Ðức Thánh cha chủ sự thánh lễ

Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ sáu

 

Ðức Thánh cha chủ sự thánh lễ Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ sáu.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 13-11-2022) - Sáng Chúa nhật, 13 tháng Mười Một năm 2022, nhân Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ sáu, Ðức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ tại Ðền thờ thánh Phêrô, từ lúc gần 10 giờ trước sự tham dự của gần 9,000 tín hữu ngồi chật thánh đường.

Ðồng tế với Ðức Thánh cha, có hơn 100 linh mục và khoảng 26 hồng y và giám mục, đặc biệt là Ðức Tổng giám mục Rino Fisichella, Quyền Tổng trưởng Bộ loan báo Tin mừng, giúp Ðức Thánh cha làm các việc tại bàn thờ, vì ngài vẫn đau đầu gối không thể đi lại dễ dàng.

Bài giảng của Ðức Thánh cha

Trong bài giảng thánh lễ, Ðức Thánh cha quảng diễn bài Tin mừng theo thánh Luca (21,5-9) của ngày lễ, trong đó Chúa Giêsu lưu ý về những biến cố chao đảo và bi thảm đánh dấu lịch sử nhân loại: "mọi sự trong trần thế này sẽ qua đi, nên điều quan trọng là biết phân định thời kỳ chúng ta đang sống, để tiếp tục là môn đệ của Tin mừng trong cả những đảo lộn của lịch sử".

Ðức Thánh cha nhấn mạnh và khai triển hai lời nhắn nhủ của Chúa: Các con đừng để mình bị đánh lừa và hãy làm chứng tá.

Ðức Thánh cha nói:

Ðiều đầu tiên Chúa Giêsu cảnh giác các môn đệ là đừng để mình bị đánh lừa, vì "nhiều người sẽ tới mạo danh Thầy mà nói: "Chính tôi đây", và "thời gian đã gần kề". Các con đừng đi theo họ! (Lc 21,8). Và Chúa nói thêm: "Khi các con nghe nói về chiến tranh và những cuộc cách mạng, các con đừng kinh hãi" (v.9).

Ðức Thánh cha giải thích rằng: "Chúa muốn giải thoát chúng ta khỏi cám dỗ đọc các sự kiện bi thảm nhất một cách mê tín hoặc hốt hoảng, như thể tận thế gần kề và không bõ công dấn thân làm điều tốt lành nào nữa. (...). Chúa Giêsu cảnh giác chúng ta: "Các con đừng để mình bị lừa", đừng để mình bị chóa mắt vì sự tò mò dễ tin, đừng đương đầu với các biến cố vì sợ hãi, nhưng tốt hơn hãy học cách đọc các biến cố với đôi mắt đức tin, tin chắc rằng nếu ta gần Chúa, thì "dù một sợi tóc trên đầu các con cũng chẳng bị mất" (v.18).

Ðức Thánh cha nhận định rằng "Nếu lịch sử nhân loại đều là những biến cố sầu thảm, những tình trạng đau thương, chiến tranh, cách mạng và tai ương, thì cũng đúng như Chúa Giêsu đã nói - tất cả những điều đó không phải là chấm hết (Xc v.9); đó không phải là lý do để cho mình bị tê liệt vì sợ hãi hoặc chiều theo thái độ chủ bại của người nghĩ rằng nay mọi sự mất hết rồi, nếu có dấn thân trong cuộc sống thì chỉ là điều vô ích. Người môn đệ của Chúa không để mình bị co quắp vì cam chịu, không chiều theo sự nản chí cả trong những tình trạng khó khăn nhất, vì Thiên Chúa của họ là Thiên Chúa phục sinh và hy vọng, luôn nâng đỡ dậy: với Chúa, chúng ta luôn có thể hướng cái nhìn lên cao, tái bắt đầu và khởi hành lại. Vì thế, Kitô hữu khi đứng trước thử thách, họ tự hỏi: "Chúa đang nói vì với chúng ta qua thời điểm khủng hoảng này?". Và trong khi xảy ra những sự kiện xấu sinh ra nghèo đói và đau khổ, họ tự hỏi: "Một cách cụ thể, tôi có thể làm điều gì tốt?"

Làm chứng tá

Ðức Thánh cha cũng nói rằng; "không phải tình cờ mà trong lời khuyên thứ hai, sau khi dạy 'các con đừng để mình bị đánh lừa', Chúa nói một cách tích cực: 'Khi ấy các con sẽ được cơ hội làm chứng tá' (v.13). Tôi muốn nhấn mạnh từ đẹp đẽ này: cơ hội có nghĩa là có cơ may làm điều gì tốt đẹp từ những hoàn cảnh trong cuộc sống, cả khi chúng không lý tưởng. Ðó là một nghệ thuật tiêu biểu của Kitô giáo: không trở thành nạn nhân của những gì xảy ra, nhưng nắm bắt cơ may ẩn náu sau những gì xảy ra, điều tốt là có thể xây dựng, kể cả đi từ những tình trạng tiêu cực. Mỗi khủng hoảng là một khả thể và mang lại cơ hội để tăng trưởng. Chúng ta sẽ nhận thấy điều đó khi đọc lại những biến cố cá nhân của chúng ta: trong cuộc sống, nhiều khi những bước tiến quan trọng nhất ta thực hiện chính là trong một vài khủng hoảng, khi bị thử thách, mất kiểm soát, bất an, Và khi ấy chúng ta hiểu lời mời gọi mà hôm nay, Chúa Giêsu gửi trực tiếp cho tôi, cho bạn, cho mỗi người chúng ta: trong khi chúng ta nhìn thấy chúng quanh mình những đảo lộn, chiến tranh, xung đột, bạn làm gì? Phải chăng bạn giải trí để khỏi nghĩ đến nó, hoặc bạn tìm tiêu khiển để khỏi can dự vào? Hay bạn quay sang chỗ khác để khỏi thấy các vấn đề ấy? (...)

Áp dụng vào Chúa nhật người nghèo

Áp dụng vào chủ đề Chúa nhật này, Ðức Thánh cha nói: "Anh chị em, trong Ngày Thế giới Người nghèo hôm nay, Lời Chúa Giêsu là một lời cảnh giác mạnh mẽ, phá vỡ tình trạng điếc nội tâm ngăn cản chúng ta lắng nghe tiếng kêu đau thương bị bóp nghẹt của những người yếu thế. Cả hôm nay, chúng ta sống trong một xã hội bị thương tích và chúng ta chứng kiến như Tin mừng đã nói, những cảnh tượng bạo lực, bất công và bách hại, hơn nữa chúng ta phải đương đầu với cuộc khủng hoảng do những thay đổi khí hậu và đại dịch tạo nên, để lại một loạt những khó khăn không những về thể lý nhưng cả về tâm lý, kinh tế và xã hội. Cả ngày nay chúng ta thấy dân tộc này chống dân tộc khác, và lo âu chứng kiến sự lan tràn mạnh mẽ các cuộc xung đột, tai ương chiến tranh, gây nên chết chóc cho bao nhiêu người vô tội và gia tăng độc dược oán thù... Nhưng nếu tâm hồn chúng ta thiếu nhạy cảm và tỏ ra dửng dưng, chúng ta không thể nghe tiếng kêu đau thương yếu ớt của họ, chúng ta không thể khóc với họ và cho họ, không thấy bao nhiêu cô đơn và lo âu ẩn nấp cả trong những góc bị quên lãng nơi các thành thị của chúng ta...

Ðức Thánh cha nhắn nhủ rằng: "Chúng ta hãy đón nhận lời mời gọi mạnh mẽ của Tin mừng đừng để mình bị lừa đảo. Ðừng nghe những lời tiên báo tai ương, đừng để mình bị mê hoặc vì những "mỹ ngư" của chủ nghĩa dân túy, lợi dụng những nhu cầu của dân chúng, đề nghị những giải pháp dễ dàng và mau lẹ. Ðứng theo những tiên tri giả, nhân danh lợi lộc, công bố những công thức chỉ hữu dụng để gia tăng giàu sang cho thiểu số, và làm cho người nghèo bị gạt ra ngoài lề. Trái lại, chúng ta hãy làm chứng nhân: hãy thắp lên những ngọn đèn hy vọng giữa tăm tối; hãy nắm bắt những cơ hội trong những tình trạng bi thảm, để làm chứng về Tin mừng vui tươi và xây dựng một thể giới huynh đệ hơn. Hãy can đảm dấn thân cho công lý, tôn trọng luật pháp và hòa bình, đứng cạnh những người yếu thế nhất."

Trong những dấn thân trên đây, Ðức Thánh cha mời gọi các tín hữu kín múc sức mạnh từ lòng tín thác nơi Thiên Chúa là Cha và là Ðấng canh giữ chúng ta. Nếu chúng ta cởi mở tâm hồn với Chúa, Người sẽ gia tăng trong chúng ta khả năng yêu thương. Thực vậy, Chúa Giêsu, sau khi nói về những cảnh tượng bạo động và kinh hoàng, ngài kết luận và nói rằng "Dù một sợi tóc trên đầu các con cũng không bị mất" (v.18). "Chúng ta cần luôn lập lại cho mình điều này, nhất là trong những lúc đau thương nhất: Thiên Chúa là Cha và ở cạnh tôi, Chúa biết và yêu thương tôi, canh chừng cho tôi, Chúa không ngủ, Chúa chăm sóc tôi và với Chúa, dù một sợi tóc trên đầu tôi cũng không bị mất đi".

Trong phần lời nguyện phổ quát, cộng đoàn đã lần lượt cầu nguyện cho Ðức Thánh cha Phanxicô và tất cả các mục tử của Giáo hội, để các vị có thể nâng đỡ những người rốt cùng và bị loại trừ, thoa dịu những đau khổ của họ. Cầu cho mọi tín hữu đã chịu phép rửa biết nhận ra sự hiện diện của Chúa Kitô nơi những người nghèo và túng thiếu, và trong thần thanh bần theo Tin mừng, được đức bác ái chân thực linh hoạt. Cầu cho các nhà lãnh đạo các dân nước, để họ thăng tiến công lý và tình liên đới, dấn thân tìm ra tài nguyên và phương tiện cứu giúp những người yếu thế nhất và bị gạt ra ngoài lề, qua đó làm cho thế giới trở nên huynh đệ hơn. Cầu cho tất cả các tín hữu hiện diện để có khả năng vượt thắng ích kỷ, dửng dưng, và sợ người khác, ngăn cản chúng ta yêu thương những anh chị em ở trong lầm than.

Thánh lễ kết thúc lúc 11 giờ 15 phút cùng ngày.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page