Lễ phong chân phước

cho cha Ambrosoli tại Uganda

 

Lễ phong chân phước cho cha Ambrosoli tại Uganda.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Kalongo (RVA News 21-11-2022) - Chúa nhật, 20 tháng Mười Một năm 2022, Ðức Tổng giám mục Luigi Bianco, Sứ thần Tòa Thánh tại Uganda, đã đại diện Ðức Thánh cha Phanxicô chủ sự thánh lễ tôn phong chân phước cho cha Giuseppe Ambrosoli, linh mục bác sĩ thừa sai dòng thánh Comboni, tại Kalongo, miền bắc nước Uganda, nơi cha Ambrosoli đã tận hiến cuộc đời để phục vụ các bệnh nhân nghèo khổ.

Thân thế

Giuseppe Ambrosoli sinh năm 1923 tại tỉnh Como, bắc Ý. Trong thời Thế chiến thứ hai, anh bị Ý động viên rồi bị quân Ðức bắt làm tù binh và giam tại Stuttgart. Sau khi chiến tranh chấm dứt, Ambrosoli trở về Ý, tiếp tục theo học y khoa và theo đuổi sứ mạng cứu người.

Sau khi đậu bác sĩ y khoa năm 1949, anh sang Luân Ðôn học thêm hai năm về các bệnh vùng nhiệt đới, với ý định sang Phi châu mở một nhà thương. Nhưng học y khoa xong, viên bác sĩ trẻ này lại muốn cứu cả phần hồn của những người Phi châu. Vì thế, anh thưa chuyện với mẹ về ý định muốn làm linh mục. Bà mẹ đau buồn, nhưng vốn là một tín hữu đạo hạnh, bà đành gạt lệ chấp nhận ý định của con. Thế là bác sĩ Ambrosoli xin gia nhập dòng Thừa sai thánh Comboni. Sau thời gian huấn luyện và thụ phong linh mục, cha được gửi sang Uganda năm 1956, ban đầu tại giáo phận Gulu và 5 năm sau, cha đến cứ điểm truyền giáo Kalongo, với sứ mạng tân trang cơ sở y tế tại đây. Ðây là một bệnh xá được thành lập hồi cuối Thế chiến thứ nhất, nhưng nhờ sự dấn thân của cha Ambrosoli, cơ sở này trở thành một nhà thương hiệu năng, với nhiều khu vực khác nhau.

Nhờ tài khéo léo và nhã nhặn, cha Ambrosoli đã mau lẹ vượt thắng được sự nghi kỵ của dân bản xứ, và chẳng bao lâu, họ tặng cho cha danh hiệu "Agiuka Madit", nghĩa là "đại bác sĩ", tận tụy săn sóc và chữa bệnh cho dân chúng. Trong vùng ấy, mỗi năm có tới 1,500 trẻ em sinh ra và cha mẹ các em đều xin rửa tội cho chúng. Tất cả đều lấy tên thánh là Josefo, tên thánh của vị "đại bác sĩ" ân nhân của họ.

Tổng cộng, cha Ambrosoli đã trải qua 31 năm trời ở nhà thương Kalongo, từ ngày 19 tháng Hai năm 1956 đến ngày 13 tháng Hai năm 1987. Cha Ambrosoli gia tăng sự cộng tác với các tu sĩ và giáo dân, người địa phương cũng như người nước ngoài. Ngoài việc điều khiển nhà thương, cha còn thành lập thêm một trường đào tạo các nữ hộ sinh và nữ y tá vào năm 1959, cũng tại Kalongo. Năm 1972, cha Ambrosoli giúp cho hai nhà thương trị bệnh phong cùi ở Alito và Morulem cũng được tháp nhận vào nhà thương ở Kalongo. Bảy năm sau đó, cha thành công trong việc đưa toàn bộ cơ cấu bệnh viện này thuộc chương trình Uganda, trong phân bộ Cộng tác và Phát triển thuộc bộ ngoại giao Ý.

Hầu như trọn cuộc đời hoạt động, cha Giuseppe Ambrosoli sống tại nhà thương Kalongo, giữa bộ tộc Acioli, nên cha cũng đích thân chia sẻ trọn lịch sử đau thương của nước Uganda, sau khi giành được độc lập. Trong những thăng trầm đó, sức khỏe của cha đã bị thử thách nặng nề và cha qua đời ngày 27 tháng Ba cùng năm 1987, tại thành phố Lira, tức là sau 44 ngày phải di tản khỏi Kalongo. Lúc ấy cha được 64 tuổi.

Trong tiến trình án phong chân phước, Bộ Phong thánh đã nhìn nhận một phép lạ nhờ lời chuyển cầu của cha Ambrosoli hồi năm 2008. Người được phép lạ là Lucia Lomokol, 20 tuổi, sắp chết vì máu bị nhiễm trùng (setticemia, nhiễm khuẩn huyết), sau khi bị sảy thai: tình trạng của cô rất trầm trọng, khi cô được đưa tới nhà thương ở miền bắc Uganda, không còn hy vọng gì để cứu chữa bệnh nhân.

Bác sĩ Eric Dominic, nguyên quán tại thành Torino, tây bắc Ý, đặt dưới gối đầu của bệnh nhân ảnh của cha Giuseppe Ambrosoli, và ông xin thân nhân người bệnh cầu xin "vị đại bác sĩ" Ambrosoli (qua đời ngày 27 tháng Ba năm 1987 tại Uganda) cứu giúp. Sáng hôm sau cô Lucia tỉnh dậy, hoàn toàn bình phục.

Lễ phong chân phước cho cha Ambrosoli bị hoãn hai lần vì đại dịch Covid-19 và nay mới cử hành được.

Tại Como, bắc Ý, quê hương của cha Ambrosoli, Ðức Hồng y Oscar Cantoni, Giám mục giáo phận sở tại, đã cử hành thánh lễ tạ ơn nhân dịp này.

(Vatican News 20-11-2022)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page