Chúa Giêsu là Thầy dạy sự loan báo
Tiếp kiến chung của Ðức Thánh cha: Chúa Giêsu là Thầy dạy sự loan báo.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (RVA News 26-01-2023) - Lúc 9 giờ sáng thứ Tư, ngày 25 tháng Giêng năm 2023, Ðức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến chung khoảng hơn 3,000 tín hữu hành hương, tại Ðại thính đường Phaolô VI ở nội thành Vatican.
Như thường lệ, trước tiên là phần công bố Lời Chúa, với bài đọc trích từ Tin mừng theo thánh Luca, đoạn 4 (17-21):
"Chúa Giêsu mở cuốn sách và thấy đoạn trong đó viết rằng: "Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.
Chúa Giêsu cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe".
Bài giáo lý
Tiếp đến, Ðức Thánh cha tiếp tục loạt bài giáo lý mới về "sự hăng say loan báo Tin mừng: lòng nhiệt thành tông đồ của tín hữu". Bài thứ ba này có tựa đề: "Chúa Giêsu là Thầy dạy sự loan báo".
Ðức Thánh cha nói:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Chúa Giêsu giảng trong Hội đường
"Thứ Tư tuần trước, chúng ta đã suy tư về đề tài Chúa Giêsu mẫu gương về loan báo, về tâm hồn mục tử của Ngài luôn hướng về người khác. Hôm nay, chúng ta nhìn Ngài như Thầy dạy sự loan báo. Chúng ta hãy để cho mình được hướng dẫn nhờ giai thoại kể lại, trong đó Chúa giảng trong Hội đường ở Nazareth làng của Ngài. Chúa Giêsu đọc một đoạn sách ngôn sứ Isaia (Xc 61,1-2) và làm cho mọi người ngạc nhiên với "bài giảng" rất ngắn, chỉ có một câu. Ngài nói: "Hôm nay lời Kinh Thánh anh chị em vừa nghe đã ứng nghiệm" (Lc 4,21). Ðiều này có nghĩa là đối với Chúa Giêsu, đoạn sách ngôn sứ ấy chứa đựng điều cốt yếu những gì Ngài muốn nói về mình. Vì thế, mỗi lần chúng ta nói về Chúa Giêsu, chúng ta phải noi theo lời loan báo đầu tiên của Chúa. Vậy chúng ta xem điều ấy hệ tại sự gì. Ta có thể nhận ra năm yếu tố thiết yếu:
Năm yếu tố trong bài giảng của Chúa Giêsu
Niềm vui
Yếu tố thứ nhất là niềm vui. Chúa Giêsu công bố: "Thánh Thần Chúa ngự xuống trên tôi; [...] Người đã sai tôi mang 'Tin mừng' cho người nghèo (v.18). Loan báo vui mừng: ta không thể nói về Chúa Giêsu mà không vui mừng, vì đức tin là một chuyện tình tuyệt vời cần chia sẻ. Làm chứng về Chúa Giêsu, làm điều gì đó cho những người khác nhân danh Ngài, ngụ ý nói đã nhận được món quà đẹp tới độ không lời nào đủ để diễn tả. Trái lại, khi thiếu niềm vui thì Tin mừng không truyền đạt được, vì Tin mừng, như chính từ ấy nói lên - chính là loan tin vui -, thông báo vui mừng. Một Kitô hữu buồn có thể nói về những điều rất đẹp, nhưng tất cả đều vô ích nếu việc loan báo mà họ thông truyền không vui mừng.
Sự giải thoát
Sang đến khía cạnh thứ hai: sự giải thoát. Chúa Giêsu nói mình được sai đi "công bố cho các tù nhân sự giải thoát" (ibid.). Ðiều này có nghĩa là ai loan báo Thiên Chúa thì không thể thực hiện sự chiêu dụ tín đồ, không thể tạo sức ép trên người khác, nhưng làm cho họ được nhẹ nhàng: không áp đặt gánh nặng, nhưng nâng gánh nặng khỏi họ; mang lại an bình, không phải cảm thức tội lỗi. Dĩ nhiên, theo Chúa Giêsu bao hàm sự khổ chế, hy sinh; đàng khác, nếu mỗi sự đẹp đẽ đều đòi phải hy sinh, thì thực tại quyết định của cuộc sống càng đòi nhiều hơn! Những ai làm chứng về Chúa Giêsu đều chứng tỏ vẻ đẹp của mục tiêu, hơn là sự vất vả trong hành trình. Có thể chúng ta kể cho người nào đó một cuộc du hành đẹp đẽ chúng ta đã thực hiện: chúng ta nói về sự đẹp đẽ của các nơi, những gì chúng ta thấy và trải qua, không phải khoảng thời gian để tới đó và những vụ xếp hàng ở phi trường! Cũng vậy mỗi việc loan báo xứng đáng với Ðấng Cứu Thế phải thông báo sự giải phóng.
Ánh sáng
Khía cạnh thứ ba: Ánh sáng. Chúa Giêsu nói mình đến để làm cho người mù được thấy (ibid.). Ðiều gây ấn tượng là trong toàn thể Kinh Thánh, trước Chúa Kitô không bao giờ xảy ra cuộc chữa lành một người mù. Thực vậy, đó là một dấu hiệu được hứa một ngày kia sẽ xảy ra với Ðấng Messia. Nhưng đây không phải chỉ là cái nhìn thể lý, nhưng là một ánh sáng làm cho ta thấy cuộc sống một cách mới mẻ. Có một sự "đi ra ánh sáng", một sự tái sinh chỉ xảy ra với Chúa Giêsu. Nếu chúng ta nghĩ đến điều đó, thì một đời sống Kitô bắt đầu: với phép rửa tội, xưa kia được gọi là "sự soi sáng". Và đâu là ánh sáng Chúa Giêsu ban cho chúng ta? Ánh sáng được làm con Thiên Chúa: Chính Ngài là Con yêu dấu của Chúa Cha, hằng sống; với Ngài, cả chúng ta cũng được làm con Thiên Chúa, luôn được yêu thương, mặc dù những sai lầm và thiếu sót. Vì thế, đời sống không còn là một người mù tiến về hư vô, không phải là vấn đề may mắn, nhưng phải là cái gì tùy thuộc tình cờ hay các tinh tú, và càng không phải là sức khỏe và tài chánh, nhưng tùy thuộc tình thương của Chúa Cha, Ðấng chăm sóc chúng ta là những con yêu quý của Ngài. Thật là đẹp dường nào khi chia sẻ với những người khác ánh sáng ấy!
Chữa lành
Ðức Thánh cha nói tiếp: "Khía cạnh thứ tư của việc loan báo là "chữa lành". Chúa Giêsu nói mình đến "để giải thoát những người bị áp bức" (ibid.). Người bị áp bức cảm thấy mình bị đè nén vì cái gì đó trong cuộc sống: bệnh tật, cơ cực, gánh nặng trong tâm hồn, mặc cảm tội lỗi, những lỗi lầm, tật xấu, tội lỗi.... Nhất là chúng ta bị đè nén vì sự ác mà không một phương dược hoặc phương thức nào của con người có thể chữa trị, đó là tội lỗi. Tin vui là: với Chúa Giêsu, sự ác kỳ cựu này dường như không thể lướt thắng được, nay không còn tiếng nói cuối cùng nữa. Chúa Giêsu chữa lành chúng ta khỏi tội lỗi mãi mãi và nhưng không. Chúa mời gọi những người "mệt mỏi và bị áp bức" hãy đến cùng Ngài (Xc Mt 11,28). Vì thế, đồng hành với người nào đó trong cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu là đưa họ đến gặp thầy thuốc tâm hồn, nâng cao cuộc sống. Ðó là nói: "Anh, chị, tôi không có câu trả lời cho bao nhiêu vấn đề của anh, chị, nhưng Chúa Giêsu biết và yêu thương anh, chị, Ngài có thể chữa lành và làm cho tâm hồn anh, chị được thanh thản". Ai mang những gánh nặng, thì cần một sự vuốt ve về quá khứ, cần được tha thứ. Và ai tin nơi Chúa Giêsu thì có điều đó để cho người khác: sức mạnh sự tha thứ của Chúa, giải phóng tâm hồn khỏi mọi nợ nần. Trong Kinh Thánh, có nói về một năm, trong đó có việc tha thứ nợ nần, đó là năm Toàn Xá, năm hồng phúc, đó là điểm cuối cùng của việc loan báo.
Công bố
Thực vậy, Chúa Giêsu nói Ngài đến để "công bố năm hồng phúc của Chúa" (Lc 4,19). Không phải là một năm toàn xá có trong chương trình, nhưng với Chúa Giêsu, ơn thánh canh tân đời sống đang tới và luôn làm ngạc nhiên. Vì không phải chúng ta làm những điều vĩ đại, nhưng là ơn Chúa, kể cả qua chúng ta, thực hiện những điều không thể lường trước được. Những ngạc nhiên của Thiên Chúa. Tin mừng có kèm theo một cảm thức ngạc nhiên và mới mẻ có tên là: Chúa Giêsu.
Xin Chúa giúp chúng ta loan báo điều đó như Chúa muốn, bằng cách thông truyền niềm vui, sự giải thoát, ánh sáng, chữa lành và sự kinh ngạc.
Một điều cuối cùng: sự vui mừng loan báo này, như Tin mừng nói, được gửi đến "những người nghèo" (v.18). Thường chúng ta quên họ, nhưng họ là những đối tượng được Chúa Giêsu nói rõ, vì họ là những người được Thiên Chúa yêu thương hơn. Chúng ta hãy nhớ đến họ và nhớ rằng để đón tiếp Chúa, mỗi người chúng ta phải có tinh thần thanh bần: nghĩa là chiến thắng mọi thái độ tự phụ, tự mãn, để hiểu rằng mình cần ơn thánh, luôn luôn cần Chúa.
Chào thăm và kêu gọi
Sau bài huấn giáo của Ðức Thánh cha, buổi tiếp kiến được nối tiếp với phần tóm tắt bài giáo lý và những lời chào thăm của ngài gửi đến các nhóm hành hương.
Khi chào bằng tiếng Anh, Ðức Thánh cha đặc biệt nhắc đến những tín hữu đến từ Australia và Mỹ.
Rồi, Ðức Thánh cha nói với các sinh viên đại kết: "Trong bối cảnh Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô, tôi chào thăm cách riêng các sinh viên Học viện Ðại kết Bossey [gần Genève, Thụy Sĩ. Tôi cầu xin Chúa Giêsu ban an vui trên tất cả anh chị em và thân nhân".
Bằng tiếng Ba Lan, Ðức Thánh cha nhắn nhủ các tín hữu rằng: "Chúa nhật vừa qua, chúng ta đã cử hành Chúa nhật Lời Chúa. Là những môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta được đặc ân và có nghĩa vụ lắng nghe, suy niệm Lời Chúa trong Kinh Thánh. Hạnh phúc mà chúng ta mong ước trong đời sống bản thân, gia đình và xã hội, chúng ta tìm thấy khi cởi mở đón nhận sự khôn ngoan đến từ Chúa, và dẫn đến tình thương, an bình và tình huynh đệ đối với nhau".
Khi chào bằng tiếng Ý, Ðức Thánh cha chào thăm và cám ơn các tham dự viên Hội nghị do Bộ Phát triển nhân bản toàn diện tổ chức về bệnh phong cùi, với chủ đề: "Ðừng để lại người nào đằng sau".
Sau cùng, như thường lệ, Ðức Thánh cha nói: "tôi nghĩ đến các bạn trẻ, bệnh nhân và người cao niên cũng như các đôi tân hôn. Hôm nay là ngày kết thúc Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu. Tôi khích lệ mỗi người, trong bậc sống của mình, hãy sống những đòi hỏi của sự hiệp nhất Kitô, đến từ bí tích rửa tội. Ý thức về hồng ân của bí tích này, chúng ta hãy hoạt động, cầu nguyện và dâng hy sinh mỗi ngày để cầu cho sự hiệp nhất tất cả các tín hữu của Chúa Kitô.
Chúng ta cũng hãy nghĩ đến và cầu nguyện cho Ucraina hiện vẫn đang chịu đau khổ rất nhiều.
Buổi tiếp kiến chung kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Ðức Thánh cha.