Hãy bền chí trong điều thiện, cầu nguyện và phục vụ

 

Kinh Truyền tin với Ðức Thánh cha: Hãy bền chí trong điều thiện, cầu nguyện và phục vụ.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 13-11-2022) - Sau khi dâng thánh lễ tại Ðền thờ thánh Phêrô, sáng Chúa nhật 13 tháng Mười Một năm 2022, vào lúc 12 giờ trưa liền đó, Ðức Thánh cha Phanxicô đã xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của Ðức Giáo hoàng ở lầu ba Dinh Tông tòa, để chủ sự buổi đọc kinh Truyền tin như thường lệ với khoảng 20,000 tín hữu tụ tập ở Quảng trường thánh Phêrô.

Huấn dụ của Ðức Thánh cha

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Ðức Thánh cha diễn giải ý nghĩa bài Tin mừng theo thánh Luca, đoạn 21 thuật lại lời Chúa Giêsu tiên báo về số phận đền thờ Jerusalem huy hoàng sẽ bị tàn phá.

Ngài nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Bài Tin mừng hôm nay đưa chúng ta tới Jerusalem, tại nơi thánh thiêng nhất là Ðền thờ. Tại đó, quanh Chúa Giêsu, có một vài người nói về đền thờ hùng vĩ này, "được trang điểm bằng những hòn đá đẹp" (Lc 21,5). Nhưng Chúa nói: "Những gì các người đang thấy, sẽ chẳng còn hòn đá nào trên hòn đá nào mà không bị phá hủy" (v.6). Rồi ngài nhấn mạnh thêm, giải thích rằng trong lịch sử hầu như tất cả sụp đổ: sẽ có những cuộc nổi dậy và chiến tranh, động đất và đói kém, dịch tễ và bách hại (Xc vv.9-17). Qua đó Chúa dạy: đừng đặt tin tưởng thái quá nơi những thực tại trần thế, chúng sẽ qua đi.

Ðức Thánh cha nhận xét rằng: "đó là những lời khôn ngoan, nhưng có thể làm cho chúng ta phần nào cay đắng: đã có bao nhiêu điều không ổn, tại sao Chúa lại nói những điều tiêu cực như thế? Trong thực tế, chủ ý của Chúa không phải như vậy, nhưng là mang lại cho chúng ta một giáo huấn quý giá, nghĩa là một con đường để ra khỏi tất cả những bấp bênh ấy. Vậy đâu là lối thoát?

"Con đường đó hệ tại một lời mà có lẽ làm cho chúng ta ngạc nhiên. Chúa Kitô bộc lộ nó trong câu cuối cùng của bài Tin mừng hôm nay, khi Người nói: "Với sự kiên trì bền đỗ, các con sẽ được cứu thoát" (v.19).

Ðức Thánh cha đặt câu hỏi: "Kiên trì là gì? Từ này chứng tỏ một cuộc sống "rất nghiêm khắc"; nhưng nghiêm khắc theo nghĩa nào? Phải chăng là với bản thân, coi mình là không có đủ khả năng? Không phải vậy. Phải chăng là với những người khác, trở thành cứng nhắc và không chịu uyển chuyển? Cũng chẳng phải thế. Chúa Giêsu yêu cầu "nghiêm khắc", trung thành, bền chí trong điều mà Chúa quan tâm, nghĩa là trong những gì là quan trọng, đáng kể. Vì điều đáng kể, nhiều khi không trùng hợp với điều chúng ta thích: thường thường, như dân chúng ở đền thờ, chúng ta dành ưu tiên cho những công trình do chúng ta tạo nên, những thành công của chúng ta, những truyền thống tôn giáo và dân sự của chúng ta, những biểu tượng thánh thiêng và xã hội. Ðó là những thứ quan trọng, nhưng qua đi. Trái lại, Chúa Giêsu nói hãy tập trung vào điều tồn tại, để tránh dành cuộc sống của mình để xây dựng những gì sẽ bị phá hủy, như đền thờ, để rồi quên kiến thiết những gì không sụp đổ, xây dựng trên Lời Chúa, trên tình thương, trên điều thiện.'

Ðức Thánh cha giải thích thêm rằng: "Vì thế ý nghĩa sự kiên trì là: mỗi ngày làm điều thiện. Kiên trì là bền chí trong điều thiện, nhất là khi thực tại chung quanh thúc đẩy ta làm khác đi. Chúng ta hãy lấy vài thí dụ: tôi biết cầu nguyện là quan trọng, nhưng tôi, cũng như mọi người, luôn có bao nhiêu điều phải làm, và thế là tôi cứ hoãn lại. Hoặc tôi thấy bao nhiêu người tinh khôn lợi dụng tình thế, "qua mặt" các luật lệ, nên tôi cũng không giữ các quy luật nữa, không kiên trì trong công lý và không hành động hợp pháp nữa. Hoặc: tôi thi hành một công tác phục vụ trong Giáo hội, cho cộng đoàn, cho người nghèo, nhưng tôi thấy bao nhiều người trong thời gian rảnh rỗi chỉ lo tiêu khiển, vì thế cả tôi cũng muốn bỏ đi và làm như họ."

"Trái lại, kiên trì là tiếp tục ở lại trong điều thiện. Chúng ta hãy tự hỏi: sự kiên trì bền đỗ của tôi thế nào? Tôi có kiên trì bền chí hay là chỉ sống niềm tin, công chính và bác ái nhất thời: nếu tôi thấy là thích hợp, thì tôi cầu nguyện, sẵn sàng và có tinh thần phục vụ, còn nếu tôi bất mãn, nếu chẳng có ai cám ơn tôi, thì tôi ngưng lại, phải chăng là như thế? Tóm lại, kinh nguyện của tôi và việc phục vụ của tôi tùy thuộc hoàn cảnh hoặc tùy thuộc lòng kiên vững trung thành với Chúa?

Nếu chúng ta kiên trì - như Chúa Giêsu nhắc nhở - thì chúng ta chẳng có gì phải sợ, cả trong những biến cố đau buồn và tàn bạo của cuộc sống, và cả khi có những điều bất hạnh quanh chúng ta, vì chúng ta kiên vững trong điều thiện. Văn hào Dostoevsky đã viết: "Các bạn đừng sợ tội lỗi của con người, hãy yêu thương tha nhân kể cả với tội lỗi của họ, vì điều này phản ứng tình thương của Chúa là tột đỉnh tình yêu trên trái đất" (Anh em nhà Karamazov, II, 6,3g). Sự kiên trì là phản ánh tình thương của Thiên Chúa trên trái đất, vì tình thương của Chúa thì trung tín, không bao giờ đổi thay."

Và Ðức Thánh cha kết luận rằng: "Xin Ðức Mẹ, là nữ tỳ của Chúa, kiên trì trong kinh nguyện (Xc Cv 1,12) củng cố sự bền chí của chúng ta."

Chào thăm và kêu gọi

Sau khi đọc kinh và ban phép lành cho các tín hữu, Ðức Thánh cha nói rằng ngày mai là kỷ niệm thứ I Diễn đàn Laudato Sì, Thông điệp về việc bảo vệ trái đất như căn nhà chung của nhân loại. Ngài cũng nhắc đến Hội nghị Thượng đỉnh COP-27 đang tiến hành đến ngày 18 tháng Mười Một năm 2022, tại Sharm El Sheik, Ai Cập và kêu gọi Hội nghị đưa ra những quyết định can đảm và cấp thiết.

Ðức Thánh cha không quên kêu gọi cầu nguyện cho nhân dân Ucraina đang tiếp tục chịu chiến tranh đau thương. Ngài nói: "Chúng ta vẫn luôn gần gũi với con dân nước này. "Hòa bình là điều có thể, và chúng ta đừng cam chịu chiến tranh".

Sau cùng, Ðức Thánh cha chào thăm các đoàn tín hữu hành hương từ nhiều nơi ở Ý và các nước khác, đặc biệt có đoàn từ giáo xứ Việt Nam ở Paris.

Ngài chúc mọi người ngày Chúa nhật an lành, đồng thời xin họ đừng quên cầu nguyện cho ngài.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page