Ðại hội Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) 50:

Toàn văn cuộc họp báo lần thứ nhất

 

Ðại hội Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) 50: Toàn văn cuộc họp báo lần thứ nhất.

Nt. Anna Ngọc Diệp, Dòng Ða Minh Thánh Tâm

Bangkok (WHÐ 30-10-2022) - Nhân kỷ niệm 50 năm thành lập (1970 -2020), Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) đã tổ chức Ðại hội Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) 50 với Chủ đề "Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) 50: Cùng nhau hành trình như các dân tộc Châu Á - và họ đã đi theo một con đường khác" (Mt 2, 12) tại Trung tâm Mục vụ Baan Phu Waan, Tổng Giáo phận Bangkok, Thái Lan. Hơn 200 tham dự viên đại diện cho 29 quốc gia thành viên nhóm họp từ ngày 12 đến 30 tháng 10 năm 2022.

Hôm 24 tháng 10 năm 2022, trong khuôn khổ Ðại hội Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) 50, đã diễn ra buổi họp báo sau 12 ngày làm việc dưới sự dẫn dắt của Ðức giám mục Mylo Hubert Vergara, giáo phận Pasig, Philippines, Chủ tịch Ủy ban Truyền thông - Ðại hội Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) 50, và sự hiện diện của:

- Ðức hồng y Charles Maung Bo, Tổng Giám Mục Yangon, Myanma, Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC);

- Ðức hồng y Oswald Gracias, Tổng Giám Mục Mumbai, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ấn Ðộ, và Ðồng tổ chức Ðại hội Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) 50;

- Ðức hồng y Phanxicô Xavier Kriengsak Kovitvanit, Tổng Giám mục Bangkok, Thái Lan, tổ chức Ðại hội Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) 50.

Sau lời cầu nguyện khởi đầu, và chào mừng mọi người tham dự cuộc họp báo dưới dạng trực tiếp hoặc trực tuyến, Ðức giám mục Vergara giới thiệu 3 Ðức hồng y tham gia cuộc họp báo. Ðồng thời ngài nêu rõ mục đích của cuộc họp báo lần thứ nhất này nhằm giúp mọi người có cái nhìn khái quát về tiến trình của Ðại hội Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) 50 sau 12 ngày làm việc đầu tiên.

Dưới đây là toàn văn nội dung của cuộc họp báo (phiên bản viết do CBCP News và LiCAS News thực hiện):

Ðức hồng y Charles Maung Bo

Chào buổi tối, Chào buổi sáng, Chào buổi chiều. Trước hết, tôi muốn nói rằng tại Ðại Hội Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) 50, chúng tôi thực sự kỷ niệm sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, đặc biệt là trong suốt 50 năm qua.

Khi lắng nghe những chuyến viếng thăm của tất cả các quốc gia ở Châu Á, chúng tôi thấy được sự đa dạng, người dân đau khổ, những thách đố, đồng thời chúng tôi cũng nhận được những ân sủng lớn lao. Trong dịp kỷ niệm này, với tâm tình tạ ơn Thiên Chúa và biết ơn nhau, chúng tôi khẳng định một toàn thể mới mẻ và được hồi sinh của Châu Á.

Các nhà chiêm tinh đã đến đây 2,000 năm trước từ phương Ðông, từ châu Á. Họ đã đi theo một con đường khác. Chúng tôi đang lên kế hoạch là chúng tôi nên thực hiện những con đường khác, đặc biệt là trong các lĩnh vực về hòa bình, đối thoại và hòa giải, như một lộ trình mới của việc Tân Phúc âm hóa.

Trong những ngày gặp gỡ và trao đổi, chúng tôi thấy mình rất giống Môsê. Trước mặt chúng tôi, Môsê sẽ nói: "Làm sao có thể như vậy được? Bụi cây đang bốc cháy". Cũng vậy, trong các phiên họp, chúng tôi thấy bụi cây đang cháy là những sự bóc lột, cạnh tranh, thảm sát kinh tế, di cư, chiến tranh, thảm họa do con người tạo ra, và giống như Môsê, chúng tôi thưa với Chúa rằng, "Làm sao có thể thế được?" Nhưng chúng tôi có sự bảo đảm của Chúa, Ngài sẽ phán, "Ta sẽ ở với các con. Với các con ở châu Á".

Như chúng tôi đã đề cập trước đó, Giáo Hội của chúng ta không được xây dựng bởi các triết gia, nhưng được xây dựng bởi những người chăn cừu như Môsê, những người chài lưới như Thánh Phêrô, và như Thánh Phaolô. Thực sự, chúng ta rất hạnh phúc vì Thiên Chúa đã trở nên xác phàm ở châu Á.

Tuy nhiên, sau 2,000 năm lịch sử của Kitô giáo, châu Á vẫn chỉ có khoảng 2% Kitô hữu. Dù vậy, chúng ta không thất vọng vì dù là thiểu số, nhưng sự hiện diện của chúng ta ở toàn châu Á rất hiệu quả, và chúng ta đang trải qua cuộc hành trình này với bộ ba đối thoại, đó là với người nghèo, với nền văn hóa, với tôn giáo của chúng ta, và thêm vào đó, là với thiên nhiên.

Chúng ta có lý do để vui mừng và biết ơn vì rằng chúng ta sẽ tiếp tục cuộc hành trình của mình ở châu Á, đặc biệt là phóng chiếu khuôn mặt của Chúa Giêsu theo cách thức Á châu. Xin cám ơn rất nhiều.

Ðức Hồng Y Phanxicô Xavier Kriengsak Kovitvanit

Sawadika! Ðây là một cách chào hỏi của Thái Lan. Thay mặt cho Tổng giáo phận Bangkok và Hội đồng Giám mục Thái Lan, đồng thời là chủ nhà của Ðại hội Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) 50 rất quan trọng này, tôi thực sự vui mừng về tất cả những gì chúng tôi phải làm để phục vụ các thành viên của Ðại hội. Ðồng thời, tôi muốn nhân cơ hội này cảm ơn tất cả nhóm đã chuẩn bị "sự hiệp thông" này. Trong đó phải kể đến các sinh viên, các thành viên của các Dòng tu, trường học, và nhiều người khác.

Và cũng xin thay mặt Hội đồng Giám mục Thái Lan và Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC), tôi cảm ơn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thái Lan trong việc tạo điều kiện cho các Giám mục đến từ các quốc gia trong khu vực châu Á. Xin cảm ơn.

Ðức hồng y Oswald Gracias

Xin cảm ơn và xin chào anh chị em. Tôi sẽ chia sẻ với anh chị em một chút về việc chúng tôi đã đề xướng để tiếp tục Ðại hội này như thế nào. Như chúng ta đã biết, đây là Ðại hội giám mục Á châu đầu tiên (kể từ sau đại dịch). Ðây là lần quy tụ các giám mục châu Á lớn nhất mà chúng tôi từng có, thậm chí còn nhiều hơn cả khi chúng tôi bắt đầu Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) 50 năm trước.

Chúng tôi đã có một số cuộc tham vấn để chuẩn bị cho Ðại hội, nhằm xác định đâu là những mối quan tâm, những thách đố, cơ hội và những gì Giáo hội phải đối diện, những gì mà các linh mục, giám mục và nhân sự của Giáo hội phải đương đầu. Sau khi tổng hợp tất cả những điều đó lại với nhau, chúng tôi xác định được một số mối quan tâm được đặt ra cho chúng tôi và những điều này đã trở thành nền tảng định hình Ðại hội.

Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ có một số phân đoạn cho Ðại hội này. Chúng tôi bắt đầu với phân đoạn "Tìm hiểu Châu Á" để nhận biết bối cảnh nơi chốn của chúng tôi. Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) có 29 quốc gia, và vì vậy, những tham dự viên Ðại hội được tiếp xúc với các báo cáo từ mỗi quốc gia này để biết tình hình xã hội, kinh tế, chính trị, tôn giáo, địa chính trị, biến đổi khí hậu, và chúng tôi đã có thể cảm nhận và xác định chính xác những vấn đề trong khu vực đó là gì.

Trong ba ngày, quả thật là khoảng thời gian rất phong phú đối với tất cả chúng tôi, đó là sự nhất trí của tất cả các tham dự viên, chúng tôi bắt đầu đào sâu những ưu tiên đã được xác định. Những thực tế đang nổi lên với chúng tôi ngay tại đây. Cụ thể đó là những vấn đề về việc sắp thoát khỏi đại dịch; về biến đổi khí hậu; về tiếng kêu của giới trẻ, của phụ nữ; về người di cư, về người dân bản địa... Một số vấn đề chúng tôi đã đào sâu hơn bằng việc dành ra 4 ngày để chia sẻ, thảo luận về những thực tế mà chúng tôi đang phải đối diện, để chúng tôi và các tham dự viên Ðại hội có thể hiểu rõ hơn đâu là thực tế, đâu là hoàn cảnh khách quan của những vấn đề này.

Mấy ngày nay, chúng tôi đang trong tiến trình nhận dạng và cố gắng mở lòng để hiểu những vấn đề ưu tiên này.

Mục tiêu của chúng tôi thực ra là suy tư dựa trên sự phong phú của châu Á. Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) đã được những gì, và chúng tôi tìm ra mình có thể bước tiếp như thế nào. Chúng tôi nên có ưu tiên gì trong vài năm tới, các Giáo hội ở Á châu nên làm gì, họ cần tự điều chỉnh, và hướng dẫn dân chúng như thế nào. Chúng tôi, các giám mục châu Á, Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC), muốn cam kết làm việc cho một châu Á tốt đẹp hơn, và không chỉ cho một Giáo hội tốt đẹp hơn, mà cho toàn bộ châu Á tốt đẹp hơn trên toàn thế giới. Tôi nghĩ, đó là những gì chúng tôi sẽ phân định.

Tôi muốn thú nhận với anh chị em rằng chính bản thân tôi có thể cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Chúng tôi hy vọng rằng vào cuối Ðại hội, nghĩa là vào cuối tuần này, chúng tôi sẽ gửi một Sứ điệp cho người dân châu Á, và cũng bắt đầu các yếu tố của Văn kiện cuối cùng, giống như một tài liệu hướng dẫn, một kế hoạch mục vụ cho các Giáo hội của châu Á. Tất cả còn đang trong tiến trình. Xin cám ơn rất nhiều.

1. Những vấn đề Giáo hội Á châu đang đối diện

Jose Torres Jr., LiCAS News: Con muốn đặt một câu hỏi cho Ðức Hồng Y Gracias. Con biết rằng Ðại hội vẫn đang diễn tiến, các cuộc thảo luận về những vấn đề mà Giáo hội Á châu đang phải đối diện vẫn đang tiếp tục, nhưng Ðức hồng y có thể cho chúng con một cái nhìn thoáng qua về những hành động sẽ như thế nào không? Làm thế nào để Giáo hội Á châu tiến về phía trước trong tất cả các vấn đề này, chẳng hạn như môi trường, nhân quyền, và các vấn đề khác mà Giáo hội Á châu hiện đang phải đối diện? Ðâu là những hành động khả thi mà Giáo hội sẽ thực hiện?

Hồng y Gracias: Vâng, tôi đã đề cập đến một số điều rõ ràng được đưa ra trong các cuộc thảo luận của chúng tôi, nhưng cũng có nhiều vấn đề khác nữa. Chúng tôi ý thức rằng nhiệm vụ của Giáo hội là bảo vệ phẩm giá con người, bảo vệ công lý, thúc đẩy công lý. Hoạt động cho hòa bình, hòa giải, hòa hợp, và cho Giáo hội trở thành một nhân tố xây dựng cầu nối, điều đó đã được đưa ra trong các cuộc thảo luận của chúng tôi.

Hôm nay chúng tôi tiếp tục tiến trình như đã được hoạch định. Như anh đã đề cập đến nhân quyền. Ở một số nơi, nhân quyền bị chà đạp. Ở một số nơi, phụ nữ không có quyền bình đẳng. Ở một số nơi, người di cư bị từ chối, và ở một số nơi, quyền của người bản địa không được bảo vệ.

Chúng tôi bắt đầu thảo luận về những vấn đề này. Thực ra, những vấn đề này có trong danh sách mà tôi đã đưa ra ngay từ đầu. Ðây cũng là những vấn đề ưu tiên. Lúc này, Giáo hội ở đây, các giám mục ở đây, đại diện cho các Giáo hội khác ở Châu Á, đang suy tư về việc chúng tôi có thể thúc đẩy nhân quyền, nâng cao phẩm giá con người, và đảm bảo công lý, hòa bình và hòa giải như thế nào. Chúng tôi có thể làm cho Châu Á, một nơi mà Thiên Chúa muốn nó trở thành, như thế nào. Chúng tôi có thể đẩy mạnh các giá trị phúc âm như công lý, hòa bình, tình yêu, hiệp nhất, hòa hợp như thế nào. Ðó là sứ mạng của chúng tôi, đó là nhiệm vụ của chúng tôi, đó là ơn gọi của chúng tôi và chúng tôi chắc chắn sẽ thực hiện. Có thể khi gặp nhau lần sau, chúng tôi sẽ có thể đưa ra một số thông tin cụ thể hơn. Xin cảm ơn vì đã đặt câu hỏi.

2. Tương quan với các Hội đồng Giám mục khác

Nữ tu Bernadette Reis, Vatican News: Ðức hồng y thường đến Rome. Thật là một cơ hội tuyệt vời để đổi ngược lại là con có chuyến thăm Ðức hồng y tại đây! Thưa Ðức hồng y Gracias, trong bài diễn văn chào mừng, Ðức hồng y đã nói rằng nguồn cảm hứng để tổ chức Ðại hội này đến từ cộng sự Latinh - Hội đồng Giám mục Châu Mỹ Latinh (Episcopal Conference of Latin America (CELAM)-, mà tất nhiên chúng con có những tài liệu vô cùng tuyệt vời đến từ đó. Nhưng tại sao lại là CELAM? Tại sao CELAM bây giờ ở Châu Á?

Ðức hồng y Gracias: Thực ra không có gì cụ thể cả. Ðúng là một sự trùng hợp ngẫu nhiên mà chúng tôi đã được truyền cảm hứng từ CELAM ngay từ đầu Ðại hội này. CELAM lớn hơn Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) khoảng 15 tuổi. Hiện nay, CELAM là một lực lượng mạnh mẽ đầy cảm hứng ở Nam Mỹ, và họ có lợi thế hơn. CELAM đồng nhất hơn nhiều so với Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) ở châu Á. Với ngôn ngữ chính là Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha, CELAM có nhiều giao tiếp và giao tiếp thể lý hơn. Ðức hồng y Bo và tôi đã tham dự CELAM. Cá nhân tôi có dịp tiếp xúc nhiều với các viên chức, các chủ tịch CELAM và chúng tôi đã thảo luận rất nhiều về những gì CELAM đang làm cho các quốc gia tại Nam Mỹ.

Ủy ban trung ương đã thảo luận về vấn đề này và chúng tôi cảm thấy rằng chúng tôi sẽ được lợi rất nhiều khi có một hội đồng tương tự, không phải là hội đồng toàn thể với một chủ đề, mà là một Ðại hội, với số lượng các giám mục đông hơn, quyền sở hữu tập thể lớn hơn, và nhìn vào toàn bộ viễn cảnh.

Khi thời điểm đến, chúng tôi phát hiện ra là đã gần đến dịp Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) kỷ niệm 50 năm, vì vậy chúng tôi quyết định sẽ tổ chức kỷ niệm 50 năm. Chúng tôi thực sự được gợi hứng từ CELAM rất nhiều.

Tôi rất vui vì chủ tịch của CELAM đã đến đây vài ngày, ngoài ra, chúng tôi đã có mối liên hệ với tất cả các nhóm khu vực, lục địa ở châu Phi và chúng tôi mong đợi chủ tịch của SECAM (Hội nghị các Hội đồng Giám mục châu Phi và Madagascar- Symposium of Episcopal Conferences of Africa and Madagascar) có mặt ở đây. Chúng tôi có sự hiện diện của Chủ tịch COMECE (Ủy ban Hội đồng Giám mục Liên minh Châu Âu), và của Chủ tịch CCEE (Liên Hội đồng Giám mục châu Âu).

Chúng tôi muốn trao đổi, làm việc cùng nhau. Ví dụ, chúng tôi có cùng mối quan tâm về biến đổi khí hậu, và những vấn đề tương tự. Tôi nhận ra rằng những người bản địa ở Nam Mỹ cũng gặp phải vấn đề giống như của chúng tôi ở châu Á. Vì vậy, chúng tôi nhận ra thế giới là một, các vấn đề đều giống nhau và nếu Sơ muốn học hỏi từ họ, hãy liên đới với họ. Xin cảm ơn câu hỏi của Sơ.

3. Ðóng góp của Giáo hội Á châu

Roy Lagarde, CBCP News: Thưa Ðức hồng y Bo, theo Ðức hồng y thì Giáo hội Á châu có thể cống hiến những đóng góp độc đáo nào cho Giáo hội ở các Châu lục khác?

Ðức Hồng Y Bo: Không phải tôi đang so sánh châu Á với phương Tây, hay với châu Mỹ, nhưng những giá trị của châu Á có thể được chia sẻ với các khu vực khác trên thế giới. Chẳng hạn như giá trị của gia đình; của sự sùng đạo; của sự kính trọng người cao niên, cha mẹ; của hòa bình; của thiền niệm; và của tâm linh có thể chia sẻ một cách sâu đậm với phương Tây.

Chúng tôi không muốn nói là phương Tây đã hoàn toàn quên mất ý thức về Thiên Chúa. Trong khi đó, tôi có thể nói rằng, ở châu Á, 95%, hoặc có thể là hết mọi người, đều có ý thức về tôn giáo. Chẳng có ai ở châu Á, như Myanmar chẳng hạn, nói rằng "Tôi không có tín ngưỡng". Mỗi người sẽ có tín ngưỡng của riêng mình, hoặc Phật giáo, Hồi giáo, hoặc Kitô giáo... Ít nhất là lòng sùng kính, ý thức thực sự về Thượng Ðế luôn hiện diện trong con người của người dân châu Á. Ðiều đó có thể được chia sẻ với người khác, nhất là với phương Tây.

Ðức hồng y Gracias: Giáo hội ở Á châu còn trẻ, đang phát triển nhưng tôi nghĩ rằng đã đến lúc Giáo hội Châu Á cũng phải đóng góp cho Giáo hội hoàn vũ.

Trong Ðại hội này, những tài liệu của Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) đã đưa ra một thần học mới, một cái nhìn sâu sắc mới về thần học. Ðiểm cụ thể mà phần còn lại của thế giới có thể học hỏi từ châu Á đó là Ðối thoại Liên tôn. Tôi nghĩ rằng nhiều quốc gia, nhất là ở châu Âu, đang loay hoay làm sao để có tương quan với các tôn giáo khác. Và tôi nghĩ rằng chúng ta có kinh nghiệm, vì đối với chúng ta, đối thoại liên tôn không phải là tuỳ chọn, nhưng là một sự cần thiết. Chúng ta đã giúp đỡ lẫn nhau thành công. Các tôn giáo khác và chúng ta giúp đỡ lẫn nhau một cách hài hòa. Tôi nghĩ phương Tây và châu Phi cũng vậy, nên đối thoại liên tôn có thể là một đóng góp rất lớn của chúng ta.

Tôi thấy ở một số nước châu Á cũng có các Ủy ban Hòa bình và Hòa giải. Tôi đang nghĩ tới Hàn Quốc và Triều Tiên; Hàn Quốc và Nhật Bản. Chính tôi cũng đã tham dự các cuộc họp ở Hàn Quốc. Chúng tôi đang lên kế hoạch cho sự thống nhất trong tương lai của cả hai, cho hòa bình và hòa giải. Chắc chắn, đây là những đóng góp mà chúng ta có thể thực hiện từ kinh nghiệm, suy tư, những thành công và thất bại của chúng ta đối với Giáo hội hoàn vũ.

4. Giáo hội Á châu và Giới trẻ

Jose Torres Jr., LiCAS News: Các vị hồng y đã nói rằng Giáo hội ở Châu Á còn khá trẻ, và ngày càng có nhiều người trẻ đang hoạt động trong Giáo hội. Nhưng đồng thời, rất nhiều người trẻ, không chỉ ở Châu Á, mà trên khắp thế giới, dường như đang hình thành một Giáo hội mới trên mạng, trên Internet. Liệu chúng ta có đang lên mạng để truyền giáo, để tiếp cận với những thành phần trẻ hơn của Giáo hội chăng? Liệu các Ðức giám mục và linh mục đã sẵn sàng lên mạng xã hội và làm TikTok chưa?

Hồng y Gracias: Châu Á là một lục địa trẻ về độ tuổi. Tất cả chúng ta đều biết như vậy... Ðức Thánh Cha Phanxicô, trong sứ điệp của ngài gửi cho chúng tôi dịp Ðại hội lần này cũng đã nói như thế. Khi Thánh giáo hoàng Phaolô VI đến Manila, ngài đã nhìn thấy một lượng lớn dân chúng, đa số là người trẻ. Vì vậy, ngay tại thời điểm đó, Thánh Phaolô VI đã nhận thấy điều này.

Thật vậy, chúng tôi nhận thức rằng giới trẻ là một thành phần rất quan trọng trong việc lập kế hoạch, hành động và tầm nhìn của chúng tôi. Chúng tôi muốn giới trẻ ở bên chúng tôi trong bất kỳ dự án nào như những cộng sự thực thụ của chúng tôi.

Thượng Hội Ðồng Giám mục về Giới trẻ - Christus Vivit - giới trẻ đồng hành với chúng ta bằng tất cả nhiệt huyết của họ. "Hãy dạy chúng tôi, và khi chúng tôi mắc sai lầm, hãy tin tưởng ở chúng tôi", đó là những gì giới trẻ thỉnh cầu. Chúng tôi nhận thức rõ về tầm quan trọng của giới trẻ, sự quảng đại, chân thực và nhiệt huyết của họ trong việc tạo ra những thay đổi đối với châu Á. Giới trẻ là một thành phần rất quan trọng, không thể thiếu trong mọi hoạt động của chúng tôi. Tôi nghĩ đây cũng là suy nghĩ của tất cả các giám mục đang tham dự Ðại hội.

Ðức Hồng Y Bo: Tôi thêm một chút rằng: Chúng ta phải truyền giáo cho giới trẻ tại nơi có giới trẻ. Giới trẻ ở đâu? Họ đang ở trên internet, trên Facebook. Vì vậy, trong những ngày này, chúng tôi đã thảo luận về việc các vị lãnh đạo của Giáo hội sẽ phải học cách sử dụng và tận dụng các phương tiện truyền thông xã hội. Tất nhiên, đại dịch đã dạy chúng ta rất tốt. Chúng ta phải tận dụng việc rao giảng trực tuyến. Ví dụ, Ðài Chân lý Á châu (Radio Veritas Asia), chúng tôi đã chuyển sang trực tuyến và chúng tôi đang tìm hiểu nhiều về điều đó. Các vị mục tử của Giáo hội sẽ phải đảm nhận việc rao giảng trực tuyến, nhất là, để tiếp cận với giới trẻ chúng tôi phải có mặt nơi họ hiện diện.

Ðức hồng y Kriengsak: Liên quan đến việc sử dụng các phương tiện truyền thông, Chúa nhật tuần trước, Khánh Nhật Truyền giáo, chúng tôi và các tham dự viên Ðại hội, đã viếng thăm gần 20 giáo xứ của Châu Á thông qua các phương tiện truyền thông. Và hàng ngày, mỗi buổi sáng, chúng tôi cầu nguyện trực tuyến, thu hút nhiều nước Châu Á quan tâm, đóng góp và cầu nguyện với chúng tôi. Ðó cũng là điều chúng tôi đang cố gắng tạo điều kiện thuận tiện để có thể giao tiếp, liên kết với mọi người.

5. Giáo hội Châu Á đóng góp cho Thượng hội đồng

Clyde Nolasco, Dominus Est - Philippines: Câu hỏi của con dành cho Ðức hồng y Bo: Liệu Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) sẽ có những hành động hoặc văn bản cụ thể nào để gửi tới Thượng hội đồng, nhờ đó, tiếng nói của Giáo hội châu Á và những mối quan tâm khác ở châu Á được lắng nghe trong Thượng hội đồng không?

Ðức Hồng Y Bo: Những ngày này, trước khi kết thúc Ðại hội, chúng tôi đã chuẩn bị những tài liệu cuối cùng, chủ yếu sẽ liên quan với Hiệp hành tính. Văn kiện cuối cùng sẽ là những cam kết về công việc mà chúng tôi đang tập trung trước mắt cho năm tới, đặc biệt là Ðại hội của chúng tôi, vốn được gắn kết với Hiệp hành tính, hoặc Thượng hội đồng mà Roma đang chuẩn bị.

6. Tương quan với các Giám mục Trung Quốc

Giorgio Bernardelli, AsiaNews: Con muốn hỏi liệu có sự tham dự cách nào đó từ các giám mục Trung Quốc không.

Ðức hồng y Gracias: Chúng tôi đã liên lạc với các giám mục từ Trung Quốc. Chúng tôi rất lấy làm tiếc, vì lý do ảnh hưởng của đại dịch, các ngài không thể hiện diện ở đây. Nếu không phải vì đại dịch, tôi chắc chắn rằng các ngài sẽ tham dự Ðại hội với chúng tôi.

Tôi đã nói với các giám mục Trung Quốc rằng "Sẽ không trọn vẹn nếu thiếu các ngài, các ngài là thành phần quan trọng" và các ngài rất muốn tham dự. Tuy nhiên, chính Ðại hội cũng đã bị hoãn hai lần vì đại dịch, và có những hạn chế đi lại ở đó, vì vậy tất cả là vì lý do đại dịch. Dù thế, các Giám mục Trung Quốc có tham gia vào một số hoạt động khác với Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC).

Cảm ơn bạn đã nêu câu hỏi này, nhân đây, tôi muốn nói công khai rằng chúng tôi bị lỡ sự hiện diện của các Giám mục Trung Quốc tại Ðại hội này.

7. Giáo hội Á châu và Hoà bình

Victor Gaetan, Catholic News Service: Xin chào, câu hỏi của con xin được gửi đến Ðức Hồng Y Bo. Ðức hồng y đã đề cập đến nhiều mối đe dọa đối với hòa bình ở Châu Á, và Ðức hồng y nhấn mạnh sự cần thiết của Giáo hội để phản ứng, khởi xướng, vận động cho bình đẳng và đứng lên bằng quyền lực. Vậy chúng ta bắt đầu công việc này từ đâu?

Ðức Hồng Y Bo: Vâng, cảm ơn vì câu hỏi. Ðể xây dựng hòa bình, chúng ta có điều vừa được Ðức hồng y Gracias đề cập, rằng Châu Á là một điển hình về đối thoại liên tôn. Các vị lãnh đạo tôn giáo sẽ là những người có ảnh hưởng nhất có thể mang lại hòa bình, xây dựng hòa bình ở mọi nơi trên thế giới và bất kỳ quốc gia nào. Tôi nghĩ rằng tác động hoặc ảnh hưởng của những người có tín ngưỡng có vẻ hiệu quả hơn. Chúng ta có đối thoại liên tôn. Và ngoài ra, thế giới đã kết nối với hàng trăm quốc gia theo tôn giáo vì hòa bình.

Chúng tôi đã thảo luận trong Ðại hội này rằng chúng ta phải tạo ra các bên liên quan gồm những người khác nhau, đặc biệt là chính phủ hoặc bất kỳ nhà lãnh đạo nào ở các quốc gia ở Châu Á. Mặc dù là một tôn giáo thiểu số, nhưng chúng ta nhận được sự tôn trọng và đánh giá cao về những gì Giáo hội Công giáo thực hiện.

Các vị lãnh đạo Công giáo của chúng ta, các giám mục, có nhiều ảnh hưởng đối với các nhà lãnh đạo, chính phủ của đất nước mình. Ðây có thể là nguồn sức mạnh để xây dựng hòa bình đất nước.

8. Giới thiệu Chúa Giêsu

Ivan Fernandes, UCAN: Ðức hồng y nghĩ ra điều gì khi phóng chiếu Chúa Giêsu theo cách của người châu Á?

Ðức hồng y Gracias: Như anh biết đấy, chúng tôi đã có một Ðại hội truyền giáo. Ðó là kể câu chuyện về Chúa Giêsu, đó là chủ đề của những năm trước. Lúc đó, chúng tôi đã thử để xem chúng tôi có thể kể câu chuyện về Chúa Giêsu bằng ngôn ngữ Ấn Ðộ như thế nào.

Hiện giờ chúng tôi chưa đưa ra đề tài này để thảo luận. Trọng tâm của chúng tôi lúc này là làm thế nào để mang Tin Mừng và sự hiện diện của Chúa Giêsu vào trong những thực tại và thách đố khác nhau như đã được đề cập đến.

Nhưng chắc chắn, khi chúng tôi nói về giáo lý viên, về việc đào tạo thì đề tài quan trọng này sẽ được xem xét.

9. Nhiều Tân Hồng y từ Châu Á

Roy Lagarde, CBCP New: Ðức hồng y nghĩ gì về việc bổ nhiệm các Hồng y châu Á? Ðức hồng y nghĩ tại sao gần đây Ðức Giáo hoàng đã bổ nhiệm nhiều hồng y người châu Á?

Ðức hồng y Gracias: Bởi vì Giáo hoàng thích Châu Á! (cười). Chúng tôi thực sự không biết. Nhưng bạn biết đấy, đó là một dấu hiệu cho thấy Châu Á đang chiếm vị trí xứng hợp trong Giáo hội. Tôi đã đề cập đến việc Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) đóng góp, Giáo hội Châu Á đóng góp cho Giáo hội hoàn vũ. Một trong những yêu cầu của Công đồng Vatican II là quốc tế hóa giáo triều. Ðức Thánh Cha rất phổ quát, tôi nghĩ đó là quốc tế hóa mọi thứ. Tất nhiên việc bổ nhiệm các Hồng y là ý tưởng nằm trong tâm trí của Ðức Thánh Cha, là lựa chọn và quyết định cá nhân của Ðức Thánh Cha.

Ðức Hồng Y Bo: Tôi xin nói thêm về tại sao Ðức Thánh Cha đã chọn nhiều vị Hồng Y đến từ Châu Á, đó là Ðức Thánh Cha rất quan tâm và thực sự dành sự quan tâm, yêu thương đối với những người ở ngoại biên, những người nghèo nhất.

Châu Á nhỏ bé và có phần bị thế giới lãng quên, vì vậy Ðức Thánh Cha đặc biệt lưu tâm đến khía cạnh này để làm cho Châu Á mang tính hoàn vũ hơn. Ðồng thời, Ðức Thánh Cha cũng đang chọn những vị hồng y đó từ những người nghèo nhất trong dân chúng, như là một cách ngài lưu tâm đến người nghèo và những người bị bỏ ra bên lề.

10. Giáo dân và việc Truyền giáo

Joseph, Radio Veritas Asia: Kitô giáo ở Châu Á đã 2,000 năm tuổi, nhưng chúng ta vẫn là một tôn giáo thiểu số. Chúng ta sẽ làm gì về điều này? Làm thế nào để giáo dân có thể truyền giáo?

Ðức hồng y Gracias: Ðây là một câu hỏi rất liên quan, rất quan trọng. Tôi nghĩ toàn bộ ý tưởng về Hiệp hành tính là mọi người cùng nhau làm việc và cùng nhau bước đi để chu toàn sứ mạng. Tôi cảm thấy rằng sự cần thiết của giáo dân - phụ nữ, giới trẻ và cả nam giới- trong việc tham gia vào các dự án của Giáo hội.

Trong Tông hiến Praedicate Evangelium, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ ra rất rõ rằng thậm chí những người đứng đầu, có thể là bất kỳ ai, bất kỳ Kitô hữu nào, nói một cách chính xác, có thể là giám mục, linh mục, tu sĩ, và giáo dân.

Tôi nghĩ rằng đây là một khái niệm mới, một ý tưởng mới. Vì vậy, chúng ta phải phát triển nó. Tôi không nghi ngờ gì chút gì rằng điều này sẽ tiếp tục diễn ra ở châu Á. Ðã có những ý kiến về điều này và chúng tôi phải xem điều này phù hợp với Giáo luật và với thực tiễn ra sao. Chúng tôi sẽ thảo luận và chắc chắn chúng tôi sẽ đưa ra một số hướng dẫn về cách thức mà giáo dân có thể tham gia nhiều hơn vào toàn bộ sứ mạng của Giáo hội, là truyền giáo và truyền giảng Lời Chúa. Tôi nghĩ chúng tôi sẽ làm được điều đó.

Ðức hồng y Kriengsak: Ðối với tôi, sự đáng tin của đức tin Kitô hữu phụ thuộc chủ yếu vào chứng tá của giáo dân, vốn là thành phần đa số của mỗi quốc gia. Chứng tá của giáo dân, là những người hội nhập với xã hội có thể giúp ích rất nhiều cho việc làm chứng đối với những người theo tôn giáo và tín ngưỡng khác.

Ðúc kết cuộc họp báo

Ðức giám mục Mylo Hubert Vergara:

Ðây là một buổi tối tuyệt vời. Chúng tôi thực sự biết ơn ba vị hồng y, là những người đã tham gia vào việc thực hiện tính Hiệp hành với giới báo chí ở đây cả trực tiếp và trực tuyến.

Ðể kết thúc, như chúng ta đã bắt đầu với ba chữ P: Perspective (quan điểm), Preparation (Chuẩn bị), và Process (Tiến trình) thì tôi xin kết thúc với ba chữ C mà chúng ta đã khám phá ra trong những chia sẻ của ba Ðức hồng y và những suy tư của các tham dự viên Ðại hội đối với Giáo hội Châu Á khi chúng ta kỷ niệm 50 năm và hơn thế nữa.

+ Chữ "C" đầu tiên là Challenges (Thách đố). Các báo cáo quốc gia đã cho thấy nhiều thách thức trong việc hỗ trợ người dân châu Á như: đại dịch, tình trạng khẩn cấp về khí hậu, di cư, thất nghiệp, nghèo đói, kỹ thuật số hóa, chủ nghĩa tiêu thụ, thậm chí cả sức khỏe tâm thần, và nhiều vấn đề khác. Giữa những thách đố này, Giáo hội Châu Á đã đáp lại bằng một chữ "C" khác.

+ Chữ "C" thứ hai là Compassion (Lòng trắc ẩn). Chúng tôi đã không thất vọng trước những thử thách khó khăn để thể hiện lòng trắc ẩn đối với những người mà chúng tôi phục vụ trong sứ mạng. Chúng tôi thể hiện lòng trắc ẩn trong căn tính tư tế, ngôn sứ, và tư cách môn đệ truyền giáo của Chúa Giêsu Kitô qua việc cử hành các bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể; qua việc dạy dỗ tập trung vào việc hình thành đức tin, nhất là đối với giới trẻ; và qua các việc bác ái mang lại lợi ích cho người nghèo ở vùng ngoại biên.

Khi đi đến tuần cuối cùng của Ðại hội, chúng tôi thấy mình có thêm một chữ "C" nữa.

+ Chữ "C" thứ ba là Crossroads (Giao lộ). Trong tinh thần hiệp hành, các tham dự viên đã lắng nghe nhau qua các buổi hội thảo và phiên họp toàn thể. Ðiều này khiến chúng tôi phân định được chúng tôi đã và đang ở đâu, và chúng tôi sẽ tiếp tục như thế nào để phục vụ Giáo hội Á châu. Chúa Thánh Thần đã dẫn chúng tôi đến giao lộ - ngã tư đường. Chúng tôi phải quyết định đi đâu trong phục vụ và sứ mạng của mình để đáp ứng lại cách tốt hơn các dấu chỉ thời đại.

Ðâu là con đường tốt nhất để đi khi tới giao lộ? Câu hỏi này làm tôi nhớ đến một đoạn trích trong bài thơ nổi tiếng của nhà thơ người Mỹ, Robert Frost, có tựa đề "Con đường không được đi". Ðây là những dòng cuối cùng của bài thơ đó, "Hai con đường phân rẽ trong một khu rừng, và tôi - tôi đã đi con đường ít người đi qua hơn và điều đó đã tạo nên sự khác biệt". Có lẽ tại giao lộ của Ðại hội này, chúng ta sẽ được Chúa Thánh Thần dẫn dắt đi con đường ít người đi hơn. Cuối cùng từ "giao lộ" gợi ý rằng chúng ta đi trên con đường sẽ thách thức chúng ta để sống thập giá của Ðức Giêsu Kitô với lòng trắc ẩn trong sự phục vụ và sứ mạng của chúng ta. Chúng ta sẽ cùng nhau bước đi như là những người Á châu và đi một con đường khác, con đường Thập giá. Luôn luôn trên con đường của Chúa chúng ta, và tạo nên sự khác biệt ở Châu Á và Giáo hội hoàn vũ.

* * *

Cuộc họp báo lần thứ nhất của Ðại hội FABC 50 kết thúc với lời cầu nguyện tạ ơn và phép lành của Ðức hồng y Bo.

(Chuyển ngữ từ: cbcpnews.net 27.10.2022)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page