Ðức Thánh cha họp báo trên máy bay

từ Bahrain trở về Roma

 

Ðức Thánh cha họp báo trên máy bay từ Bahrain trở về Roma.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 08-11-2022) - Trên chuyến bay chiều ngày 06 tháng Mười Một năm 2022, từ Bahrain về Roma, như thói quen, Ðức Thánh cha Phanxicô đã mở cuộc họp báo và ngài đề cập đến một số vấn đề thời sự, như việc tiếp đón di dân và tị nạn, chiến tranh tại Ucraina, sự bình quyền của nữ giới, nạn lạm dụng tính dục trẻ em, tình trạng Giáo hội Công giáo tại Ðức, tình bạn của ngài với Ðại Imam Hồi giáo Al Tayyeb...

Tình trạng Công giáo tại Ðức

Ký giả Ludwig Ring-Eifel, cho biết trong số gần 70 ký giả cùng đi trong máy báy với Ðức Thánh cha chỉ có 3 người Ðức. Ông nhận xét rằng tại Bahrain, có một cộng đoàn Công giáo bé nhỏ, nghèo khó, với bao nhiêu hạn chế, nhưng đó lại là một Giáo hội sinh động, đầy hy vọng. Trái lại ở Ðức, Giáo hội to lớn, với những truyền thống lâu dài, nhiều tiền bạc, có nền thần học, nhưng mỗi năm Giáo hội mất đi 300,000 tín hữu, nhiều tín hữu ở trong tình trạng khủng hoảng nặng nề. Và ký giả hỏi Ðức Thánh cha: nước Ðức to lớn có thể học hỏi được gì từ đoàn chiên nhỏ chúng ta đã thấy ở Bahrain?

Trong câu trả lời, Ðức Thánh cha nhìn nhận là Ðức có một lịch sử tôn giáo kỳ cựu, rộng lớn và phức tạp, với những cuộc tranh đấu. Và ám chỉ đến "Con đường Công nghị" mà Công giáo tại nước này đang thực hiện để cải tổ Giáo hội, chủ trương đạt tới những điều giống như bên Tin lành đã có, Ðức Thánh cha nói: "Tôi nói với các tín hữu Công giáo Ðức rằng nước Ðức đã có một Giáo hội Tin lành to lớn và đẹp đẽ; tôi không muốn có một Giáo hội Tin lành khác nữa, một Giáo hội sẽ không bao giờ tốt như Giáo hội Tin lành hiện nay; tôi muốn Giáo hội Công giáo Ðức là Công giáo, sống huynh đệ với Giáo hội Tin lành. Nhiều khi người ta mất cảm thức tôn giáo của dân chúng, của Dân Thánh trung thành của Thiên Chúa, và chúng ta rơi vào những cuộc tranh luận duy đạo đức, những cuộc tranh luận về cơ cấu, hậu quả của thần học. Dân Thánh của Thiên Chúa nghĩ gì? Làm sao nghe Dân Thánh của Chúa? Hãy đi tìm hiểu xem dân nghĩ gì, lòng đạo đức đơn sơ, bạn có thể tìm thấy lòng đạo đức ấy nơi các ông bà. Tôi không nói là phải thụt lùi đằng sau. Không phải vậy, nhưng hãy trở về nguồn cảm hứng nơi các căn cội. Tất cả chúng ta có một lịch sử căn cội đức tin; cả dân chúng cũng có như vậy, hãy tìm lại lịch sử ấy! (...). Khi còn bé, chúng ta đã hứa bao nhiêu điều. Giờ đây, chúng ta đi vào trong những cuộc thảo luận luân lý đạo đức, những cuộc thảo luận theo hoàn cảnh, nhưng căn cội tôn giáo là "cái tát" mà Tin mừng mang lại cho bạn, là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô hằng sống: từ đó rút ra tất cả những hệ luận; từ đó có lòng can đảm làm tông đồ, đi tới các lãnh vực ngoại ô, bên lề, cả những lãnh vực bên lề về luân lý của dân chúng để giúp đỡ, nhưng phải đi từ cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô. Nếu không có cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, thì đó sẽ là một thứ duy luân lý đạo đức trá hình là Kitô giáo. Ðó là điều mà tôi muốn nói với lòng chân thành".

Chiến tranh Ucraina

Về chiến tranh tại Ucraina, ký giả Antonio Pelayo của báo Vida Nueva, Ðời Sống mới, ở Tây Ban Nha, hỏi Ðức Thánh cha xem vấn đề thương thuyết hòa bình từ phía Vatican như thế nào? Ngài có nói chuyện với Tổng thống Putin không?

Ðức Thánh cha cho biết Tòa Thánh vẫn tiếp tục quan tâm, Bộ Ngoại giao Tòa Thánh đang làm việc rất tốt. Ngài nói: "Tôi biết Ðức Tổng giám mục ngoại trưởng Gallagher đang làm việc tốt."

Và ngài kể lại những điều chính ngài đã làm, như đến đại sứ quán Nga cạnh Tòa Thánh và cho ông Ðại sứ Nga biết ngài sẵn sàng đi Mascơva để nói chuyện với Tổng thống Putin. Ngài cũng điện thoại cho Tổng thống Zelensky, nói chuyện mấy lần với Ðại sứ Ucraina cạnh Tòa Thánh. Tòa Thánh làm việc để xích lại gần, để tìm giải pháp. Tòa Thánh làm những gì cần làm đối với các tù nhân, rồi rao giảng, cổ võ hòa bình.

Ðức Thánh cha nói: "Tôi dùng từ 'martoriata', bị đánh đập, bị hành hạ, để chỉ tình trạng của Ucraina, tình trạng phải chịu sự tàn ác, sự tàn ác này không phải của dân tộc Nga - đây là một đại dân tộc, nhưng có lẽ là do những kẻ đánh thuê, các binh sĩ đi tham chiến, như thể thực hiện một cuộc phiêu lưu. Tôi ưa nghĩ như thế vì tôi quí chuộng nhân dân Nga, quí nền nhân bản của Nga. Chỉ cần nghĩ tới văn hào Dostoevsky ngày nay vẫn còn gợi hứng cho chúng ta, gây cảm hứng cho các tín hữu Kitô. Tôi rất quí mến dân tộc Nga. Khi tôi 11 tuổi, ở gần có một linh mục cử hành lễ bằng tiếng Ucraina và cha ấy không có trẻ giúp lễ, cha dạy tôi giúp lễ bằng tiếng Ucraina và tất cả những bài ca bằng tiếng này, tôi thuộc những bài đó vì tôi học từ nhỏ. Tôi ở giữa hai dân tộc mà tôi quí mến.

Ðức Thánh cha cũng nhận xét rằng chỉ trong một thế kỷ mà có ba cuộc thế chiến! Thế chiến năm 1914-1918, rồi năm 1939-1945 và chiến tranh hiện nay! Ðây là một thế chiến, vì khi các đế quốc, phía này hay phía kia, bị suy yếu thì họ cần gây chiến tranh để cảm thấy mình mạnh mẽ, và cũng để bán khí giới! Vì tôi tin rằng tai ương lớn nhất trên thế giới là công nghệ võ khí! Người ta nói với tôi rằng nếu họ dành tiền một năm chi cho khí giới để chống nạn đói, thì sẽ chấm dứt được nạn đói trên thế giới. Công nghệ võ khí thật là khủng khiếp. Cách đây ba, bốn năm, từ một nước kia có một con tàu chở đầy võ khí tới cảng Genova (bắc Ý), tại đây họ phải chuyển các võ khí ấy sang một con tàu lớn hơn để chở tới Yemen. Các công nhân ở Genova không muốn làm công việc đó. Ðó là một cử chỉ. Yemen từ hơn 10 năm ở trong chiến tranh. Các trẻ em Yemen không có lương thực để ăn. Những người Rohingya, bị di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác vì họ bị trục xuất, luôn ở trong chiến tranh Myanmar, thật là kinh khủng những gì đang xảy ra... Bây giờ tôi hy vọng tại Ethiopia chiến tranh ngưng lại với một hiệp định... Nhưng chúng ta đang ở trong chiến tranh khắp nơi và chúng ta không hiểu điều này. Nay đến lượt Âu châu, chiến tranh giữa Nga và Ucraina. Chiến tranh ở các nơi, tại Syria từ 12, 13 năm rồi, và không ai biết có các tù nhân hay không và những gì đang xảy ra tại đó. Rồi tới Liban. (...)

Nạn lạm dụng tính dục

Ký giả Hugues Lefebvre, người Pháp, hỏi Ðức Thánh cha về vụ nhiều tín hữu tại Pháp đã mất niềm vui, khi đọc trên báo chí tin Giáo hội đã giữ kín vụ kết án hồi năm ngoái (2021) đối với một giám mục, nay đã về hưu, đã lạm dụng tính dục trong thập niên 1990, khi còn là một linh mục. Nay các tín hữu muốn biết nền văn hóa bí mật của giáo luật có thay đổi hay không và trở nên minh bạch hay không? Những hình phạt theo giáo luật có phải công bố hay không?

Trong câu trả lời, Ðức Thánh cha nhắc lại một chút về lịch sự. "Vấn đề lạm dụng vẫn luôn có, không những trong Giáo hội nhưng ở khắp nơi. Quí vị biết là có từ 42% đến 46% những vụ lạm dụng tính dục xảy ra trong gia đình hoặc trong khu xóm; đây là điều rất trầm trọng, nhưng luôn luôn người ta có thói quen che đậy, trong gia đình ngày nay người ta còn che đậy mọi sự. Và cả trong khu xóm, người ta che đậy mọi sự, ít là trong đại đa số các trường hợp; đó là một thói quen xấu. Một vụ lạm dụng, xì căng đan đã xảy ra trong Giáo hội, và từ đó Giáo hội đã ý thức tệ nạn ấy và bắt đầu làm việc về vấn đề này, giữa lúc trong xã hội và các tổ chức khác, thường thường người ta tiếp tục che đậy. Khi có cuộc gặp gỡ các vị chủ tịch các Hội đồng Giám mục, tôi đã hỏi tổ chức Unicef của Liên Hiệp Quốc những thống kê về hiện tượng này: trong các gia đình, khu phố, trường học, trong các môi trường thể thao, và người ta đã thực hiện một nghiên cứu kỹ lưỡng, bao gồm cả Giáo hội. Có người nói các trường hợp lạm dụng xảy ra trong Giáo hội chỉ là một thiểu số bé nhỏ, nhưng tôi nói dù chỉ có một trường hợp trong Giáo hội mà thôi, thì cũng là điều thê thảm rồi, vì linh mục có ơn gọi làm cho dân tăng trưởng, mà lại lạm dụng, thì phá hủy Giáo hội; đối với một linh mục lạm dụng cũng giống như đi ngược lại chính bản chất linh mục, chống lại bản tính xã hội của mình, vì thế đó là một điều bi thảm, chúng ta không được dừng lại.

Trong sự tỉnh thức đó, các nơi người ta thực hiện những cuộc điều tra, có những vụ cáo buộc, nhưng không phải mọi nơi đều giống nhau. Một số vụ kín đáo, che giấu, trước khi xảy ra xìcăngđan ở Boston. Nay mọi sự rõ ràng và chúng ta đang tiến bước về điểm này. Vì thế chúng ta đừng ngạc nhiên khi thấy lộ ra những vụ như vậy...

(Vatican News 6-11-2022)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page