Hãy đón nhận tất cả những gì

Chúa gửi đến cho chúng ta trong tình yêu

 

Tiếp kiến chung của Ðức Thánh cha: Hãy đón nhận tất cả những gì Chúa gửi đến cho chúng ta trong tình yêu.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 29-12-2022) - Sáng thứ Tư, ngày 28 tháng Mười Hai năm 2022, tại Ðại thính đường Phaolô VI ở nội thành Vatican, Ðức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến chung khoảng 6,000 tín hữu hành hương ngồi chật hội trường.

Mở đầu, mọi người đã nghe đọc đoạn 2 (15.16) trong Tin mừng theo thánh Luca: "Khi các thiên thần vừa rời khỏi đó để lên trời, các mục tử nói với nhau: "Vậy chúng ta hãy đi tới Bethlehem, xem điều mà Chúa đã cho chúng ta biết". Họ mau lẹ ra đi và đã tìm thấy Mẹ Maria và thánh Giuse cùng với Hài Nhi, nằm trong máng cỏ".

Bài giáo lý

Trong bài huấn giáo tiếp đó, Ðức Thánh cha trình bày đề tài: "Giáng sinh với thánh Phanxicô Salê".

Ðức Thánh cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em! Và chúc mừng lễ Giáng sinh!

Mùa phụng vụ mời gọi chúng ta dừng lại suy tư về mầu nhiệm Giáng sinh. Và vì hôm nay là kỷ niệm 400 năm qua đời của thánh Phanxicô Salê, giám mục và tiến sĩ Hội thánh, chúng ta có thể lấy từ vài điểm trong tư tưởng của thánh nhân. Nhân dịp này, tôi vui mừng thông báo rằng hôm nay có công bố Tông thư kỷ niệm biến cố ấy, với tựa đề "Tất cả thuộc về tình yêu", lấy lại thành ngữ tiêu biểu của thánh Giám mục thành Genève. Thực vậy, thánh nhân đã viết trong "Khảo luận về tình yêu Thiên Chúa" rằng: "Trong Hội thánh, tất cả thuộc về tình yêu, sống trong tình yêu, hoạt động vì tình yêu và đến từ tình yêu" (Ed. Paoline, Milano 1989, p.80).

Giáo huấn của thánh Phanxicô Salê về lễ Giáng sinh

Vậy chúng ta tìm cách đào sâu một chút "mầu nhiệm Giáng sinh của Chúa GIêsu "được thánh Phanxicô Salê đồng hành".

Thánh nhân, qua một trong rất nhiều thư gửi thánh nữ Giovanna Francesca Chantal, đã viết: "Tôi dường như thấy Salomon trên ngai lớn bằng ngà voi, mạ vàng và trạm trổ, không có ai sánh bằng trong bất kỳ vương quốc nào, như Kinh thánh đã nói (1 Vua 10,18-20); tóm lại là tôi thấy vị vua khôn sánh trong quang vinh và huy hoàng (Xc 1 Vua 10,23). Nhưng tôi thích hàng trăm ngàn lần được thấy Chúa Hài Ðồng bé nhỏ trong máng cỏ, hơn là tất cả các vị vua trên ngai vàng của họ" (1). Chúa Giêsu, Vua Vũ Trụ, không hề ngồi trên ngai nào: Ngài sinh ra trong một chuồng súc vật, được bọc trong tã và nằm trong một máng có; và sau cùng đã chết trên một thập giá, và được bọc trong một khăn liệm, táng trong mộ. Thực vậy, thánh sử Tin mừng Luca, khi kể lại việc Chúa Giêsu sinh ra, nhấn mạnh nhiều về đặc điểm của máng cỏ. Ðiều này muốn nói rằng đây là điều rất quan trọng không những như một chi tiết về trú ngụ, nhưng như một yếu tố biểu tượng để hiểu Ðấng đã sinh ra tại Bethlehem bởi Trinh Nữ Maria là Ðấng Messia thuộc loại nào, nói tắt lại Chúa Giêsu là ai. Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa Ðấng cứu vớt chúng ta bằng cách làm người, cởi bỏ vinh quang của Ngài và hạ mình (Xc Pl 2,7-8). Mầu nhiệm ấy chúng ta thấy một cách cụ thể nơi điểm hội tụ là hang đá máng có, nghĩa là Chúa Hài Ðồng nằm trong một máng ăn của súc vật. Ðó là "dấu hiệu" Thiên Chúa ban cho chúng ta trong lễ Giáng sinh: là dấu hiệu đối với những người chăn chiên ở Bethlehem (Xc Lc 2,12), cũng là dấu chi ngày nay và mãi mãi.

Chúa thu hút chúng ta bằng tình yêu

Dấu chỉ này tỏ cho chúng ta thấy "lối hành động của Thiên Chúa, là sự gần gũi, cảm thương và dịu dàng. Qua cách thức này, Thiên Chúa lôi kéo chúng ta đến cùng Ngài. Chúa không nắm bắt chúng ta bằng võ lực, không áp đặt chân lý và công lý của Ngài cho chúng ta.

Trong một thư khác gởi một nữ tu, vẫn trong bối cảnh Lễ Giáng sinh, thánh Phanxicô Salê viết: "Nam châm thu hút sắt và hổ phách (l'ambra) thu hút rơm rạ. Vậy mà dù chúng ta là sắt vì sự cứng cỏi của chúng ta, hay là rơm vì sự yếu đuối của chúng ta, chúng ta phải làm sao để được Chúa Hài Ðồng thu hút". Nhiều khi chúng ta là "sắt", nghĩa là chúng ta cứng cỏi, cứng nhắc, lạnh lùng. Những lần khác chúng ta là 'rơm", nghĩa là mong manh, yếu đuối, bất nhất. Khi ấy Thiên Chúa tìm cách thu hút chúng ta dù chúng ta thế nào đi nữa: thu hút bằng tình yêu. Không phải là một tình yêu chiếm đoạt và ích kỷ, như quá nhiều khi xảy ra trong tình yêu của con người. Tình yêu của Chúa là hồng ân tinh tuyền, ân phúc thuần khiết, và chỉ vì chúng ta, vì lợi ích của chúng ta. Chúa lôi kéo chúng ta như thế, với một tình yêu nhưng không và tha thiết.

Ý nghĩa cảnh nghèo của hang đá

Một khía cạnh khác nổi bật trong hang đá là cảnh nghèo, được hiểu như một sự từ bỏ mọi thứ phù du của thế gian. Thánh Phanxicô Salê viết tiếp: "Lạy Thiên Chúa của con! Có bao nhiêu tâm tình yêu thương thánh thiên mà sự giáng sinh này làm nảy sinh nơi tâm hồn chúng con! Nhưng nhất là sự giáng sinh của Chúa dạy chúng con hoàn toàn từ bỏ mọi của cải, tất cả những hào nhoáng của trần thế này. Con không biết, nhưng con không tìm thấy một mầu nhiệm khác có trộn lẫn hòa hợp sự dịu dàng và khổ hạnh, yêu thương và nghiêm nghị, sự ngọt ngào và cay đắng" (3). Ðúng vậy, chúng ta hãy chú ý đừng rơi vào thái độ trần tục hóa lễ Giáng sinh, biến lễ này thành một lễ tiêu thụ và ngọt ngào. Không phải vậy, tình yêu Thiên Chúa không ngọt xớt, như máng cỏ của Chúa tỏ cho chúng ta thấy. Ðó không phải là một thứ tốt lành giả hình che đậy sự tìm kiếm lạc thú và tiện nghi. Những người lớn tuổi trong chúng ta, đã trải qua chiến tranh và đói khổ, đều biết rõ: Giáng sinh là lễ vui mừng, và lễ mừng, đó là điều chắc chắn, nhưng là lễ trong sự đơn sơ và tiết kiệm.

Và chúng ta kết luận với một tư tưởng của thánh Phanxicô đệ Salê mà tôi lấy lại cả trong Tông thư. Thánh nhân đọc cho các nữ tu dòng Thăm Viếng - hai ngày trước khi qua đời, ngày 26 tháng Mười Hai năm 1622. Ngài nói: "Chị em có thấy Chúa Giêsu Hài đồng trong nôi máng cỏ không? Ngài nhận tất cả những cam go của thời tiết, giá lạnh và tất cả những gì Chúa Cha cho phép xảy ra cho Ngài. Ngài không từ khước những an ủi bé nhỏ mà Mẹ Ngài dành cho Ngài, và không hề kể lại Ngài chẳng hề giơ tay để được sữa mẹ, nhưng phó thác tất cả cho sự chăm sóc và lo liệu của Mẹ; vì thế chúng ta không được ao ước gì và cũng chẳng từ khước điều gì, hãy chịu đựng tất cả những gì Thiên Chúa gửi tới chúng ta, giá lạnh và những cam go của thời tiết" (4).

Anh chị em thân mến, có một giáo huấn cao cả, đến từ Chúa Hài Ðồng Giêsu, qua sự khôn ngoan của thánh Phanxicô đệ Salê: đừng mơ ước điều gì và cũng đừng từ chối điều gì, hãy chấp nhận tất cả những gì Chúa gửi đến cho chúng ta. Nhưng hãy chú ý! luôn luôn và chỉ vì tình yêu, vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta và luôn luôn, chỉ muốn điều tốt lành cho chúng ta.

Tôi cầu chúc tất cả anh chị em và gia đình một lễ Giáng sinh tốt đẹp và bắt đầu một năm mới tốt lành!

Chào thăm và kêu gọi

Sau bài huấn giáo của Ðức Thánh cha, buổi tiếp kiến được nối tiếp với phần tóm tắt bài giáo lý và những lời chào thăm của ngài gửi đến các nhóm hành hương.

Bằng tiếng Ba Lan, Ðức Thánh cha đặc biệt nhắc nhở rằng trong lịch sử nhân loại, tiếng nói cuối cùng thuộc về Thiên Chúa, vì tất cả đều thuộc về tình yêu.

Bằng tiếng Ý, Ðức Thánh cha khuyến khích mọi người hãy trở thành những chứng nhân vui tươi của tình yêu Thiên Chúa trong các cộng đoàn liên hệ. Ngài đặc biệt chào các thiếu niên thuộc Phong trào Focolare, Tổ Ấm, đến từ nhiều nước và khuyến khích họ tin tưởng phó thác cho Chúa Giêsu là người bạn trung tín không bao giờ phản bội.

Ngài cũng xin các tín hữu đặc biệt cầu nguyện cho Ðức nguyên Giáo hoàng Biển Ðức XVI đang bệnh nặng.

Sau cùng, Ðức Thánh cha nhắc đến những người trẻ, người cao niên và các đôi tân hôn. Ngài nói: Xin Chúa Hài Ðồng ban cho anh chị em ánh sáng và ơn an ủi của Chúa. Xin Chúa ban cho Ucraina đau thương, bị chiến tranh đàn áp tàn bạo, được hòa bình như lòng mong ước.

Buổi tiếp kiến chung kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Ðức Thánh cha.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page