Bahrain, một tiến trình đối thoại và hòa bình

 

Tiếp kiến chung của Ðức Thánh cha: Bahrain, một tiến trình đối thoại và hòa bình.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 10-11-2022) - Sáng thứ Tư, ngày 09 tháng Mười Một năm 2022, khoảng 9 giờ, Ðức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến chung khoảng 15,000 tín hữu hành hương tại Quảng trường thánh Phêrô.

Như thường lệ, buổi tiếp kiến được mở đầu với phần tôn vinh Lời Chúa. Mọi người đã nghe đoạn sách Ngôn sứ Isaia (Is 2,2.4) được xướng lên bằng tám thứ tiếng:

"Trong tương lai, núi Nhà Chúa đứng kiên cường vượt đỉnh các non cao, vươn mình trên hết mọi ngọn đồi. Dân lũ lượt đưa nhau tới... Người sẽ đứng làm trọng tài giữa các quốc gia và phân xử cho muôn dân tộc. Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác lên liềm nên hái. Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến".

Bài huấn giáo

Trong bài huấn giáo tiếp đó, Ðức Thánh cha tạm ngưng loạt bài giáo lý về phân định để kể lại chuyến tông du thứ 39 ngài mới thực hiện tại tiểu vương quốc Bahrain, từ ngày 03 đến ngày 06 tháng Mười Một năm 2022.

Ðức Thánh cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Cách đây ba ngày, tôi đã trở về sau cuộc viếng thăm tại vương quốc Bahrain. Tôi muốn cám ơn tất cả những người đã đồng hành với tôi trong chuyến viếng thăm này, hỗ trợ bằng kinh nguyện và tôi tái bày tỏ lòng biết ơn đối với Quốc vương, chính quyền và dân chúng vì sự tiếp đón nồng nhiệt. Tự nhiên, người ta tự hỏi: tại sao Ðức Giáo hoàng muốn viếng thăm quốc gia nhỏ bé này, có đại đa số dân chúng theo Hồi giáo? Tôi muốn trả lời qua ba từ là: đối thoại, gặp gỡ và hành trình.

"Trước hết là đối thoại: cơ hội cho chuyến viếng thăm, vốn được mong ước từ lâu, là lời mời của nhà Vua đến tham dự một Diễn đàn về đối thoại giữa Ðông và Tây phương. Ðối thoại giúp khám phá sự phong phú của những người thuộc các dân tộc, các truyền thống và tín ngưỡng khác.

"Bahrain là một quần đảo gồm bao nhiêu đảo, giúp chúng ta hiểu rằng ta không thể sống cô lập, nhưng cần xích lại gần nhau. Chính nghĩa hòa bình đòi đối thoại, và đối thoại là "dưỡng khí của hòa bình". Cách đây gần 60 năm, Công đồng chung Vatican II, khi nói về việc xây dựng công trình hòa bình, đã khẳng định rằng "công việc này đòi hỏi [con người] mở rộng tâm trí vượt lên trên những biên cương quốc gia của mình, từ bỏ mọi thứ ích kỷ quốc gia và mọi tham vọng bá quyền trên các nước khác, thay vào đó cần nuôi dưỡng một sự tôn trọng sâu xa đối với toàn thể nhân loại, nay đang vất vả tiến tới một sự hiệp nhất rộng lớn hơn" (GS 82). Tại Bahrain, tôi đã nhận thấy đòi hỏi đó và cầu mong rằng, trên toàn thế giới, các vị trách nhiệm tôn giáo và dân sự biết nhìn xa hơn biên cương, cộng đoàn của mình, để cùng nhau chăm sóc. Chỉ như thế ta mới có thể đương đầu với một số vấn đề hoàn vũ, như sự quên lãng Thiên Chúa, thảm trạng nghèo đói, sự bảo tồn thiên nhiên, hòa bình. Theo nghĩa đó, Diễn đàn đối thoại, qua chủ đề "Ðông và Tây phương để tiến tới sự sống chung nhân loại" đã khuyên chọn con đường gặp gỡ và từ khước con đường đụng độ. Chúng ta rất cần con đường đối thoại dường nào! Tôi nghĩ đến chiến tranh điên rồ mà nạn nhân là nước Ucraina tang thương, và bao nhiêu cuộc xung đột khác, mà người ta sẽ không bao giờ giải quyết được qua tiêu chuẩn trẻ con với các võ khí, nhưng chỉ có thể giải quyết bằng sức mạnh dịu dàng của đối thoại.

Nhưng không thể có đối thoại nếu không có gặp gỡ. Ðó là từ thứ hai. Tại Bahrain, chúng tôi đã gặp gỡ nhau, và nhiều lần tôi đã cảm thấy nảy sinh ước muốn sao cho các cuộc gặp gỡ giữa các Kitô hữu và tín hữu Hồi giáo được gia tăng, có những tương quan vững chắc hơn được nối kết, và có sự quan tâm hơn đối với nhau. Tại Bahrain, theo thói quen, người ta có thói quen đưa tay lên trái tim khi chào nhau. Tôi cũng đã làm như vậy, để dành chỗ trong tâm hồn cho người tôi gặp. Vì nếu không có đón tiếp, thì đối thoại sẽ trống rỗng, bề ngoài, nó chỉ là vấn đề các ý tưởng chứ không phải là thực tại. Trong số bao nhiêu cuộc gặp gỡ, tôi nghĩ đến cuộc gặp gỡ với người anh em quí mến, Ðại Imam của Ðền thờ Al Azhar, và cuộc gặp gỡ những người trẻ của trường Thánh Tâm, các học sinh đã mang lại cho chúng tôi một giáo huấn tốt, họ học chung với nhau, người Kitô và Hồi giáo. Từ khi còn trẻ, khi còn là thiếu niên, trẻ em, họ cần biết nhau, như thế cuộc gặp gỡ huynh đệ trổi vượt hơn những chia rẽ ý thức hệ. Nhưng cả những người già cũng nêu chứng tá về sự khôn ngoan huynh đệ: tôi nghĩ lại cuộc gặp gỡ với Hội đồng các vị Trưởng lão Hồi giáo, một tổ chức quốc tế được thành lập cách đây vài năm, thăng tiến những quan hệ tốt giữa các cộng đoàn Hồi giáo, trong sự tôn trọng, điều hợp và hòa bình, chống lại trào lưu cực đoan và bạo lực.

Và thế là chúng ta đi tới từ thứ ba là: hành trình. Cuộc viếng thăm tại Bahrain không được coi như một biến cố riêng rẽ, nhưng nó là thành phần của một hành trình, được thánh Gioan Phaolô II khai mạc, khi ngài đến thăm Maroc. Như thế cuộc viếng thăm đầu tiên của một vị Giáo hoàng ở Bahrain tượng trưng một bước tiến mới trong hành trình giữa các tín hữu Kitô và Hồi giáo: không phải để làm lẫn lộn hoặc lu mờ đức tin, nhưng để kiến tạo những liên minh huynh đệ nhân danh Tổ phụ Abraham, là vị lữ hành trên trái đất dưới cái nhìn từ bi của Thiên Chúa duy nhất trên Trời Cao, Thiên Chúa của hòa bình. Vì thế khẩu hiệu của chuyến viếng thăm là "Hòa bình dưới thế cho người thiện tâm".

Ðại kết Kitô

Ðức Thánh cha nói thêm rằng: "Ðối thoại, gặp gỡ và hành trình tại Bahrain cũng được thực hiện giữa các tín hữu Kitô: thực vậy, cuộc gặp gỡ đầu tiên là cuộc gặp gỡ đại kết, cầu nguyện cho hòa bình với Ðức Thượng phụ yêu quí và là người anh em Bartolomaios, và với các anh chị em thuộc các hệ phái và nghi lễ khác nhau. Cuộc gặp gỡ ấy đã diễn ra tại nhà thờ chính tòa dâng kính Ðức Bà Arabia, cơ cấu thánh đường này gợi lại căn lều, trong đó, theo Kinh thánh, Thiên Chúa đã gặp gỡ ông Môisê trong sa mạc, dọc theo hành trình. Các anh chị em trong đức tin mà tôi đã gặp tại Bahrain, thực sự sống trong hành trình, phần lớn họ là những công nhân di dân, xa nhà, họ tìm lại được cội rễ của mình trong Dân Thiên Chúa và tìm được gia đình trong đại gia đình Giáo hội. Họ tiến bước trong vui tươi, xác tín rằng niềm hy vọng nơi Thiên Chúa không làm thất vọng (Xc Rm 5,5).

Gặp các mục tử và tu sĩ

Khi gặp các mục tử, những người nam nữ thánh hiến, các nhân viên mục vụ, và trong thánh lễ tưng bừng và cảm động tại sân vận động, với bao nhiêu tín hữu đến từ cả những nước khác ở Vùng Vịnh, tôi đã mang lại cho họ lòng quí mến của toàn thể Giáo hội.

Và hôm nay, tôi muốn thông truyền cho anh chị em niềm vui chân thành của họ, đơn sơ và đẹp đẽ. Khi gặp nhau và cùng cầu nguyện, chúng tôi đã cảm thấy đồng tâm hiệp ý. Khi nghĩ đến hành trình của họ, kinh nghiệm đối thoại hằng ngày của họ, tất cả chúng tôi cảm thấy được kêu gọi mở rộng chân trời, cởi mở và mở rộng những quan tâm, tận tụy tìm hiểu người khác. Vì hành trình huynh đệ và hòa binh, để tiến hành, thì cần tất cả và mỗi người. Xin Ðức Mẹ phù giúp chúng con trong hành trình này!

Chào thăm và kêu gọi

Sau bài huấn giáo của Ðức Thánh cha, buổi tiếp kiến được nối tiếp với phần tóm tắt bài giáo lý và những lời chào thăm của ngài gửi đến các nhóm hành hương, trong các ngôn ngữ khác nhau.

Bằng tiếng Bồ Ðào Nha, khi chào các tín hữu nói ngôn ngữ này, Ðức Thánh cha nhắc đến Ðại hội Thánh Thể toàn quốc Brazil lần thứ 18, khai diễn tại thành phố Recife, ngày 11 tháng Mười Một tới đây và cầu mong rằng "cuộc gặp gỡ này với Chúa Giêsu Thánh Thể sẽ củng cố nơi các tín hữu ước muốn theo đuổi hành trình đối thoại huynh đệ với tất cả mọi người".

Ðặc biệt, khi chào các tín hữu Ba Lan, Ðức Thánh cha nói rằng "ngày kia, 11 tháng Mười Một, anh chị em sẽ mừng lễ độc lập của Ba Lan: Ước gì dịp kỷ niệm này gợi lên nơi tất cả mọi người lòng biết ơn đối với Thiên Chúa và tái quyết tâm dấn thân cho tình huynh đệ, bảo vệ sự sống và phẩm giá con người tại đất nước anh chị em và trên trường quốc tế, đặc biệt tại Ucraina láng giềng. Tôi chân thành chúc lành cho anh chị em.

Bằng tiếng Ý, Ðức Thánh cha nói rằng thứ Bảy, mùng 05 tháng Mười Một vừa qua, tại Merù bên Kenya, có lễ phong chân phước cho nữ tu Maria Carola Cecchin, thuộc dòng các nữ tu thánh Giuseppe Benedetto Cottolengo, chị qua đời năm 1925 lúc 48 tuổi, sau khi làm chứng Tin mừng bác ái cho các dân tộc Phi châu. Ước gì tấm gương của chị là phụ nữ tốt lành và khôn ngoan nâng đỡ những người đang hoạt động để phổ biến Nước Thiên Chúa.

Và Ðức Thánh cha đặc biệt chào thăm các phái đoàn hành hương, đồng thời tái mời gọi mọi người cầu nguyện cho Ucraina đau thương và nói: "Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban ơn hòa bình cho dân chúng sầu khổ dường ấy."

Và sau cùng, như thường lệ, Ðức Thánh cha nhắc đến những người cao niên, các bệnh nhân, người trẻ và các đôi tân hôn hiện diện tại buổi tiếp kiến.

Ngài nói: "Hôm nay chúng ta cử hành lễ Cung hiến Ðền thờ thánh Gioan ở khu Laterano, Roma, là đầu và là mẹ của tất cả các thánh đường (caput et mater ommnium ecclesiarum). Cùng với thánh đường này, chúng ta nhớ đến các thánh đường trong đó các cộng đoàn của anh chị em tụ họp để cử hành các mầu nhiệm của Chúa. Ước gì mối liên hệ với nhà thờ của anh chị em làm gia tăng nơi mỗi người trong anh chị em niềm vui đồng hành trong việc phụng sự Tin mừng, dâng hiến kinh nguyện và chia sẻ bác ái."

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page