Ðức Thánh cha tiếp
Ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh
Ðức Thánh cha tiếp Ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (RVA News 09-01-2023) - Sáng thứ Hai, ngày 09 tháng Giêng năm 2023, Ðức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến Ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh. Trong dịp này, Ðức Thánh cha trình bày mối quan tâm và lập trường của Tòa Thánh trước những điểm nóng trên thế giới, đồng thời đề nghị những hướng đi để xây dựng hòa bình.
Buổi tiếp kiến diễn ra tại Hội trường Phép lành, ở lầu trên, phía cuối Ðền thờ thánh Phêrô giống như năm 2022.
Hiện diện trong buổi tiếp kiến, lúc 10 giờ, có đại diện của 183 quốc gia và một số tổ chức quốc tế có tương quan với Tòa Thánh trên cấp đại sứ, cùng với đại diện của chính quyền Palestine. Ngoài ra cũng có đại diện của Liên hiệp Âu châu và Hội Hiệp sĩ Malta. Trong số các vị hiện diện, có 92 vị đại sứ thường trú, tức là thêm bốn nước trong năm qua. Ngoài ra, 91 vị đại diện khác từ các nhiệm sở ở Âu châu cũng đến Vatican trong dịp này.
Về phía Tòa Thánh, có Ðức Hồng y Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cùng với ba vị Tổng giám mục trưởng ba phân bộ: Tổng vụ, ngoại giao và các nhân viên ngoại giao, cùng với các vị phó tổng thư ký của mỗi phân bộ.
Mở đầu cuộc gặp gỡ, Ðại sứ Cộng hòa Cipro cạnh Tòa Thánh, ông George Poulides, niên trưởng đoàn ngoại giao, đã đại diện mọi người chúc mừng Ðức Thánh cha nhân dịp đầu năm mới và nhắc đến những hoạt động của ngài đã mang lại những hướng đi cho cộng đồng các dân nước.
Diễn văn của Ðức Thánh cha
Trong diễn văn dài 50 phút, Ðức Thánh cha đã đề cập đến những thách lớn đang đề ra cho cộng đồng thế giới:
Hiểm họa chiến tranh hạt nhân
Trước tiên là hiểm họa chiến tranh hạt nhân, như cách đây 60 năm, hồi tháng Mười năm 1962, với "cuộc khủng hoảng các tên lửa ở Cuba". Hồi đó, "nhân loại suýt tự hủy diệt nếu không có sự thành công trong việc dành ưu tiên cho đối thoại, với ý thức về những hậu quả của các võ khí hạt nhân."
"Rất tiếc là ngày nay đe dọa hạt nhân đang được nói đến, làm cho thế giới lâm vào tình trạng sợ hãi và lo lắng. Tại đây, tôi tái khẳng định rằng việc sở hữu các võ khí hạt nhân là vô luân, vì, như Ðức Giáo hoàng Gioan XXIII đã nhận xét, "nếu khó tin rằng có những người có khả năng đảm nhận trách nhiệm về tàn phá và những đau khổ mà một cuộc chiến tranh có thể gây ra, người ta không thể loại trừ một sự kiện không lường trước và không kiểm soát nổi có thể làm bật lên tia lửa khởi động guồng máy chiến tranh" (Pacem in terris, 60). Dưới sự đe dọa của các võ khí hạt nhân, tất cả chúng ta luôn luôn là những người thua cuộc!"
Chiến tranh Ucraina
Trong bối cảnh này, Ðức Thánh cha đề cập đến chiến tranh tại Ucraina, một thứ "Thế chiến thứ ba" gieo chết chóc và tàn phá; với những cuộc tấn công các cơ cấu hạ tầng dân sự làm cho nhiều người thiệt mạng, không những vì võ khí và bạo lực, nhưng còn vì đói lạnh. Về điểm này, hiến chế "Vui mừng và Hy vọng" của Công đồng lên án mọi hành vi chiến tranh nhắm phá hủy bừa bãi toàn thành phố hoặc những miền rộng lớn với dân cư trong đó, đó là một tội ác chống lại Thiên Chúa và chính nhân loại, cần phải bị quyết liệt lên án không chút do dự" (GS 80). "Hôm nay, tôi tái kêu gọi ngưng ngay cuộc chiến tranh điên rồ này; hậu quả của nó có liên hệ tới toàn vùng, và cả ngoài Âu châu vì những âm hưởng của nó trong lãnh vực năng lượng và trong lãnh vực sản xuất lương thực, nhất là tại Phi châu và Trung Ðông".
Kêu gọi cho Syria
"Cả năm nay, chúng ta cũng phải coi Syria như một phần đất đau thương. Sự hồi sinh của đất nước này phải tiến qua những cải tổ cần thiết, kể cả về mặt hiến pháp, trong cố gắng mang lại hy vọng cho nhân dân Syria, bị thương tổn vì nghèo đói ngày càng gia tăng, tránh những trừng phạt do quốc tế áp đặt, với những ảnh hưởng trên đời sống thường nhật của dân chúng đã chịu đau khổ quá nhiều rồi".
Palestine và Israel
Ðức Thánh cha nói thêm rằng:
"Tòa Thánh lo âu theo dõi sự gia tăng bạo lực giữa người Palestine và Israel, với hậu quả thê thảm gây ra cho nhiều nạn nhân và làm cho hai bên hoàn toàn bất tín nhiệm nhau. Ðặc biệt, Jerusalem bị thương tổn, vốn là thành thánh đối với người Do thái, Kitô và Hồi giáo. Ơn gọi hòa bình được ghi tên danh xưng của Thành Hòa bình này, nhưng rất tiếc thành trở thành nơi xung đột. Tôi tin tưởng rằng thành này có thể tìm lại ơn gọi của mình, trở thành nơi và biểu tượng gặp gỡ và sống chung hòa bình, và việc tự do lui tới cũng như tự do phụng tự tại các Nơi Thánh tiếp tục được bảo đảm và tôn trọng theo quy chế hiện hữu (Status quo). Ðồng thời, tôi cầu mong chính quyền Israel và Palestine có thể tìm lại can đảm và quyết tâm đối thoại trực tiếp để thi hành giải pháp hai quốc gia trong mọi khía cạnh, phù hợp với công pháp quốc tế và tất cả những nghị quyết liên hệ của Liên Hiệp Quốc".
Congo dân chủ, miền Caucase, Yemen, Ethiopia
Ðức Thánh cha cũng nhắc đến và cầu mong tái lập hòa bình tại miền đông Congo, cũng như hòa bình cho nhân dân Nam Sudan nhờ tiến trình hòa giải quốc gia, giải quyết tình trạng tại miền nam Caucase, tình trạng tại Yemen, tuy có đình chiến nhưng bao nhiêu thường dân tiếp tục chết vì mìn, và tại Ethiopia, tiến trình bình định cần được tiếp tục và cộng đồng quốc tế gia tăng dấn thân giúp đương đầu với khủng hoảng lương thực tại nước này.
Xây dựng hòa bình
Tiếp tục diễn văn trước ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, Ðức Thánh cha đặt câu hỏi: "Trong thời đại có nhiều xung đột hiện nay, làm sao chúng ta có thể nối lại những sợi dây hòa bình? Bắt đầu từ đâu? Và dựa vào thông điệp "Hòa bình dưới thế" (Pacem in terris) của Ðức Giáo hoàng Gioan XXIII thời sự hơn bao giờ hết, Ðức Thánh cha khai triển một số nguyên tắc:
Trước tiên là "hòa bình trong sự thật"
Ðiều này trước tiên có nghĩa là tôn trọng con người, "với quyền hiện hữu và toàn vẹn về thể lý" (Pacem in terris, 6): Các chính quyền cần góp phần tích cực để con người có thể thực thi các quyền này.
Bênh vực phụ nữ
"Mặc dù có những cam kết của mọi quốc gia tôn trọng các quyền con người và các tự do căn bản của mỗi người, nhưng ngày nay, tại nhiều nước, phụ nữ vẫn còn bị coi như những công dân hạng nhì. Họ là đối tượng của bạo hành và lạm dụng, bị phủ nhận quyền học hành, làm việc, biểu lộ tài năng, được săn sóc sức khỏe và thậm chí cả việc được lương thực".
Bảo vệ sự sống
"Hòa bình đòi trước tiên phải bảo vệ sự sống, một thiện ích ngày nay bị lâm nguy, không những vì các cuộc xung đột, đói kém và bệnh tật, như quá nhiều khi sự sống bị đe dọa ngay từ trong lòng mẹ, vì người ta khẳng định cái gọi là "quyền phá thai". Nhưng không ai có thể đòi quyền trên sự sống của người khác, nhất là khi sự sống ấy yếu thế, và không có khả năng tự vệ. Vì thế, - Ðức Thánh cha nói - tôi kêu gọi lương tâm những người nam nữ thiện chí, đặc biệt các vị hữu trách chính trị, hãy nỗ lực bảo vệ các quyền của những người yếu thế nhất, và loại trừ nền văn hóa gạt bỏ, rất tiếc là được áp dụng cho những bệnh nhân, người khuyết tật và người già. Các nhà nước có trách nhiệm đặc biệt bảo đảm sự giúp đỡ các công dân trong mọi giai đoạn của đời sống con người, cho đến lúc chết tự nhiên, làm sao để mỗi người cảm thấy được đồng hành và chăm sóc, kể cả trong những lúc tế nhị nhất của cuộc sống".
Kêu gọi bãi bỏ án tử hình
Trong bối cảnh này, Ðức Thánh cha tái lên án việc thi hành án tử hình, như đang xảy ra tại Iran. "Án tử hình không thể được sử dụng như một thứ công lý của nhà nước, vì nó không phải là điều làm cho người ta nể sợ, và cũng chẳng mang lại công lý cho các nạn nhân, nhưng chỉ nuôi dưỡng khát vọng trả thù".
Mùa đông dân số
Ngoài ra, Ðức Thánh cha kêu gọi loại trừ thái độ sợ hãi đối với đời sống, được biểu lộ tại nhiều nơi, qua sự lo sợ tương lai và những khó khăn trong việc lập gia đình và sinh sản con cái. Ngài đặc biệt nhắc đến mùa đông dân số trầm trọng tại nước Ý, và tái khuyến khích nhân dân Ý kiên trì và hy vọng đương đầu với những thách đố trong lãnh vực này, với những căn cội vững chắc của mình về tôn giáo và văn hóa".
Bênh vực tự do tôn giáo
Ðức Thánh cha khẳng định thêm rằng "Hòa bình cũng đòi các nơi phải nhìn nhận tự do tôn giáo. Thật là điều đáng lo âu khi có những người bị bách hại chỉ vì họ công khai tuyên xưng niềm tin của họ và tại nhiều nước, tự do tôn giáo bị giới hạn. Khoảng một phần ba dân số thế giới sống trong tình trạng này. Cùng với sự thiếu tự do tôn giáo, cũng có sự bách hại vì những lý do tôn giáo..."
Về vấn đề này, Ðức Thánh cha cầu mong vị Tân Ðặc phái của Liên hiệp Âu châu đặc trách thăng tiến tự do tôn giáo và tín ngưỡng ngoài Liên hiệp Âu châu có thể có những tài nguyên và phương tiện cần thiết để thi hành thích đáng sứ vụ của mình".
Ðức Thánh cha cũng kêu gọi đừng quên rằng bạo lực và kỳ thị chống các Kitô hữu đang gia tang, kể cả tại những nước Kitô giáo không phải là thiểu số. Ngài nói: "Tự do tôn giáo cũng bị lâm nguy tại những nơi các tín hữu bị thu hẹp quyền được biểu lộ xác tín của mình trong lãnh vực đời sống xã hội, nhân danh một ý niệm bị hiểu sai về sự bao gồm. Tự do tôn giáo không thể bị thu hẹp vào tự do phụng tự mà thôi, nó là một trong những điều tối thiểu cần phải có để sống một cách xứng đáng, và các chính phủ có nghĩa vụ phải bảo vệ và bảo đảm cho mỗi người, phù hợp với công ích, cơ hội được hành động theo lương tâm của họ trong lãnh vực đời sống công cộng và trong việc thực thi nghề nghệp".
Hòa bình trong công lý
Chống thực dân ý thức hệ
Trong phần kế tiếp của bài diễn văn, Ðức Thánh cha cũng bàn về hòa bình trong công lý. Ngài tố giác việc sử dụng tài nguyên ngày càng nhiều để ép buộc các nước nghèo phải chấp nhận một số ý thức hệ, thì mới được viện trợ. Ðó là những hình thức thực dân ý thức hệ... Ngài nhắc lại cuộc viếng thăm hồi năm ngoái tại Canada và có thể chứng kiến cụ thể những hậu quả của chế độ thực dân, đặc biệt nơi các thổ dân bản xứ, họ đã phải chịu đau khổ vì những chính sách đồng hóa trong quá khứ. "Nơi nào người ta tìm cách áp đặt cho các văn hóa khác những hình thức tư tưởng không thuộc về họ thì mở đường cho những đụng độ khốc liệt và đôi khi đưa tới bạo lực".
Hòa bình trong liên đới
Khi bàn về hòa bình trong liên đới, Ðức Thánh cha kêu gọi giải quyết vấn đề di dân có phối hợp, thay vì tình trạng hiện nay, mạnh ai nấy lo. Ngài bênh vực quyền tự do di chuyển, di cư sang các cộng đoàn khác về chính trị và quyền định cư cũng như quyền trở về quê hương. Trong bối cảnh này, ngài kêu gọi chấp thuận một hiệp ước mới về di dân và tị nạn, để áp dụng các chính sách thích hợp tiếp đón, đồng hành, thăng tiến và hội nhập người di dân.
Ngoài ra, Ðức Thánh cha cổ võ một hệ thống kinh tế liên đới, thay vì chỉ nhắm kiến tạo lợi nhuận cho một thiểu số hơn là tạo cơ may an sinh cho nhiều người.
Hơn nữa, cần đẩy mạnh việc săn sóc căn nhà chung của chúng ta, một vấn đề cấp thiết trước những thay đổi khí hậu... (Rei 9-1-2023)
Vài nét về ngoại giao Tòa Thánh
Hiện nay, Tòa Thánh có quan hệ ngoại giao trên cấp Sứ thần và Ðại sứ với 183 quốc gia, tức là với hầu hết các nước trên thế giới.
Hiện nay trên thế giới còn 13 nước chưa có quan hệ ngoại giao hoàn toàn với Tòa Thánh, trong đó có 5 nước có đại diện Tòa Thánh cạnh Giáo hội địa phương, nhưng không có tư cách ngoại giao trước mặt chính phủ, như trường hợp Việt Nam, Lào, Brunei, Comore, Somalia bên Phi châu. 8 nước còn lại hoàn toàn không có liên hệ nào với Tòa Thánh và cũng không có đại diện của Tòa Thánh, như Afghanistan, Bắc Triều Tiên, Arập Sauđi, Bhutan, Maldive, Oman và Tuvalu.
Tòa Thánh hiện có 180 sứ bộ ngoại giao tại nước ngoài, trong đó có 73 nước không có Sứ thần thường trú của Tòa Thánh, 106 nước trong đó vị Sứ thần kiêm nhiệm nhiều nhiệm sở.