Ðức Thánh cha cử hành

thánh lễ Chúa nhật Lời Chúa

 

Ðức Thánh cha cử hành thánh lễ Chúa nhật Lời Chúa.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 23-01-2023) - Lúc 9 giờ 30 sáng Chúa nhật, ngày 22 tháng Giêng năm 2023, Ðức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ trọng thể tại Ðền thờ thánh Phêrô, nhân dịp Chúa nhật Lời Chúa lần thứ tư, với sự tham dự của khoảng 6,000 tín hữu.

Ðồng tế với Ðức Thánh cha, có hơn 20 hồng y và giám mục cùng với khoảng 150 linh mục. Trong thánh lễ, Ðức Thánh cha đã chủ sự nghi thức trao ban tác vụ giáo lý viên, đọc sách, giúp lễ cho 8 giáo dân nam nữ, đến từ các nước Ý, Congo, Philippines, Mêhicô và xứ Wales bên Anh quốc.

Cộng tác vào việc tổ chức thánh lễ này, đặc biệt có Phân Bộ về các vấn đề cơ bản về loan báo Tin mừng trong thế giới, thuộc Bộ loan báo Tin mừng. Phân bộ này cũng đã soạn tài liệu giúp các giáo phận cử hành Chúa nhật Lời Chúa, năm nay có chủ đề là: "Chúng tôi loan báo cho anh chị em điều chúng tôi đã thấy" (I Ga 1,3).

Sau khi Tin mừng được công bố, các ứng viên đọc sách và ứng sinh giáo lý viên được thầy phó tế kêu gọi trình diện, xướng danh, và giới thiệu lên Giáo hội để lãnh nhận các thừa tác vụ.

Bài giảng của Ðức Thánh cha

Trong bài giảng tiếp đó, Ðức Thánh cha quảng diễn bài Tin mừng theo thánh Matthêu, thuật lại việc Chúa Giêsu giã từ cuộc sống yên hàn và ẩn dật tại Nazareth để tới thành Capharnaum, một thành "tứ chiếng", bên hồ Galilea để loan báo Tin mừng cho mọi người.

Ðức Thánh cha nhận xét rằng: "Chúng ta thấy trong Tin mừng, Chúa mời gọi mọi người hoán cải và kêu gọi các môn đệ đầu tiên để họ cũng thông truyền cho tha nhân ánh sáng Lời Chúa (Xc Mt 4,12-23). Chúng ta hãy đón nhận năng động này. Nó giúp chúng ta sống Chúa Nhật Lời Chúa theo ba chiều kích, đó là Lời Chúa dành cho tất cả mọi người, Lời Chúa kêu gọi hoán cải, Lời Chúa làm cho chúng ta trở nên những người loan báo".

Lời Chúa cho mọi người

Trước tiên, "Lời Chúa dành cho tất cả mọi người. Tin mừng trình bày cho chúng ta Chúa Giêsu luôn di động, đi tới những người khác. Không có lần nào trong đời sống công khai, Chúa cho chúng ta ý tưởng Ngài là một vị thầy ngồi yên, một tiến sĩ ngồi trên tòa; trái lại, chúng ta thấy Ngài lưu động, như người lữ hành, rong ruổi qua các thành thị và làng mạc, gặp gỡ dân chúng và tình cảnh của họ. Những bước chân của Ngài là bước chân của sứ giả loan báo Tin mừng tình thương của Thiên Chúa (Xc Is 52,7-8). Miền Galilea của các dân nước, có vô số người sống trong bóng đêm: ngoại kiều, dân ngoại, những người nam nữ thuộc các miền và văn hóa khác nhau (Xc Mt 4,15-16). Giờ đây họ cũng có thể thấy ánh sáng. Và Chúa Giêsu mở rộng các biên cương: Lời Chúa chữa lành và nâng dậy, chứ không chỉ dành riêng cho những người công chính của Israel, nhưng cho tất cả mọi người...".

Ðức Thánh cha nêu nhận xét: "Khía cạnh này cũng rất quan trọng đối với chúng ta. Nó nhắc nhở chúng ta rằng Lời Chúa là một hồng ân được gửi đến mỗi người và vì thế chúng ta không bao giờ có thể thu hẹp lãnh vực hoạt động (...). Và nếu ơn cứu độ được dành cho tất cả mọi người, cho cả những người xa xăm mất hút, thì việc loan báo Lời Chúa phải trở thành điều cấp thiết chính yếu của cộng đoàn Giáo hội, như đối với Chúa Giêsu. Chúng ta đừng để xảy ra là tuyên xưng một Thiên Chúa có tâm hồn rộng mở mà lại là một Giáo hội có con tim chật hẹp; rao giảng ơn cứu độ cho mọi người mà lại làm cho con đường đón nhận ơn cứu độ không thể thực hiện được...".

Lời Chúa kêu gọi hoán cải

Sang đến khía cạnh thứ hai: "Lời Chúa gửi đến mọi người, kêu gọi hoán cải. Thực vậy, Chúa Giêsu thường lập lại trong các bài giảng của Ngài: "Hãy hoán cải, vì Nước Trời đã gần" (Mt 4,17). Ðiều này có nghĩa là sự gần gũi Thiên Chúa không phải trung lập, sự hiện diện của Ngài không để nguyên sự việc như nó vốn có. Lời Chúa không bảo vệ một cuộc sống yên hàn. Trái lại, Lời Chúa đánh động chúng ta, gây khó chịu cho chúng ta, kích thích sự thay đổi, hoán cải; Lời Chúa gây khủng hoảng cho chúng ta, vì Lời Chúa "sinh động, hữu hiệu, sắc bén hơn dao hai lưỡi [...] và phân định những tâm tình và tư tưởng trong tâm hốn" (Dt 4,12) ... "Lời Chúa khi đi vào trong chúng ta, biến đổi tâm trí; thay đổi chúng ta và giúp chúng ta hướng cuộc sống về Chúa".

Từ đó, Ðức Thánh cha nhắn nhủ các tín hữu "hãy đặt mình dưới Lời Chúa... Tất cả mọi người, kể cả các mục tử, chúng ta đều ở dưới uy quyền của Lời Chúa, không ở dưới các sở thích, những xu hướng và những điều chúng ta ưa thích, nhưng dưới Lời Chúa duy nhất Ðấng uốn nắn chúng ta, hoán cải và đòi chúng ta hiệp nhất với nhau trong Giáo hội duy nhất của Chúa Kitô. Vì thế, thưa anh chị em, chúng ta có thể tự hỏi: đâu là hướng đi của cuộc đời tôi, từ đâu tôi kín múc đường hướng? Từ bao nhiêu lời tôi nghe hay là từ Lời Chúa hướng dẫn và thanh tẩy tôi? Ðâu là những khía cạnh trong tôi đang đòi thay đổi và hoán cải?"

Lời Chúa tạo nên những người loan báo

Khía cạnh sau cùng: "Lời Chúa gửi đến mọi người, kêu gọi hoán cải, làm cho chúng ta trở thành những người loan báo. Chúa Giêsu đến bên bờ hồ Galilea và kêu gọi Simon và Anrê, hai anh em làm nghề thuyền chài. Ngài mời gọi họ đi theo Ngài, nói với họ là sẽ làm cho họ thành "những người đánh cá người" (Mt 4,19): họ không còn là những chuyên gia về thuyền bè, về lưới và cá, nhưng chuyên gia trong việc tìm kiếm những người khác... trở thành những tông đồ có khả năng ra biển khơi của trần thế, đi gặp gỡ các anh em và loan báo niềm vui Tin mừng. Ðó là năng động của Lời Chúa: Lời Chúa lôi kéo vào "lưới tình thương của Chúa Cha và làm cho chúng ta trở thành những tông đồ nhận thấy ước muốn không cầm hãm nổi, mong đưa những người mình gặp lên thuyền của của Nước Chúa".

Ðức Thánh cha nói thêm rằng: "Cả chúng ta cũng cảm thấy được mời gọi trở thành những người đánh cá người: Chúng ta cảm thấy được Chúa Giêsu đích thân kêu gọi loan báo Lời Ngài, làm chứng về Lời Chúa trong các hoàn cảnh mỗi người, sống Lời Chúa trong công lý và tình thương. Ðó là sứ mạng của chúng ta, trở thành những người tìm kiếm những ai đã hư mất, người bị áp bức và mất tin tưởng, để mang cho họ, không phải chính chúng ta, ơn an ủi của lời Chúa".

Cám ơn

Trong phần kết thúc bài giảng, Ðức Thánh cha cám ơn tất cả những người cố gắng hoạt động để Lời Chúa được đặt ở trung tâm, được chia sẻ và loan báo; cám ơn tất cả các mục tử, những người nghiên cứu và đào sâu sự phong phú của Lời Chúa, cám ơn các nhân viên mục vụ và tất cả các Kitô hữu dấn thân lắng nghe và phổ biến Lời Chúa, đặc biệt là các độc viên và các giáo lý viên."

Ðức Thánh cha không quên nói rằng; "Cám ơn những người đã đón nhận những lời mời gọi của tôi mỗi ngày mang theo sách Tin mừng ở mọi nơi và đọc". Sau cùng, Ðức Thánh cha đặc biệt cám ơn các phó tế, các linh mục và nhắn nhủ họ đừng để Dân thánh của Thiên Chúa bị thiếu Lời Chúa..."

Nghi thức trao ban tác vụ

Trao tác vụ đọc sách

Sau bài giảng, Ðức Thánh cha ngỏ lời với các ứng viên và nói:

"Giờ đây các con trở thành những người đọc sách, tức là những người loan báo Lời Chúa. Các con được kêu gọi cộng tác vào công tác hàng đầu này trong Giáo hội, vì thế các con được trao phó một nhiệm vụ đặc biệt, đặt chúng con phục vụ đức tin, đức tin này có căn cội và nền tảng trong Lời Chúa.

"Các con hãy công bố Lời Chúa trong cộng đoàn phụng vụ, hãy giáo dục các trẻ em và người lớn về đức tin và hướng dẫn họ lãnh nhận xứng đáng các bí tích; các con hãy loan báo Tin mừng cứu độ trong tinh thần truyền giáo cho những người chưa biết Tin mừng. Qua con đường này và với sự cộng tác của các con, nhiều người có thể được biết Chúa Cha và Con của Ngài là Ðức Giêsu Kitô, mà Chúa Cha đã sai đi và nhờ đó họ sẽ được sự sống đời đời.

"Vì thế, điều cần thiết là trong khi các con loan báo cho người khác Lời của Thiên Chúa, chính các con hãy biết đón nhận Lời Chúa với tinh thần ngoan ngoãn hoàn toàn đối với Chúa Thánh Linh; các con hãy suy niệm Lời Chúa mỗi ngày để ngày càng biết rõ hơn, sâu đậm hơn, và nhất là làm chứng bằng chính cuộc sống của các con cho Chúa Giêsu Kitô Cứu Thế".

Sau đó, mọi người đều đứng lên, trong khi các ứng viên đọc sách quỳ xuống, Ðức Thánh cha đọc lời nguyện, trước khi trao sách Kinh Thánh cho mỗi người và nói:

"Con hãy nhận sách Kinh Thánh này và trung thành thông truyền Lời Chúa, để Lời Chúa nảy mầm và mang lại hoa trái trong tâm hồn con người".

Ðặt làm giáo lý viên

Sau các nghi thức trên đây, Ðức Thánh cha nhắn nhủ các ứng sinh làm giáo lý viên và nói rằng:

"Tất cả các tín hữu đã chịu phép rửa, trong tư cách được tham gia vào sứ mạng của Chúa Kitô linh mục, ngôn sứ và vua, họ có phần tích cực trong đời sống và hoạt động của Giáo hội. Trong số họ có một số người nhận được ơn gọi đặc biệt là thi hành các thừa tác vụ mà Giáo hội đã thiết lập.

"Giờ đây, các con là những người đã hoạt động tích cực trong cộng đoàn Kitô, các con được kêu gọi lãnh một thừa tác vụ bền vững là làm giáo lý viên, để sống khẩn trương hơn tinh thần tông đồ, theo gương những người nam nữ đã giúp thánh Phaolô và các tông đồ khác trong việc phổ biến Tin mừng.

"Ước gì sứ vụ của anh chị em luôn ăn rễ sâu trong một cuộc sống cầu nguyện, được xây dựng trên đạo lý lành mạnh và được sự hăng say tông đồ chân chính linh hoạt.

"Các con hãy dẫn đến gần Giáo hội những người có lẽ đang sống xa lìa Hội Thánh; hãy cộng tác với tinh thần tận tụy quảng đại trong việc thông truyền Lời Chúa; hãy liên lỉ vun trồng cảm thức về Giáo hội địa phương, với tế bào là giáo xứ.

"Là những chứng nhân đức tin, là thầy dạy và là người giải thích các mầu niệm, là những người đồng hành và sư phạm giáo huấn nhân danh Giáo hội, các con được kêu gọi cộng tác với các thừa tác viên thánh chức trong nhiều hình thức tông đồ khác nhau, đồng trách nhiệm về sứ mạng được ủy thác cho Giáo hội, luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai hỏi các con về lý do tại sao các con hy vọng".

Tiếp đến, các ứng sinh quỳ gối trước mặt Ðức Thánh cha. Ngài mời gọi mọi người cầu nguyện trong thinh lặng, trước khi đọc lời nguyện xin Chúa chúc lành cho các con cái Chúa được chọn làm giáo lý viên, cộng tác với các mục tử trong nhiều hình thức để xây dựng nước Chúa.

Nghi thức kết thúc với việc Ðức Thánh cha trao thánh giá cho mỗi giáo lý viên và nói: "Con hãy nhận dấu hiệu đức tin của chúng ta, là tòa chân lý và bác ái của Chúa Kitô, hãy loan báo về Chúa bằng cuộc sống, hành động và lời nói.

Thánh giá Ðức Thánh cha trao cho mỗi giáo lý viên là bản sao thánh giá đeo ngực đã được hai thánh Giáo hoàng Phaolô VI và Gioan Phaolô II sử dụng.

Cuối thánh lễ, sách Tin mừng theo thánh Matthêu được phân phát cho các tín hữu hiện diện với mục đích khơi động tinh thần trách nhiệm của các tín hữu trong việc học hỏiLời Chúa từ Kinh Thánh.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page