Sự phân định có mục đích giúp chúng ta
nhận ra ơn cứu độ Chúa ban
Tiếp kiến chung của Ðức Thánh cha: Sự phân định có mục đích giúp chúng ta nhận ra ơn cứu độ Chúa ban.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (RVA News 22-12-2022) - Sáng thứ Tư, ngày 21 tháng Mười Hai năm 2022, tại Ðại thính đường Phaolô VI ở nội thành Vatican, Ðức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến chung khoảng 4,000 tín hữu hành hương.
Như thường lệ, đầu buổi tiếp kiến, mọi người lắng nghe một đoạn Sách Thánh, lần này là Thánh vịnh 119 (33-35.105):
"Lạy Chúa, xin dạy con đường lối thánh chỉ, con nguyện đi theo mãi đến cùng. Xin cho con được trí thông minh để vâng theo Luật Ngài và hết lòng tuân giữ. Trên đường mệnh lệnh Chúa, xin dẫn con đi vì con ưa thích đường lối đó. Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi".
Bài giáo lý
Trong bài huấn giáo tiếp đó, Ðức Thánh cha tiếp tục đề tài về sự phân định.
Ðức Thánh cha nói:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
"Ai đã theo dõi các bài giáo lý cho đến nay có thể nghĩ rằng: thực hiện sự phân định sao mà phức tạp quá! Trong thực tế, chính cuộc sống mới là phức tạp, và nếu chúng ta không học cách đọc cuộc sống, thì chúng ta có nguy cơ làm uổng phí cuộc đời, sống với những thứ "mánh mung" rốt cuộc làm giảm giá cuộc sống.
Trong cuộc gặp gỡ đầu tiên, chúng ta đã thấy rằng mỗi ngày, dù muốn hay không, chúng ta đều thực hiện những hành vi phân định, phân định trong những gì chúng ta ăn, đọc, về công việc, phân định trong các tương quan. Cuộc sống luôn đặt chúng ta đứng trước những chọn lựa, và nếu chúng ta không thực hiện nó một cách ý thức, thì sau cùng chính cuộc đời chọn cho chúng ta, đưa chúng ta đi tới chỗ chúng ta không muốn.
Những trợ giúp để phân định
Nhưng chúng ta không thực hiện phân định một mình. Hôm nay, chúng ta bàn tới một vài trợ giúp có thể làm cho việc thực hiện quan trọng này trong đời sống thiêng liêng trở nên dễ dàng hơn, cho dù một cách nào đó chúng ta đã gặp chúng trong loạt bài giáo lý này.
Lời Chúa và đạo lý Hội thánh
Trợ lực đầu tiên không thể thiếu được, đó là đối chiếu với Lời Chúa và đạo lý của Giáo hội. Những yếu tố này giúp chúng ta đọc những gì xảy ra trong tâm hồn, học cách nhận ra tiếng Chúa và phân biệt với các thứ tiếng nói khác, dường như buộc chúng ta phải lưu ý, nhưng sau cùng, chúng để cho chúng ta hoang mang. Kinh thánh cảnh giác chúng ta rằng tiếng Chúa vang dội trong sự bình tĩnh, chú tâm, và thinh lặng. Chúng ta hãy nghĩ đến kinh nghiệm của ngôn sứ Elia: Chúa nói với ông không phải qua luồng gió mạnh mẽ làm vỡ vách đá, cũng chẳng phải trong ngọn lửa hay động đất, nhưng trong một luồng gió nhẹ (Xc 1 V 19,11-12). Ðó là một hình ảnh rất đẹp. Tiếng Chúa không áp đặt, nhưng kín đáo, tôn trọng, và chính vì thế tiếng Chúa tạo nên an bình. Chỉ trong an bình chúng ta mới có thể đi vào nội tâm sâu thẳm của chính mình và nhận ra những ước muốn chân chính mà Chúa đã đặt trong con tim chúng ta.
Ðối với tín hữu, Lời Chúa không chỉ là một văn bản để đọc, nhưng là một sự hiện diện sinh động, hoạt động của Chúa Thánh Linh, Ðấng an ủi, giáo huấn, ban ánh sáng, sức mạnh, bồi dưỡng và ban niềm vui sống. Ðó thực là điều báo trước thiên đàng. Thánh Ambrosio một vị đại thánh và là đại mục tử, đã hiểu rõ điều đó, khi ngài viết: "Khi tôi đọc Kinh thánh, Thiên Chúa tái đi dạo trong vườn địa đàng" (Lett. 49,3).
Tương quan với Chúa Giêsu
Lòng yêu mến Kinh thánh giúp sống tương quan yêu mến với Chúa Giêsu, và là một trợ lực khác không thể thiếu được và không phải là điều hiển nhiên. Nhiều lần chúng ta có một ý nghĩ sai trái về Thiên Chúa, coi Ngài như một vị thẩm phán nghiệt ngã, nghiêm khắc, sẵn sàng bắt lỗi chúng ta. Trái lại, Chúa Giêsu tỏ cho chúng ta một vị Thiên Chúa đầy cảm thương và dịu dàng, sẵn sàng hy sinh bản thân miễn là đến gần gặp gỡ chúng ta, như người cha trong dụ ngôn người con hoang đàng (Xc Lc 15, 11-32). Ai ở lại trước thập giá thì cảm thấy một niềm an bình mới, học cách không sợ hãi Thiên Chúa, vì Chúa Giêsu, trên thập giá, không làm ai sợ hãi. Ngài là hình ảnh sự bất lực hoàn toàn và đồng thời là hình ảnh tình thương trọn vẹn nhất, có khả năng đương đầu với mọi thử thách cho chúng ta. Các thánh đã luôn có lòng yêu thương đặc biệt đối với Ðấng Chịu Ðóng Ðinh. Trình thuật về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu là con đường tuyệt hảo để đương đầu với sự ác mà không bị nó đảo lộn; trên con đường đó, không có phán xét cũng chẳng có sự cam chịu, vì nó được một ánh sáng lớn hơn chiếu qua, là ánh sáng Phục sinh, giúp nhìn trong những hành động kinh khủng ấy một kế hoạch lớn hơn, mà không một cản trở, chướng ngại hoặc thất bại nào có thể làm tan biến.
Thật là đẹp khi nghĩ đến cuộc sống với Chúa như một tương quan thân hữu, tăng trưởng ngày qua ngày. Tình bạn với Chúa có khả năng thay đổi con tim; đó là một trong những ơn lớn nhất của Chúa Thánh Linh, lòng hiếu kính, làm cho chúng ta nhận ra tình phụ tử của Chúa. Chúng ta có một người Cha dịu hiền, từ ái, yêu thương chúng ta. Người đã yêu thương chúng ta từ thuở đời đời: khi cảm nghiệm điều đó, tâm hồn ta trở nên thanh thản, và mọi nghi ngờ, sợ hãi sẽ tan biến, cùng với cảm giác bất xứng.
Ơn Chúa Thánh Linh
Và điều này nhắc nhớ chúng ta một trợ lực lớn khác, đó là ơn Chúa Thánh Linh hiện diện trong chúng ta, dạy bảo chúng ta, làm cho Lời Chúa mà chúng ta đọc trở nên sinh động, gợi cho chúng ta những ý nghĩa mới, mở những cánh cửa dường như khép kín, chỉ cho thấy những con đường sự sống, nơi mà dường như chỉ có tối tăm và hoang mang. Chúa Thánh Linh là sự phân định đang hoạt động, sự hiện diện của Thiên Chúa trong chúng ta, là hồng ân lớn nhất mà Chúa Cha bảo đảm cho những người cầu xin (xc Lc 11,13).
Trong các Giờ Kinh Phụng Vụ, chúng ta bắt đầu những lúc cầu nguyện chính trong ngày với lời cầu xin: "Lạy Chúa xin đến cứu thoát con, xin mau đến phù trợ con. Lạy Chúa xin giúp con!" vì một mình con không thể tiến bước, không thể yêu mến, không thể sống. Lời khẩn cầu ơn cứu độ như thế là lời cầu xin không thể hủy bỏ, nảy sinh từ sâu thẳm con người chúng ta. Sự phân định có mục đích giúp ta nhận ra ơn cứu độ Chúa ban trong đời sống chúng ta, nhắc nhớ ta rằng ta không bao giờ lẻ loi và, nếu ta đang chiến đấu, chính vì đó là điều quan trọng. Với những trợ lực mà Chúa ban cho chúng ta như thế, chúng ta không phải sợ hãi".
Chào thăm và kêu gọi
Sau bài huấn giáo của Ðức Thánh cha, buổi tiếp kiến được nối tiếp với phần tóm tắt bài giáo lý và những lời chào thăm của ngài gửi đến các nhóm hành hương.
Bằng tiếng Anh, Ðức Thánh cha nhắc nhớ rằng Lễ Giáng sinh đã gần kề và ngài cầu xin Chúa ban cho các tín hữu và gia đình họ niềm vui và an bình của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa và là vị Vua Hòa Bình.
Khi chào các tín hữu Ba Lan, Ðức Thánh cha cầu chúc mọi người Lễ Giáng sinh thánh thiện. Ngài nói: "Theo truyền thống của anh chị em, trong buổi canh thức vọng Giáng sinh, anh chị em dành một chỗ trống nơi bàn ăn cho người khách bất ngờ. Năm nay sẽ dành cho nhiều người tị nạn đến từ Ucraina, mà anh chị em đã mở cửa nhà quảng đại đón tiếp. Xin Con Thiên Chúa sinh ra tại Bêlem ban dồi dào tình thương cho mỗi người, cho gia đình anh chị em và những người anh chị em giúp đỡ. Xin Chúa ban an bình cho mọi người thiện chí.
Sau cùng, Ðức Thánh cha nghĩ đến những người trẻ, người cao niên và các đôi tân hôn. Ngài nói: Ước gì Chúa Giáng sinh ban cho tất cả anh chị em một sự an ủi nội tâm, ban cho anh chị em niềm vui vì cảm thấy được Thiên Chúa trở nên bé nhỏ yêu thương.
Ðức Thánh cha ứng khẩu nói thêm rằng: "Tôi nghĩ đến bao nhiêu trẻ em đang chịu đau khổ ở Ucraina. Khi tôi thấy vài em Ucraina ở đây, tôi thấy phần lớn các em đều không tươi cười. Ðây là hậu quả một sự điên rồ của cuộc chiến tranh vô nhân đạo. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các em và cho hòa bình được lập lại càng sớm càng tốt.
Buổi tiếp kiến kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Ðức Thánh cha.