Ðức Thánh cha cử hành Lễ Vọng Giáng sinh

 

Ðức Thánh cha cử hành Lễ Vọng Giáng sinh.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 25-12-2022) - Ðức Thánh cha Phanxicô mời gọi các tín hữu tín thác nơi tình thương của Chúa, tình thương được biểu lộ qua việc Chúa chọn sinh ra và được đặt nơi máng cỏ, biểu lộ sự gần gũi với thân phận con người.

Ðức Thánh cha đưa ra lời nhắn nhủ trên đây, trong bài giảng lễ Vọng Giáng sinh, cử hành lúc 7 giờ 30 tối ngày 24 tháng Mười Hai năm 2022. Ðồng tế với Ðức Thánh cha, có hơn 30 hồng y và giám mục, cùng với khoảng 120 linh mục đồng tế, trước sự hiện diện của 7,000 tín hữu.

Ðầu thánh lễ, sau bài công bố sự giáng sinh của Chúa Cứu Thế, 10 em bé thuộc các quốc tịch khác nhau, đã dâng hoa đặt hoa quanh tượng Chúa Hài Ðồng trước bàn thờ.

Bài giảng của Ðức Thánh cha

Trong bài giảng thánh lễ, Ðức Thánh cha dựa vào hình ảnh trong bài Tin mừng theo thánh Luca về sự giáng sinh của Chúa Giêsu, đặc biệt là hình ảnh máng cỏ, nơi Mẹ Maria đặt Chúa Hài Nhi, để rút từ đó ba ý tưởng mà ngài quảng diễn, đó là sự gần gũi, nghèo khó và cụ thể.

Trước tiên là sự gần gũi. "Hình ảnh máng cỏ có thể tượng trưng một khía cạnh của nhân loại: thái độ phàm ăn trong việc tiêu thụ. Vì trong khi súc vật trong "chuồng" tiêu thụ lương thực, thì con người, trên thế giới, đói khát quyền lực và của cải, cũng tiêu thụ những người lân cận, anh chị em của họ. Bao nhiêu là chiến tranh! Và tại bao nhiêu nơi, cả ngày nay, phẩm giá và tự do bị chà đạp. Cả trong dịp Giáng sinh này, một nhân loại ham mê tiền bạc, quyền hành và khoái lạc, không dành chỗ cho Chúa Giêsu, cho những người bé nhỏ nhất, bao nhiêu hài nhi sắp sinh ra, những người nghèo, những người bị lãng quên. Nhất là tôi nghĩ đến các trẻ em bị chiến tranh, nghèo đói và bất công nuốt chửng. Nhưng Chúa Giêsu đến tại đó, như Hài Nhi trong máng cỏ của sự gạt bỏ và từ khước. Nơi Ngài, Hài Nhi Bethlehem, có mỗi trẻ em. Và có lời mời gọi hãy nhìn cuộc sống, chính trị và lịch sử với đôi mắt của trẻ em".

Và Ðức Thánh cha nói rằng: "Anh chị em, đêm nay, Thiên Chúa trở nên gần gũi với anh chị em như lương thực đối với cuộc sống của anh chị em... Máng cỏ giáng sinh, sứ điệp đầu tiên của một Thiên Chúa Hài Nhi, nói với chúng ta rằng Chúa ở với chúng ta, yêu thương, tìm kiếm chúng ta. Vậy hãy can đảm lên, đừng để mình bị sợ hãi, thái độ cam chịu và nản chí chiến thắng. Thiên Chúa sinh ra trong máng cỏ để làm cho anh chị em tái sinh từ đó, nơi mà anh chị em nghĩ mình đã rơi vào tình trạng tột cùng. Không có sự ác, không có tội lỗi nào mà Thiên Chúa không muốn và không thể cứu vớt anh chị. Lễ Giáng sinh có nghĩa là Thiên Chúa gần gũi: anh chị em hãy tái tín thác!"

Ý nghĩa thứ hai mà hình ảnh máng cỏ muốn nói với chúng ta là sự nghèo khó. Quanh máng có chỉ có những người nghèo. Nhưng "máng cỏ nghèo nàn làm nảy sinh những sự phong phú đích thực của cuộc sống, không phải là tiền bạc và quyền hành, nhưng là những tương quan và con người.

Sự phong phú, sự giàu sang đầu tiên là Chúa Giêsu, nhưng chúng ta có muốn ở cạnh Người không? Hay chúng ta thích ở thoải mái trong những lợi lộc của chúng ta. Nhất là chúng ta có muốn viếng thăm Chúa tại nơi Người cư ngụ, nghĩa là trong các máng cỏ nghèo nàn của thế giới hay không? Và chúng ta được kêu gọi trở thành một Giáo hội tôn thờ Chúa Giêsu nghèo khó và phụng sự Chúa nơi những người nghèo.

Sang đến điểm cuối cùng: máng cỏ nói với chúng ta về sự cụ thể. "Chúa Giêsu sinh ra khó nghèo, sống nghèo và chết nghèo, Người không làm bao nhiêu diễn văn về khó nghèo, nhưng đã sống khó nghèo đến tận cùng vì chúng ta. Từ máng cỏ đến thập giá, tình thương của Chúa đối với chúng ta thật là cụ thể. Chúa không yêu thương chúng ta bằng những lời nói suông, không yêu chúng ta như đùa giỡn! Chúa sinh ra nơi máng cỏ, tìm kiếm một niềm tin cụ thể, được thể hiện qua sự thờ lạy và bác ái, không bằng những lời tầm phào và vẻ bề ngoài.

Và Ðức Thánh cha kết luận với lời cầu nguyện: "Lạy Chúa Giêsu, chúng con nhìn lên Chúa nằm trong máng cỏ. Chúng con thấy Chúa rất gần gũi, luôn luôn gần chúng con: cảm tạ Chúa. Chúng con thấy Chúa nghèo, để dạy chúng con rằng sự giàu sang đích thực không hệ tại sự vật, nhưng là nơi con người, nhất là nơi những người nghèo: Xin tha lỗi cho chúng con nếu chúng con đã không nhận ra Chúa nơi họ. Chúng con thấy Chúa cụ thể, vì tình thương của Chúa đối với chúng con thật là cụ thể: xin giúp chúng con cụ thể hóa niềm tin của chúng con. Amen"

Ý nguyện

Trong phần các lời nguyện phổ quát, cộng đoàn đã lần lượt cầu nguyện cho Hội Thánh của Thiên Chúa, cho Ðức Thánh cha Phanxicô, các chính quyền và các tổ chức quốc tế, cho những người đang chịu đau khổ trong thân xác và tinh thần, sau cùng là cho các thế hệ trẻ.

(Rei 24-12-2022)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page