Công lý đích thực của Thiên Chúa

là lòng xót thương cứu độ

 

Kinh Truyền tin với Ðức Thánh cha: Công lý đích thực của Thiên Chúa là lòng xót thương cứu độ.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 09-01-2023) - Trưa Chúa nhật, mùng 08 tháng Giêng năm 2023, Ðức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự kinh Truyền tin với hàng chục ngàn tín hữu hành hương, dưới bầu trời nắng đẹp.

Huấn dụ của Ðức Thánh cha

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Ðức Thánh cha Phanxicô giải thích bài Tin mừng Chúa nhật lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa.

Mở đầu bài huấn dụ, Ðức Thánh cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay chúng ta mừng lễ Chúa chịu phép rửa và bài Tin mừng trình bày cho chúng ta một cảnh tượng làm ngạc nhiên: đó là lần đầu tiên Chúa Giêsu xuất hiện trước công chúng sau cuộc sống ẩn dật ở Nazareth; Ngài đến bên bờ sông Giordan để chịu phép rửa của thánh Gioan (Mt 3,13-17). Ðó là một nghi thức, qua đó dân chúng thống hối và quyết tâm hoán cải; một thánh ca phụng vụ nói rằng dân chúng đến chịu phép rửa: "tâm hồn và đôi chân trần trụi", nghĩa là với lòng khiêm tốn và con tim minh bạch. Nhưng khi thấy Chúa Giêsu đứng chung với những người tội lỗi, chúng ta ngạc nhiên và tự hỏi: tại sao Ngài quyết định làm như thế, mặc dù Ngài là Ðấng Thánh của Thiên Chúa, Con Thiên Chúa không có tội?

Chúng ta tìm được giải đáp trong câu của Chúa nói với thánh Gioan: "Bây giờ cứ làm đi, vì điều thích hợp là chúng ta hoàn thành mọi công lý" (v.15). Hoàn thành mọi công lý: có nghĩa là gì?

Công lý của Thiên Chúa

Ðức Thánh cha giải thích rằng: "Khi chịu phép rửa, Chúa Giêsu tỏ cho chúng ta công lý của Thiên Chúa mà Ngài đến để mang vào thế giới. Bao nhiêu lần chúng ta có ý tưởng hẹp hòi về công lý và chúng ta nghĩ rằng công lý có nghĩa là: ai lầm lỗi thì phải đền và qua đó sửa chữa thiệt hại đã gây ra. Nhưng công lý của Thiên Chúa, như Thánh kinh dạy, thì cao cả hơn nhiều: công lý không có mục đích lên án kẻ có tội, nhưng cứu vớt và tái sinh họ, làm cho kẻ có tội trở nên công chính. Ðó là công lý đến từ tình thương, vì lòng cảm thương và xót thương là chính con tim của Thiên Chúa, Người Cha cảm động khi chúng ta bị sự ác đè nén và chúng ta ngã dưới gánh nặng của tội lỗi và yếu đuối.

Mục đích Công lý của Chúa

Vì thế, công lý của Thiên Chúa không muốn kết án và ra hình phạt nhưng, như thánh Phaolô nhấn mạnh, công lý này hệ tại làm cho chúng ta là con cái Chúa trở nên công chính (Xc Rm 3,22-31), bằng cách giải thoát chúng ta khỏi những ràng buộc của sự ác, chữa lành chúng ta, nâng chúng ta trỗi dậy. Và khi ấy chúng ta hiểu rằng, bên bờ sông Giordan, Chúa Giêsu tỏ cho chúng ta ý nghĩa sứ mạng của Ngài: Chúa đến để chu toàn công lý của Thiên Chúa, là để cứu vớt những người tội lỗi; Ngài đến để gánh lấy tội lỗi trần thế và xuống nơi nước của vực thẳm, của sự chết, để phục hồi chúng ta và để chúng ta khỏi chết chìm. Chúa tỏ cho chúng ta thấy rằng công lý đích thực của Thiên Chúa là lòng xót thương cứu độ, là tình thương chia sẻ thân phận phàm nhân của chúng ta, trở nên gần gũi, liên đới với đau khổ của chúng ta, đi vào tăm tối của chúng ta để đưa ánh sáng vào.

Ðức Giáo hoàng Biển Ðức XVI đã khẳng định rằng "Thiên Chúa đã muốn cứu độ chúng ta khi chính Ngài đi đến cùng tận vực thẳm sự chết, để mỗi người, cả những người đã sa ngã nặng nề đến độ không còn thấy trời cao, có thể tìm được bàn tay Thiên Chúa, nắm vào và leo lên khỏi tối tăm, nhìn lại ánh sáng mà họ được dựng nên để được hưởng" (Bài giảng 13-1-2008).

Sống công lý của Chúa: Chia sẻ

Anh chị em thân mến, cả chúng ta, các môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta được kêu gọi thực thi công lý theo cách thức đó, trong các tương quan với những người khác, trong Giáo hội, trong xã hội: không phải với sự cứng rắn của người phán xét và lên án, phân chia con người thành những người tốt và kẻ xấu, nhưng là với lòng thương xót của người đón nhận bằng cách chia sẻ những vết thương và yếu đuối của anh chị em, để nâng họ trỗi dậy. Tôi muốn nói điều này: không phải bằng sự chia rẽ, nhưng bằng sự chia sẻ. Không phân rẽ, nhưng chia sẻ. Chúng ta hãy làm như Chúa Giêsu: chúng ta hãy chia sẻ, mang gánh nặng cho nhau, nhìn nhau với lòng cảm thương, giúp đỡ nhau. Chúng ta hãy tự hỏi: tôi có phải là một người chia rẽ hãy chia sẻ? Và giờ đây chúng ta cầu xin Ðức Mẹ, Ðấng đã sinh hạ Chúa Giêsu, đưa Ngài vào trong sự mong manh yếu đuối của chúng ta để chúng ta được phục hồi sự sống.

Chào thăm và kêu gọi

Sau khi đọc kinh và ban phép lành cho mọi người, Ðức Thánh cha đã chào thăm các nhóm tín hữu hành hương. Ngài đặc biệt kêu gọi cầu nguyện cho các nạn nhân chiến tranh tại Ucraina đã mừng lễ Giáng sinh trong cảnh tối tăm, không có điện; cầu nguyện cho các bà mẹ người Ucraina và Nga, có những người con tử trận vì cuộc chiến tranh hiện nay.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page