Ukraine tưởng niệm nạn nhân Holodomor

 

Ukraine tưởng niệm nạn nhân Holodomor.

VietCatholic Media

Lviv (VietCatholic News 27-11-2022) - Hôm thứ Bẩy 26 tháng 11 năm 2022, Ukraine đã tưởng niệm các nạn nhân Holodomor.

Ngày tưởng niệm Holodomor được đánh dấu hàng năm vào ngày thứ Bảy thứ tư của tháng 11 theo các sắc lệnh của tổng thống đưa ra năm 1998 và 2007.

Trong thế kỷ 20, người Ukraine đã ba lần phải hứng chịu nạn đói hàng loạt: vào các năm 1921-1923, 1932-1933 và 1946-1947. Tuy nhiên, Holodomor trong 2 năm 1932-1933 là tàn khốc nhất - nó đã được công nhận là tội ác diệt chủng người dân Ukraine dưới chế độ của Stalin.

Nạn đói khủng bố kéo dài 22 tháng ở Ukraine đã cướp đi sinh mạng của 7 triệu người.

Trong nhiều thập kỷ, chủ đề về Holodomor đã bị cấm đoán. Chừng nào chế độ cộng sản còn tồn tại, thậm chí thảo luận về vấn đề nạn đói của những năm đó cũng bị nghiêm cấm. Nghiên cứu về bi kịch này chỉ bắt đầu vào cuối những năm 1980.

Theo luật được thông qua vào ngày 28 tháng 11 năm 2006, "Về Holodomor trong hai năm 1932-1933 tại Ukraine," nạn đói năm 1932-1933 được coi là một hành động diệt chủng người dân Ukraine. Luật này cũng coi hành động phủ nhận công khai biến cố này là một sự xúc phạm đối với hàng triệu nạn nhân của Holodomor, là một sự sỉ nhục nhân phẩm của người dân Ukraine, và bị coi là bất hợp pháp."

Vào ngày 7 tháng 12 năm 2016, các nhà lập pháp Ukraine kêu gọi các quốc gia khác công nhận Holodomor là tội ác diệt chủng người dân Ukraine. Ðến nay đã có 22 quốc gia chính thức công nhận Holodomor ở Ukraine năm 1932-1933 là tội ác diệt chủng người dân Ukraine.

Theo truyền thống, vào ngày này, người Ukraine thắp nến tưởng niệm trong nhà của họ để vinh danh các nạn nhân của nạn đói nhân tạo.

(Source: UKRInformUkraine commemorates Holodomor victims)

Ðức Thánh Cha và hai Hồng Y đã cử hành kỷ niệm nạn đói diệt chủng Holodomor

Bất chấp các chỉ trích dữ đội của các phương tiện truyền thông Nga, Ðức Thánh Cha và hai vị Hồng Y đã cử hành lễ kỷ niệm nạn đói diệt chủng do Stalin gây ra ở Ukraine từ năm 1932 đến năm 1933, khiến 7 triệu người Ukraine thiệt mạng.

Buổi lễ đã diễn ra tại Vương cung thánh đường Thánh Sofia ở Rôma vào lúc 5g chiều thứ Bẩy 26 tháng 11 năm 2022 theo giờ địa phương. Cùng đồng tế với Ðức Thánh Cha Phanxicô có Ðức Hồng Y Leonardo Sandri, là Tổng trưởng Bộ Giáo Hội Ðông phương sắp mãn nhiệp và Ðức Hồng Y Michael Czerny, Tổng Trưởng Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện và Cha Marco Jaroslav Semehen, Giám đốc Hagia Sophia ở Rôma và Giám đốc Di cư của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Ðông phương ở Ý. Sau thánh lễ cũng có các cuộc trình diễn âm nhạc và cuộc triển lãm tranh vẽ, ảnh và tác phẩm điêu khắc của Armandì "Nỗi đau bị lãng quên - Holodomor" và buổi thắp nến tưởng nhớ.

Tưởng cũng nên nhắc lại: Ðức Thánh Cha Phanxicô một lần nữa hướng suy nghĩ của mình đến đất nước Ukraine đau khổ từ lâu, nhắc đến các nạn nhân của Holodomor và gọi đó là nạn diệt chủng.

"Chúng ta hãy tưởng nhớ Ukraine đã chịu đựng lâu dài. Thứ bảy này (26/11/2022) đánh dấu kỷ niệm cuộc diệt chủng khủng khiếp Holodomor trong hai năm 1932-1933 do Stalin gây ra một cách giả tạo. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các nạn nhân của nạn diệt chủng này và cầu nguyện cho tất cả người Ukraine, trẻ em, phụ nữ và người già, trẻ sơ sinh, những người ngày nay đang phải chịu sự tử vì đạo của quân xâm lược," Ðức Thánh Cha Phanxicô nói như trên khi kết thúc Buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư, ngày 23 tháng 11 năm 2022.

Ðể làm rõ lý do tại sao Ðức Thánh Cha dùng đến từ "diệt chủng" là từ ngữ rất nặng khi đề cập đến Holodomor, chúng tôi xin tóm tắt một vài ý chính từ cuốn sách "Abridged History Of Ukraine", nghĩa là "Lịch Sử Ukraine Ngắn Gọn" của Andrew Gregovich, giáo sư sử học Ukraine.

Trong con mắt người Nga, người Ukraine là những người ngây thơ dễ bị lừa. Lênin thường phong tặng cho các cá nhân trong đảng cộng sản Ukraine, gọi tắt là CPU, những danh hiệu "anh hùng" và đặt vào tay họ nhiều chính sách mà cộng sản Nga muốn thăm dò thực nghiệm trên đất Ukraine trước khi áp dụng đại trà ở Nga.

Thí nghiệm thứ nhất xảy ra cuối năm 1920: Trong một sớm, một chiều tất cả xí nghiệp tại Ukraine bị quốc hữu hóa và tất cả sản phẩm nông nghiệp đều bị thu mua với giá ăn cướp của dân. Chỉ với hai chính sách này thôi đã gây ra nạn đói kéo dài trong hai năm 1921 và 1922 cướp đi hơn một triệu sinh mạng dân Ukraine. Nga lại lật đật sửa sai bằng cách trả lại cho tư nhân các xí nghiệp và cho nông dân buôn bán sản phẩm do họ làm ra.

Ngày 30 tháng 12 năm 1922, Liên Bang Sô Viết ra đời bao gồm Nga, Ukraine, Belarus, Georgia, Armenia, Azerbaidzhan. Các nước khác dần dần được sáp nhập vào sau đó. Trong thời kỳ đầu của Liên Bang Sô Viết, để người dân không bị "sốc" và để đánh lừa những người theo chủ nghĩa quốc gia, Nga đã để cho các nước tương đối dễ thở về vấn đề văn hóa. Trong giai đoạn này, đâu đâu cũng nghe nói "Ukraine hóa" như Ukraine hóa giáo dục, Ukraine hóa kiến trúc, văn hóa... và cả Ukraine hóa Chính Thống Giáo.

Tuy nhiên, "ngày vui ngắn chẳng đầy gang", năm 1925, Nga cử Lazar Kaganovich làm bí thư CPU để uốn dân Ukraine quay trở lại con đường đồng hóa với Nga. Bộ trưởng giáo dục Oleksander Shumskyi, bị kết án là "tên theo chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi - mất lập trường quốc tế vô sản" bị cho đi học tập cải tạo mút mùa ở Siberia. Khwylovyi, nhân vật số 2 trong guồng máy lãnh đạo đảng, văn hào, tác giả cuốn "Away from Mạc Tư Khoa - Thoát khỏi Mạc Tư Khoa" bị "nghiêm khắc cảnh cáo".

Năm 1928, Stalin lên nắm quyền. Kaganovich bị gọi về Mạc Tư Khoa và Stanislav Kosior được cử làm tổng bí thư CPU. Stalin lại thí nghiệm chính sách kinh tế ngũ niên tại Ukraine bắt đầu bằng việc đấu tố "kuklaks" nghĩa là địa chủ, trí thức và các nhà tu hành, đặc biệt những giáo sĩ tham gia Ukraine hóa Chính Thống Giáo. Hàng triệu gia đình bị giết hoặc đày đi Siberia. Văn hào cộng sản Khwylovyi từng một thời ca tụng chế độ, sáng mắt ra, uống thuốc độc tự tử chết. Nông thôn trở thành nơi tang tóc với hàng loạt những vụ xử tử những kuklaks. Trong bối cảnh đó, lòng dân không yên tâm sản xuất cộng với hàng loạt những chỉ thị ngu xuẩn và vô lý đã dẫn đến mất mùa ở một số nơi. Tuy nhiên, Ukraine là vựa bánh mì của Âu Châu, nên việc mất mùa ở một số nơi chắc chắn không phải là nguyên nhân dẫn đến nạn đói. Thực vậy, nạn đói 1932-1933 cướp đi sinh mạng 7 triệu người Ukraine không phải do thiếu lương thực nhưng chính vì cộng sản đã thu gom tất cả nông sản và chứa vào những kho lớn do quân đội canh gác. Dân chúng bị bỏ cho chết đói như một phần của cuộc thanh trừng và diệt chủng kinh hoàng nhất trong lịch sử nhân loại. Sau nạn đói, Stalin lập tức lùa dân Nga sang để tái phối trí lại dân số trên các ruộng vườn hoang tàn của Ukraine. Ðây cũng là một phần trong kế sách thống trị Ukraine về lâu về dài. Năm 1933, Mykola Skrypnyk, lãnh tụ tiền phong của cộng sản Ukraine, sáng mắt ra, tự tử chết.

Sau cái chết của Mykola Skrypnyk, nhiều đảng viên cộng sản Ukraine bắt đầu bừng tỉnh và tỏ ý chống lại việc thí nghiệm các chính sách cộng sản trên đất Ukraine. Tuy nhiên, Stalin không để họ có thời cơ. Theo Vasyl Hryshko, trong cuộc thanh trừng từ 1936 đến 1938, 99 trong số 102 thành viên ủy ban trung ương đảng cộng sản Ukraine lần lượt bị hành quyết. Năm 1938, Nikita Krushchev với đa số đảng viên người Nga chính cống lên nắm quyền lãnh đạo CPU, tiếp tục các thí nghiệm điên rồ nhất của Nga trên đất Ukraine.

Trông người mà ngẫm đến ta. Chính đất nước Việt Nam của chúng ta cũng đã là nơi cho người Nga tiến hành các thí nghiệm về chính sách và vũ khí của Nga, dẫn đến cuộc chiến huynh đệ tương tàn suốt 21 năm với các hậu quả kéo dài cho đến tận ngày hôm nay.

Các giám mục Ucraina công bố "Năm Lòng Thương Xót"

Các giám mục Ukraine công bố "Năm Lòng Thương Xót", để chữa lành "những vết thương và sự tàn phá do chiến tranh gây ra" và "xây dựng lại những gì đã bị phá hủy".

Một "Năm Lòng Thương Xót", bởi vì "những vết thương và sự tàn phá do chiến tranh gây ra quá lớn đến nỗi sẽ phải mất nhiều năm và nhiều nỗ lực để hàn gắn chúng và xây dựng lại những gì đã bị phá hủy". Các Giám Mục Ukraine đã tuyên bố như trên trong một thông điệp được công bố hôm thứ Bẩy 26 tháng 11 năm 2022, khi các giám mục của Giáo Hội Công Giáo Rôma ở Ukraine - đã tập trung tại Bryukhovychy gần Lviv cho phiên họp khoáng đại lần thứ 57 của Hội đồng Giám mục.

Năm Lòng Thương Xót, sẽ bắt đầu vào ngày 27 tháng 11 năm 2022, Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng, và tiếp tục cho đến lễ trọng Chúa Kitô Vua vào năm 2023. Lòng thương xót là con đường được hàng giám mục Công Giáo chỉ ra cho một quốc gia bị chiến tranh tàn phá nặng nề. "Chúng ta cần sức mạnh - các giám mục viết - để sống, yêu thương, bảo vệ đất nước của chúng ta và phục vụ những người khác bằng công việc của chúng ta. Chúng ta cần sự bình an sâu xa trong lòng và niềm hy vọng vững chắc. Chúng ta cần đức tin mạnh mẽ để định hình các quyết định và hành động của mình. Ngày nay chúng ta đang trải qua nỗi kinh hoàng của chiến tranh" và "chúng ta đang trải qua hậu quả của những hành động gây ra bởi những người không biết đến lòng thương xót của Chúa, họ đã đến vùng đất của chúng ta để giết chóc và hủy diệt. Bao nhiêu điều ác, bạo lực, dối trá, nhỏ nhen và hoài nghi do quân xâm lược mang lại. Tất cả những điều này là dấu hiệu của sự lạnh lùng của một tâm hồn trống rỗng đã chối bỏ Thiên Chúa. Nhưng chúng ta cũng có nguy cơ nguội lạnh tâm hồn" và để mình rơi vào "sự tuyệt vọng, mệt mỏi, hận thù hay ngã lòng".

Do đó, lời mời gọi hãy kín múc sức mạnh từ "Chúa, Ðấng kêu gọi chúng ta: 'Hãy đến với Ta, hỡi những ai đang vất vả mang gánh nặng nề...' (Mt 11:28)". "Thế giới cần lòng thương xót, lòng thương xót của Chúa. Chúng ta chỉ có thể thông truyền lòng thương xót của Thiên Chúa khi chính chúng ta kín múc từ đó. Chúng ta ý thức rằng chỉ nơi Chúa mới là sức mạnh và quyền năng của chúng ta".

Trong thông điệp, các giám mục cũng vạch ra những hành động cụ thể phát xuất từ thái độ thương xót. Các ngài bày tỏ một suy nghĩ đặc biệt đến "quân đội, những người bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta bằng cái giá là mạng sống và sức khỏe của họ. Chúng ta hãy bao bọc họ trong những lời cầu nguyện của chúng ta ".

"Chúng ta hãy an ủi những người có người thân, bạn bè và người quen đã bị chiến tranh bắt đi. Chúng ta hãy mở cửa nhà cho trẻ mồ côi. Chúng ta đừng quên những người già đã bị chiến tranh đuổi ra khỏi thành phố hoặc làng mạc của họ, phá hủy nhà cửa của họ. Chúng ta gần gũi với những người bắt buộc phải di cư, để họ cảm nhận được lòng tốt của chúng tôi, để một nơi cư trú khác và một môi trường xa lạ không khắc nghiệt và không thể chịu đựng được đối với họ ".

Lời kêu gọi cuối cùng của các Giám Mục Ukraine là tìm kiếm "trong thời kỳ chiến tranh này", "sự khôn ngoan, can đảm và sức mạnh để làm chứng cho lòng thương xót của Chúa".

(Source: SIRUkraine: vescovi indicono l'"Anno della Misericordia", theo sanare "le ferite e le devastazioni causate dalla guerra" e "ricotruire ciò che è stato distrutto")

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page