Nếu có con chiên nào ra ngoài và lạc mất,

Giáo hội noi gương Chúa Giêsu:

không bỏ rơi nó, nhưng tìm kiếm

 

Tiếp kiến chung của Ðức Thánh cha: Nếu có con chiên nào ra ngoài và lạc mất, Giáo hội noi gương Chúa Giêsu: không bỏ rơi nó, nhưng tìm kiếm.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 18-01-2023) - Lúc 9 giờ sáng thứ Tư, ngày 18 tháng Giêng năm 2023, Ðức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến chung khoảng 4,000 tín hữu hành hương tại Ðại thính đường Phaolô VI ở nội thành Vatican.

Như thường lệ, buổi tiếp kiến bắt đầu với phần tôn vinh Lời Chúa với bài đọc ngắn, trích từ Tin mừng theo thánh Luca, đoạn 15 (4-7):

[Chúa Giêsu nói]: "Người nào trong các ông có 100 con chiên mà bị mất một con, lại không để 99 con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại và nói: "Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó". Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năm sám hối, hơn là 99 người công chính không cần phải sám hối ăn năn".

Bài giáo lý

Tiếp đó, Ðức Thánh cha tiếp tục loạt bài giáo lý mới về "sự hăng say loan báo Tin mừng: lòng nhiệt thành tông đồ của tín hữu". Bài thứ hai này có tựa đề là "Chúa Giêsu mẫu gương về việc loan báo".

Mở đầu bài huấn dụ, Ðức Thánh cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúa Giêsu, Lời của Thiên Chúa

"Thứ Tư tuần trước, chúng ta đã khởi sự một chu kỳ giáo lý về lòng hăng say loan báo Tin mừng, về lòng nhiệt thành phải linh hoạt Giáo hội và mỗi Kitô hữu. Hôm nay chúng ta nhìn đến mẫu gương trổi vượt nhất về việc loan báo, đó là Chúa Giêsu. Tin mừng lễ Giáng sinh định nghĩa Ngài là "Ngôi Lời của Thiên Chúa" (Xc Ga 1,1). Sự kiện Ngài là Ngôi Lời, tức là Lời, chỉ cho chúng ta một khía cạnh thiết yếu của Chúa Giêsu: Ngài luôn ở trong tương quan, đi ra ngoài, thực vậy lời nói hiện hữu là để được truyền đi, thông truyền. Cũng vậy, đối với Chúa Giêsu, là Lời vĩnh cửu của Chúa Cha gửi đến chúng ta. Chúa Kitô không những có lời sự sống, nhưng còn biến cuộc sống của Ngài thành một Lời: nghĩa là Ngài sống, luôn hướng về Chúa Cha và về chúng ta.

Tương quan của Chúa Giêsu với Chúa Cha

"Thực vậy, nếu chúng ta nhìn những ngày của Chúa, được sách Tin mừng mô tả, chúng ta thấy chiếm chỗ thứ nhất có sự thân mật với Chúa Cha, việc cầu nguyện, vì thế Chúa Giêsu thức dậy sớm, khi trời còn tối, và đến những nơi hẻo lánh để cầu nguyện (Xc Mc 1,35; Lc 4,42). Tất cả các quyết định và chọn lựa quan trọng nhất Ngài đưa ra đều là sau khi đã cầu nguyện (Xc Lc 6,12; 9,18). Chính trong tương quan ấy, trong kinh nguyện liên kết Ngài với Chúa Cha trong Thánh Linh, Chúa Giêsu khám phá ý nghĩa cuộc sống của Ngài như con người, cuộc sống của Ngài trong trần thế như sứ mạng vì chúng ta.

Cách hành động của Chúa Giêsu

Về điểm này, thật là đầy ý nghĩa cử chỉ công khai đầu tiên Chúa Giêsu thực hiện, sau những năm sống ẩn dật ở Nazareth. Chúa Giêsu không thực hiện những việc lạ lùng, không tung ra một sứ điệp gây công hiệu, nhưng hòa mình với dân chúng đến chịu phép rửa cho thánh Gioan thực hiện. Qua đó, Chúa cống hiến cho chúng ta chìa khóa về hành động của Ngài trong trần thế: xả thân cho người tội lỗi, liên đới với chúng ta không giữa khoảng xa cách, chia sẻ hoàn toàn cuộc sống. Thực vậy, khi nói về sứ mạng của Ngài, Ngài sẽ cho biết là không đến "để được phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến thân" (Mc 10,45). Mỗi ngày, sau kinh nguyện, Chúa Giêsu dành trọn ngày để loan báo Nước Thiên Chúa và cho con người, nhất là những người nghèo và yếu đuối, các tội nhân và các bệnh nhân (Xc Mc 1,32-39).

Chúa Giêsu, Mục Tử nhân lành

"Giờ đây, nếu chúng ta muốn diễn tả bằng một hình ảnh lối sống của Chúa, chúng ta không gặp khó khăn để tìm thấy: Chính Chúa Giêsu cống hiến cho chúng ta, khi nói về bản thân như "người Mục Tử nhân lành", người "hiến mạng sống vì đoàn chiên" (Ga 10,11). Thực vậy, làm mục tử không phải chỉ là một công việc, đòi thời gian và nhiều dấn thân; đó thực là lối sống của Ngài: 24 giờ mỗi ngày, sống với đoàn chiên, đồng hành với chúng tới đồng cỏ, ngủ giữa các con chiên, săn sóc những chiên yếu đuối nhất. Nói khác khi, Chúa Giêsu không làm cái gì cho chúng ta, nhưng ngài hiến mạng sống cho chúng ta. Con tim của Ngài là một tâm hồn mục tử (Xc Ez 34,15).

Thực vậy, để tóm tắt hoạt động của Giáo hội trong một lời, ta thường dùng từ "mục vụ" (Pastorale). Và để đánh giá việc mục vụ của chúng ta, chúng ta phải đối chiếu với mẫu là Chúa Giêsu Mục Tử nhân lành. Trước tiên chúng ta có thể tự hỏi: Chúng ta có noi gương Ngài uống nước từ những nguồn mạch kinh nguyện, để con tim chúng ta phù hợp của Chúa hay không? Cuộc sống thân mật với Chúa, như tác phẩm rất hay của viện phụ Chautard, "Hồn tông đồ" (l'anima di ogni apostolato). Chính Chúa Giêsu đã nói rõ ràng với các môn đệ của Ngài: "không có Thầy thì các con không thể làm gì được" (Gv 15,5). Nếu ta ở với Chúa Giêsu thì sẽ thấy rằng con tim mục tử của Ngài luôn thao thức nghĩ đến người lạc đường, hư mất, xa cách. Còn tâm hồn chúng ta thì sao?"

Dụ ngôn "con chiên lạc"

"Chúng ta đã nghe dụ ngôn con chiên lạc, trong chương thứ 15 của Tin mừng theo thánh Luca (vv,4-7). Chúa Giêsu cũng nói về đồng tiền bị mất và người con trai hoang đàng. Nếu chúng ta muốn tập luyện về lòng nhiệt thành tông đồ, chương 15 của Tin mừng theo thánh Luca phải là điều luôn ở dưới mắt chúng ta. Chúng ta khám phá trong đó: Chúa không đứng đó ngắm vòng đai các con chiên, và Ngài càng không để ý đến những đe dọa, sợ rằng chiên sẽ đi mất. Ðúng hơn, nếu có con chiên nào ra ngoài và lạc mất, Ngài không bỏ rơi nó, nhưng tìm kiếm. Chúa không nói: Nếu nó đi thì đó là lỗi của nó, chuyện riêng của nó!" Con tim mục tử của Ngài phản ứng một cách khác: Ngài đau khổ và chịu rủi ro. Chịu đau khổ, đúng vậy, Thiên Chúa đau khổ vì chiên ra đi, và trong khi khóc thương, Ngài càng yêu thương chiên hơn nữa. Chúa đau khổ khi chúng ta xa cách con tim của Ngài. Ngài đau khổ vì những người không nhận biết vẻ đẹp tình thương của Ngài và vòng tay ôm êm ấm của Ngài. Trong đáp lại đau khổ đó, Chúa không khép kín, trái lại Ngài chấp nhận liều: bỏ lại 99 con chiên đang an toàn và phiêu lưu tìm kiếm con chiên duy nhất bị lạc, qua đó Ngài làm điều rủi ro và có vẻ là không hợp lý, nhưng phù hợp với con tim mục tử của Ngài, nhớ nhung người ra đi; Ngài không giận dữ hoặc cay đắng, nhưng nhớ thương chúng ta. Ðó là lòng nhiệt thành của Thiên Chúa."

Áp dụng vào cuộc sống

Ðức Thánh cha đặt câu hỏi: "Còn chúng ta, chúng ta có những tâm tình như thế hay không? Hay chúng ta coi những người đã bỏ đoàn chiên ra đi như những đối thủ hoặc kẻ thù? Khi gặp gỡ họ ở trường học, nơi làm việc, hoặc trên những đường phố, tại sao chúng ta không nghĩ mình có một cơ hội tốt để chứng tỏ cho họ niềm vui của một Người Cha yêu thương họ và không bao giờ quên họ? Ðây không phải là chiêu dụ tín đồ, nhưng để chuyển cho họ Lời của Chúa Cha, để đồng hành. Loan báo Tin mừng không phải là chiêu dụ tín đồ. Ðó là cơ hội để có một lời tốt đẹp cho họ và khi mang lời ấy cho họ, chúng ta có vinh dự cũng như trách nhiệm thông truyền cho họ. Vì Lời, tức là Chúa Giêsu, yêu cầu chúng ta làm như thế. Có lẽ chúng ta đang bước theo và yêu mến Chúa Giêsu từ lâu, và không bao giờ tự hỏi xem chúng có có chia sẻ tâm tình của Chúa, chúng ta có đau khổ và liều để phù hợp với con tim mục tử của Ngài! Vấn đề ở đây không phải là chiêu dụ để người khác theo phe chúng ta, nhưng là yêu thương vì chúng ta là những người con cái hạnh phúc của Thiên Chúa. Trong kinh nguyện, chúng ta hãy cầu xin ơn có một tâm hồn mục tử, vì nếu không có tình yêu thương chịu đau khổ và rủi ro, thì chúng ta chỉ chăm nuôi bản thân mình mà thôi."

Chào thăm và kêu gọi

Sau bài huấn giáo của Ðức Thánh cha, buổi tiếp kiến được nối tiếp với phần tóm tắt bài giáo lý và những lời chào thăm của ngài gửi đến các nhóm hành hương.

Bằng tiếng Pháp, Ðức Thánh cha đặc biệt chào nhóm tín hữu đến từ Cộng hòa dân chủ Congo, quốc gia ngài sẽ đến viếng thăm vào cuối tháng Giêng này và Ðức Thánh cha nói: "tôi xin anh chị em cầu nguyện cho chuyến viếng thăm này".

Bằng tiếng Ba Lan, Ðức Thánh cha nhận xét rằng: "Trong các gia đình và giáo xứ của anh chị em, vẫn còn vang lên những bài thánh ca Giáng sinh theo truyền thống, và tiếp tục các cuộc viếng thăm mục vụ. Ước gì những biến cố này giúp anh chị em trở thành một Giáo hội cởi mở, đi ra ngoài, hướng về những người không tham gia đời sống giáo xứ nữa. Bao nhiêu linh mục và cộng đoàn giáo xứ đau khổ vì những người ra đi, và nghĩ đến họ, và càng nhắc nhớ họ trong kinh nguyện hơn nữa. Chúng ta hãy cầu xin cho tất cả được ơn đức tin mạnh mẽ và xin cho các linh mục được ơn nhiệt thành làm tông đồ. Tôi chân thành ban phép lành cho tất cả anh chị em."

Bằng tiếng Ý, Ðức Thánh cha chào thăm các phái đoàn hiện diện và sau cùng ngài nhắc đến những người trẻ, người già và các đôi tân hôn, đồng thời nhắc nhở rằng: "Vào đầu tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô, tôi mời gọi mỗi người trong anh chị em cầu nguyện và hoạt động để giữa tất cả các Kitô hữu ngày càng được củng cố trên con đường tiến về sự hiệp nhất trọn vẹn, và đồng thời tôi xin anh chị em dấn thân, với lòng tận tụy hoàn toàn và trong mọi môi trường của cuộc sống, trở thành những người xây dựng hòa giải và hòa bình.

Và chúng ta đừng quên cầu nguyện cho Ucraina đau thương, rất cần sự gần gũi, an ủi và nhất là an bình. Thứ Bảy vừa qua, lại có một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn làm cho nhiều người chết, trong đó có các trẻ em. Tôi coi đau khổ thương tâm của các gia đình như của tôi. Những hình ảnh và chứng tá về vụ thê thảm này là một lời mạnh mẽ kêu gọi tất cả mọi người. Chúng ta không thể dửng dưng!

Buổi tiếp kiến chung của Ðức Thánh cha kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Ðức Thánh cha.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page