọc kinh này, các em đến giáo xứ thánh Gregorio VII gần đó để dừng bữa trưa. Ban chiều, các em tham dự thánh lễ do cha Alfredo Tedesco, Giám đốc Văn phòng giáo phận mục vụ người trẻ và tuyên úy Công giáo tiến hành Roma.
Sau cùng, Ðức Thánh cha nói đến cuộc viếng thăm của ngài, từ 31 tháng Giêng năm 2023 tại Cộng hòa Dân chủ Congo, rồi sau đó tại Nam Sudan, hai nước đều phải chịu thảm cảnh chiến tranh, và ngài kêu gọi các tín hữu cầu nguyện cho chuyến đi của ngài.
Ðức Thánh cha chúc mọi người một Chúa nhật an lành, đồng thời xin họ đừng quên cầu nguyện cho ngài.