Ðức Thánh cha chủ sự cuộc Gặp gỡ đại kết

và cầu nguyện cho hòa bình tại Bahrain

 

Ðức Thánh cha chủ sự cuộc Gặp gỡ đại kết và cầu nguyện cho hòa bình tại Bahrain.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Awali (RVA News 05-11-2022) - Chiều thứ Sáu, ngày 4 tháng 11 năm 2022, rời Ðền thờ Hồi giáo, Ðức Thánh cha Phanxicô đã tới nhà thờ chính tòa Ðức Bà Arabia cách đó một cây số, cũng tại thị trấn Awali.

Ðây là trụ sở của địa phận Tông tòa Bắc Arabia và là thánh đường Công giáo lớn nhất tại Vùng Vịnh, được xây trên khu đất rộng 9,000 mét vuông do nhà vua tặng cho Giáo hội hồi năm 2013, đúng vào lễ Ðức Mẹ Lộ Ðức.

Lễ đặt viên đá đầu tiên đã được cử hành một năm sau đó. Dự án xây thánh đường được thực hiện với sự cố vấn nghệ thuật của ông Kiko Arguello, người sáng lập Con đường tân dự tòng, và một nhóm kiến trúc sư do ông Mattia del Prete hướng dẫn. Lễ thánh hiến diễn ra ngày 09 tháng Mười Hai năm 2021 do Ðức Hồng y Luis Antonio Tagle, Tổng trưởng Bộ truyền giáo và Hoàng thân Abdulla bin Hamad, đại diện nhà vua khánh thành hôm trước đó.

Thánh đường có thể chứa được 2,300 người có hình bát giác, bên trong có ảnh Ðức Bà Arabia. Cùng với nhà thờ còn có một bãi đậu xe dưới hầm và một trung tâm mục vụ và Tòa Giám mục.

Khi tới nhà thờ, Ðức Thánh cha được ba em bé trao bó hoa để ngài dâng kính Ðức Mẹ, rồi cầu nguyện trong thinh lặng trước khi ký vào sổ vàng lưu niệm.

Trong số các vị lãnh đạo tôn giáo hiện diện, đặc biệt có Ðức Thượng phụ Bartolomaios, Giáo chủ Chính thống Constantinople và là Giáo chủ danh dự chung của Chính thống giáo và hàng ngàn tín hữu.

Buổi gặp gỡ đại kết và cầu nguyện cho hòa bình diễn ra dưới hình thức một buổi phụng vụ Lời Chúa.

Bài giảng của Ðức Thánh cha

Trong bài giảng, Ðức Thánh cha nhắc đến đoạn sách Tông đồ Công vụ (Cv 2,9-11) được đọc trước đó, kể lại ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống: những người thuộc các dân tộc và ngôn ngữ và xuất xứ khác nhau tụ họp nhau, nhưng cùng cảm thấy được liên kết trong cùng một Thánh Linh. Cộng đoàn tại thánh đường này cũng tương tự như vậy: "Tất cả chúng ta đã chịu phép rửa nhờ cùng một Thánh Linh trong một thân thể duy nhất" (1 Cr 12,13). Rất tiếc với những xâu xé giữa chúng ta, chúng ta làm thương tổn Thân Mình thánh thiêng của Chúa, nhưng Thánh Linh, là Ðấng liên kết mọi chi thể, lớn hơn những chia rẽ thể xác của chúng ta. Vì thế thật là đúng khi quả quyết rằng điều liên kết chúng ta vượt xa những gì chia rẽ chúng ta, và hễ chúng ta càng tiến bước theo Thánh Linh, thì chúng ta càng được thúc đẩy mong ước tái lập sự hiệp nhất trọn vẹn giữa chúng ta, nhờ ơn phù trợ của Chúa".

Ðức Thánh cha chia sẻ với mọi người hai điều hữu ích cho hành trình hiệp thông giữa các tín hữu Kitô, đó là hiệp nhất trong sự khác biệt, và làm chứng tá bằng cuộc sống.

Trước hết là hiệp nhất trong sự khác biệt:

Ðức Thánh cha nhận xét rằng Chúa Thánh Linh có thể ngự xuống trên mỗi người riêng rẽ nhưng Chúa đã chọn lúc họ tụ họp nhau để hiện xuống: "Họ có thể thờ lạy Chúa và làm điều thiện cho tha nhân tách biệt nhau, nhưng chính trong khi họ họp nhau trong tình hiệp nhất, những cánh cửa được mở toang cho hoạt động của Thiên Chúa. Dân Kitô được kêu gọi họp nhau để những kỳ công của Thiên Chúa diễn ra."

Áp dụng vào hoàn cảnh của đoàn chiên bé nhỏ của Chúa Kitô, rải rác tại nhiều hơn ở Bahrain và trong các hệ phái khác nhau, Ðức Thánh cha nhận xét rằng tình trạng này giúp cảm thấy cần sự hiệp nhất, chia sẻ đức tin: cũng như quần đảo Bahrain này không thiếu những liên kết vững chắc giữa các hải đảo, cũng vậy giữa chúng ta, để không bị cô lập, nhưng được ở trong tình hiệp thông huynh đệ".

Và Ðức Thánh cha nói rằng các tín hữu Kitô tại Bahrain này có lịch sử, tập quán, những công tác và khoảng cách xa nhau, nhưng có thể có một nơi hội họp, một nhà tiệc ly tinh thần để hiệp thông, đó là sự chúc tụng Thiên Chúa mà Chúa Thánh Linh khơi lên nơi mọi người. Ngài nói: "Kinh nguyện chúc tụng không cô lập, không khép kín vào mình, trong các nhu cầu riêng, nhưng đưa chúng ta vào con tim của Chúa Cha và liên kết tất cả chúng ta với mọi anh chị em. Kinh nguyện chúc tụng và thờ lạy là cao cả nhất: nhưng không và vô điều kiện, lôi kéo niềm vui của Thánh Linh, thanh tẩy tâm hồn, tái tạo sự hòa hợp, chữa lành sự hiệp nhất.

Ðức Thánh cha nói thêm rằng: "Ðiều tốt lành là anh chị em tiếp tục nuôi dưỡng việc chúc tụng Thiên Chúa, để càng trở thành dấu chỉ sự hiệp nhất cho mọi Kitô hữu. Ngoài ra, anh chị em hãy hãy tiếp tục thói quen cho các cộng đoàn Kitô khác được sử dụng nơi thờ phượng để thờ lạy Thiên Chúa duy nhất."

"Tóm lại, chúng ta đừng khép kín mình trong sự đồng nhất, nhưng sẵn sàng đón nhận nhau trong những khác biệt. Ðiều xảy ra cho người sống theo Thánh Linh, đó là học gặp gỡ mọi anh chị em trong đức tin như thành phần thân thể của mình. Ðó là tinh thần của hành trình đại kết".

Sang đến yếu tố thứ hai là làm chứng tá bằng cuộc sống, Ðức Thánh cha nói: "Trong lễ Hiện xuống, các môn đệ ra khỏi nhà tiệc ly. Từ đó họ đi khắp nơi trên thế giới... ra đi khắp nơi làm sáng tỏa vẻ đẹp của tình yêu Thiên Chúa qua cuộc sống của họ. Thực vậy, sứ mạng của chúng ta không phải là một lời nói, một diễn văn phải làm, nhưng là chứng tá cần biểu lộ bằng việc làm, bằng sự kiện; đức tin không phải là một đặc ân cần đòi hỏi, nhưng là một hồng ân để chia sẻ. Các tín hữu Kitô yêu thương tất cả mọi người; đó là đặc điểm Kitô, là cốt tủy chứng tá của họ. Sống ở Bahrain này giúp bao nhiêu người trong anh chị em tái khám phá và thực hành sự đơn sơ chân thành của đức bác ái: tôi nghĩ đến sự trợ giúp những anh chị em đang tới đây, một sự hiện diện Kitô trong tinh thần khiêm tốn hằng ngày làm chứng nhân tại những nơi làm việc, cảm thông và kiên nhẫn, vui tươi và hiền lành, tử tế và có tinh thần đối thoại. Nói tắt một lời là an bình."

Ðức Thánh cha cũng nhắn nhủ rằng: "Chúng ta hãy tự hỏi về chứng tá của chúng ta, lý do vì với thời gian, có thể vì bất động và giảm suy trong việc làm chứng cho Chúa Kitô qua tinh thần Bát phúc, sự nhất quán và sự tốt lành trong đời sống, lối cư xử ôn hòa. Chúng ta hãy tự hỏi và giờ đây cùng nhau cầu nguyện cho hòa bình: chúng ta có thực sự là những người hòa bình hay không?

Cầu nguyện

Sau bài giảng của Ðức Thánh cha, những ý nguyện cầu cho hòa bình đã được các đại diện thuộc các cộng Kitô khác nhau: Chính thống, Tin lành, Anh giáo, xướng lên, trước khi đọc kinh chung Kinh Lạy Cha và phép lành của Ðức Thánh cha.

Buổi gặp gỡ và cầu nguyện kết thúc với Kinh Hòa Bình của thánh Phanxicô Assisi.

Ðức Thánh cha còn chụp hình chung với các vị lãnh đạo tôn giáo trước khi trở về nhà khách lúc quá 7 giờ để dùng bữa tối.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page