Lòng nhiệt thành tông đồ

là dưỡng khí của đời sống Kitô

 

Tiếp kiến chung của Ðức Thánh cha: Lòng nhiệt thành tông đồ là dưỡng khí của đời sống Kitô.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 12-01-2023) - Sáng thứ Tư, ngày 11 tháng Giêng năm 2023, Ðức Thánh cha Phanxicô đã mở cuộc tiếp kiến chung, tại Ðại thính đường Phaolô VI ở nội thành Vatican, với sự tham dự của khoảng 4,000 người và bắt đầu lúc gần 9 giờ sáng.

Mở đầu buổi tiếp kiến, mọi người nghe một đoạn trích từ Tin mừng theo thánh Matthêu, đoạn 9 (9-13), thuật lại việc Chúa Giêsu kêu gọi Matthêu đi theo Ngài.

"Bỏ nơi ấy, Chúa Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Matthêu đang ngồi tại đó. Người bảo ông: "Anh hãy theo tôi!" Ông đứng dậy đi theo Người. Khi Chúa Giêsu đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ. Thấy vậy, những người Biệt phái nói với các môn đệ Người rằng: "Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi như vậy?". Nghe thấy thế, Chúa Giêsu nói: "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa câu này: "Ta muốn lòng nhân chứ không cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, nhưng để kêu gọi người tội lỗi".

Bài giáo lý

Tiếp đó, Ðức Thánh cha bắt đầu loạt bài giáo lý mới về sự hăng say loan báo Tin mừng: lòng nhiệt thành tông đồ của tín hữu. Bài thứ nhất này có tựa đề là: "Ơn gọi làm tông đồ".

Ðức Thánh cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tầm quan trọng của lòng nhiệt thành tông đồ

Hôm nay, chúng ta bắt đầu một chu kỳ mới về giáo lý, về một đề tài khẩn cấp và quan trọng đối với đời sống Kitô, đó là sự hăng say loan báo Tin mừng, nghĩa là lòng nhiệt thành tông đồ. Ðây là một chiều kích sinh tử đối với Giáo hội: Thực vậy, cộng đồng môn đệ của Chúa Giêsu sinh ra là tông đồ, là thừa sai. Chúa Thánh Linh uốn nắn cộng đồng này, hướng ra ngoài, để nó khỏi co cụm vào mình, nhưng hướng ngoại, làm chứng nhân chia sẻ Chúa Giêsu cho tha nhân, nhắm chiếu tỏa ánh sáng của Chúa cho đến tận bờ cõi trái đất. Nhưng có thể xảy ra là lòng nhiệt thành tông đồ, ước muốn đi tới người khác với việc loan báo Tin mừng, bị suy giảm. Nhiều khi dường như bị lu mờ, tàn lụi. Nhưng khi đời sống Kitô đánh mất chân trời loan báo, thì nó lâm bệnh: khép kín vào mình, trở nên tự tham chiếu, teo lại. Nếu không có lòng nhiệt thành tông đồ thì đức tin tàn lụi. Trái lại, sứ mạng truyền giáo là dưỡng khí của đời sống Kitô: bồi bổ và thanh tẩy nó. Vì thế chúng ta khởi đầu một hành trình tái khám phá sự say mê loan báo Tin mừng, bắt đầu từ Kinh thánh và giáo huấn của Hội thánh, để kín múc nhiệt huyết tông đồ từ nguồn. Rồi chúng ta đi tới một vài nguồn sinh động, một số chứng nhân đã khơi lên trong Giáo hội lòng say mê đối với Tin mừng, vì họ giúp chúng ta làm hồi sinh ngọn lửa mà Chúa Thánh Linh muốn nó luôn cháy sáng trong chúng ta.

Chúa kêu gọi Matthêu

Ðức Thánh cha nói: "Tôi muốn bắt đầu bằng một giai thoại Tin mừng một cách tiêu biểu: việc Chúa kêu gọi Matthêu làm tông đồ, mà chúng ta đã nghe chính thánh nhân kể lại trong sách Tin mừng của ngài (Xc 9,9-13).

Tất cả bắt đầu từ Chúa Giêsu, Ðấng "nhìn một người", như văn bản thuật lại. Nơi nhiều người, họ thấy Matthêu như thực tại của ông hồi đó: họ biết Matthêu là người "ngồi ở bàn thu thuế" (v.9). Thực vậy, ông là người thu thuế: nghĩa là một người thu tiền đóng góp của dân chúng cho đế quốc La Mã đang chiếm đóng Palestine. Nói khác đi, ông là người cộng tác với địch, một người phản bội dân. Chúng ta có thể tưởng tượng được sự khinh rẻ của dân đối với ông: một người "thu thuế" cho địch. Nhưng trước mắt Chúa Giêsu, Matthêu là một người, với những lầm than và cao cả của ông. Và trong khi ông Matthêu và dân chúng có sự xa cách nhau, Chúa Giêsu tiến lại gần ông, vì mỗi người đều được Thiên Chúa yêu thương. Cái nhìn này, thấy người khác, dù là ai đi nữa, như người được yêu thương, chính là khởi đầu lòng say mê loan báo Tin mừng. Tất cả khởi đầu từ cái nhìn ấy, mà chúng ta học được từ Chúa Giêsu.

Cái nhìn của Chúa đối với Matthêu

Chúng ta có thể tự hỏi: cái nhìn của chúng ta đối với tha nhân thế nào? Bao nhiêu lần chúng ta thấy những khuyết điểm của họ, chứ không thấy những nhu cầu của họ; bao nhiêu lần chúng ta gán nhãn hiệu cho người khác những gì họ làm hoặc suy nghĩ! Cả chúng ta, như Kitô hữu, chúng ta tự nói: đó là người của chúng ta hay không phải là người của chúng ta? Ðó không phải là cái nhìn của Chúa Giêsu: Chúa luôn nhìn mỗi người với lòng thương xót và đặc biệt yêu thương. Và các tín hữu Kitô được kêu gọi làm như Chúa Kitô, nhìn như Chúa, đặc biệt đối với những người "ở xa". Thực vậy, trình thuật về việc kêu gọi Matthêu kết thúc với lời Chúa Giêsu nói: "Thầy không đến để kêu gọi những người công chính, nhưng là những kẻ tội lỗi" (v.13).

Matthêu đứng dậy, theo Chúa

Vì thế, tất cả bắt đầu với cái nhìn của Chúa Giêsu. Tiếp đó là giai đoạn thứ hai: một chuyển động. Matthêu bấy giờ đang ngồi ở bàn thu thuế; Chúa Giêsu nói với ông: "Hãy theo tôi". Và ông "đứng dậy và đi theo Ngài" (v.9). Chúng ta nhận xét rằng văn bản nhấn mạnh "ông đứng dậy". Tại sao chi tiết này rất quan trọng? Vì thời đó người ngồi là người có quyền bính trên những người khác, những người đang đứng trước ông để nghe, hoặc như trong trường hợp này, là những người đứng trả thuế. Ai ngồi, thì là người có quyền bính. Ðiều đầu tiên Chúa Giêsu làm là tách Matthêu ra khỏi quyền bính: từ tình trạng ngồi để đón tiếp người khác, Chúa đặt ông trong sự chuyển động đến người khác; làm cho ông rời bỏ vị thế ở cao để đặt ông ngang hàng với các anh em và mở ra cho ông chân trời phục vụ. Chúa Giêsu thực hiện điều ấy và đây là điều cơ bản đối với các tín hữu Kitô: Chúng ta là môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta là Giáo hội, chúng ta ngồi chờ đợi dân chúng đến hay là chúng ta biết đứng dậy, lên đường tiến bước với người khác, tìm kiếm tha nhân?

Matthêu trở thành tông đồ

Một cái nhìn, một chuyển động, và sau cùng là mục đích. Sau khi đứng dậy và theo Chúa Giêsu, Matthêu đi đâu? Chúng ta có thể tưởng tượng rằng, sau khi thay đổi cuộc sống của người ấy, Thầy Giêsu dẫn ông tới những cuộc gặp gỡ mới, những kinh nghiệm tâm linh mới. Không, hoặc ít là không ngay lập tức như vậy. Ðiều đầu tiên Chúa Giêsu đi về nhà ông; tại đó, Matthêu chuẩn bị một bữa tiệc lớn cho Ngài, và "có đông đảo những người thu thuế tham dự" (Lc 5,20. Matthêu trở lại môi trường của mình, nhưng ông trở lại, được thay đổi và có Chúa Giêsu. Lòng nhiệt thành tông đồ của ông không bắt đầu tại một nơi mới, tinh tuyền và lý tưởng, nhưng tại nơi ông sống, với dân chúng quen biết ông. Ðó là sứ điệp đối với chúng ta: chúng ta không được chờ đợi trở nên hoàn hảo và phải hành trình dài theo Chúa Giêsu để làm chứng về Ngài; việc loan báo của chúng ta bắt đầu từ ngày hôm nay, tại nơi chúng ta đang sống. Và không bắt đầu bằng cách thuyết phục người khác, nhưng làm chứng mỗi ngày về vẻ đẹp của tình thương mà Chúa nhìn chúng ta và nâng chúng ta dậy. Thực vậy, như Ðức Giáo hoàng Biển Ðức đã dạy chúng ta, "Giáo hội không chiêu dụ tín đồ. Ðúng hơn, Giáo hội phát triển nhờ sự thu hút" (Bài giảng thánh lễ khai mạc Ðại hội kỳ 5 của hàng GM Mỹ Latinh và Caraibi, 13-5 năm 2007). Chứng tá này thu hút và vui tươi là mục tiêu mà Chúa Giêsu dẫn chúng ta tới với cái nhìn yêu thương của ngài và với sự đi ra ngoài mà Thánh Linh của Ngài khơi lên trong tâm hồn".

Chào thăm và kêu gọi

Sau bài huấn giáo của Ðức Thánh cha, buổi tiếp kiến được nối tiếp với phần tóm tắt bài giáo lý và những lời chào thăm của ngài gửi đến các nhóm hành hương.

Bằng tiếng Anh, Ðức Thánh cha chào các nhóm đến từ Uganda bên Phi châu, Australia, và Mỹ, đồng thời nói thêm rằng "Tôi đặc biệt chào đông đảo các nhóm học sinh, và các linh mục thuộc viện Thần học thường huấn ở Giáo hoàng Học viện Bắc Mỹ ở Roma. Tôi cầu xin Chúa Giêsu Kitô ban niềm vui và an bình trên tất cả anh chị em và gia đình anh chị em".

Với các tín hữu Ba Lan, Ðức Thánh cha nhắc nhở rằng: "Trong những ngày qua, chúng ta đã cảm tạ Chúa vì con người, giáo huấn và tấm gương của Ðức nguyên Giáo hoàng Biển Ðức XVI. Ước gì niềm tin của người khích lệ anh chị em trong sự tăng trưởng tinh thần, dựa trên chân lý Tin mừng và tình huynh đệ, được chứng tỏ trong gia đình, môi trường làm việc và trong đời sống xã hội. Tôi thành tâm chúc lành cho anh chị em".

Bằng tiếng Ý, Ðức Thánh cha khích lệ tất cả mọi người hãy tăng trưởng thêm mỗi ngày trong tình yêu mến đối với Chúa Giêsu, loan báo Tin mừng, nhất là qua cuộc sống chứng tá hiệp thông trong tình bác ái.

Sau cùng, Ðức Thánh cha nhắc đến những người trẻ, người cao niên và các đôi tân hôn, đồng thời nhắc nhở rằng: "Với đà tiến và lòng nhiệt thành của những người tin nơi Chúa Kitô, anh chị em hãy luôn luôn là những người xây dựng hòa bình và hòa hợp, qua sự dấn thân liên lỷ đối thoại với những người lân cận. Và chúng ta đừng quên Ucraina đau thương, luôn ở trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta hãy bày tỏ lòng quý mến đối với dân tộc này, đang chịu những đau khổ dữ dằn, sự gần gũi và kinh nguyện của chúng ta".

Buổi tiếp kiến chung kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Ðức Thánh cha.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page