Người môn đệ tốt thì luôn biết tỉnh thức

 

Tiếp kiến chung của Ðức Thánh cha: Người môn đệ tốt thì luôn biết tỉnh thức.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 14-12-2022) -Sáng thứ Tư, ngày 14 tháng Mười Hai năm 2022, Ðức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến chung khoảng 5,000 tín hữu hành hương, tại Ðại thính đường Phaolô VI ở nội thành Vatican, trong khi ngoài trời trời mưa nặng hạt.

Ðầu buổi tiếp kiến, mọi người lắng nghe một đoạn sách thánh, trích từ Tin mừng theo thánh Matthêu, đoạn 12, 43-45, do tám độc viên đọc bằng các ngôn ngữ khác nhau:

"Khi thần ô uế xuất khỏi người ấy, thì nó đi rảo qua những nơi khô cháy, tìm chốn nghỉ ngơi mà tìm không ra. Bấy giờ nó nói: "Ta sẽ trở về nhà ta, nơi ta đã bỏ ra đi". Khi đến nơi nó thấy nhà để trống, lại được quét tước trang hoàng hẳn hoi. Nó liền đi kéo thêm bảy thần khác dữ hơn nó, và chúng vào ở đó. Rốt cuộc tình trạng người ấy còn tệ hơn trước. Thế hệ gian ác này rồi cũng sẽ như vậy".

Bài huấn giáo

Trong bài giáo lý tiếp đó, Ðức Thánh cha tiếp tục đề tài về sự phân định và bài thứ 12 này có tựa đề: "Sự tỉnh thức".

Ðức Thánh cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Cần cảnh giác, tỉnh thức

Nay chúng ta bước vào giai đoạn kết thúc hành trình huấn giáo này về sự phân định. Chúng ta đã khởi hành từ gương của thánh Ignatio Loyola; rồi chúng ta cứu xét các yếu tố của sự phân định - nghĩa là cầu nguyện, nhận biết mình, ước muốn và "cuốn sách đời sống" -; chúng ta đã dừng lại nơi sự sầu muộn và an ủi, họp thành "chất liệu" của phân định; và chúng ta đi tới việc khẳng định sự chọn lựa.

Chúa dạy phải tỉnh thức

Tôi thấy tới điểm này, cần nói đến một thái độ thiết yếu để không bị đánh mất toàn thể công việc được thực hiện để phân định rõ hơn và đưa ra quyết định tốt: đó là thái độ tỉnh thức. Thực vậy, trong thực tế có rủi ro, như chúng ta đã nghe trong đoạn Tin mừng vừa đọc. Có rủi ro vì nó làm hỏng công việc, nghĩa là Ma Quỷ có thể làm hỏng mọi sự, đưa chúng ta trở lại điểm khởi hành, có khi còn ở trong một tình trạng tệ hơn nữa. Vì thế, việc tỉnh thức là điều không thể thiếu được. Do đó, hôm nay tôi thấy nên làm nổi bật thái độ này, một thái độ mà tất cả chúng ta đều cần, để tiến trình phân định đạt đích tốt đẹp.

Thực vậy, trong bài giảng, Chúa Giêsu nhấn mạnh nhiều về sự kiện người môn đệ tốt thì tỉnh thức, không ngủ quên, không để mình quá yên tâm khi sự việc tiến hành tốt, nhưng tiếp tục quan tâm và sẵn sàng thi hành bổn phận của mình.

Ví dụ, trong Tin mừng theo thánh Luca, Chúa Giêsu nói: "Các con hãy sẵn sàng, thắt lưng, và cầm đèn cháy sáng; hãy giống như người kia đang đợi chủ về từ tiệc cưới, làm sao để khi chủ gõ cửa thì mở ngay. Phúc cho đầy tớ nào khi chủ về mà còn thấy tỉnh thức" (12,35-37).

Ðó là thái độ tâm hồn của những Kitô hữu chờ đợi Chúa đến sau hết; nhưng chúng ta cũng có thể hiểu như một thái độ thông thường cần có trong cuộc sống, làm sao để những chọn lựa của chúng ta, nhiều khi được thực hiện sau khi đã chọn lựa kỹ lưỡng, có thể tiếp tục một cách kiên trì và nhất quán, mang lại thành quả.

Tai hại của sự thiếu tỉnh thức

Nếu thiếu sự tỉnh thức, thì nguy cơ lớn mọi sự sẽ mất đi, như chúng ta đã nói. Ðây không phải là một nguy cơ về mặt tâm lý, nhưng về phương diện tâm linh, một cạm bẫy đích thực của thần dữ. Thực vậy, ác thần này đợi đúng lúc chúng ta quá tự tin, khi mọi sự tiến hành tốt đẹp, khi mọi sự "thuận buồm xuôi gió", và như người ta vẫn nói, "chúng ta có gió thổi sau lưng". Thực thế, trong dụ ngôn ngắn của Tin mừng mà chúng ta vừa nghe, có nói rằng thần ô uế, khi trở lại căn nhà nó đã ra khỏi, "nay thấy nhà đó không có chủ hiện diện, được quét dọn và trang điểm" (Mt 12,44). Mọi sự ngăn nắp, nhưng chủ nhà đâu rồi? Không có. Ðó là vấn đề. Chủ nhà không có mặt, đi ra ngoài, đãng trí; hoặc có chủ ở nhà, nhưng đang ngủ thiếp đi và vì thế cũng như là không có mặt. Không tỉnh thức, không chú ý, vì quá tự tin nơi mình và đánh mất sự khiêm tốn giữ gìn tâm hồn của mình.

Khi ấy, thần dữ có thể lợi dụng để trở lại căn nhà ấy. Nhưng Tin mừng nói rằng hắn không trở lại một mình, mà cùng với bảy thần dữ còn tệ hơn hắn nữa" (v. 45). Một đoàn gian ác, một băng đảng bất lương. Nhưng chúng ta tự hỏi, làm sao chúng có thể đi vào mà không bị cản trở? Làm sao chủ nhà không nhận thấy? Chủ nhà đã chẳng giỏi giang trong việc phân định sao? Ðã chẳng được những lời khen ngợi của bạn bè và những người láng giềng của căn nhà đẹp đẽ lịch sự, ngăn nắp, sạch sẽ như thế sao? Ðúng vậy, nhưng có lẽ chính vì thế mà người ấy quá yêu căn nhà của mình, nghĩa là yêu chính mình, không còn chờ đợi Chúa nữa, không đợi chờ vị Hôn Phu đến nữa; có lẽ vì sợ làm hỏng trật tự ấy mà không còn đón tiếp ai nữa, không mời những người nghèo, người vô gia cư, những người gây phiền toái... Một điều chắc chắn là: ở đây có sự kiêu ngạo xấu xa, tự phụ là người công chính, người tài giỏi, người đàng hoàng. Khi chúng ta quá tin vào mình thay vì nơi ơn Chúa, thì lúc đó ma quỷ tìm được cửa mở. Khi ấy, hắn tổ chức một cuộc hành quân để chiếm căn nhà ấy. Và Chúa Giêsu kết luận: "Tình trạng của người ấy càng trở nên tệ hơn trước" (v.45).

Và Ðức Thánh cha kết luận rằng: "Anh chị em thân mến, dường như không thể nhưng thực tế là như vậy. Và rất tiếc là kinh nghiệm xác nhận điều đó. Mỗi người cũng có thể kiểm chứng điều đó khi nghĩ lại chính cuộc sống bản thân của mình. Thực hiện sự phân định tốt và thi hành việc chọn lựa tốt vẫn không đủ. Còn cần phải tỉnh thức. Tỉnh thức là dấu hiệu khôn ngoan, nhất là dấu chỉ sự khiêm tốn, là con đường tuyệt hảo của đời sống Kitô."

Chào thăm và kêu gọi

Sau bài huấn giáo của Ðức Thánh cha, buổi tiếp kiến được nối tiếp với phần tóm tắt bài giáo lý và những lời chào thăm của ngài gửi đến các nhóm hành hương.

Khi chào bằng tiếng Anh, Ðức Thánh cha đặc biệt nhắc đến các tín hữu đến từ Mỹ và Ðại học Công giáo Australia, đồng thời cầu chúc mọi người một hành trình Mùa Vọng phong phú để đón mừng Chúa Hài Ðồng Giêsu trong lễ Giáng sinh, như Con Thiên Chúa và là Vị Vua Hòa Bình.

Ðặc biệt bằng tiếng Ba Lan, Ðức Thánh cha nhắc nhớ rằng: "Mùa Vọng là thời kỳ chờ đợi lễ Giáng sinh, là thời điểm chia sẻ. Bao nhiêu người trong anh chị em đã nhớ điều đó khi tham gia sáng kiến của tổ chức Caritas: "Từ gia đình cho gia đình", nhờ đó những người bị thiệt hại vì những xung đột võ trang và khủng hoảng nhân đạo trên toàn thế giới được nâng đỡ. Năm nay, những trợ giúp được dành cho cả các gia đình Ucraina. Tôi khuyến khích anh chị em kiên trì trong sự chia sẻ với những người túng thiếu".

Bằng tiếng Ý, Ðức Thánh cha đặc biệt nhắc đến những người trẻ thiện nguyện, đến đây nhân dịp Ngày Toàn quốc Phục vụ dân sự và Ðức Thánh cha khuyến khích họ hãy trở thành những chứng nhân về lòng từ nhân, dịu dàng và yêu thương vô vị lợi đối với mọi người, nhất là những người mong manh nhất.

Ðức Thánh cha nói: "Tôi đề nghị với tất cả anh chị em chân dung thánh Gioan Thánh Giá, linh mục Tiến sĩ Hội Thánh mà hôm nay chúng ta kính nhớ trong phụng vụ. Theo gương vị đại tôn sư về tu đức này, anh chị em hãy làm chứng trong đời sống thường nhật lòng gắn bó của anh chị em với thánh ý Chúa. Và chúng ta hãy canh tân sự gần gũi của chúng ta đối với nhân dân Ucraina đau thương, bằng cách kiên trì trong kinh nguyện sốt sắng cho những anh chị em chúng ta đang chịu đau khổ rất nhiều. Mừng Giáng sinh thật là điều tốt đẹp. Nhưng chúng ta hãy giảm chi tiêu trong dịp lễ Giáng sinh này, hãy mừng lễ một cách khiêm tốn, các món quà đơn sơ hơn, và gửi tiền tiết kiệm có được cho nhân dân Ucraina đang cần, đang chịu đau khổ; họ đang bị đói, lạnh và bao nhiêu người chết vì không có bác sĩ, y tá ở gần. Chúng ta đừng quên: mừng lễ Giáng sinh, đồng ý là vậy, nhưng trong an bình và trong tâm hồn, với Chúa và với người Ucraina, đồng thời có một cử chỉ cụ thể đối với họ. Tôi mời gọi tất cả hãy tăng cường việc chuẩn bị tinh thần cho lễ Giáng sinh nay đang đến gần".

Buổi tiếp kiến kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Ðức Thánh cha.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page