Ðức Thánh cha chủ sự Kinh Chiều
bế mạc Tuần Hiệp nhất các tín hữu Kitô
Ðức Thánh cha chủ sự Kinh Chiều bế mạc Tuần Hiệp nhất các tín hữu Kitô.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (RVA News 26-01-2023) - Lúc 5 giờ 30 chiều ngày 25 tháng Giêng năm 2023, Ðức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự buổi hát Kinh Chiều trọng thể tại Ðền thờ thánh Phaolô ngoại thành ở Roma, để bế mạc Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô.
Tuần này đã tiến hành từ ngày 18 tháng Giêng năm 2023, với chủ đề là câu Kinh Thánh: "Hãy học làm điều thiện, hãy tìm kiếm công lý".
Hiện diện tại buổi cầu nguyện, có gần 20 hồng y, giám mục, đông đảo giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân Roma, nhiều đại diện của các cộng đoàn Kitô khác, đặc biệt là Ðức Tổng giám mục Polykarpos, đại diện Tòa Thượng phụ chung của Chính Thống giáo ở Constantinople và Ðức Tổng giám mục Ian Ernest, đại diện riêng Ðức Giáo chủ Anh giáo ở Roma, cũng như đại diện các cộng đồng Kitô khác, đặc biệt là thầy Alois Loser, Tu viện trưởng Cộng đoàn đại kết Taizé bên Pháp, và các sinh viên Học viện đại kết Bossey bên Thụy Sĩ, các sinh viên Học viện Anh giáo ở Mỹ, cùng với một số sinh viên thần học khác ở Roma.
Bài giảng của Ðức Thánh cha
Trong bài giảng, Ðức Thánh cha diễn giải chủ đề Tuần cầu nguyện hiệp nhất năm 2023, dựa vào bài đọc ngắn trích từ sách ngôn sứ Isaia (1,12-18), qua đó Chúa nghiêm khắc quở trách những người đến dâng của lễ ở đền thờ, nhưng họ tiếp tục hành động gian ác, đàn áp, bóc lột người nghèo. Thiên Chúa kinh tởm những của lễ của họ. Ngài kêu gọi họ hãy ngưng làm điều ác, và hãy học làm điều thiện, tìm kiếm công lý và cứu giúp người bị áp bức, và bảo vệ cô nhi quả phụ...
Ðức Thánh cha cho biết tình thế này làm ngài nghĩ đến giai thoại một vị thánh phản đối sự tàn ác của một nhà vua bằng cách đến gặp vua trong mùa chay và tặng thịt cho vua; khi nhà vua phẫn nộ từ chối nhân danh lòng đạo đức, người của Chúa hỏi vua tại sao lại tỉ mỉ trong việc kiêng thịt súc vật mà lại không do dự giết chết những người con của Thiên Chúa".
Ðức Thánh cha nhận xét rằng: "Ngày nay vẫn còn có những người cảm thấy mình được khích lệ hoặc ít là được khuyến khích nhờ tín ngưỡng của mình, để ủng hộ những hình thức quốc gia chủ nghĩa khép kín và bạo lực, những thái độ bài người nước ngoài, khinh rẻ và thậm chí ngược đãi những người khác biệt... Nếu chúng ta muốn, theo gương thánh Phaolô tông đồ, để ơn thánh Chúa ở trong chúng ta không trở nên vô ích (Xc 1 Cr 15,10), thì chúng ta phải chống lại chiến tranh, bạo lực, bất công ở bất kỳ nơi nào nó lẻn vào". Ðứng trước những hình thức coi rẻ và kỳ thị chủng tộc, đứng trước những hiểu lầm dửng dưng và bạo lực phạm thánh, Lời Chúa cảnh giác chúng ta "Hãy học làm điều thiện và tìm kiếm công lý" (Is 1,17). Tố giác mà thôi, vẫn chưa đủ, còn phải từ bỏ sự ác, tiến từ điều ác đến điều thiện.
Ðức Thánh cha nói thêm rằng: "Từ sự cảnh giác đó, chúng ta cần thay đổi. Sau khi nhận thức những sai lầm, qua lời ngôn sứ Isaia, Chúa kêu gọi hãy thanh tẩy, hãy ngưng làm điều ác (v.16). "Anh chị em rất thân mến, từ những hiểu lầm của chúng ta về Thiên Chúa và từ bạo lực âm ỉ trong chúng ta, chúng ta không có khả năng tự giải thoát. Nếu không có Thiên Chúa, không có ơn thánh của Ngài, chúng ta không được chữa lành khỏi tội lỗi chúng ta. Ơn thánh của Chúa là nguồn mạch sự thay đổi của chúng ta. Chúng ta tin rằng cả việc hoán cải đại kết của chúng ta cũng tiến triển theo mức độ chúng ta nhìn nhận mình cần ơn thánh, cần lòng thương xót của chúng: nhìn nhận tất cả chúng ta đều lệ thuộc Thiên Chúa, chúng ta sẽ cảm thấy và thực sự là một, với ơn Chúa giúp". (Ga 17,21).
(Rei 25-1-2023)